Diện tích tăng nóng
Hiện giá cam sành loại đẹp tại vườn chỉ 5.000 đồng/kg. Đối với những vườn cam mới cho trái chiến (lứa đầu tiên) giá từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, thậm chí những vườn có sản lượng lớn thương lái không mua, cam chín rụng đầy vườn.
Theo các thương lái cho biết, trước Tết Nguyên đán cam có giá 12.000 đồng/kg. Từ đó đến nay do nhu cầu tiêu thụ các tỉnh phía Bắc giảm mạnh nên giá cam giảm sâu. Hiện sức tiêu thụ của thị trường giảm hơn 50%.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Vĩnh Long, hiện nay diện tích cam sành của tỉnh đã vượt hơn 18.000ha, tập trung tại các huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm, Bình Minh. Cam sành là đối tượng rất dễ trồng nên nông dân mở rộng rất nhanh dẫn đến sản lượng ở thời điểm này rất lớn cung quá cầu, tạo sức ép giá giảm sâu.
Còn theo Phòng NN-PTNT huyện Tam Bình, ba năm gần đây diện tích đất lúa chuyển đổi trồng cam sành khoảng 1.000ha. Hầu hết, những diện tích cam này phát triển tự phát, không theo vùng quy hoạch, do người dân các tỉnh khác như: Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh đến thuê đất để trồng. Mô hình trồng cam rất dày, từ 200 - 300 cây/công nên sản lượng rất cao. Năng suất ở đợt đầu tiên khoảng 5-6 tấn/công, đợt thứ hai từ 7-10 tấn/công.
Hiện cam sành chỉ tiêu thụ theo hình thức ăn tươi, ép lấy nước làm nước giải khát tại thị trường nội địa mà chưa thể xuất khẩu. Sản phẩm chế biến sâu từ cam sành chưa phát triển. Tại ĐBSCL, cam sành được trồng nhiều tại tỉnh Vĩnh Long, Hậu Giang.
Những năm gần đây, do giá cam ổn định nên diện tích tăng rất nóng. Tuy nhiên, loại cây trồng này được đánh giá là cây mau giàu cũng là cây mau nghèo bởi chi phí đầu tư cho 1ha cam sành dao đồng từ 600 triệu đến 900 triệu đồng (nếu thuê đất).
Ông Út Em ở ấp Thông Nguyên, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long có 15 công (15.000m2) cam đang cho thu hoạch đợt đầu tiên, dự kiến năng suất khoảng 6 tấn/công. Ông nói mỗi công cam đầu tư đến giờ này là 120 triệu đồng, gồm tiền cây giống, thuê đất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và nhân công chăm sóc.
Các năm trước, giá cam rất ổn định, chỉ cần thu hoạch đợt đầu tiên là nhà vườn đã hoàn vốn đầu tư. Các vụ sau đó sẽ có lãi. Với giá như thế này không đủ tiền để chăm sóc cây cho vụ tới, ông nói phải đầu tư thêm tiền nếu không vụ sau năng suất không đạt.
Khuyến cáo tập trung chăm sóc
Giá cam thấp, người dân có tâm lý neo chờ giá dễ dẫn đến cây bị suy kiệt. Ngành NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long khuyến cáo người dân tập trung chăm sóc cây, nhất là tưới nước, bón phân đầy đủ. Theo ông Lâm Văn Chánh, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tam Bình cho biết:
“Ngành khuyến cáo bà con không nản lòng, nên tập trung tưới nước, bổ sung thêm dinh dưỡng. Nếu chăm sóc tốt, cam có thể neo trên cây được khoảng 10 ngày. Nếu không cam dễ mất nước, không đẹp thương lái không mua. Sau đó, cây còn suy kiệt có thể chết hoặc mùa sau không có năng suất”.
Ông Chánh còn nói thêm, cam sành là cây chủ lực của huyện, đã có thương hiệu bấy lâu nay. Hiện sản phẩm cam sành của HTX cam sành Khánh Nhân đã được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao. Bên cạnh đó, đơn vị còn kết hợp với một doanh nghiệp xây dựng dữ liệu số hoá bản đồ vùng trồng cây cam sành và kênh quảng bá trên mạng Zalo để thúc đẩy tiêu thụ cho vùng cam của huyện.
Tuy nhiên, ông Chánh cũng tâm tư: Mô hình trồng cam của bà con rất dày, khoảng cách giữa hai cây từ 0,9m – 1,2m. Chu kỳ khai thác khoảng 4-5 vụ là cây cam không còn cho năng suất hiệu quả. Bà con phải chặt bỏ đầu tư lại từ đầu hoặc chuyển trở lại trồng lúa.
Do thâm canh quá mức nên dinh dưỡng trong đất hầu như cạn kiệt. Khi đưa cây cam mới hoặc cây lúa trở lại thì phải đầu tư phân bón rất nhiều mới cho năng suất hiệu quả. Cụ thể như đối với cây lúa, phải mất đến 2 năm dinh dưỡng trong đất mới cân bằng trở lại.