Dễ dàng mua vitamin A trên “chợ mạng”
Hiện nay, vitamin A liều cao không được bán ở các nhà thuốc mà chỉ được phân phối về các trung tâm y tế quận, huyện trong chương trình uống vitamin A quốc gia. Ngoài ra, Vitamin A còn phân phối về các bệnh viện và chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ. Đánh vào tâm lý muốn bổ sung vitamin A cho trẻ của nhiều cha mẹ, loại vitamin này này đang được rao bán công khai trên mạng xã hội với nhiều mức giá khác nhau. Chỉ cần gõ cụm từ “Vitamin A” trên công cụ tìm kiếm của Facebook, vài giây sau đã cho ra rất nhiều kết quả về thông tin bán vitamin A liều cao hàng xách tay với những lời cam kết “hàng chuẩn”.
Gần đây, khi vào mạng xã hội Facebook và các sàn thương mại điện tử như shooppe, lazada... chị Giang (ở Hà Nội) thấy rất nhiều nơi rao bán vitamin A là hàng xách có nguồn gốc xuất xứ từ Ấn Độ, Đức, Australia… Vitamin A liều cao 200.000 IU (đơn vị quốc tế) viên đỏ được rao bán rất nhiều trên mạng với mức giá từ 10.000 đồng đến 20.000 đồng/viên. Vì con gái không thuộc đối tượng được uống vitamin A miễn phí trong chiến dịch “Ngày Vi chất dinh dưỡng” nên chị Giang đã lên Facebook mua về để bổ sung cho con.
Tin vào những lời quảng cáo, không chỉ chị Giang mà rất nhiều phụ huynh đã tự ý mua vitamin A về cho trẻ uống mà không biết rằng tùy tiện bổ sung loại vitamin này sẽ dẫn tới những nguy hại khôn lường cho sức khỏe. Mới đây, đã có 2 người ở Phú Thọ đã bị ngộ độc khi tự ý bổ sung vitamin A. Cụ thể, vào tháng 5/2024, 2 người bị ngộ độc vitamin A tại nhà được đưa vào Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy (Phú Thọ) trong tình trạng nôn, đau đầu, khó thở, co quắp tay chân.
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, vitamin được chia làm 2 nhóm: Vitamin tan trong nước và vitamin tan trong dầu. Vitamin A là loại vitamin tan trong dầu nên khi dư thừa sẽ được tích lũy trong cơ thể, không thể đào thải, gây ra những hệ lụy cho sức khỏe người sử dụng. Vì vậy, khi sử dụng vitamin A tùy tiện, dùng với liều cao một lúc hoặc dùng kéo dài có thể xuất hiện ngộ độc.
Bổ sung vitamin A quá liều gây nguy hiểm
Vitamin A là một vi chất dinh dưỡng quan trọng đối với sức khỏe con người. Cơ thể người không tự tổng hợp được vitamin A mà phải hấp thụ qua thực phẩm hoặc bổ sung bằng các thực phẩm chức năng. Vitamin A là vitamin tan trong chất béo, là chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể trong việc duy trì chức năng của biểu mô, hỗ trợ thay thế tế bào da, tăng cường thị giác.
Vitamin A có vai trò vô cùng quan trọng đối với sức khỏe của mắt là duy trì sức khỏe của giác mạc và kết mạc, bảo vệ mắt khỏi tổn thương, ngăn ngừa các bệnh về mắt như thoái hóa điểm vàng do tuổi tác, đục thủy tinh thể.
Thiếu vitamin A có thể dẫn đến các vấn đề về thị lực và đặc biệt nguy hiểm ở trẻ em. Ngoài ra, vitamin A còn vai trò quan trọng trong việc nâng cao hệ thống miễn dịch của cơ thể. Tham gia vào nhiều khía cạnh của hệ miễn dịch, bao gồm cả việc kích thích sự phát triển và hoạt động của tế bào miễn dịch. Các tiền chất của vitamin A như beta-carotene, alpha-carotene và beta-cryptoxanthin có khả năng chống oxy hóa mạnh, giúp bảo vệ cơ thể khỏi tác động của các gốc tự do gây hại, có thể giúp làm chậm quá trình lão hóa, bảo vệ cơ thể khỏi một số loại ung thư.
Thông thường, vitamin A được hấp thụ qua thực phẩm ăn uống hàng ngày. Trường hợp cần bổ sung sẽ được chỉ định của các bác sĩ. Nếu tự ý sử dụng vitamin A không đúng chỉ dẫn về liều lượng của các bác sĩ có thể dẫn đến tình trạng ngộ độc nghiêm trọng.
Trên thực tế, uống vitamin A khi cơ thể bị thiếu hụt vitamin A thì đối tượng có thể phải bổ sung là phụ nữ mang thai hoặc cho con bú và người mắc các vấn đề sức khỏe, cụ thể:
Thiếu hụt vitamin A: Nếu bạn có triệu chứng của thiếu hụt vitamin A, chẳng hạn như khó thở vào ban đêm, rối loạn thị lực, da khô.
Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú: Phụ nữ mang thai hoặc cho con bú cần bổ sung đủ lượng vitamin A để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi và trẻ sơ sinh. Tuy nhiên, việc bổ sung vitamin A trong trường hợp này nên được thực hiện dưới sự hướng dẫn của bác sĩ.
Mắc các vấn đề sức khỏe cụ thể: Các tình trạng sức khỏe như bệnh tiểu đường, bệnh viêm nhiễm mạn tính, hoặc tình trạng yếu thế miễn dịch có thể ảnh hưởng đến sự hấp thụ và sử dụng vitamin A của cơ thể.
Việc tự ý bổ sung vitamin A quá mức cần thiết sẽ gây nhiều hệ lụy, ngộ độc, ảnh hưởng gan, thậm chí tử vong. Ở người lớn, nếu dùng vitamin A liều cao trên 1.500.000IU/ngày, trẻ em trên 300.000IU/ngày sẽ nguy cơ ngộ độc cấp sau khi uống thuốc từ 4 - 6 giờ. Trường hợp dùng liều cao trên 100.000IU/ngày liên tục trong 10 - 15 ngày có nguy cơ ngộ độc với các triệu chứng điển hình tiêu chảy, gan to, da đổi màu, tăng calci, phù. Trẻ nhỏ ngộ độc vitamin A có nguy cơ tăng áp lực nội sọ, ù tai…
Sử dụng vitamin A liên tục kéo dài gây hại cho gan, thậm chí có nguy cơ dẫn đến xơ gan. Nếu sử dụng liều cao hơn sẽ ngộ độc nặng.
Phòng ngừa thiếu vitamin A
Để phòng, chống thiếu vitamin A cần bảo đảm ăn uống đủ chất dinh dưỡng và vitamin A cho phụ nữ trong thời kỳ mang thai và cho con bú; thực hiện đa dạng hóa bữa ăn. Trong bữa ăn nên có một số thức ăn giàu vitamin A như trứng, cá, thịt, gan, tôm…; thức ăn nguồn gốc thực vật như rau muống, xà lách, rau ngót, rau diếp, rau dền, hành lá, hẹ lá, rau thơm, các loại củ quả (gấc, cà rốt, đu đủ, xoài…).
Đối với trẻ nhỏ, thực hiện nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu và cho trẻ ăn bổ sung hợp lý khi trên 6 tháng tuổi. Thức ăn bổ sung của trẻ cần có đủ dầu, mỡ để hỗ trợ hấp thu vitamin A. Các thực phẩm giàu vitamin A cần được sử dụng tươi, tránh bảo quản lâu ngày, rau củ quả giàu vitamin tốt nhất sử dụng ngay sau khi thu hoạch và ăn sống (trộn salat) để đảm bảo không hao hụt vitamin.
Tuyệt đối không uống vitamin A liều cao (200.000IU) trong thai kỳ vì có thể gây dị dạng thai nhi. Sữa mẹ có nhiều vitamin A hơn sữa công thức, vì vậy trẻ bú sữa mẹ sẽ đề phòng được bệnh khô mắt.
Dự phòng thiếu vitamin A bằng cách bổ sung vitamin A liều cao được thực hiện cho các nhóm đối tượng có nguy cơ cao. Trẻ được uống vitamin A định kỳ, thông thường 6 tháng/lần để dự phòng thiếu vitamin A.
Hiện trẻ được uống vitamin A dự phòng vào ngày vi chất dinh dưỡng (1 - 2/6) và ngày 1/12 hằng năm. Trẻ từ 6 - 36 tháng tuổi (100% số trẻ được uống): 6 - 12 tháng tuổi, uống 1 liều 100.000IU; 12 - 36 tháng tuổi uống 1 liều 200.000IU. Sau đó, cứ 6 tháng uống 1 liều 200.000IU. Bà mẹ sau khi sinh uống 1 liều 200.000IU ngay trong tháng đầu tiên sau khi sinh.