Bộ trưởng Nông nghiệp Mỹ Sonny Perdue hôm 23/5 thông báo chính phủ liên bang sẽ chi thêm 16 tỷ USD để hỗ trợ những nông dân bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại với Trung Quốc. Động thái này nhằm xóa bỏ phần nào thiệt hại do thuế đáp trả của Trung Quốc gây ra.
Cách phân bổ hỗ trợ nông dân bị cho là chưa hiệu quả |
“Tổng thống Donald Trump cảm thấy điều Trung Quốc đang cố làm thực sự không có hiệu quả. Nền kinh tế của họ thiệt hại nhiều hơn ngành nông nghiệp của chúng ta. Đó là lý do ông Trump cho phép triển khai chương trình hỗ trợ 16 tỷ USD”, ông Persue nói với Fox Business.
Chính quyền Trump năm 2018 cũng cam kết chi 12 tỷ USD giúp nông dân hạn chế thiệt hại từ đợt thuế đáp trả đầu tiên của Trung Quốc, sau khi Mỹ áp thuế lên hàng trăm tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ nền kinh tế số hai thế giới. Tuy nhiên, việc phân bổ 28 tỷ USD này còn bất cập.
‘Giàu ngày càng giàu hơn’
Tờ Los Angeles Times cho biết phần lớn số tiền hỗ trợ khả năng cao sẽ rơi vào các trang trại có doanh thu thường niên vài triệu USD. Đây là những bên được hưởng lợi nhiều trong các chương trình trợ giá ngũ cốc, bảo hiểm giá ngũ cốc – bao gồm loại bảo hiểm giúp bù đắp một phần thiệt hại trong chiến tranh thương mại.
Một trường hợp được tờ báo nhắc đến là thượng nghị sĩ Cộng hòa bang Iowa Chuck Grassley. Trang trại của Grassley, do con trai Robin và cháu trai Patrick quản lý, nhận được 1,6 triệu USD hỗ trợ từ chính phủ trong giai đoạn 1995 – 2017, theo số liệu từ Environmental Working Group (EWG), tổ chức phi lợi nhuận chuyên nghiên cứu về trợ giá nông nghiệp, hóa chất độc hại, ô nhiễm nước. Trang trại chủ yếu trồng ngô và đậu tương.
Grassley đã nộp đơn xin hỗ trợ khi gói 12 tỷ USD được công bố. Michael Zona, người phát ngôn của Grassley, cho biết nghị sĩ này cũng sẽ nộp đơn xin hỗ trợ từ gói 16 tỷ USD và khẳng định Grassley “không hề được ưu tiên” trong quá trình phân bổ.
Báo cáo từ các bang nông nghiệp cho thấy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang khiến nhiều nông dân quy mô nhỏ phá sản.
Chính quyền Trump trước đó còn tránh được một sai sót không đáng có. Họ phát hiện trong danh sách các nhà sản xuất thịt lợn cần hỗ trợ có Smithfield Foods, công ty do Trung Quốc sở hữu, với khoản tiền 240.000 USD. Smithfield Foods sau đó bị loại khỏi chương trình.
Phân tích ban đầu từ EWG về hỗ trợ đầu tiên, chi trả cho tới ngày 31/10/2018, cho thấy các đợt giải ngân lớn được chuyển về những trang trại có diện tích lớn, đủ để thu về khoản trợ giá hàng chục triệu USD trong giai đoạn 1995 – 2017. EWG chưa thể hoàn thành phân tích, một phần do việc công bố số liệu bị trì hoãn do sự kiện chính phủ Mỹ đóng cửa hồi đầu năm.
Thương chiến Mỹ- Trung khiến nhiều nông dân Mỹ lâm vào khó khăn do bí đầu ra cho nông sản |
Kết quả trên không có nghĩa là họ không chịu thiệt hại từ chiến tranh thương mại. Tuy nhiên, “các khoản giải ngân lớn nhất lại rơi vào những nông dân giàu nhất. Điều này không bất ngờ bởi phương thức chi trả dựa trên diện tích sản xuất. Do đó, những trang trại lớn nhất sẽ nhận phần lớn nhất.
Bên nào đang trả giá cho chính sách thuế của Trump?
“Những người nông dân yêu nước của chúng ta sẽ là bên hưởng lợi nhiều nhất từ tình hình hiện tại”, ông Trump viết trên Twitter hôm 14/5. “Nông dân đã bị ‘bỏ quên’ suốt nhiều năm. Giờ là thời điểm của họ”.
Hiện chưa rõ ý của từ “bỏ quên”. Nông nghiệp là một trong những ngành được trợ giá nhiều nhất tại Mỹ. Một trong những hình thức hỗ trợ từ chính phủ liên bang là bảo hiểm doanh thu – bảo vệ nông dân khỏi thất thu trong trường hợp giá nông sản giảm, bao gồm cả trường hợp do thuế từ nước ngoài.
“Hầu hết trang trại tại Mỹ nhỏ”, Bộ Nông nghiệp Mỹ cho biết trong báo cáo năm 2018. Theo đó, số trang trại nhỏ - có thu nhập ròng hàng năm dưới 350.000 USD – chiếm tới 89% tổng số trang trại ở Mỹ nhưng đóng góp chưa đến 26% tổng giá trị nông sản.
Các chủ trang trại nhỏ lại ít được quan tâm từ chính phủ liên bang |
Nhóm trang trại lớn, có thu nhập ròng hàng năm tối thiểu 1 triệu USD, chỉ chiếm 2,8% về số lượng nhưng lại tạo ra gần 40% tổng giá trị nông sản. Họ còn được công nghiệp hóa cao.
Về đậu tương, loại hàng hóa bị ảnh hưởng mạnh nhất bởi chiến tranh thương mại, 42,5% trang trại sản xuất có quy mô lớn, 22% là các trang trại quy mô nhỏ. Thời trước chiến tranh thương mại, Trung Quốc mua khoảng 12 tỷ USD đậu tương mỗi năm từ Mỹ.
“Khó có thể ngồi yên trong khi không có thỏa thuận nào được ký”, Lorenda Overman, 57 tuổi, nông dân trồng đậu tương ở North Carolina, nói. “Chúng tôi cần một thỏa thuận. Chúng tôi đang khát khao một thứ gì đó. Chúng tôi cần giúp đỡ”.