Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) ngày 12/8 ra hai báo cáo đáng chú ý về sản xuất nông nghiệp của nước này và ước tính cung – cầu thế giới. Dù sản lượng đậu tương năm nay dự kiến giảm 20% xuống còn 3,68 tỷ giạ, nông dân Mỹ vẫn có nguy cơ dư thừa 755 triệu giạ, chỉ thấp hơn 5% so với con số năm ngoái.
Hai báo cáo còn mang đến những thông tin không mấy tốt đẹp với nông dân trồng ngô. Giá ngô tại sàn giao dịch hàng hóa Chicago đã xuống thấp nhất kể từ tháng 5 sau khi USDA thông báo sản lượng ngô trong tháng 7 vượt dự báo, kết thúc đợt tăng giá “chậm nhưng chắc” dài 3 tháng của nông sản này.
Những thông tin trên được đưa ra không lâu sau khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung tái leo thang. Trung Quốc, quốc gia nhập khẩu nhiều đậu tương nhất thế giới, hôm 6/8 thông báo tạm dừng mua nông sản Mỹ. Đây là động thái trả đũa việc Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 1/8 tuyên bố áp thuế 10% với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc từ đầu tháng 9.
Theo USDA, sản lượng đậu tương ước tính cao kỷ lục tại các bang Arkansas, Kentucky và Tennessee.
“Chúng tôi lo ngại về quá trình đàm phán. Chúng tôi mong muốn có giải pháp tức thì cho thuế quan thương mại. Chúng tôi cảm thấy thuế đang ảnh hưởng đến giá và nhu cầu hàng hóa”, Brad Doyle, nông dân trồng đậu tương tại Arkansas, nói với Nikkei Asian Review ngày 13/8.
“Đó là tình trạng chúng tôi muốn sớm giải quyết. Chúng tôi muốn có tự do thương mại với Trung Quốc và các quyền lợi của mình được bảo vệ”.
Các đầu mối liên lạc của Doyle tại Trung Quốc, buôn bán với bên mua bản địa, cho biết màu của dầu đậu tương Mỹ khác so với dầu đậu tương Brazil. Các bên mua ở Trung Quốc thích đậu tương Mỹ hơn nhưng lại không thể mua vì chiến tranh thương mại.
Trong khi đó, dịch tả lợn châu Phi tiếp tục tàn phá ngành công nghiệp thịt lợn Trung Quốc, vốn tiêu thụ nhiều đậu tương Mỹ. Điều này đồng nghĩa ngay cả khi Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận, nhu cầu đậu tương vẫn khó phục hồi nhanh.
Nông dân Mỹ vẫn kêu gọi Washington cấp bách giải quyết bất đồng với Bắc Kinh. Họ là lực lượng ủng hộ quan trọng của Trump, có thể đóng vai trò then chốt khi ông tái tranh cử tổng thống năm 2020.
“Chúng tôi đã tới Washington nhiều lần, tiếp tục vận động hành lang các nghị sĩ quốc hội làm những điều họ có thể để loại bỏ thuế”, Brian Kemp, giám đốc Hiệp hội Đậu tương Mỹ, nói trong buổi họp trực tuyến do Hội đồng Xuất khẩu Đậu tương Mỹ chủ trì.
Thời tiết bất lợi càng khiến tình hình thêm trầm trọng. Nhiều nông dân trồng đậu tương lên kế hoạch trồng ngô để thay thế nhưng mưa lớn khiến ý định này không thể thực hiện.
“Tôi định trồng thêm ngô nhưng do đã quá thời điểm, thời tiết ẩm và mát. Cuối cùng, tôi phải trồng thêm đậu tương và còn khoảng 10% diện tích đất chưa được canh tác”, theo Monte Peterson, nông dân trồng đậu tương ở bang North Dakota.
Doyle cho biết ông biết có nhiều nông dân ở Arkansas, South Dakota, Winconsin và Minnesota bỏ trống phần lớn các cánh đồng của họ. Số khác lại khó có thể đạt sản lượng như mong muốn.
Cây trồng muộn thường có rễ nông, nghĩa là không thể hút nước trong đất hiệu quả vào mùa hè. Nông dân trồng ngô sau các đợt lụt có thể mất trắng 3,2 triệu hecta còn nông dân trồng đậu mất trắng 400.000 hecta, USDA ước tính.
“Nông dân Mỹ tính trồng nhiều ngô hơn trong năm 2019 nhưng ‘người tính không bằng trời tính’”, Brandon Kilemmes, kinh tế gia tại IHS Markit, nông dân trồng đậu tương tại bang Missouri, nhận định. USDA ra báo cáo sản xuất nông nghiệp trong tháng 8 sau khi tài liệu hồi tháng 6 bị chỉ trích vì chưa phản ánh tác động từ lụt và mưa kéo dài lên kế hoạch gieo trồng.
Nông dân Mỹ còn phải đối mặt áp lực từ các quốc gia nông nghiệp lớn trên thế giới có xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc.
Brazil đã vượt Mỹ, trở thành nhà xuất khẩu đậu tương lớn nhất thế giới, và có thể làm điều tương tự đối với ngô, theo Dan Basse of AgResource, công ty nghiên cứu nông nghiệp ở thành phố Chicago, bang Illinois.
Nga, quốc gia xuất khẩu lúa mỳ hàng đầu thế giới, muốn đầu tư 70 tỷ USD cho đến năm 2035 vào tăng năng suất trên diện rộng. Trung Quốc cũng gấp rút đa dạng hóa nguồn cung, hạn chế phụ thuộc vào nông dân Mỹ.
Hội đồng Xuất khẩu Đậu tương Mỹ đang đầu tư mạnh tay vào Đông Nam Á để tìm thị trường tiềm năng, theo Jim Sutter, CEO của tổ chức. Họ “cần vài năm” để không còn phụ thuộc vào nhu cầu từ Trung Quốc.
Giám đốc Kemp cho biết Philippines đã soán ngôi Mexico, trở thành bên mua thức ăn chăn nuôi làm từ đậu tương nghiền lớn nhất của Mỹ. Tuy nhiên, về doanh số, Trung Quốc mua hơn 2 triệu tấn đậu tương trong tháng 7 trong khi sức mua từ Philippines và Mexico trong cùng kỳ chỉ bằng 27%.
“Tôi nghĩ sẽ rất khó để bên mua đậu tương số một thế giới, Trung Quốc, dừng làm ăn với bên sản xuất đậu tương số một thế giới, Mỹ”, Sutter nhận định.