| Hotline: 0983.970.780

Không ngại mưa rét, nông dân tích cực xuống đồng chăm sóc lúa xuân

Thứ Hai 26/02/2024 , 05:38 (GMT+7)

HÀ TĨNH Sau những ngày vui Tết, đón xuân Giáp Thìn, nông dân Hà Tĩnh đã xuống đồng, bắt tay vào chăm sóc lúa xuân bất kể trời mưa rét.

Những ngày này, không khí lạnh tăng cường nên thời tiết ở Hà Tĩnh rét đậm và mưa nhẹ, nhưng khắp nơi, bà con nông dân vẫn tập trung ra đồng tỉa dặm lại những diện tích lúa gieo sạ không đều hoặc do chuột, ốc bươu vàng cắn phá; làm cỏ, dẫn nước vào chân ruộng để bón thúc các loại phân bón đợt 1 giúp cây lúa nhanh phục hồi, đẻ nhánh khỏe, tập trung, sớm đạt số nhánh tối đa. Nông dân cũng áp dụng các biện pháp thủ công hoặc dùng thuốc sinh học để diệt chuột, diệt ốc bươu vàng bảo vệ cây lúa, giúp lúa xuân sinh trưởng, phát triển tốt.

Nông dân tại huyện Can Lộc tích cực xuống đồng bón thúc đợt 1 cho lúa xuân. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nông dân tại huyện Can Lộc tích cực xuống đồng bón thúc đợt 1 cho lúa xuân. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Vụ xuân năm nay, chị Chu Thị Thành tại xã Việt Tiến (Thạch Hà, Hà Tĩnh) gieo cấy gần 10 sào, trong đó có hơn 1 sào lúa sử dụng giống mới thay thế giống Khang Dân truyền thống được sử dụng nhiều năm trước. Đến nay, các diện tích lúa gieo cấy sớm đã được hơn 1 tháng, thời gian đầu mới gieo cấy cây lúa phát triển khá tốt, tuy nhiên đợt rét đậm, rét hại kéo dài hồi cuối tháng 1/2024 đã ảnh hướng rất lớn đến quá trình sinh trưởng của cây lúa. Chị Thành cho biết hiện gia đình đang tiến hành tỉa dặm, làm cỏ, bón phân và triển khai các biện pháp phòng trừ sâu bệnh để phấn đấu mùa vụ bội thu.

Vụ xuân 2024, toàn huyện Thạch Hà gieo cấy 7.970ha lúa. Các bộ giống chủ lực được huyện ưu tiên lựa chọn như Nếp 98, Lai Thơm 6, Bắc Thịnh, Hà Phát 3, MHC2, HD11, HaNa 7, Hương Bình... Xác định vụ xuân là vụ chính nên để đảm bảo thắng lợi về năng suất và sản lượng lúa, ngay từ đầu vụ, huyện đã ban hành công văn chỉ đạo các địa phương thực hiện các biện pháp kỹ thuật theo khuyến cáo của ngành chuyên môn. Đặc biệt, với những xã khó khăn về nguồn nước tưới, huyện đã chủ động phối hợp xây dựng và triển khai kế hoạch điều tiết nguồn nước hợp lý, giúp nông dân hoàn thành việc tỉa dặm, bón thúc theo khung lịch mà ngành chuyên môn đã khuyến cáo.

Nông dân tranh thủ xuống đồng dặm tỉa lúa để đảm bảo mật độ. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nông dân tranh thủ xuống đồng dặm tỉa lúa để đảm bảo mật độ. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Gia đình bà Nguyễn Thị Thu tại thôn Nhân Phong, xã Gia Hanh (Can Lộc, Hà Tĩnh) gieo thẳng hơn 9 sào lúa với các giống Hà Phát, VNR20 và Nếp 97, hiện lúa đang bước vào giai đoạn bén rễ, hồi xanh, đẻ nhánh. Bà Thu cho biết, do ảnh hưởng bất lợi của đợt rét đậm, rét hại cuối tháng 1/2024 nên tỷ lệ lúa bị chết lớn hơn những năm trước. Bởi vậy, gia đình đang tốc lực triển khai tỉa dặm để đảm bảo mật độ.

"Trước, trong và sau Tết là thời điểm sâu bệnh hại lúa có xu hướng diễn biến phức tạp, nên từ ngày mồng 4 Tết tôi đã đi kiểm tra diện tích lúa đã gieo, đồng thời có các biện pháp bảo vệ giúp lúa sinh trưởng tốt”.

Đang kiểm tra phần ruộng của gia đình mình, ông Nguyễn Hữu Minh (Can Lộc, Hà Tĩnh) cho biết: Vụ mùa năm nay, gia đình ông gieo sạ gần 8 sào lúa Khang Dân 18 và Nếp 98. Ngay sau khi gieo sạ xong, ông Minh đã tích cực ra đồng điều tiết hợp lý mực nước trong chân ruộng nhằm giúp cây lúa mọc đều và sử dụng các biện pháp thủ công, thuốc sinh học đồng loạt xuống đồng diệt chuột. Thời điểm này, gia đình ông đang triển khai các biện pháp chăm sóc, bón phân, tỉa dặm lại những diện tích lúa gieo sạ không đều, do chuột gây hại để đảm bảo mật độ.

Dù trời mưa dầm, rét buốt, nhiều nông dân vẫn ra đồng dọn cỏ bờ, dặm tỉ lúa. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Dù trời mưa dầm, rét buốt, nhiều nông dân vẫn ra đồng dọn cỏ bờ, dặm tỉ lúa. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Theo Phòng NN-PTNT huyện Can Lộc, vụ xuân năm 2024, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện chuyển đổi ruộng đất, dồn điền, đổi thửa và phá bỏ bờ thửa nhỏ để chỉnh trang đồng ruộng, hình thành ô thửa lớn, cánh đồng lớn gắn với củng cố, nâng cấp hệ thống giao thông, thủy lợi đồng bộ.

Vụ xuân 2024, toàn huyện gieo cấy hơn 9 nghìn ha lúa, trong đó hơn 5.900ha sản xuất tập trung theo bộ cơ cấu giống của tỉnh. Thời điểm này, các địa phương ở Can Lộc đang tập trung tuyên truyền, vận động người dân tăng cường các biện pháp chăm sóc lúa xuân như dặm tỉa, đảm bảo mật độ theo quy trình kỹ thuật, tiến hành bón thúc đợt 1 để tạo đà cho lúa đẻ nhánh, sinh trưởng và phát triển tốt.

Hiện nay, lúa xuân đang giai đoạn đẻ nhánh, phát triển mạnh về thân lá, đây cũng là thời điểm thường bị một số sâu bệnh phát sinh, phát triển gây hại. Qua kiểm tra của ngành chuyên môn cho thấy, bọ trĩ gây hại rải rác trên một số diện tích trà xuân sớm; sâu cuốn lá nhỏ gây hại cục bộ ở một số diện tích lúa gieo thẳng với mật độ 7 - 10 con/m2, tập trung ở huyện Đức Thọ, Lộc Hà và Can Lộc… Bệnh đạo ôn lá phát sinh gây hại trên giống NX30, P6, Thái Xuyên 111 ở huyện Nghi Xuân, Đức Thọ và Thạch Hà, tỉ lệ 1 - 3%, nơi cao 3 - 5%.

Nhiều đám ruộng bị chuột cắn phá, bà con tranh thủ dọn vệ sinh ruộng để tỉa dặm, đồng thời triển khai các biện pháp ngăn chặn, diệt chuột. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nhiều đám ruộng bị chuột cắn phá, bà con tranh thủ dọn vệ sinh ruộng để tỉa dặm, đồng thời triển khai các biện pháp ngăn chặn, diệt chuột. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Hiện nay, thời tiết có ẩm độ cao, thuận lợi cho bệnh đạo ôn phát tán. Đồng thời, giai đoạn này bà con đang tiến hành bón thúc cho lúa đẻ nhánh, phát triển mạnh về thân lá, cũng là điều kiện để bệnh đạo ôn phát sinh gây hại và có nguy cơ lây lan trên diện rộng. Do vậy bà con cần theo dõi chặt chẽ diễn biến của các đối tượng sinh vật gây hại để có biện pháp phòng trừ kịp thời.

Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Tĩnh khuyến cáo: Tranh thủ thời tiết thuận lợi, các địa phương cần động viên nông dân đồng loạt triển khai dặm tỉa lúa xuân theo quy trình kỹ thuật của từng bộ giống, đảm bảo mật độ phù hợp, sau đó tiến hành bón thúc, tạo đà cho lúa đẻ nhánh, sinh trưởng. Đối với những vùng khó khăn về nguồn nước tưới, các địa phương cần có giải pháp chủ động trong điều tiết nguồn nước, duy trì mực nước trên mặt ruộng lúa thích hợp, tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa sinh trưởng tốt.

Một số khu vực ruộng ven khu dân cư, gần các gò đống bị chuột cắn phá được nông dân quây kín bằng nilon để ngặn chuột xâm nhập. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Một số khu vực ruộng ven khu dân cư, gần các gò đống bị chuột cắn phá được nông dân quây kín bằng nilon để ngặn chuột xâm nhập. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Trong điều kiện thời tiết tại Hà Tĩnh có sương mù, độ ẩm cao như hiện nay, các địa phương cần chủ động công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo các đối tượng sinh vật gây hại ngay từ đầu vụ, trong đó tập trung các đối tượng như bệnh đạo ôn trên lá, ruồi đục nõn hại lúa... Bên cạnh đó, cần tiến hành vây bắt chuột, khoanh nilon xung quanh ruộng để bảo vệ lúa non khỏi chuột cắn phá. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nông dân thường xuyên bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ diễn biến bệnh đạo ôn để chủ động phát hiện và có giải pháp phòng trừ kịp thời, tránh phát sinh ra diện rộng.

Vụ xuân năm 2024, Hà Tĩnh sản xuất 59.107ha lúa. Theo kế hoạch, đến 28/2/2024, chính quyền địa phương các cấp và ngành chuyên môn sẽ chỉ đạo bà con nông dân hoàn thành việc tỉa dặm và kết hợp bón thúc đợt 1 cho cây lúa.

Xem thêm
‘Đòn bẩy’ nuôi gà thả đồi

Mô hình liên kết nuôi gà thịt gắn với tiêu thụ tại Hoài Ân là ‘đòn bẩy’ thúc đẩy chăn nuôi gà thả đồi giai đoạn 2022 - 2026 theo chính sách khuyến khích của Bình Định.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.