Xem như tròm trèm một thế kỷ đã qua, thế kỷ 20, Việt Nam mình không ngớt chiến tranh. Đầu tiên là các cuộc khởi nghĩa chống lại ách đô hộ quá dài lâu của người Pháp, sau đó, 1930 - 1945 thì ai biết chút ít về lịch sử đều biết và sao đó nữa.
Năm 1975 tưởng yên bình, nhưng đất nước một lần nữa căng mình với biên địa hai đầu tổ quốc và, mọi thứ kiệt cùng. Có lẽ không quốc gia nào trên thế giới này bị chiến tranh đào xới liên miên như vậy.
Nói để bắt đầu câu chuyện về cái khuôn rào. Sao từ việc rộng lớn như chiến tranh và núi xương sông máu để rồi chốt hạ ở cái khuôn rào? Xin thưa, không gì là không liên quan nhau, bầu trời, mặt đất, dòng sông, cánh đồng… cho đến một gốc cây, một cánh bướm, một khóm hoa… trên dải đất hình chữ S này đều liên quan đến nhau.
Bởi chúng cùng thở, cùng ánh trời, cùng bóng đêm, cùng phập phồng hoặc là cùng an vui với con người, với từng con người và mỗi gia đình bên nhau trong cụm từ thiêng liêng gần gũi: cương thổ.
Tôi đặc biệt mẫn cảm với cây lá và chim muông cùng các thứ. Tôi nhớ tuổi thơ mình khi Cuộc chiến thứ hai 1954 - 1975 chưa khắc nghiệt ghê gớm như đã.
Dòng sông ấy chưa nhiều lục bình âm trì như sau này. Cũng tiếng chèo khuya nhưng sao không gấp gáp và khắc khoải. Cũng những thị trấn thị xã ấy nhưng nhà cửa ngăn nắp, trau chuốt, đâu ra đó.
Ở những nơi tôi được đi qua trên tàu đò, xóm làng bình thản, bến nước, hàng cau hàng dừa, cây hàng rào tỉa tót và hoa nở bên trên những vòm cổng, lung linh. Và ở xóm ấp của tôi, nhà giàu đường bệ, nhà kha khá khang trang, nhà lá khiêm tốn cũng không xuề xòa.
Để thấy rằng, tiếc nuối là có thật, bởi bom đạn tàn phá cũng đương nhiên, có thật. Không gì còn lại một cách bình thường với 21 năm chiến trận ở cả hai miền đất nước.
Hàng mấy triệu người, đa số là đàn ông chết đi, thì còn lại với người sống có phải là góa bụa không? Đất góa mới là điều bao quát nhất. Nông thôn rỗng đàn ông, cái sự góa của phụ nữ hai phía gặp lại nhau trên xóm ấp tan hoang là những năm tháng thở dài triền miên.
Miền Bắc ngấp nghé đói thêm, không biết đến bao giờ bởi công cuộc Hợp tác hóa ngự trị dai dẳng (ban đầu là để lính - lúa phục vụ chiến tranh), sau thì cái trớn kinh tế bao cấp trói chặt con người.
Để thấy rằng, suốt 10 năm nữa Cuộc chiến ở biên giới phía Bắc và ở Tây Nam, cũng dòng sông ấy, cánh đồng ấy, xóm làng ấy, con người vẫn bị dí xuống đói nghèo, bất an, cùng cực.
Đói theo nghĩa đen, khắp nơi. Xã hội cựa quậy dữ dội, thay đổi gì đi chứ, thì không chết theo nghĩa đen cũng chết lâm sàng. Miền Bắc tháo khoán bắt đầu từ Thái Bình đất lúa, miền Nam công cuộc hợp tác hóa tập đoàn hóa lụi tàn.
Có thế chứ. Cùng với thất bại của chủ trương Giá - Lương - Tiền, dường như dân chúng và những người chủ trương cải cách đã xô được thành trì bảo thủ, trì trệ, kinh khủng.
Nhưng, như một con tàu, đánh lái và cập bến phải có hải trình thận trọng. Mười năm cuối của thế kỷ 20 trôi vèo trong sự phấp phỏng chờ cánh cửa kinh tế mở ra với thế giới. Và nó đã mở ra dù chỉ là he hé mở.
Cũng bởi vì con tàu ấy, người cũ, bến cũ và con dân đất Việt đã phải “tự mình trước khi trời cứu”. Trời vẫn cao và xa, lại một thời kỳ chờ đất thôi côi góa, những chàng trai những cô gái được sinh ra sau 1975 là sinh khí của thế kỷ mới.
Tôi chú ý đến khuôn rào. Chỉ để thấy rằng nông thôn ra sao khi đất nước tràn ngập những con người trẻ. Vì sao lại là nông thôn? Vì không ai không từ gốc gác thôn quê, xứ sở lúa nước, quê quán của nông sản và thủy sản. Vì sao là khuôn rào? Đơn giản bởi vì sau khuôn rào là một mái nhà, buồn hay vui, ấm no hay chật vật, nếp ăn nếp ở hay vẫn tặc lưỡi qua ngày?
Tôi không thể quên những ngày ở Bordeaux miền Nam nước Pháp. Những vỉa hè đầy những chậu hoa hồng do nghệ nhân chăm sóc dưới sự kỳ vọng ân cần của Thị trưởng và chính quyền sở tại. Những cây hàng rào qui định cho những lớp nhà, ven đường, phía sau và cả trong cùng.
Loại cây nào, chiều cao của hàng rào phải cắt tỉa như quy định ra sao và cứ thế, hàng trăm năm. Cô bạn đưa tôi đi bộ để ngắm những khuôn viên của những gia đình khá giả. Hàng rào sắt uốn lượn công phu và những sân vườn đầy hoa thơm. Nếu không có chiến tranh, người Việt mình đã được sống như thế chăng?
Bồng bềnh cảm giác được sống như mơ ước, do thanh bình. Chúng ta đã có thanh bình chưa? Thanh bình không gào lên mà có. Thanh bình đến từ bên trong mỗi con người. Do tất cả, đất trời, không khí, sinh kế, học hành, vui chơi, độc lập và tự chủ. Dường như đã có một cuộc gượng dậy phi thường, như chúng ta đã từng vượt qua bao nhiêu ngang trái, bi kịch, cay đắng, một cách phi thường.
Đã thấy các bạn trẻ về lại quê nhà, tạo dựng mảnh vườn đã từng đẹp như mơ trong ký ức. Đã thấy những vệt hoa con người trồng xuyên trên những mẫu ruộng nay đã bê tông hóa cho xe máy luớt đi, sâu vào các xóm ấp với tre pheo, cau dừa, vườn cây, chim muông.
Đã thấy những bến sông dạt dào, lục bình được nuôi ở những nơi qui hoạch để chờ cắt gọt, đem phơi và xuất khẩu sợi. Đã thấy vô số khuôn viên luôn không giống nhau, bởi vì con người đã sợ hãi đồng phục, rập khuôn. Đã thấy ô tô bon trên đường làng đầy những khóm hoa theo sở thích của gia chủ sau khuôn rào, xe lăn bánh nhẹ nhàng để không làm đau hoa.
Nhờ mạng xã hội rộng khắp, tôi nhận ra những nếp nhà mê ly ở vùng cao, ở Hội An, ở Hà Tĩnh, ở đồng bằng sông Hồng, ở Đồng Nai, ở Bảo Lộc và ở miền Tây yêu quý của tôi. Không đếm xuể. Có gì đó khấp khởi, không nói nên lời. Nếp nhà kiểu cũ, khuôn rào và hoa trái.
Khách ngoại quốc đã tìm đến, những hàng khách đi xe đạp trải nghiệm, có thế chứ. Sao không là những chiếc thuyền nhỏ trong mương liếp có bóng dừa? Sao không là thú ngồi xích lô dưới trăng, trong mùi hoa cau, hoa ngọc lan? Không cần nhà nước hô hào, cứ cho thanh bình đi, tự người dân sẽ làm ra tất cả.
Mỗi năm tôi về quê một lần. Mươi năm trước, ô tô con qua phà nhỏ. Mấy năm trở lại lại đây cầu và đường đã sẵn sàng, nhiều nhà dân là chủ vựa đã sắm được xe bán tải gom hàng bằng đường bộ ra thị tứ, thị trấn. Tôi luôn xuống xe ở cách vườn nhà tầm cây số để đi bộ. Không nỡ lướt nhanh khi tán mít, tán cà na, tán bần ở ngay trên đầu. Cây vùng sâu, cây đặc trưng cho thời đom đóm, giờ thành cây đặc sản, kỳ diệu.
Thả chân trên đường làng, giữa những khóm hoa mỗi nhà mỗi kiểu bạn ạ, lòng chùng xuống và cứ muốn nó chùng như vậy đi, yếu mềm tha thiết như vậy đi. Cây khuôn rào không gì ngoài dâm bụt mà sau nó đã là cây vú sữa, cây sầu riêng, cây măng cụt. Dân mình đã rời ăn đong mỗi ngày bằng cây môn, cây ổi, cây chuối, chứng tỏ đã đủ bình tâm để chờ cây sang trọng ấy cho thứ trái ngon.
Đất nước ta đẹp vô ngần, câu ấy không ngoa. Chỉ cầu mong cho mọi thứ bình an để người dân được sống trong ấm êm và sung túc, khắp nơi, mỹ mãn.