| Hotline: 0983.970.780

Không vì nông dân thì vì ai?

Thứ Bảy 28/04/2012 , 15:42 (GMT+7)

Chúng tôi lại có dịp ngồi trò chuyện cùng ông, và lại nói về câu chuyện nông nghiệp - nông dân - nông thôn Hà Nội, một vấn đề luôn khiến ông trăn trở.

Vào cuối tháng 12/2011, NNVN có loạt bài "Hãy để người dân là chủ thể thực sự", đề cập đến cách làm hết sức sáng tạo của huyện Sóc Sơn (Hà Nội) trong xây dựng NTM. Sau khi báo đăng, ông Nguyễn Công Soái, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, đã yêu cầu Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND các huyện phô - tô bài báo gửi cho 401 xã toàn thành phố đọc tham khảo.

>> Hãy để người dân được làm chủ
>>Hãy để nông dân là chủ thể thực sự

Hôm nay, chúng tôi lại có dịp ngồi trò chuyện cùng ông, và lại nói về câu chuyện nông nghiệp - nông dân - nông thôn Hà Nội, một vấn đề luôn khiến ông trăn trở.

CÁN BỘ CHỈ CHĂM CHĂM VÀO DỰ ÁN

Được biết Hà Nội đã làm tốt khâu quy hoạch trong xây dựng NTM nhưng chọn cái gì (tiêu chí gì) làm trước, để người dân thấy rằng xây dựng NTM mang lại cuộc sống mới đến với họ chứ không phải mang về những khoản phần trăm cho cán bộ qua các dự án, cũng không phải dễ thưa ông?

Đã quy hoạch rồi thì phải suy nghĩ cái gì làm trước trong quy hoạch đó, cũng như xây dựng cái nhà 3 tầng, dù thiết kế là 3 tầng, nhưng phải tính xem cái gì làm trước trong điều kiện của mình, anh không thể xây cái nhà 3 tầng nhưng không có bếp, không có nhà vệ sinh. Vì vậy, khi có quy hoạch rồi, chúng tôi yêu cầu các huyện lựa chọn đầu tiên là phải đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng sản xuất để người dân biết rằng, xây dựng NTM là để giúp người dân đỡ vất vả hơn, sản xuất phát triển, thu nhập cao hơn, để người dân nhận ra ngay.

Nếu xây dựng trường học thì con em họ ngồi học 5 tầng cũng thế, mà 1 tầng cũng vậy thôi, vẫn cái bảng ấy, cái ghế ấy, vẫn cô giáo ấy thì không có gì mới, chỉ được mỗi cái là chuẩn hóa trường học trong xây dựng NTM thôi. Tuy nhiên, cái chuẩn đó, rồi chuẩn nhiều cái khác nữa như y tế, văn hóa… là cực kỳ hình thức. Điều này tôi nói thật, nhiều khi nhiều người không thích.

Nếu đầu tư vào hạ tầng sản xuất thì năng suất lao động sẽ cao lên, thu nhập từ sản xuất sẽ cao theo. Một con đường tốt phục vụ sản xuất nó sẽ mang lại lợi nhuận cho dân rất nhiều, dù con đường đó không được trải nhựa, không được bê tông, nhưng nó đủ rộng để xe cộ, máy móc phục vụ sản xuất thuận lợi. Rồi hệ thống kênh mương, anh phải đầu tư cho họ để tiết kiệm nước, tưới tiêu thuận lợi không phải thất thu, mất mùa vì thiếu nước, úng ngập. Hay hệ thống điện… Chỉ có làm những cái đó chúng ta mới tiến đến được cánh đồng mẫu lớn, mới tăng được thu nhập cho người dân.

Khi chúng tôi thực hiện bài viết “Hãy để người dân làm chủ thể thực sự” ở huyện Sóc Sơn, nhiều cán bộ huyện, xã phải nói rằng đã rất nỗ lực để vượt qua cái gọi là quyền lợi cá nhân. Vì sao cán bộ của chúng ta lại không chịu làm những cái như ông nói, mà chỉ thích dự án đầu tư cái này cái khác, có phải không “xơ múi” được gì nên cán bộ không làm hay do năng lực cán bộ yếu, bị dân ghét, không dám đối mặt với dân?

Ở đây không phải năng lực của cán bộ đâu. Vấn đề là anh không nhìn thấy có lợi gì ở đó. Làm những cái như tôi chỉ đạo thì cán bộ không thấy có lợi gì cho mình mà chỉ có lợi cho người dân thôi. Nếu cán bộ đầu tư vào trường học, cái trường nó đang như thế này, nhưng theo tiêu chí NTM thì nó phải chuẩn, chuẩn thì phải đập đi để xây trường mới (thực tế ở Hà Nội đã có xã đập đi), rồi đầu tư vào đó 50-60 tỉ đồng. 50-60 tỉ đồng Thành phố rót về thì các nhà thầu tranh nhau vào làm. Làm thì đương nhiên là có phần trăm phần chục. Sau đó nói vống lên NTM được đầu tư khang trang như thế.

"Một đất nước có đến 70-80% là nông dân, một Thủ đô có đến hơn 60% là nông dân không quan tâm đến người nông dân thì quan tâm đến ai? Ở trên đường phố chỉ một cái ổ gà thôi người ta đã kêu um lên rồi. Lúa của bà con nông dân khi bị ngập úng hàng tháng, họ chẳng ai kêu, người ta thông cảm với Nhà nước. Nhà nước có thông cảm với họ không? Ùn tắc giao thông một tí kêu, người nông dân một nắng hai sương họ có kêu không? Là lãnh đạo không vì nông dân thì vì ai? Không có cái gì cũng phải vì bà con nông dân chứ. Chưa kể, tôi và anh, ngàn đời cha mẹ ở nông thôn", ông Nguyễn Công Soái. 

Còn quy hoạch cánh đồng mẫu lớn khó không làm, hạ tầng sản xuất không làm, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giáo dục nhân dân sống có đức, chấp hành pháp luật, vệ sinh môi trường… không làm, chỉ chăm chăm vào mấy cái dự án thôi. Như thế thì xây dựng NTM sẽ không thành công.

Vì vậy, tôi chỉ đạo anh em phải xây dựng cơ sở sản xuất, vận động nhân dân dồn điền đổi thửa, làm cánh đồng mẫu lớn. Tôi lên xã Liên Mạc, huyện Mê Linh thấy cán bộ cũng định thực hiện các dự án trước, tôi bảo phải họp dân lại làm ngay cái việc quy hoạch lại đồng ruộng, xây dựng hạ tầng phục vụ sản xuất đi để dân thấy là mình làm cho dân. Khi đưa ra dân họp bàn, dân đồng ý ngay, việc tưởng khó thế mà thành ra dễ.

Hay ở Sóc Sơn như Báo NNVN nêu cũng vậy, ngồi mà tưởng tượng thì khó lắm, ngại lắm, nhưng dân thấy mình làm cho họ, họ ủng hộ, đồng tình thành ra chả khó tí nào.

Để rất nhiều cán bộ cấp dưới hiểu được chủ trương của Thành ủy, để nhân dân, nhiều người phải nhắc đến tên ông trong xây dựng NTM, chắc ông phải đi rất nhiều, nói rất nhiều?

(Cười). Người ta chỉ bảo tôi là lúc nào cũng quan tâm đến nông thôn và nông dân. Cứ lúc nào hở thời gian là tôi đi nông thôn. Chỗ nào mà tôi chỉ đạo là tôi xuống liên tục, rất trăn trở. Về bất cứ thôn, xã nào tôi muốn, không thông báo cho ai đón tiếp cả. Tôi không nghe báo cáo, hoặc có nghe xong là tôi xuống kiểm tra luôn. Tôi hầu như không có cái kiểu là “phổ biến”, chỉ khen mà không dám nói thẳng cho anh em biết. Đi và nói, nói khi nào họ hiểu thì thôi. Tôi không vỗ về, từ trước đến nay đều như thế cả.


Háo hức làm NTM

Tôi chỉ đạo rất quyết liệt. Có người còn nói sau lưng là “tra tấn”, nhưng khi họ hiểu ra thì lại nói anh nói chúng em mới vỡ ra chứ không chúng em làm ngược mất. Tôi nói với cán bộ huyện, xã phải làm như vậy thì nông dân họ mới ơn chúng ta, còn nếu cứ đưa tiền của về để làm cái này cái kia không có sự tham gia đóng góp của nhân dân và người dân thấy sự hưởng lợi đó là rất ít thì họ sẽ mặc cán bộ. Cán bộ đem tiền về thì cán bộ làm.

Ý chí của người lãnh đạo mà không vì tập thể của dân, lợi ích của dân mà chỉ có nghĩ về xây dựng, lợi ích của mình là thất bại.

CÁI XẤU, CÁI TỒI ĐANG DỘI VỀ NÔNG THÔN

Không phải cán bộ không hiểu những điều ông nói đâu, họ không làm đó thôi?

Đúng thế. Vì nó không gắn với lợi ích của họ. Không dại gì mà lăn lộn như bọn mình bây giờ mà chả được gì.

Vậy xin hỏi người lãnh đạo cao nhất về xây dựng NTM của Thành phố Hà Nội, ông được gì mà ông lại phải trăn trở, lại phải lăn lộn như thế?

(Nghẹn ngào) Bởi vì người nông dân đóng góp rất nhiều đời cho đất nước này, đóng góp cho Đảng, cho chế độ này. Và hiện nay, chế độ này đang tồn tại, vai trò của người nông dân rất quan trọng.

Khác với tư tưởng của một số người cho rằng ngân sách này, doanh thu của Nhà nước này, tăng trưởng của Nhà nước này là do CNH, HĐH, đương nhiên rồi, nhưng người nông dân đang đóng góp rất quan trọng để giữ ổn định chính trị xã hội cho đất nước. Họ là người chịu rất nhiều thiệt thòi, trong nền kinh tế thị trường, Nhà nước đã rất quan tâm rồi nhưng chưa tới tầm thì làm lãnh đạo phải quan tâm đến nông dân chứ.


Người dân hăng hái tham gia quy hoạch, sửa sang đồng ruộng

Trong câu chuyện với ông từ đầu buổi đến giờ, không ít lần ông nghẹn ngào khi nói đến bốn chữ “nông dân, nông thôn”, hẳn tuổi thơ và trong tiềm thức của mình, ông “nợ” nông dân, nông thôn rất nhiều?

(Cười) Tôi gắn với bà con nông thôn, đúng là máu thịt rồi. Tuổi thơ tôi rất vất vả và đã trải qua tất cả cay đắng ngọt bùi của bà con nông dân. Khi làm lãnh đạo, hàng ngày tôi vẫn được chứng kiến tất cả qua thông tin đại chúng, qua đi thực tế. Còn nhiều lãnh đạo khác thì cũng là con em nông dân, sinh ra ở nông thôn nhưng có khi được bố mẹ chiều chuộng hoặc là có cái gì đó được sung sướng, không biết, không hiểu được nỗi khổ của bà con nông dân đâu… 

Còn tôi thì 5 tuổi đã phải cưỡi trâu đi ngoài đồng khi bố ra chiến trường. 6 tuổi đã phải gánh nước để tưới rau. 7 tuổi được chứng kiến những giọt nước mắt rơi trên má bà, má mẹ và người dân khi cả một đồng lúa mênh mông chuẩn bị cho thu hoạch ngập trắng sau một trận mưa. 12 tuổi đã phải ngửa ngực ra tát nước qua nhiều bậc thang vào ruộng 5% để cấy…

Thuở nhỏ, tôi vẫn làm như thế và vẫn đi bộ 10 cây số để học. Vì thế tôi thấm hết được nỗi khổ của bà con nông dân. Còn những ai không trải qua hoặc chỉ lớt phớt thôi thì không thể thấm được. Giờ đây có cái gì ngon nhất, tốt nhất thì dành cho thành phố, từ con cá, mớ rau, quả ớt, cái gì xấu nhất, tồi nhất lại dội về nông thôn… Không vì họ thì vì ai?

Xin cám ơn ông!

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm