Mối nguy chết người từ ngộ độc methanol
Các vụ ngộ độc rượu liên tiếp xảy ra tại nhiều địa phương thười gian qua, để lại hậu quả nghiêm trọng, đã có trường hợp tử vong. Tại Nghệ An, từ đầu năm 2024 đến nay, Khoa Chống độc Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An đã tiếp nhận hơn 100 ca ngộ độc methanol, trong đó 30-40 trường hợp phải lọc máu. Mới đây vào cuối tháng 11, Bệnh viện đã tiếp nhận 2 bệnh nhân ngộ độc methanol nặng.
Hồi tháng 7, tại Hà Nội, 5 người có biểu hiện ngộ độc methanol, trong đó một trường hợp tử vong ngoại viện sau khi uống rượu tại đám cưới ở huyện Thường Tín. Các bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đau đầu, nhìn mờ, nhiễm toan chuyển hóa rất nặng.
Mới đây nhất, ngày 23/12, thông tin từ Sở Y tế tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, Bệnh viện Vũng Tàu vừa tiếp nhận cấp cứu 4 trường hợp ngộ độc rượu methanol. Sở Y tế tỉnh đã chỉ đạo các đơn vị liên quan truy xuất nguồn gốc rượu để ngăn ngừa nguy cơ tiếp diễn.
Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cũng thường xuyên tiếp nhận các ca ngộ độc methanol, trong đó nhiều trường hợp dẫn đến tử vong. Hầu hết các vụ ngộ độc xảy ra do rượu chứa methanol vượt ngưỡng cho phép.
Nhận biết sớm các dấu hiệu
Rượu có thành phần chính là ethanol, với công thức hóa học C2H5OH, trong khi rượu methanol có công thức hóa học CH3OH. Hai loại rượu này đều được lên men và chưng cất. Tuy nhiên, rượu ethanol lên men từ tinh bột hoặc đường, trong khi methanol lên men từ nguyên liệu chứa cellulose (gỗ). Methanol là chất cực độc, thường dùng trong dung môi, chất tẩy rửa sơn, nước rửa kính, mực in máy photo.
Ngộ độc rượu xảy ra khi uống quá nhiều rượu ethanol trong thời gian ngắn hoặc do uống quá nhiều rượu chứa methanol, dẫn đến lượng cồn trong máu quá nhiều. Gan không kịp đào thải ra ngoài, gây tổn thương tế bào gan, các bộ phận ở não ngừng hoạt động, kèm các biến chứng nguy hiểm như: nghẹt thở, động kinh, hạ thân nhiệt, nhịp tim không đều, thậm chí tử vong. Rượu chứa methanol dễ gây ngộ độc hơn rượu ethanol vì sản phẩm chuyển hóa của methanol là acid formic rất độc. Methanol thường có trong các loại rượu giả, rượu không rõ nguồn gốc.
Các dấu hiệu ngộ độc rượu nặng cần chú ý bao gồm: bất tỉnh, co giật, thở yếu hoặc không đều, môi và da tím tái, nhìn mờ hoặc mù tạm thời, đau bụng dữ dội, và nôn mửa liên tục. Trong nhiều trường hợp, người bệnh không nhận biết mình bị ngộ độc methanol, thường nhầm lẫn với triệu chứng say rượu thông thường.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), về nhận diện, methanol rất giống với rượu ethanol thông thường, thậm chí còn ngọt và dễ uống hơn. Khi mới uống, bệnh nhân cũng có cảm giác giống với say rượu, nên dễ bị nhầm lẫn. Tuy nhiên, khoảng 1-2 ngày sau khi uống, bệnh nhân sẽ có biểu hiện mờ mắt, lơ mơ, thở nhanh và thở sâu giống như khó thở do nhiễm toan chuyển hóa, co giật, hôn mê. Khi đến viện, hầu hết các trường hợp này đã tổn thương não, mù mắt và tụt huyết áp, ở trong tình trạng nguy kịch. Trường hợp được cứu sống cũng sẽ chịu những di chứng nặng nề.
Phòng ngừa ngộ độc methanol
Để tránh nguy cơ ngộ độc, người dân cần tuân thủ một số nguyên tắc: Không sử dụng cồn công nghiệp hoặc rượu có hàm lượng methanol vượt 0,1%. Không uống rượu không rõ nguồn gốc, rượu ngâm với lá, rễ cây, động vật không xác định độc tính. Không uống rượu khi đang đói, mệt hoặc đang sử dụng thuốc. Trẻ em dưới 16 tuổi tuyệt đối không sử dụng rượu, bia.
Người dân được khuyến cáo lựa chọn rượu có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất bởi các cơ sở có đăng ký và đảm bảo chất lượng. Đặc biệt, trong các dịp lễ, Tết, cần uống rượu ở mức độ vừa phải, kết hợp ăn uống và sử dụng nước lọc để giảm tác động của cồn.
Ngoài ra, tuyệt đối không lái xe sau khi uống rượu bia. Với những trường hợp say rượu, nên cho uống bổ sung tinh bột, nước trái cây hoặc sữa để hỗ trợ cơ thể đào thải cồn.
Lời khuyên từ chuyên gia
Các chuyên gia nhấn mạnh, việc sử dụng các loại thuốc giải rượu trên thị trường hiện nay không có tác dụng đáng kể như quảng cáo. Khi có biểu hiện ngộ độc, cần tìm cách nôn hết cồn ra ngoài, sử dụng các biện pháp hỗ trợ như uống nước gừng tươi, sữa nóng hoặc nước chè xanh để giảm độc tố.
Quan trọng nhất, nếu nhận thấy người bệnh có biểu hiện bất thường như ngủ li bì, không tỉnh lại, hoặc nôn nhiều, cần đưa ngay đến cơ sở y tế để được điều trị kịp thời.
Ngộ độc rượu methanol là hồi chuông cảnh báo về ý thức sử dụng rượu bia của người dân. Để giảm thiểu nguy cơ, mỗi người cần nâng cao nhận thức, lựa chọn các sản phẩm an toàn và hạn chế sử dụng rượu không rõ nguồn gốc. Hành động sớm và đúng cách là chìa khóa để bảo vệ sức khỏe và tính mạng, đặc biệt trong mùa lễ hội.