| Hotline: 0983.970.780

Tiến sĩ Bùi Huy Hiền - nguyên Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa:

Không thể thải độc cho đất trên phạm vi toàn quốc

Thứ Sáu 30/03/2018 , 10:05 (GMT+7)

Trên phạm vi nhỏ một vài ha, một vài chục ha còn thải độc được nhưng với hơn 10 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp của cả nước, không thể làm được điều đó vì rất tốn kém và bất khả thi. Bởi thế phải có ngay những chính sách mang tính vĩ mô…

 

16-21-41_dsc_0801
Tiến sĩ Bùi Huy Hiền

Nghĩ đến sản xuất nông nghiệp là nghĩ đến yếu tố đầu tiên: đất. Thế nhưng điều đáng buồn là giới khoa học về đất hiện nay đang bị lãng quên?

Đó là do cách tiếp cận của lãnh đạo. Khoa học nghiên cứu cơ bản về đất gồm vật lý đất, hóa học đất và sinh vật đất trong những năm gần đây chúng ta hầu như không có. Học viện Nông nghiệp Việt Nam có khoa quản lý đất đai nhưng chỉ có bộ môn quy hoạch đất thôi còn bộ môn về thổ nhưỡng thì bị lãng quên. Trước đây tôi thỉnh thoảng còn sang Học Viện Nông nghiệp Việt Nam để dạy Bộ môn Nông học và Thổ nhưỡng nhưng giờ số lượng sinh viên càng ngày càng ít đi, gần đây hầu như là không có. Thạc sĩ, tiến sĩ hiện chủ yếu làm về quản lý đất đai chứ về không làm về thổ nhưỡng.

Các viện nghiên cứu về thổ nhưỡng cũng như vậy thôi. Vì sao? Muốn có nghiên cứu thì phải có tiền, có nhà nước hoặc có các doanh nghiệp đầu tư thì các nhà khoa học mới có việc làm. Bởi vậy Việt Nam không có đề tài cơ bản về khoa học đất mà chỉ có nghiên cứu sao cho phân chia ra các loại đất, gắn vào đó là quy hoạch xây dựng các khu đô thị, khu công nghiệp, gắn vào đó là đền bù, giải phóng mặt bằng… Nói cách khác chỉ là anh địa chính không hơn không kém.

Lúc tôi làm Viện trưởng Viện Thổ nhưỡng Nông hóa từ 1999 đến 2008, không có một đề tài nghiên cứu cơ bản nào về khoa học đất mà chỉ có 1 đề tài nghiên cứu cấp viện về khoáng đất, một dạng đề tài nhánh. Hiện nay chỉ có Viện Môi trường Nông nghiệp làm nhiệm vụ quan trắc môi trường đất ở ba vùng Bắc, Trung, Nam. Bởi vậy rất thiếu thông tin, số liệu chính thức về độ suy thoái, bóc mòn, rửa trôi của đất.

Khoa học đất của các nước phát triển gắn liền với từng lĩnh vực sản xuất. Các trang trại, các tập đoàn lớn phải nghiên cứu độ phì nhiêu của đất, về sinh vật đất, hóa học đất, vật lý đất để sau đó đưa ra các biện pháp kỹ thuật tổng hợp từ các dữ liệu đó thì trồng nông sản loại gì, bón phân thế nào để không những đạt năng suất mà còn chất lượng. Các tổ chức thổ nhưỡng của các nước có nguồn quỹ rất lớn để phục vụ cho nhiệm vụ nghiên cứu hàng năm, nghiên cứu cơ bản với nguồn vốn là của nhà nước và của các tập đoàn tài trợ.

Chúng ta từng có phong trào bồi bổ đất đai bằng phân xanh, bằng bèo hoa dâu, bằng phân chuồng, có cả vị đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm đầu tầu. Nay hầu như không còn nữa. Phải chăng là chúng ta đang bạc đãi đất đai kiểu bóc ngắn, cắn dài?

Một thời gian dài chúng ta sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh. Đã là thâm canh bắt buộc chúng ta ngoài sử dụng giống tốt ra phải cho cây trồng ăn thêm dinh dưỡng, phải phòng thêm bệnh tật. Người ta chủ yếu sử dụng phân hóa học, thuốc BVTV hóa học cho việc này khiến đất đai bị suy thoái.

Ngay cả phân hóa học, nếu bón nhiều, cây ăn không hết, lượng dư thừa sẽ trôi theo dòng nước, ngấm xuống đất. Thêm vào đó là các thuốc BVTV hóa học. Hình ảnh người nông dân đẩy xe phân chuồng, phân xanh ra đồng ngày một hiếm.

Sử dụng phân bón hữu cơ do hiệu suất thấp, do tốn nhiều công nên ngày càng ít đi mà thường nông dân chỉ sử dụng phân hóa học. Về việc này tất nhiên là có hại. Đã là đất đai, bất kỳ loại nào cũng cần được cung cấp chất hữu cơ để duy trì các tính chất vật lý đất, sinh vật của đất. Dù hàm lượng dinh dưỡng của phân hữu cơ không nhiều nhưng rất quan trọng để duy trì độ phì nhiêu của đất, giúp nó không bị suy thoái.

Nếu đất phì nhiêu thì bộ rễ của cây trồng sẽ ăn xuống rất sâu còn ngược lại, đất suy thoái thì bộ rễ cây trồng sẽ ăn rất nông. Qua chiều sâu của bộ rễ người ta có thể biết được đất bên dưới phì nhiêu hay suy thoái. Qua chiều sâu của bộ rễ cây người ta biết được lượng dinh dưỡng đủ hay không đủ.

Ngoài chuyện đất suy thoái đất còn bị ảnh hưởng bởi nước suy thoái. Nước sông chảy qua các khu công nghiệp đang mang theo các loại chất độc rồi ngấm vào đất, bị keo đất giữ lại, tác động xấu đến cây trồng sau này.

Một số doanh nghiệp sản xuất nông sản sạch sau khi thuê được đất của người dân phải bỏ hoang hoặc trồng cây họ đậu một thời gian để đất thải độc rồi mới canh tác. Làm sao để có chính sách vĩ mô cho một nền nông nghiệp bền vững mà trong đó đất đai được bồi bổ?

Trên phạm vi nhỏ một vài ha, một vài chục ha còn thải độc được nhưng với hơn 10 triệu ha đất sản xuất nông nghiệp của cả nước, không thể làm được điều đó vì rất tốn kém và bất khả thi.

16-21-41_dsc_0511
Đất đai đang bị bóc lột không thương tiếc bằng hóa chất, phân hóa học
Rất khó dự đoán được chất lượng đất đai của Việt Nam hiện nay so với 10, 15, 20 năm trước như thế nào. Từng nhóm đất, từng loại đất, diễn biến độ phì nhiêu của nó, đất đang suy thoái hay được cải thiện không ai biết. Không có số liệu chính thức nào cả.

Vĩ mô là nhà nước phải xây dựng các cơ chế, chính sách gắn vào đó là các tổ chức chính trị nằm bên dưới từ Bộ Nông nghiệp và PTNT đến các đơn vị trực thuộc như trung tâm khuyến nông, các viện, các trường khi tập huấn, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật cho nông dân phải chỉ rõ quy trình canh tác bền vững. Và đối tượng nông dân phải tuân thủ đúng theo quy trình đó, nếu không thực hiện thì các cơ quan phải ra khuyến cáo không nên mua nông sản của vùng đó vì không đạt tiêu chuẩn, vì chúng bị ô nhiễm.

Chúng ta đang thiếu vốn, thiếu chính sách hay thiếu cả hai?

Thiếu cả hai. Về vĩ mô, thể chế chính sách đang không ưu tiên cho nghiên cứu cơ bản để duy trì độ phì nhiêu của đất. Về vi mô, người nông dân sử dụng đất chưa áp dụng các biện pháp kỹ thuật để duy trì độ phì nhiêu của đất. Còn các nhà khoa học về đất đứng ở giữa thì thất nghiệp, ngồi chơi xơi nước.

Bởi cán bộ Viện Thổ nhưỡng Nông hóa không có đề tài về khoa học đất nên phải gắn với các địa phương để làm các chỉ dẫn địa lý, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho nông sản. Đó là hướng đi lệch. Theo ước lượng của tôi, khoảng 60% cán bộ thổ nhưỡng của Viện hiện đang không có việc mà làm. Hồi tôi làm Viện trưởng năm nào cũng xây dựng kế hoạch để xin vốn cho các đề tài cấp nhà nước, cấp bộ nhưng không bao giờ được duyệt. Lúc đó chỉ có đề tài nhánh cấp viện, chỉ được 20-30 triệu/năm chứ không có nhiều. Viện giờ đang chuẩn bị khánh thành trụ sở mới, rất to đẹp nhưng cái quan trọng nhất là dù có mở rộng cơ sở hạ tầng, mua sắm thiết bị mà không có được các đề tài nghiên cứu cơ bản của nhà nước đặt hàng thì cũng bằng không.

Ngoài Viện Thổ nhưỡng Nông hóa, các viện khác nằm trong Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam cũng có những bộ môn khoa học đất, cũng đang phải làm trái ngành, trái nghề. Trong tổng số khoảng 1.000 nhà khoa học đất của Việt Nam, đa số đều đang làm trái ngành, trái nghề như vậy. Đến ngay cả cái bảo tàng đất nằm trong Viện Thổ nhưỡng Nông hóa phục vụ cho giáo dục, đào tạo cán bộ khoa học mà quanh năm phải đóng cửa im ỉm, không có sinh viên đến học tập thì nào có tác dụng gì? Bố mẹ cho họ tiền để học đại học 4 năm, chưa kể học lên thạc sĩ, tiến sĩ mà không được sử dụng, mà phải bỏ nghề để sang các công ty làm thuê.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Nuôi ngựa bạch dưới tán rừng

Chăn nuôi ngựa bạch theo hướng hàng hóa dưới tán rừng mang lại hiệu quả kinh tế, tạo việc làm cho lao động tại địa phương, nâng cao đời sống người dân.

Khống chế được dịch bệnh, người chăn nuôi yên tâm tái đàn

Nhờ ngành chức năng Bình Định khống chế được dịch bệnh cộng giá heo tăng nên người chăn nuôi ở địa phương miền Trung này yên tâm tái đàn.

Vào mùa mưa, cây giống hút hàng, giá tăng 20 - 30%

BẾN TRE Đầu mùa mưa, do nhu cầu mua cây giống của nông dân tăng khá cao nên giá mặt hàng này cũng tăng từ 20 - 30% so với cùng kỳ năm ngoái.