| Hotline: 0983.970.780

Sợ đi cắt lúa do bị... ngoáy mũi liên tục

Chủ Nhật 05/09/2021 , 17:34 (GMT+7)

Lúa hè thu ở ĐBSCL đã chín rục, nhưng nông dân chạy đôn đáo vẫn tìm không ra máy gặt. Trong khi nhân công từ chối gặt lúa do phải... ngoáy mũi quá nhiều!

Khó chịu

Đến vụ cắt lúa, nhưng số lượng máy cắt lúa chỉ đáp ứng được 50% tổng số máy cắt cho thành viên trong HTX, dẫn đến nhiều diện diện lúa đã chín rục, quá thời vụ thu hoạch nhưng thể chưa cắt được.

Trước nguy cơ lúa bị sập, đỗ ngã do thời tiết, ông Trịnh Văn Cường, Giám đốc HTX Nông nghiệp Vĩnh Cường ở ấp An Thành, xã Vĩnh Mỹ B, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) đã liên hệ với Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT nhờ được hỗ trợ.

Nhân công thu hoạch lúa từ chối đi làm vì sợ bị ngoáy mũi nhiều không chịu được bụi khi cắt lúa. Ảnh: Trọng Linh.

Nhân công thu hoạch lúa từ chối đi làm vì sợ bị ngoáy mũi nhiều không chịu được bụi khi cắt lúa. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Trịnh Văn Cường kể: Thông thường, do lượng máy gặt tại địa bàn ít, nên tới vụ thường phải thuê máy gặt từ tỉnh Sóc Trăng. Trước thời điểm thu hoạch lúa hè thu 2021, ông đã liên hệ với chủ máy cắt truyền thống trước đây bên Sóc Trăng qua hỗ trợ cắt lúa, lúc đầu họ đồng ý nên ông cũng an tâm.

Tuy nhiên, khi chủ máy gặt cùng nhân công ở Sóc Trăng di chuyển đến các chốt kiểm dịch tại Thị xã Ngã Năm (Sóc Trăng) thì bị kiểm tra, sau đó người trực chốt không cho qua. Sau khi chủ máy gặt phản ánh với ngành chức năng, chính quyền địa phương sau đó đã chỉ đạo và máy gặt được thông chốt.

Tuy nhiên, lúc này nhiều nhân công làm việc theo máy gặt lại bỏ giữa chừng, không chấp nhận đi theo máy gặt làm nữa. Lý do là họ lo ngại sau khi đi qua địa phận Bạc Liêu về, sẽ bị cách ly 14 ngày. Bên cạnh đó, việc test kiểm tra Covid-19 thường xuyên khuyến nhiều nhân công cảm thấy rất khó chịu khi bị... ngoáy mũi liên tục!

“Các chủ máy cắt lúa năn nỉ cách nào, các nhân công họ cũng không chấp nhận đi theo máy gặt qua địa bàn tỉnh Bạc Liêu để cắt lúa. Có máy gặt mà không có nhân công làm thì chủ máy cũng đành bó tay thôi”, ông Cường khổ sở kể.

Cũng theo ông Cường, theo quy định thì khi nhân công tham gia làm việc trên máy cắt lúa, bắt buộc phải test Covid-19 3 lần/tuần. Nhiều nhân công rất lo sợ khi test bị khoáy mũi, đến khi cắt lúa bụi bay vào rất khó chịu, dù đã đeo khẩu trang rất kín.

Sau đó, phía HTX Nông nghiệp Vĩnh Cường có cam kết là khi qua cắt lúa sẽ cho các nhân công test PCR test 1 lần/tuần, nếu tuần thứ hai bình thường thì không có gì, nhưng nhiều nhân công vẫn không chấp nhận đi cắt lúa.

Không chỉ thiếu máy gặt, nhân công đi theo máy gặt cũng đang thiếu trầm trọng. Ảnh: Trọng Linh.

Không chỉ thiếu máy gặt, nhân công đi theo máy gặt cũng đang thiếu trầm trọng. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Cường cho biết thêm, ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu đã tạo điều kiện rất thuận lợi, để các chủ máy cắt từ các địa phương khác xuống địa bàn Bạc Liêu tham gia cắt lúa. Tuy nhiên, rất nhiều nhân công một phần lo sợ về địa phương sẽ bị cách ly, một lần sợ phải test thường xuyên không chịu được, nhiều nhân công làm lâu năm cũng lo sợ nhiễm bệnh nên ở nhà.

Vụ lúa hè thu 2021, HTX Nông nghiệp Vĩnh Cường dự tính sẽ thu hoạch 7.000 ha, tương đương phải cần tới khoảng 85 chiếc máy gặt. Tuy nhiên hiện mới chỉ có 43 chiếc máy gặt (bằng 1/2 số máy cần thiết) đang hoạt động trên đồng. HTX cho biết đang cần gấp tối thiểu ít nhất thêm 30 chiếc máy gặt nữa, nếu khéo xoay sở uyển chuyển thì may ra mới đủ đáp ứng nhu cầu của người dân. Thế nhưng tình thế hiện tại, chưa thể biết tìm đâu ra máy gặt.

Hiện nay, do không đủ số lượng máy gặt, trong khi mưa lớn kèm theo gió mạnh mấy ngày qua đã làm nhiều diện tích lúa của nông dân trong HTX bị sập, đỗ ngã, vì lúa của nông dân hiện nay đã hơn 107 – 110 ngày, trong khi đó 100 ngày là có thể cắt được, lúa để lâu quá sẽ khô và gây thất thoát cho bà con.

Anh Nguyễn Văn Minh, chủ máy gặt ở xã Tân Long (Thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng) phân trần: "Vụ hè thu năm nay, máy gặt không qua địa bàn Bạc Liêu để thu hoạch lúa được được do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Mặt khác, khi qua đó, chi phí xét nghiệm Covid-19 cho nhân công cũng khiến các chủ máy gặt phải cân nhắc. Thôi để cho an toàn thì tạm thời nghỉ ở nhà, chờ có đồng trong tỉnh thì đi gặt”.

Công thuê cắt lúa tăng vùn vụt

Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu đang rà soát, thống kê phương tiện thu hoạch lúa như máy cắt, máy gặt đập liên hợp. Theo đó, hiện toàn tỉnh chỉ mới đáp ứng được 50 - 60% nhu cầu máy gặt/máy cắt để thu hoạch lúa. Do đó, dẫn đến tình trạng giá máy cắt tăng cao.

Công thuê cắt lúa tăng quá cao, trong khi giá lúa lại giảm, khiến nông dân càng thêm buồn. Ảnh: Trọng Linh.

Công thuê cắt lúa tăng quá cao, trong khi giá lúa lại giảm, khiến nông dân càng thêm buồn. Ảnh: Trọng Linh.

Tại huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), ngành chức năng địa phương đang kêu gọi những phương tiện ngoài tỉnh như Sóc Trăng và Hậu Giang đến để thu hoạch lúa, tuy nhiên do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nên việc di chuyển của các phương tiện đến địa bàn các xã gặp rất nhiều khó khăn.

Bà Trịnh Mai Vân, ấp Trung Hưng 1 B, xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu), cho biết: Vụ hè thu năm 2021, gia đình kêu máy cắt lúa mới biết giá máy cắt mỗi công là 350.000 đồng. Thấy giá cao quá nên bà đã nhờ UBND xã Vĩnh Hưng A nói giúp, sau đó nhờ xã can thiệp kịp thời nên chủ máy đã giảm còn 330.000 đồng/công. 

Vụ lúa hè thu 2021, toàn tỉnh Bạc Liêu gieo sạ gần 59.000 ha, sản lượng ước đạt 346.321 tấn, dự kiến sẽ thu hoạch dứt điểm vào ngày 20/9/2021, nhưng do thiếu máy cắt nên hiện vẫn còn diện tích lúa rất lớn chưa thể thu hoạch, trong đó có nhiều diện tích đã quá thời vụ thu hoạch.

"Vụ hè thu năm nay, chi phí máy gặt, vật tư phân bón cái gì cũng tăng quá trời, mà giá lúa lại giảm. Vụ hè thu này, gia đình tôi gieo sạ hơn 2 ha giống lúa OM18. Lúc đầu, thương lái đã đặt cọc thu mua lúa với giá 6.000 đồng/kg, nhưng sau đó thương lái xin giảm 500 đồng/kg, còn 5.500 đồng/kg, giờ họ lại tiếp tục kêu giảm nữa, chỉ còn 5.100 – 5.200 đồng/kg", bà Vân ngán ngẩm.

Ông Quách Hoài Nhân, Phó Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) cho biết: Trên địa bàn xã Vĩnh Hưng có tổng diện tích gieo sạ là gần 1.900 ha. Đến nay, do việc thiếu máy cắt nên mới chỉ thu hoạch được 200 ha, trong khi số lượng máy cắt trong xã chỉ có 6 máy. Vì vậy, xã đã liên hệ, vận động máy gặt ở các vùng khác được thêm 7 chiếc máy cắt và các xã lận cận đến được khoảng 3 - 4 chiếc máy nữa để hỗ trợ cho bà con.

Theo ông Nhân, do thiếu hụt máy cắt lúa và nguồn nhân công nên chi phí máy cắt vụ hè thu năm nay cao hơn năm trước (năm ngoái 280.000 đồng/công thì năm nay là 330.000 – 350.000 đồng/công, cao hơn từ 40.000 – 70.000 đồng/công).

Bạc Liêu đang kêu gọi máy gặt từ các tỉnh ngoài sang hỗ trợ thu hoạch lúa hè thu, nhưng các tỉnh khác cũng đang lâm vào tình cảnh 'cháy' máy gặt. Ảnh: Trọng Linh.

Bạc Liêu đang kêu gọi máy gặt từ các tỉnh ngoài sang hỗ trợ thu hoạch lúa hè thu, nhưng các tỉnh khác cũng đang lâm vào tình cảnh "cháy" máy gặt. Ảnh: Trọng Linh.

Do lúa hè thu năm nay thu hoạch tập trung, trong khi tình hình dịch bệnh phức tạp nên số lượng máy gặt trong xã không thể đáp ứng đủ nhu cầu của người dân. Trong khi đó, các phương tiện ngoài địa bàn khi đến gặt lúa phải qua xét nghiệm nên tốn nhiều chi phí, dẫn đến tình trạng giá máy cắt cao hơn bình thường.

Mới đây, nhằm đảm bảo tiến độ thu hoạch lúa vụ hè thu 2021 trên địa bàn tỉnh, ông Lê Tấn Cận, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu đã đề nghị UBND hai tỉnh Hậu Giang và Sóc Trăng chỉ đạo Sở NN-PTNT hỗ trợ, phối hợp với Sở NN-PTNT Bạc Liêu tạo điều kiện, cho phép người và phương tiện thu hoạch lúa được di chuyển vào tỉnh Bạc Liêu để phục vụ thu hoạch lúa. 

UBND tỉnh Bạc Liêu chỉ đạo Sở NN-PTNT tỉnh và địa phương tiếp nhận người và phương tiện hoạt động trong “vùng xanh” để vừa phục vụ thu hoạch lúa, vừa bảo đảm các yêu cầu phòng chống dịch, ưu tiên hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh Covid-19 cho người theo phương tiện thu hoạch lúa làm việc.

Trước đề nghị của phía Bạc Liêu, lãnh đạo ngành nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng cũng chia sẻ với những khó khăn mà nông dân tỉnh Bạc Liêu đang gặp phải. Theo đó, ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Sóc Trăng cho biết, tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp tại các địa phương giáp ranh với tỉnh Bạc Liêu tăng cường vận động các hộ dân, đơn vị có máy gặt cố gắng hỗ trợ người dân trong khâu thu hoạch.

Tuy nhiên, cũng theo lãnh đạo ngành nông nghiệp Sóc Trăng, thực tế Sóc Trăng cũng chỉ có thể hỗ trợ Bạc Liêu ở một mức nhất định vì lượng máy gặt trong tỉnh cũng ở mức hạn chế, còn máy gặt từ các tỉnh như Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang… năm nay qua Sóc Trăng cũng rất ít.

Bản thân Sóc Trăng, các địa phương trong tỉnh cũng đang chuẩn bị bước vào giai đoạn thu hoạch rộ vụ lúa hè thu nên ngành nông nghiệp Sóc Trăng cũng phải điều tiết máy gặt trong tỉnh để hỗ trợ người dân thu hoạch.

Sóc Trăng cũng "cháy" máy gặt!

Trong hơn 2 tuần qua, nông dân Sóc Trăng đã bước vào giai đoạn thu hoạch rộ vụ lúa hè thu 2021. Việc các địa phương trong và ngoài tỉnh ở ĐBSCL đang thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng dịch Covid-19, cùng với thời tiết mưa nhiều đã gây khó khăn cho việc thu hoạch và tiêu thụ lúa.

Ông Trần Tấn Phương, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Sóc Trăng vừa nắm tình hình thu hoạch lúa tại các huyện, thị xã trên địa bàn tỉnh cho hay: Đến thời điểm này, nông dân đã thu hoạch lúa hè thu đạt trên 50% tổng diện tích toàn tỉnh (tổng số khoảng 175.000 ha).

Nhiều diện tích lúa hè thu ở ĐBSCL đã quá kỳ thu hoạch, đối diện nguy cơ đổ ngã khi gặp mưa, gió lớn. Ảnh: TL.

Nhiều diện tích lúa hè thu ở ĐBSCL đã quá kỳ thu hoạch, đối diện nguy cơ đổ ngã khi gặp mưa, gió lớn. Ảnh: TL.

Tuy vậy, Sóc Trăng vẫn đang thiếu máy gặt đập, do các tổ máy từ các tỉnh lân cận khó di chuyển đưa về địa bàn tỉnh. Vì vậy, việc thu hoạch lúa chủ yếu là các tổ máy gặt nội tỉnh. Hiện chính quyền địa phương và cán bộ Sở NN-PTNT tỉnh cũng đang tham gia điều tiết theo các cánh đồng lúa chín tại địa phương để đảm bảo tiến độ thu hoạch.

Hiện có một số cánh đồng lúa chín đồng loạt cần thu hoạch lúa gấp rút nên máy gặt phải chạy suốt ngày đêm, từ cánh đồng này sang cách đồng khác.

Nhân công các tổ máy gặt di chuyển từ xã này sang xã khác trên địa bàn phân vùng nên phải tuân thủ test nhanh, có kết quả âm tính mới được hoạt động, và chỉ hoạt động thu hoạch ăn ở ngoài đồng ruộng, hạn chế tối đa đi vào các khu dân cư.

Điều mà nông dân lo nhất là sợ lúa không tiêu thụ được. Tuy nhiên hiện tại ở Sóc Trăng tình hình thu mua, vận chuyển lúa đã phần nào giải tỏa bớt áp lực. Thương lái và doanh nghiệp đã đưa được ghe, tàu vận chuyển về đồng thu mua lúa tươi. Dù vậy, thương lái cho rằng trở ngại lớn nhất vẫn là chi phí test lấy mẫu xét nghiệm người đi theo phương tiện di chuyển qua các chốt kiểm dịch và mất thời gian, chậm trễ.

Do đó, cùng với tình hình giá thị trường lúa gạo trong vùng ĐBSCL đang ở mức thấp, hiện một số địa phương ở Thị Xã Ngã Năm (Sóc Trăng) đang thu hoạch bán lúa tươi tại ruộng giá thấp (ngày 5/9 lúa OM18 giá 5.000 - 5.200 đ/kg; OM5451 giá 4.600 - 4.800 đ/kg; lúa RVT giá 5.100 - 5.300 đ/kg; lúa Đài Thơm 5.200 - 5.400 đ/kg; lúa thơm ST24 vẫn giữ được mức giá cao nhất 7.000 - 7.400 đ/kg).

Xem thêm
Lợn cấp cho hộ nghèo bị chết nghi do dịch tả lợn châu Phi

GIA LAI Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Pah nghi lợn bị chết do mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Đơn vị đã phối hợp lấy mẫu xét nghiệp để kết luận nguyên nhân.

Bắt giữ xe khách chở 1,2 tấn nội tạng lên Điện Biên tiêu thụ

1,2 tấn nội tạng chứa trong 9 thùng xốp được chủ xe khách chở từ huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội lên Điện Biên đã bị bắt giữ tại Hòa Bình.

Tập huấn nhân rộng mô hình khuyến nông cộng đồng

AN GIANG Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông An Giang tổ chức 3 lớp tập huấn nhân rộng mô hình khuyến nông cộng đồng.

Giới thiệu nhiều vật tư, công nghệ, thiết bị cơ giới hóa nông nghiệp

TP.HCM Ngày 13/11, tại TP.HCM đã khai mạc Triển lãm quốc tế Sản phẩm, thiết bị, vật tư và phân bón nông nghiệp (Growtech 2024).