| Hotline: 0983.970.780

Khu rừng cụ Cử

Thứ Ba 03/11/2020 , 05:44 (GMT+7)

Ở thôn Cào (xã Tiên Kiều, huyện Bắc Quang, Hà Giang) có một khu rừng nguyên sinh rộng gần 20 héc ta, được rừng tái sinh, những đồi keo và rừng tạp bao xung quanh.

Nét nổi bật ở khu rừng này là sự thâm nghiêm của rừng già, được biểu hiện bằng sự vượt trội của những cây cổ thụ và sự đa dạng của các loại cây cối nhiều tầng lớp cộng sinh bên nhau, tạo nên bức tranh đa sắc mầu, đẹp đến hút hồn. Đó là Khu rừng cụ Cử.

Lương y Hoàng Văn Vương trong rừng

Lương y Hoàng Văn Vương trong rừng

Nguồn gốc và những câu chuyện về rừng

Nghe nói về khu rừng này đã lâu, lại thêm cái máu say mê rừng  từ thuở mục đồng, khi được nghe người ta kể về khu rừng với nhiều điều kỳ lạ, đầu hè vừa rồi tôi phóng xe máy xuống Tiên Kiều, tìm đến thôn Cào, vào nhà thầy lang Hoàng Ngọc Vương, gọi theo phong tục người Tày là bố Quynh, để tìm hiểu về khu rừng độc đáo này.

Gặp nhau, bố Quynh bảo: Nếu bác thích thăm rừng thì đi cùng em. Sáng nay có người đặt hàng em lấy thuốc đau dạ dày, em cũng định vào rừng lấy thêm ít lá Khôi. Buổi chiều nay chắc em và bác cũng chỉ đi được khoen khoén một chút thôi, vì muốn xem hết khu rừng này thì chắc phải đi vài ngày liền. Bác muốn hỏi gì thì đi rừng hai anh em mình nói chuyện. Biết cái gì em nói cái đó, cái gì không biết thì em không nói. Bác muốn xem cái gì ở rừng thì xem, em không cấm.

Vương khởi đầu cuộc trò chuyện với tôi bằng những lời lẽ tự nhiên xen chút hài hước như thế. Lần đầu gặp Vương mà tôi ngỡ như gặp từ lâu rồi. Có lẽ cái nét dân dã, sự cởi mở dễ gần của một thầy lang chuyên bốc thuốc Nam, thường xuyên tiếp xúc với nhiều người đã tạo nên một bố Quynh như vậy.

Trong lúc chờ Vương đảo những nong thuốc Nam đang phơi trước khi đi rừng, tôi đưa mắt nhìn khắp lượt khu rừng cụ Cử bao bọc xung quanh ngôi nhà sàn năm gian lợp lá cọ của gia đình Vương. Đã bao đời nay cây cọ luôn gắn bó mật thiết với cuộc sống của bà con nơi đây.

Khi tôi hỏi khu rừng này có lâu chưa? Làm cách nào để bảo vệ được? Vương im lặng hồi lâu, lục tìm trí nhớ, rồi nhẩn nha kể: Bố em bảo, khu rừng này gia đình tự trông nom, bảo quản từ thời bố mẹ em mới lấy nhau. Bố em, ông Hoàng Văn Sinh (bà con thường gọi là bố Cử), khi ấy mới ngoài hai mươi tuổi. Mẹ em kể, hai bố mẹ lấy nhau mấy năm mà chả có con nên đã đón chị Cử, là con gái của người bác họ bên bố em, về làm con nuôi. Ba năm sau, khi chị Cử lên bảy tuổi, thì mẹ mới đẻ ra em.

Vương tiếp tục kể: Trước khi gia đình em đứng ra khoanh vùng để trông coi, chăm sóc, khu rừng này cũng đã bị dân làng chặt mất một số cây to thuộc nhóm gỗ quý để làm nhà sàn. Ngày ấy rừng còn rất nhiều, lại là rừng chung không có ai trông nom, bảo vệ, ai thích chặt gì, lấy gì thì cứ việc vác rìu, đem dao vào rừng. Lấy đủ dùng thì thôi.

Rồi Vương hoạt bát hẳn: Anh biết không, dân bản Tày chúng em rất yêu rừng, sống dựa vào rừng nên chỉ lấy những thứ đủ dùng chứ không chặt phá lung tung như những người khai hoang sau này lên đây. Người khai hoang ở dưới xuôi lên, khi vào rừng họ chỉ biết khai thác mà không biết giữ. Muốn chặt một cây to họ sẵn sàng chặt hàng loạt cây nhỏ xung quanh để rộng chỗ. Ngoài lấy về dùng họ còn đem bán hoặc tích trữ. Thế là chả mấy chốc rừng trở nên tan hoang! Vì thế bố em mới nảy sinh ý tưởng tự khoanh vùng trông nom, bảo vệ, chăm sóc khu rừng ngay quanh nhà mình. Nhờ vậy đến nay mới có Khu rừng cụ Cử như anh vừa hỏi.

Hồi cụ Cử đứng ra trông nom rừng, Vương còn chưa đẻ, giờ anh đã bước sang tuổi 55. Ngày ấy, mục đích giữ rừng cụ Cử chỉ đơn giản là để lấy cây dược liệu mọc sẵn trong rừng làm thuốc Nam. Sau đó là lấy củi đun bếp, lấy cây que làm hàng rào, làm giàn bầu bí, làm sàn phơi thuốc, phơi thóc ngô, đan phên liếp; lấy măng, mộc nhĩ, nấm hương, mật ong và rau củ quả trong rừng… để vừa ăn vừa bán lấy tiền. Sau nữa là nhằm giữ nguồn nước mạch từ rừng để lấy nước dùng hàng ngày, để có nước làm ao, đắp đập nuôi cá, nuôi vịt, lấy chỗ cho trâu đằm, san ruộng cấy lúa...

Vương đang phơi thuốc Nam lấy từ rừng

Vương đang phơi thuốc Nam lấy từ rừng

Có người vừa nói vừa như để dọa là không đủ sức giữ, cụ Cử dọa lại: “Khi khoanh vùng trông nom khu rừng này tôi đã mời thầy mo, thầy tạo đến làm lễ cúng ma rừng, thần rừng rồi. Ai tự tiện vào rừng chặt phá hoặc lấy các thứ sản vật mà không xin phép tôi sẽ thì bị thần hành, ma vật”.

Chả biết có phải vậy không mà rất ít người dám tự tiện vào rừng. Khi Vương lớn, biết theo cha vào rừng lấy cây thuốc Nam, thỉnh thoảng cũng gặp một vài người vào rừng, nhưng họ chỉ vào bắt ong mật, lấy mộc nhĩ, nấm hương hoặc hái măng, hái rau rừng chứ không dám chặt phá cây cối. Họ cũng chỉ lấy đủ dùng chứ không lấy đem bán. Hình như lời nguyền của cụ Cử và các thầy cúng vẫn còn linh nghiệm, khiến nhiều người sợ.

Giữ được rừng, sẽ có tất cả

- Nhưng khi rừng quanh đây cạn kiệt và đất rừng được giao cho các hộ dân thì sao? Chả lẽ lâm tặc không đến vùng này?

Trả lời thắc mắc của tôi, Vương bảo: Có đấy bác. Khi Nhà nước có chính sách giao đất giao rừng cho các hộ gia đình khoanh nuôi, bảo vệ, bố em đã đăng ký với xã và huyện tiếp tục nhận trông nom khu rừng này, làm sổ lâm bạ hẳn hoi, sau này đổi thành sổ bìa đỏ. Khi xác định xong ranh giới, chỗ nào có sẵn khe lạch, tả ly, vách đá thì lấy đó làm mốc; những chỗ bình địa bố em thuê người đào hào làm ranh giới để tránh sự tranh chấp với các gia đình khác.

Nhà sàn của lương y Vương

Nhà sàn của lương y Vương

Đi trong tán rừng già với rất nhiều cổ thụ, hầu hết là gỗ quý như đinh, lim, vàng tâm, dổi, lát, phay, thọ, xoan đào… mọc xen với các khóm tre hốc, vầu, luồng và vô vàn những loài cây, dây leo không biết tên, tôi như được sống lại thuở thiếu thời hay theo ông nội, theo bố vào rừng khai thác lâm thổ sản. Sau một hồi ngắm rừng, tôi hỏi bố Quynh:

- Khu rừng rộng thế này mà chỉ có trên mười héc ta à?

- Đấy là diện tích trong sổ lâm bạ, sổ bìa đỏ, anh ạ. Em nghĩ là phải gần hai chục héc ta. Ngày trước máy móc đo đạc diện tích rừng thuộc loại thô sơ chắc không được chính xác. Nhưng điều đó cũng không quá quan trọng, vì bà con dân bản ai cũng biết đây là Khu rừng cụ Cử. Họ yêu mến cụ Cử trước đây và con cháu cụ bây giờ, bởi ngày ngày bố và chúng em lấy thuốc Nam từ trong khu rừng này để chữa bệnh giúp dân làng, trong đó có gia đình họ. Có lẽ vì thế nên em chẳng thấy ai tranh chấp, chặt phá khu rừng này.

Vương nói, cuộc sống ở rừng thích lắm, gần như chả thiếu thứ gì. Mỗi năm khu rừng này cung cấp lượng lâm thổ sản trị giá cả trăm triệu đồng, từ cây dược liệu làm thuốc Nam đến mật ong và các loại rau măng củ quả rừng, mộc nhĩ nấm hương, cây que làm vật liệu.

"Đấy là chưa kể đến các loại gỗ quý, các loài động vật hoang dã. Hai thứ quý giá này gia đình em không bao giờ động đến, bởi bố em bảo chúng là vật thiêng của rừng", Vương kể.

Trong bữa cơm chiều nhà Vương hôm ấy có rất nhiều món từ rừng. Tôi hẹn Vương lần sau ở lâu hơn, khi ấy sẽ uống rượu và ngủ một đêm để tận hưởng cái sự sung sướng trong bình lặng bên cạnh rừng già. Cũng trong bữa cơm chiều đó, Và tôi chợt ngộ ra một điều: Khi đã có rừng già thì chả cần nhiều thứ khác. Tất cả đều đã có ở rừng!

Tôi trêu đùa Vương: Chú không cần nhiều tiền vì đã có khu rừng này đáng giá cả chục tỷ đồng rồi.

Vương giãy nảy: Ối giời! Tính ra thì là thế, có thể còn cao hơn thế, nhưng rừng đó không thể khai thác để bán được. Rừng chỉ có giá khi giữ được cái vẻ nguyên sinh của nó. Đó mới là sự vô giá. Nhưng theo em, cái vô giá nhất của khu rừng này là nguồn cung cấp lâu dài, bền vững rất nhiều thứ cho đời sống con người, đặc biệt là nguồn dược liệu để làm thuốc Nam chữa bệnh cứu người.

Xem thêm
Bình Thuận có Tân Bí thư Tỉnh ủy

Ông Nguyễn Hoài Anh được Bộ Chính trị chuẩn y chức danh Bí thư Tỉnh ủy Bình Thuận nhiệm kỳ 2020 - 2025.

10 năm lực lượng kiểm ngư cùng ngư dân bám biển

Trong 10 năm qua, lực lượng kiểm ngư ngày đêm bám biển, điều động hơn 1.500 lượt tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá trên các vùng biển Việt Nam.

Kia ưu đãi giá mới, giảm đến 75 triệu đồng trong tháng 9

Từ 11/9/2023, Kia áp dụng giá mới với mức điều chỉnh tương đương 50% lệ phí trước bạ. Chương trình được áp dụng tùy theo dòng xe và phiên bản.

Hạ Long cải cách hành chính tốt nhất tỉnh Quảng Ninh

Thành phố Hạ Long đã xuất sắc dẫn đầu bảng xếp hạng 3 chỉ số PAR-Index, DDCI, DTI của tỉnh Quảng Ninh năm 2023.

Bình luận mới nhất