Giá cam sành xuống mức thấp nhất lịch sử. Doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản "hụt hơi". Cà Mau kêu gọi ngư dân chống khai thác thủy sản bất hợp pháp. Phát triển chanh dây thành cây trồng triệu USD.
Giá cam sành tại xuống mức thấp nhất lịch sử
Hiện nay, cam sành ở Vĩnh Long đang được thương lái mua xô tại vườn với giá từ 3.000 - 4.000 đồng/kg, mức thấp nhất từ trước đến nay. Thậm chí, nhiều nơi còn không có thương lái tới thu mua.Ông Nguyễn Văn Liêm, Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết, nguyên nhân cam rớt giá là do mặt hàng này chỉ tiêu thụ trong nước, trong khi nhu cầu sử dụng thấp do thời tiết lạnh kéo dài.Đặc biệt, việc sản xuất cam từ trước đến nay chủ yếu là tự phát, không theo quy hoạch, không theo định hướng nên khó kiểm soát về giá cả cũng như chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, công tác quy hoạch vùng sản xuất chưa được thực hiện nghiêm ở các địa phương, đầu tư về cơ sở hạ tầng chưa được đồng bộ. cam sành
Doanh nghiệp xuất khẩu thuỷ sản "hụt hơi"
Lạm phát và chi phí thức ăn neo cao khiến lợi nhuận nhiều công ty thủy sản lớn giảm mạnh trong quý cuối năm ngoái. Trong đó, Vĩnh Hoàn hụt hơn một nửa lợi nhuận so với cùng kỳ 2021, còn gần 200 tỷ đồng. Ngành tôm của Sao Ta cũng giảm 26% lợi nhuận về hơn 80 tỷ đồng. Nhóm các doanh nghiệp thủy sản có thị phần nhỏ hơn cũng ghi nhận tình trạng tương tự. Lãnh đạo các doanh nghiệp nhận định, ngành thủy sản đang chịu áp lực từ nhiều phía. Ở đầu vào, chi phí nguyên liệu và chi phí sản xuất tăng. Trong khi đầu ra tiêu thụ gặp khó vì sản lượng và giá bán giảm do lạm phát. Các chuyên gia dự báo, năm 2023 vẫn còn nhiều rủi ro, nổi bật là lạm phát làm giảm sức mua và rủi ro chênh lệch tỷ giá.
CÀ MAU KÊU GỌI NGƯ DÂN CHỐNG KHAI THÁC THỦY SẢN BẤT HỢP PHÁP
Ông Huỳnh Quốc Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau vừa có thư ngỏ kêu gọi ngư dân tích cực hưởng ứng chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định - IUU.Lãnh đạo tỉnh Cà Mau cho rằng, mặc dù phải đối diện với nhiều khó khăn, nhưng vì lợi ích lâu dài của ngư dân và quốc gia, dân tộc, địa phương rất mong ngư dân cố gắng thực hiện đúng quy định của nhà nước về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, với cương vị Chủ tịch UBND tỉnh, sẽ kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp, không để vì một vài cá nhân vi phạm dẫn đến ảnh hưởng lợi ích của ngư dân làm ăn chân chính, ảnh hưởng đến danh dự của quốc gia và dân tộc.
Phát triển chanh dây thành cây trồng triệu usd
Chỉ sau 1 thời gian ngắn có mặt, cây chanh dây đã khẳng định được vị thế của mình trên bản đồ nông nghiệp của tỉnh Gia Lai bằng chính hiệu quả mà nó đem lại. Đặc biệt, từ việc sản phẩm chanh dây được xuất khẩu chính ngạch vào EU, Trung Quốc đã mở ra cơ hội cho loại cây trồng này trở thành “cây triệu đô”.Để hiện thực hóa cơ hội trên, Gia Lai đã có những chủ trương, chính sách đặc thù cho cây chanh dây; trong đó, nỗ lực mở rộng diện tích cây chanh dây từ 4.500 ha hiện có lên đến 20.000 ha vào năm 2025, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào chuỗi cung ứng giống, thu mua, chế biến sản phẩm.Ngoài ra, địa phương còn ưu tiên quỹ đất; xây dựng quy trình canh tác hữu cơ, tưới tiết kiệm đến thu hoạch khoa học, bảo quản an toàn…