| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Hà Nam tranh tài cấy lúa bằng máy

Thứ Hai 19/02/2024 , 16:03 (GMT+7)

Tỉnh Hà Nam tổ chức Hội thi Nông dân tranh tài cấy lúa giỏi bằng máy nhằm thúc đẩy cơ giới hóa đồng bộ ruộng đồng trong vụ lúa xuân 2024.

Tranh tài cấy máy

Sáng 19/2, tại cánh đồng xã Đồng Du (huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam), ngành nông nghiệp của tỉnh này đã tổ chức hội thi để các nông dân tranh tài vận hành máy cấy lúa. Đây là một trong nhiều hoạt động cổ vũ cơ giới hóa trong nông nghiệp của tỉnh Hà Nam sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.

10 đội thi tranh tài tại hội thi cấy lúa giỏi bằng máy sáng ngày 19/2. Ảnh: Thái Bình.

10 đội thi tranh tài tại hội thi cấy lúa giỏi bằng máy sáng ngày 19/2. Ảnh: Thái Bình.

Hội thi được tổ chức tại cánh đồng Bãi Nội (HTX thôn Nội, xã Đồng Du) gồm 9 đội thi đến từ các HTX, Hội Nông dân cung cấp dịch vụ mạ khay, máy cấy từ các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh Hà Nam cùng tranh tài.

Theo thể lệ cuộc thi, tối đa trong thời gian 20 phút, các đội phải hoàn thành cấy máy xong 5 sào ruộng tại cánh đồng Bãi Nội. Dựa trên 5 tiêu chí chấm điểm: độ sâu cấy, số rảnh trên khóm, khoảng cách và thời gian cấy. Kết thúc hội thi, BTC đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 2 giải Ba và 5 giải Khuyến khích cho các đội tham sự.

Lãnh đạo tỉnh Hà Nam ra tận bờ ruộng để cổ vũ cuộc tranh tài nông dân sử dụng thành thạo cơ giới hóa. 

Lãnh đạo tỉnh Hà Nam ra tận bờ ruộng để cổ vũ cuộc tranh tài nông dân sử dụng thành thạo cơ giới hóa. 

Theo lãnh đạo tỉnh Hà Nam, Hội thi được tổ chức nhằm thúc đẩy việc áp dụng cơ giới hóa trong khâu gieo cấy lúa, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 15/9/2021 của Tỉnh ủy về đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới bền vững, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu tỉnh Hà Nam giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; chủ động được quy trình công nghệ trong sản xuất mạ khay và chăm sóc lúa cấy máy để đào tạo, chuyển giao cho đội ngũ cán bộ nông nghiệp và nông dân nòng cốt của tỉnh.

Cuộc tranh tài của nông dân trên cánh đồng không dấu chân người. Ảnh: Thái Bình.

Cuộc tranh tài của nông dân trên cánh đồng không dấu chân người. Ảnh: Thái Bình.

Ngoài ra, nhằm tuyên truyền, nâng cao tay nghề, kiến thức hiểu biết cho nông dân những thông tin về chủ trương, chính sách; nâng cao năng lực về tổ chức sản xuất, phát triển dịch vụ nông nghiệp cho các HTX, tổ chức, cá nhân có nhu cầu, giúp người nông dân có cơ hội giao lưu, học hỏi được những kinh nghiệm và tiến bộ kỹ thuật mới, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng và phát triển nông nghiệp bền vững.

Ngoài nông dân của tỉnh Hà Nam, Ban tổ chức cuộc thi cũng mời đại diện Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, Ninh Bình và Thành phố Hà Nội cùng tham dự, cùng đại diện lãnh đạo một số đơn vị Cục Trồng trọt, Cục Bảo vệ thực vật… (Bộ NN-PTNT) tham dự.

Lợi trăm bề nhờ cấy lúa máy

Theo ông Nguyễn Đức Vượng, PCT UBND tỉnh Hà Nam, để giảm thiểu chi phí đầu tư trong sản xuất nông nghiệp, người trồng lúa bám đồng ruộng, sản xuất có lãi thì cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm mạ, cấy, chăm sóc đến thu hoạch gắn với bộ giống lúa chất lượng cao đang là đòi hỏi bức thiết.

Hà Nam có tổng diện tích gieo trồng lúa toàn tỉnh là trên 58.000 ha/năm; sản lượng trên 363.000 tấn, giá trị sản xuất đạt 2.278 tỷ đồng, chiếm 64,4% giá trị sản xuất trồng trọt. Những năm gần đây, nhiều địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh việc đưa máy móc vào phục vụ sản xuất nông nghiệp, qua đó đã góp phần giảm sức lao động, giảm chi phí đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản, tăng hiệu quả kinh tế, đồng thời giải quyết được vấn đề bỏ hoang ruộng đất do thiếu hụt nhân lực làm nông nghiệp.

Những năm gần đây, Hà Nam có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy cơ giới hóa đồng ruộng, đặc biệt vận động nông dân cấy lúa máy, hạn chế gieo sạ để hạn chế lúa cỏ. Ảnh: Thái Bình.

Những năm gần đây, Hà Nam có nhiều chính sách nhằm thúc đẩy cơ giới hóa đồng ruộng, đặc biệt vận động nông dân cấy lúa máy, hạn chế gieo sạ để hạn chế lúa cỏ. Ảnh: Thái Bình.

Tại Hà Nam, 3 năm trở lại đây lúa cỏ xuất hiện phát triển mạnh trên đồng ruộng. Diện tích bị nhiễm lúa cỏ mỗi vụ khoảng 100ha. Vì vậy, việc ngừng gieo sạ trên chân ruộng bị nhiễm, tổ chức cấy máy hoặc cấy tay kết hợp điều tiết nước hợp lý mới hạn chế được lúa cỏ.

Việc triển khai cơ giới hóa trên đồng ruộng của Hà Nam thời gian qua đã thu được những kết quả tích cực. Theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2016-2019, các địa phương trong tỉnh đã được hỗ trợ tổng số 153 máy cơ giới, gồm 89 máy làm đất, 53 máy gặt đập liên hợp, 11 máy cấy. Tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất, bơm tưới đã đạt 100%, khâu cấy máy đạt trên 15% diện tích, khâu phun thuốc BVTV bằng máy bay không người mới đạt khoảng 5% diện tích, thu hoạch lúa đạt khoảng trên 90%, bảo quản sau thu hoạch đạt khoảng 3-5% sản lượng.

UBND tỉnh Hà Nam đã ban hành quyết định phê duyệt Đề án phát triển dịch vụ mạ khay, cấy máy tỉnh Hà Nam giai đoạn 2020-2023. Đến nay, đã hỗ trợ cho 16 mô hình trình diễn cấy máy, 10 tổ dịch vụ mạ khay. Diện tích gieo cấy bằng máy của tỉnh đã tăng dần qua các năm: năm 2021 là 1.252ha chiếm 2,2% diện tích gieo cấy; năm 2022 là 4.654ha chiếm 8,01% diện tích gieo cấy; năm 2023 diện tích cấy máy toàn tỉnh là 9.644ha (đạt 192,9% so với kế hoạch), chiếm 16,8% diện tích gieo cấy toàn.

BTC Hội thi trao giải cho các đội chiến thắng và cờ kỷ niệm cho 10 đội tham gia tranh tài. Ảnh: Thái Bình.

BTC Hội thi trao giải cho các đội chiến thắng và cờ kỷ niệm cho 10 đội tham gia tranh tài. Ảnh: Thái Bình.

HĐND tỉnh cũng ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh như máy cấy, máy cuộn rơm, giàn gieo khay mạ tự động, máy bay phun thuốc BVTV…, là động lực thúc đẩy các địa phương đẩy nhanh quá trình cơ giới hóa đồng bộ trên đồng ruộng.

Hà Nam cũng duy trì thực hiện 72 mô hình cánh đồng mẫu với tổng diện tích trên 2.000ha theo hướng liền bờ, liền thửa, cùng trà, cùng giống, thúc đẩy liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa các doanh nghiệp, HTX với nông dân... Các mô hình triển khai đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa vào sản xuất, vì vậy năng suất lúa cao hơn từ 5 - 10%, giá trị thu được cao hơn đại trà 5 - 15 triệu đồng/ha.

“Cơ giới hóa là xu thế tất yếu giúp đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo bước đột phá trong sản xuất nông nghiệp. Hội thi giúp người nông dân nắm bắt được các chủ trương chính sách và các giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất; khuyến khích nông dân mạnh dạn liên kết sản xuất để hình thành các tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm tăng quy mô vùng sản xuất và hình thành các tổ, nhóm dịch vụ cơ giới hóa từ khâu làm đất, cấy máy, tưới nước, chăm sóc đến thu hoạch; tăng cường liên kết trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp giữa nông dân và doanh nghiệp” – PCT tỉnh Hà Nam Nguyễn Đức Vượng nói.

Xem thêm
Nuôi bò 3B thâm canh, tăng trọng gần 1kg/ngày

QUẢNG TRỊ Qua theo dõi, bò lai BBB nuôi theo hình thức thâm canh tăng trọng trung bình 0,9kg/con/ngày, tương ứng 27kg/con/tháng.

Cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc

HÀ NỘI Tại Đại hội đồng Liên hợp quốc năm 2024 về kháng thuốc đặt mục tiêu đến 2030, các quốc gia cam kết giảm 10% tỷ lệ tử vong liên quan đến kháng thuốc.

Mưa trái mùa suýt làm người trồng hoa mất Tết

Trà Vinh Chính quyền phường đã nhanh chóng tháo cống, gia cố hệ thống thoát nước, kịp thời cứu được 100.000 chậu hoa của 85 hộ dân khỏi ngập úng.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.