| Hotline: 0983.970.780

Không thể xuất hết 400 nghìn tấn gạo trong tháng 4

Thứ Ba 21/04/2020 , 18:11 (GMT+7)

Ngày 21/4, Bộ Công Thương đã có thông tin lý giải về hạn ngạch 400 nghìn tấn gạo cho phép xuất khẩu trong tháng 4/2020.

Tại buổi Giao ban Báo chí do Ban Tuyên giao Trung ương tổ chức ngày 21/4, trả lời về việc có hay không nguy cơ xảy ra mất an ninh lương thực tại thời điểm ngày 23/3/2020 (ngày Chính phủ cho dừng xuất khẩu gạo theo đề xuất của Bộ Công Thương), Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh khẳng định có nguy cơ này.

Thứ trưởng Trần Quốc Khánh dẫn chứng: Đến hết tháng 2/2020, nước ta đã xuất khẩu đạt 930 nghìn tấn gạo; 15 ngày đầu tháng 3/2020, cả nước tiếp tục xuất khẩu thêm 370 nghìn tấn gạo, nâng tổng lượng gạo xuất khẩu tính đến ngày 15/3/2020 đạt tổng cộng 1,3 triệu tấn gạo. Thời điểm đó, các nước nhập khẩu đều hút gạo ra khỏi Việt Nam rất mạnh do rất nhiều nước tăng cường dự trữ chiến lược và tìm đến Việt Nam để mua gạo.

Thu hoạch lúa tại ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Thu hoạch lúa tại ĐBSCL. Ảnh: Lê Hoàng Vũ.

Như vậy nếu tiếp tục duy trì tốc độ xuất khẩu này, Bộ Công Thương tính toán đến hết tháng 5/2020, nước ta sẽ xuất khẩu thêm khoảng 1,8 triệu tấn gạo nữa. Nếu cộng thêm 1,3 triệu tấn đã xuất khẩu (tính đến ngày 15/3), thì tổng lượng gạo dự tính xuất khẩu đến hết tháng 5/2020 sẽ xoay quanh khoảng 3,1 đến 3,2 triệu tấn.

Trong khi đó, Bộ Công Thương được Bộ NN-PTNT cho biết mặc dù vụ Đông xuân được mùa, nhưng tổng lượng gạo có thể dành cho xuất khẩu cũng chỉ khoảng 3 triệu tấn. Như vậy nếu cộng thêm cả sản lượng gạo gối đầu từ năm 2019 chuyển qua, cả nước chỉ có khoảng 3,2 triệu tấn để xuất khẩu. Với 3,2 triệu tấn này, nếu để duy trì tốc độ xuất khẩu như thời điểm trước ngày 23/3/2020, thì chỉ khoảng đến cuối tháng 5/2020, sẽ có nguy cơ thiếu gạo để tiêu dùng trong nước. Bởi lúc đó lượng gạo xuất khẩu sẽ bắt đầu tăng tiếp vào lượng mà đáng lẽ ra sẽ dùng để tiêu dùng và dự trữ trong nước.

Về mức hạn ngạch xuất khẩu 400 nghìn tấn gạo trong tháng 4/2020 mà Bộ Công Thương đưa ra trình Chính phủ (và có thể 400 nghìn tấn nữa trong tháng 5/2020) mà không phải là con số khác? Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết với tốc độ xuất khẩu gạo duy trì như thời điểm trước 15/3/2020, tổng lượng gạo xuất khẩu dự tính đến cuối tháng 3/2020 sẽ vào khoảng 1,7 triệu tấn.

Như vậy với tổng lượng gạo có thể dành cho xuất khẩu (đến hết tháng 5/2020) khoảng 3,2 triệu tấn, chỉ còn lại khoảng 1,5 triệu tấn dành cho xuất khẩu trong tháng 4 và 5/2020 (trong số này, theo tính toán của Bộ NN-PTNT thì lượng gạo dành cho xuất khẩu đã tính trừ đi lượng gạo dành cho dự trữ quốc gia).

Trong khi đó tại thời điểm 23/3/2020, lượng gạo dành cho dự trữ quốc gia (khoảng gần 200 nghìn tấn vẫn chưa mua được). Vì vậy, Bộ Công Thương đã tính toán và cho thấy cần thiết phải giữ lại khoảng 300 nghìn tấn gạo để dành cho dự trữ quốc gia.

Đồng thời, kiến nghị dành thêm khoảng 400 nghìn tấn nữa để đảm bảo lương thực cho người dân trong nước. Con số này căn cứ vào dự kiến của Bộ Công Thương về việc mỗi người dân cần dự phòng thêm mỗi người 7,2kg gạo (tương đương khoảng 30 kg gạo/hộ trong vòng 2 tháng). Tổng cộng, sẽ cần khoảng 700 nghìn tấn gạo để dự trữ (gồm cả để dành cho dự trữ quốc gia và dự trữ lưu thông trong 2 tháng).

Theo đó, số lượng gạo dành cho xuất khẩu còn lại sẽ khoảng 800 nghìn tấn, tương đương với số lượng gạo dành cho xuất khẩu mỗi tháng khoảng 400 nghìn tấn (tháng 4 và 5/2020).

Theo Bộ Công thương, nhiều khả năng không thể xuất khẩu hết lượng gạo 400 nghìn tấn đã được cấp hạn ngạch. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Theo Bộ Công thương, nhiều khả năng không thể xuất khẩu hết lượng gạo 400 nghìn tấn đã được cấp hạn ngạch. Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Trả lời câu hỏi của Báo NNVN về tình hình xuất khẩu đối với số lượng gạo đã được cấp hạn ngạch 400 nghìn tấn đến thời điểm này, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh cho biết: Trong số 400 nghìn tấn gạo theo hạn ngạch đã được cấp phép và mở tờ khai hải quan, đến ngày 20/4 (tính từ thời điểm mở tờ khai hải quan từ 0h ngày 12/4), sau 8 ngày, các doanh nghiệp mới chỉ xuất được 32,5 nghìn tấn gạo. Với số lượng và tiến độ xuất khẩu này, nhiều khả năng không thể xuất hết số lượng gạo 400 nghìn tấn theo chỉ tiêu hạn ngạch mà Chính phủ đã cho phép xuất khẩu trong tháng 4/2020.

Về phương án chuẩn bị, cũng như năng lực xuất khẩu của hệ thống logistic phục vụ cho việc xuất khẩu gạo trong bối cảnh dự báo sản xuất lúa gạo được mùa, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh cho biết: Về năng lực hệ thống logistic, kho bãi, cảng biển..., hiện đảm bảo cao nhất để xuất khẩu cho khoảng 800-810 nghìn tấn gạo/tháng. Tuy nhiên, thực tế chưa bao giờ đạt được lượng xuất khẩu cao nhất này (lượng xuất khẩu cao nhất ghi nhận trong tháng 4-5/2019 chỉ khoảng 650 nghìn tấn/tháng).

Bộ Công Thương cũng cho biết ngày 21/4, Bộ này sẽ họp cùng các bộ ngành liên quan, các địa phương tại ĐBSCL để nắm bắt nhằm xây dựng cho việc đề xuất Chính phủ cấp hạn ngạch xuất khẩu gạo trong tháng 5/2020.

  • Tags:
Xem thêm
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cảnh báo lừa đảo tuyển dụng

Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) đưa ra cảnh báo người dân về hiện tượng mạo danh Tập đoàn lừa đảo tuyển dụng nhân sự trên mạng xã hội.

Hội thảo quốc tế: Để trường học thành điểm chạm hạnh phúc

Hội thảo Hạnh phúc trong Giáo dục 2024 mang đến giải pháp xây dựng môi trường học tập hạnh phúc, kết nối và thúc đẩy giáo dục toàn diện tại Việt Nam.

Hà Nội sắp đưa vào sử dụng gần 6.000 căn nhà ở xã hội

Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, gần 6.000 căn hộ tại 11 dự án nhà ở xã hội dự kiến sẽ hoàn thành và đưa vào sử dụng trong giai đoạn 2024 - 2025.

Thu ngân sách Nhà nước đạt hơn 97% dự toán

Sau 10 tháng, tổng thu ngân sách Nhà nước ước đạt 1.654,2 nghìn tỷ đồng, bằng 97,2% dự toán năm và tăng 17,3% so với cùng kỳ 2023.