Nông dân Mỹ trên một cánh đồng đậu tương ở bang Illinois. Ảnh: Reuters. |
Nông dân Mỹ chưa bao giờ thấy thu nhập ròng của họ giảm tới một nửa kể từ năm 2013. Họ đang có tổng nợ 427 tỷ USD - nhiều nhất sau cuộc khủng hoảng nông trại những năm 1980. Tỷ lệ vỡ nợ các khoản vay nông nghiệp tại ngân hàng trong 3 tháng đầu năm 2019 cao nhất 7 năm qua.
Trong một sự kiện ở bang Iowa hồi đầu tháng 6, Tổng thống Donald Trump đổ lỗi cho những người tiền nhiệm “không làm gì” trước tình trạng thu nhập của nông dân giảm, đồng thời cho rằng chính quyền của ông giúp “đảo ngược tình thế”.
Tuy nhiên, trên thực tế, cuộc chiến thương mại của Tổng thống Trump càng làm xói mòn những điều kiện tài chính, theo Politico. Áp thuế đáp trả các đối tác thương mai lớn như Trung Quốc và Mexico khiến xuất khẩu nông sản của Mỹ giảm mạnh, đẩy giá hàng hóa xuống thấp. Nợ tăng đẩy người chăn nuôi và trồng trọt - vốn chịu thiệt hại do các đợt lụt lớn - đến mất khả năng thanh toán.
Gran Kimberley, nông dân trồng ngô và đậu tương tại Iowa, nhận thấy nguy cơ ngày càng gia tăng. Ông cũng như nhiều người khác dần mất vốn, phải chọn giữa ngày càng chìm sâu vào nợ nần hoặc từ bỏ làm ăn. Một số người cố cầm cự bằng cách hạn chế sửa chữa máy móc, hy sinh các khoản đầu tư dành cho hoạt động của trang trại.
“Đã có bao nhiêu tình huống bất khả kháng chúng tôi phải chịu trong vài năm qua?”, Kimberley nói. “Thời tiết bất lợi, dịch tả lợn châu Phi và chiến tranh thương mại. Tôi cho rằng tình trạng này là chưa từng có. Chúng tôi chưa chứng kiến điều gì tương tự kể từ những năm 1980”.
Bất ổn trong nông nghiệp trái ngược với kinh tế Mỹ nói chung, với tăng trưởng năm 2018 là 3%. Nhiều nhà kinh tế dự đoán nếu kinh tế Mỹ năm nay giảm tốc, nông dân lại nằm trong nhóm chịu thiệt hại nặng nhất.
Tổng thống Trump đã có biện pháp ứng phó tạm thời – lập quỹ hỗ trợ quy mô 27 tỷ USD, hướng đến những người bị chiến tranh thương mại ảnh hưởng. Ông từng giành thắng lợi trước đối thủ đảng Dân chủ Hillary Clinton ở phần lớn các bang nông nghiệp trong cuộc bầu cử năm 2016 và vẫn nhận được nhiều sự ủng hộ tại những nơi này.
Xuất khẩu nông sản của Mỹ, trong đó có đậu tương, giảm đáng kể vì chiến tranh thương mại. Ảnh: Reuters. |
Tỷ lệ vỡ nợ nông nghiệp tại Mỹ trong quý I là 1,26%, vẫn khá thấp so với mức trên 3% trong những năm 1980, đỉnh điểm là 8,64% vào quý I/1986. Gus Barker, CEO ngân hàng First Community Bank, bang Iowa, cho biết họ đang giải quyết nguy cơ liên quan những khách hàng vay nông nghiệp có tình trạng tài chính bấp bênh. Danh sách “những ngân hàng gặp vấn đề” - tức có thể vỡ nợ - của FDIC “đang rất, rất nhỏ”. “Nếu tình trạng này còn tiếp tục, cơ quan quản lý sẽ có hành động với một số ngân hàng nhất định. Đó là điều không thể tránh khỏi”. |
Tuy nhiên, tỷ lệ nông dân không thể trả nợ đang gia tăng, ảnh hưởng hoạt động của các ngân hàng ở miền trung Mỹ, công ty bảo hiểm tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) cho biết hồi tháng 5.
Khoảng 20% người đi vay trong quý I tăng mức vay so với cùng kỳ năm ngoái, theo Ngân hàng dự trữ liên bang Kansas City.
“Hàng nghìn ngân hàng hoạt động trong khu vực nông thôn”, Mark Scanlan, phó chủ tịch cấp cao về chính sách nông nghiệp và nông thôn tại Cộng đồng các ngân hàng độc lập ở Mỹ (ICBA), nói.
“Khi kinh tế nông nghiệp bắt đầu đi xuống, họ bị ảnh hưởng không chỉ bởi nợ nông nghiệp mà còn từ những doanh nghiệp chuyên bán hàng hóa cho nông dân”
Các bên cho vay nông nghiệp đã thắt chặt tiêu chuẩn tín dụng do tình hình ngày càng khó khăn, phụ thuộc nhiều hơn vào những khoản cho vay đảm bảo được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) hậu thuẫn.
“Chúng tôi theo dõi rủi ro tập trung, đang tiếp tục tăng, tại các ngân hàng nông nghiệp, đặc biệt là ở những hạt có nguy cơ liên quan nông nghiệp ở mức cao”, tổng cố vấn FDIC Nick Podsiadly phát biểu hôm 13/6. “Một số tổ chức có dư nợ nông nghiệp vượt quá 300% tổng vốn”.
Nông sản tồn kho do nông dân không thể bán - vì chiến tranh thương mại và giá thấp - phần nào gây ra tình trạng nợ nông nghiệp quá hạn, theo John Newton, kinh tế gia tại Liên đoàn nông nghiệp Mỹ.
“2019 là năm thứ 5 liên tiếp giá hàng hóa giảm, nhiều người chật vật mới trụ được đến lúc này. Chúng tôi nghe tin nhiều người chuyển từ nợ ngắn hạn sang nợ dài hạn. Đó chắc chắn không phải công thức để thành công”.
Chính sách thương mại là “biến số không thể kiểm soát, như thời tiết vậy”, Jeff Gruetzmacher, phó chủ tịch điều hành Royal Bank, trụ sở bang Wincosin, mô tả.
Với Kimberley, nông dân Mỹ đang trong giai đoạn “bất ổn nhất, khó đoán nhất”.
“Nông nghiệp luôn có thăng trầm nhưng tôi nghĩ tình hình hiện tại đã vượt ngoài khả năng dự đoán”.
Trong khi căng thẳng thương mại với Canada và Mexico phần nào hạ nhiệt, tình hình ở “mặt trận” với Trung Quốc - quốc gia mua nhiều đậu tương và các sản phẩm nông nghiệp khác từ Mỹ - lại gia tăng. Tổng thống Trump hồi tháng 5 tăng thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và giá đậu tương đã xuống thấp nhất 10 năm. “Xuất khẩu hàng nông nghiệp sang Trung Quốc đã giảm đáng kể”, Nathan Kauffman, phó chủ tịch chi nhánh Omaha của Ngân hàng dự trữ liên bang Kansas City, nói. Số trang trại phá sản tăng chủ yếu trong các lĩnh vực trồng ngô, đậu tương và sản phẩm từ sữa. Ông nhấn mạnh nhiều ngân hàng đã chọn cách tiếp cận bảo thủ hơn, dựa trên bài học từ những năm 1980, và vẫn hoạt động tốt, dù “vẫn cần lưu ý một số rủi ro nhất định”. |