Sau thời gian hồ hởi thâm nhập thị trường Mỹ, thanh long Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn do thời gian bảo quản có hạn, trong khi thời gian vận chuyển quá dài. Đây cũng là thực trạng buồn của các loại trái cây tươi khác... Trái cây tươi Việt Nam đang khó đi xa
Nhắc tới chuyện đưa thanh long sang Mỹ, một số DN đã không còn hào hứng như trước nữa, mà nguyên nhân chính lại đến từ khâu vận chuyển và thời hạn bảo quản. Theo ông Trương Ngọc Hiệp, Cty Thanh long Hoàng hậu, trái thanh long sau khi thu hoạch, thời gian để xử lý, đóng gói…mất khoảng 10 ngày, thời gian vận chuyển bằng đường biển từ Việt Nam sang Mỹ mất 20 ngày. Trong khi đó với phương pháp bảo quản hiện nay, thanh long chỉ có thể giữ được chất lượng tối đa là 40 ngày. Như vậy, khi sang đến Mỹ, thanh long Việt Nam chỉ còn đúng 10 ngày để bán. Bởi thế chất lượng trái thanh long bị giảm sút, khiến cho thời gian tiêu thụ chậm lại và giá bán bị giảm xuống là khó tránh khỏi.
Ông Nguyễn Văn Kỳ, Tổng thư ký Hiệp hội Trái cây Việt Nam cho biết, đây không phải là chuyện riêng của trái thanh long mà là hạn chế chung cho hầu hết các loại trái cây Việt Nam (trừ trái bưởi). Do thời gian bảo quản còn ngắn, phần lớn trái cây xuất khẩu sang những thị trường xa như châu Âu, Mỹ…lại được vận chuyển bằng đường biển với thời gian hàng chục ngày trời, nên hiện nay trái cây nước ta vẫn rất khó khăn trong chuyện “đi xa”.
Vậy, tại sao các doanh nghiệp không XK bằng đường hàng không? Về vấn đề này, ông Kỳ lý giải, giá cước vận chuyển trái cây bằng đường hàng không từ Việt Nam đi các nước khác là khá cao. Chẳng hạn thanh long XK sang Mỹ, nếu đi bằng máy bay, tiền cước tới khoảng 3 USD/kg, trong khi giá trị của trái thanh long chưa tới 1 USD/kg. Nếu so với các nước XK trái cây khác, cước vận chuyển bằng đường hàng không từ Việt Nam cũng cao hơn hẳn. Theo Thương vụ Việt Nam tại Pháp, hiện nay cước vận chuyển trái cây từ Việt Nam sang Pháp là 3 USD/kg, cao hơn tới 0,5 USD/kg so với cước hàng không từ Thái Lan, Malaysia sang Pháp.
Chính vì giá cước cao, nên giá thanh long Việt Nam nhập vào Pháp đang ở mức khá cao là 4,63 euro/kg. Và khi đưa vào siêu thị, thanh long Việt Nam có giá từ 7,5-8,7 euro/kg. Với mức giá này, thanh long Việt Nam rất khó cạnh tranh được với các loại trái cây được NK vào Pháp từ các nước nhiệt đới khác (giá cam, chuối chỉ khoảng 1,5 euro/kg). Ngay cả với thanh long nhập từ Thái Lan, Malaysia…thanh long Việt Nam cũng phải rất vất vả để giành thị trường. Do đó đến nay, lượng thanh long Việt Nam XK vào Pháp còn khá thấp, chỉ khoảng 100 tấn/năm.
Ngay cả việc vận chuyển trái cây bằng đường biển từ Việt Nam sang châu Âu, Mỹ…các doanh nghiệp Việt Nam cũng đang phải trả giá cước cao hơn nhiều so với những nước XK trái cây khác trong khu vực. Ông Nguyễn Văn Kỳ cho biết, sở dĩ có điều này là do ở nước ta chưa có các cảng lớn để tàu vận tải cỡ lớn có thể ra vào. Do đó, các container trái cây của Việt Nam thường phải trung chuyển bằng những tàu cỡ vừa, cỡ nhỏ sang Hồng Kông hoặc Singapore, rồi từ đó mới đưa lên những tàu lớn chở sang các nước Âu, Mỹ …
Theo ông Nguyễn Văn Kỳ, Thái Lan hiện đang có công nghệ bảo quản trái cây tươi tốt hơn ta, nhưng trái cây XK của nước này sang các thị trường xa như châu Âu, Mỹ…cũng không mấy hiệu quả nếu đi bằng tàu biển vì thời gian vận chuyển quá dài, làm cho trái cây bị giảm sút về chất lượng. Chính vì vậy, các nhà XK Thái Lan vẫn ưu tiên lựa chọn hàng không, với cước phí đang rẻ hơn khá nhiều so với ở Việt Nam.
Chính vì vậy, để đẩy mạnh XK trái cây tươi sang các nước Âu, Mỹ…theo Hiệp hội Trái cây Việt Nam, bên cạnh việc đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng các giải pháp kéo dài thời gian bảo quản trái cây tươi, phù hợp với khả năng vận chuyển dài ngày trên biển, việc giảm giá cước vận chuyển qua đường hàng không cũng là một giải pháp rất cần thiết. Ông Nguyễn Văn Kỳ cho biết, về vấn đề này Hiệp hội Trái cây và ngành hàng không đã có nhiều lần bàn bạc với nhau. Theo đó, bên hàng không đã đồng ý về nguyên tắc sẽ giảm giá cước vận chuyển đối với trái cây XK, với điều kiện các doanh nghiệp phải đăng ký những lô hàng có khối lượng lớn và đi thường xuyên. Đồng ý như thế chẳng khác gì làm khó nhau.