| Hotline: 0983.970.780

Không nên tăng đàn lợn ồ ạt trở lại

Thứ Hai 14/05/2018 , 08:31 (GMT+7)

Từ tháng 4/2018 đến nay, giá lợn hơi cả nước tăng mạnh trở lại, dự báo có thể cán mốc 45.000 đồng/kg trong thời gian tới.

Trước tình hình này, Cục Chăn nuôi khuyến cáo người chăn nuôi không nên tăng đàn ồ ạt trở lại bởi chăn nuôi lợn vẫn đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ về thị trường.

13-06-03_dscf5561
Chăn nuôi lợn vẫn tiềm ẩn những rủi ro phức tạp

NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi về những dự báo, khuyến cáo đối với chăn nuôi lợn trong thời gian tới.

Từ đầu của tháng 4/2018 đến nay, giá lợn hơi trong nước đã tăng trở lại và ngày càng tăng mạnh. Ông đánh giá đâu là nguyên nhân giúp giá lợn khôi phục nhanh trong thời gian qua?

Đúng là giá lợn hơi đã phục hồi rất tốt, ngay những tuần đầu của tháng 4/2018 giá lợn tiêu chuẩn loại siêu nạc có khối lượng từ 100 - 120 kg/con đã ở mức từ 35.000 - 38.000 đồng/kg và hiện nay đang ở mức từ 41.000 - 43.000 đồng/kg, dự báo có thể cán mốc 45.000 đồng/kg trong nửa cuối tháng 5 này và có thể duy trì ở mức cao này trong một thời gian nữa. Tôi cho rằng đây là khung giá tốt nhất cho ngành chăn nuôi lợn của nước ta hiện nay và nên duy trì ở khung giá này thì ngành chăn nuôi lợn trong nước sẽ phát triển bền vững trong giai đoạn 2018 và nửa đầu 2019, còn nếu để tăng cao hơn sẽ là bất lợi.

Nguyên nhân giá lợn khôi phục như hiện nay là kết quả của việc thực hiện các chính sách giảm cung tăng cầu đối với ngành hàng thịt lợn mà Chính phủ và Bộ NN-PTNT đã chỉ đạo, được các địa phương và người chăn nuôi triển khai khá tích cực, trong đó quan trọng là giải pháp giảm đàn nái từ quý I/2017 thì sau 15 tháng đã tác động đến nguồn cung lợn thịt, bắt đầu từ tháng 4/2018 trở đi.

Ông có thể đưa ra những nhận định về tình hình biến động giá lợn trong thời gian tới?

Giá lợn hơi trong nước hiện nay đang phản ánh đúng quan hệ cung cầu và có lợi hơn cho người chăn nuôi, nhưng cũng là chấp nhận được đối với người tiêu dùng, vì hơn một năm qua, người tiêu dùng trong nước đã được sử dụng thịt lợn ở mức rẻ nhất trong khu vực. Tuy vậy, thị trường lợn thịt của chúng ta vẫn đang tiềm ẩn những bất cập và có thể còn diễn biến phức tạp. Bởi đợt “khủng hoảng” chăn nuôi lợn năm 2017 vẫn còn để lại khá nhiều “dư chấn”, trong đó có không ít các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, thậm chí cả chăn nuôi trang trại hiện nay mặc dù rất khó khăn về tài chính nhưng họ vẫn đang quyết tâm khôi phục lại chăn nuôi lợn trong bối cảnh giá lợn đang khôi phục trở lại.

Khuyến cáo nào dành cho người chăn nuôi lợn trong thời điểm này, thưa ông ?

Theo quan điểm của tôi, để đáp ứng nhu cầu và ổn định tương đối thị trường lợn thịt trong thời điểm hiện nay, người chăn nuôi và các cơ quan chức năng cần làm tốt một số giải pháp sau:

Một là không ồ ạt tăng đàn lợn trở lại, mà cần tập trung thâm canh tăng năng suất lợn thịt bằng các giải pháp có thể làm được ngay như: Xây dựng trại tốt (lắp thiết bị làm mát trong mùa hè); thức ăn tốt; quản lý chăm sóc tốt để tăng sức tăng trọng cao nhất, khai thác hết tiềm năng năng suất di truyền của các giống cao sản...

Hai là xuất bán lợn đúng tuổi và đúng khối lượng (ví dụ với lợn siêu nạc có khối lượng từ 100 - 120 kg/con) để vừa thu được hiệu quả chi phí chăn nuôi tối ưu nhất, đồng thời tránh tình trạng khan hiếm giả tạo, gây áp lực ảo cho thị trường, nhất là sắp tới các tháng mùa hè nắng nóng, nhu cầu thịt lợn dự báo sẽ giảm mạnh. Đồng thời, thâm canh tăng năng suất sinh sản, tăng số lứa, số con cai sữa/nái bằng các giải pháp chăm sóc nuôi dưỡng, sử dụng đầy đủ các loại vacxin tốt và tận dụng triệt để số con sơ sinh có thể nuối sống đến cai sữa bằng các giải pháp sưởi ấm, sử dụng thêm các chế phẩm bổ sung, thay thế sữa mẹ nhằm có được nhiều lợn giống đáp ứng ngay cho nhu cầu nuôi thịt... Ở một số địa phương có tập quán chăn nuôi lợn sữa, lợn choai, có thể chuyển một phần sang nuôi vỗ béo nếu có hiệu quả hơn, nhưng phải đáp ứng đủ cơ số lợn sữa, lợn choai để duy trì thị trường xuất khẩu nhóm sản phẩm này.

Đối với các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh giống lợn và thức ăn chăn nuôi cần tiết kiệm chi phi, quản trị tốt hoạt động kinh doanh để có được sản phẩm giống và chất lượng thức ăn với giá phải chăng. Việc tăng đàn nái hậu bị, chỉ nên ở mức độ bình thường và có thể trên mức thay thế đàn tự nhiên một chút, chứ không nên tăng ồ ạt. Vì tăng hậu bị vào thời điểm này thì phải sau 15 tháng nữa (cuối năm 2019) mới có lợn thịt xuất chuồng, tuy nhiên tới cuối năm 2019, giá lợn thịt có thể có những biến động khác với thời điểm hiện nay.

Xin cảm ơn ông!

Các cơ quan quản lý cần thống kê kịp thời và chính xác về đàn nái và nguồn cung đàn lợn thịt để công khai kịp thời trên các phương tiện truyền thông để doanh nghiệp, người chăn nuôi biết nhằm có những điều chỉnh phù hợp, đồng thời giúp Chính phủ, Bộ NN-PTNT có căn cứ chỉ đạo điều hành phù hợp.

Bên cạnh đó, không thể lơ là, thiếu quyết liệt trong công tác phòng chống dịch bệnh, vấn đề triển khai các giải pháp thúc đẩy mạnh hoạt động tổ chức chăn nuôi theo các chuỗi liên kết gắn với giết mổ tập trung, chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm thịt lợn cho tiêu dùng trong nước và tìm kiếm thị trường xuất khẩu chính ngạch mặt hàng thịt lợn ngay cả trong những thời điểm hiện nay khi giá lợn thịt trong nước tăng cao.

(Ông Nguyễn Xuân Dương)

 

Xem thêm
Tắm nước ngọt định kỳ để phòng dịch bệnh cho cá lồng bè trên biển

HẢI PHÒNG Để phòng dịch bệnh cho cá biển nuôi lồng bè vào thời điểm giao mùa, người dân ở Cát Bà thường tắm nước ngọt từ 3-4 lần mỗi tháng và mang lại hiệu quả cao.

Xử lý triệt đề gian lận trong quản lý mã số vùng trồng dừa

Một trong những vấn đề cần giải quyết triệt để hiện nay là tình trạng mua bán mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói trong ngành dừa và nông sản.

Cú hích cho nông nghiệp công nghệ cao ở Mộc Châu

SƠN LA Chuyên gia của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hợp Quốc (FAO) đánh giá cao sự cầu tiến của các hộ trong dự án ‘Nông nghiệp thông minh vì thế hệ tương lai’.