| Hotline: 0983.970.780

Khuyến khích chăn nuôi bò, nhưng khó chuyển đổi sang trồng cỏ

Chủ Nhật 05/07/2020 , 07:52 (GMT+7)

TS. Tống Xuân Chinh, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT), chia sẻ bất cập về chính sách phát triển nguyên liệu thức ăn gia súc ăn cỏ.

Cần sửa Luật Đất đai năm 2013

Giá trị sản xuất của ngành chăn gia súc ăn cỏ mỗi năm trên 20.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, vấn đề sử dụng đất làm nguyên liệu thức ăn cho gia súc lại có nhiều lỗ hổng.

Vì theo Luật Đất đai năm 2013, có 8 loại đất nông nghiệp (gồm đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối) và loại đất khác.

Trong đó, đất chăn nuôi thuộc loại đất khác. Nghĩa là chỉ được sử dụng để xây dựng chuồng trại; trại giống và trại thực nghiệm mà chưa có câu nào nêu rõ là “đất để trồng cỏ”.

Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

Ông Tống Xuân Chinh - Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN-PTNT). Ảnh: Minh Phúc.

Cho nên, ngành chăn nuôi rất khó cân đối nguồn nguyên liệu để đáp ứng nhu cầu tăng đàn gia súc ăn cỏ.

Đến nay chúng ta mới chỉ có khoảng 70.000 ha đất trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi (gồm diện tích trồng cỏ và ngô sinh khối để nuôi bò sữa, bò thịt).

Hiện nay, Chính phủ có chính sách chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp hiệu quả thấp sang trồng thức ăn chăn nuôi. Nhiều địa phương đã chuyển đổi đất lúa sang trồng ngô sinh khối, thu về gấp 2,8-3,3 lần trồng lúa.

Nhưng việc chuyển đổi đất nông nghiệp sang trồng cỏ và thức ăn chăn nuôi đang vướng rào cản chính sách.

Cần cơ chế chuyển đổi đất lúa thoáng hơn

Nghị quyết số 63/NQ-CP của Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2020, bảo vệ quỹ đất lúa là 3,8 triệu ha để có sản lượng là 41-43 triệu tấn lúa. Nhưng trên thực tế, chúng ta thấy trồng lúa sau khi trừ chi phí thì lợi nhuận còn lại rất thấp. Và ở những nơi đất chật người đông như Thái Bình, tỉ lệ bỏ ruộng đã lên tới 20-30% tùy từng địa phương.

Trồng cỏ nuôi trâu, bò giúp nhiều nông dân xã đảo Minh Châu (Ba Vì, Hà Nội) có thu nhập cao, ổn định bền vững. Ảnh: Minh Phúc.

Trồng cỏ nuôi trâu, bò giúp nhiều nông dân xã đảo Minh Châu (Ba Vì, Hà Nội) có thu nhập cao, ổn định bền vững. Ảnh: Minh Phúc.

Chúng tôi hy vọng khi xây dựng Luật Đất đai sửa đổi sắp tới, chúng ta sẽ có một cơ chế thoáng hơn khi chuyển đổi đất lúa sang cây trồng làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ.

Tuy nhiên, chúng ta không thể ngồi chờ sự thay đổi của chính sách. Chúng ta phải vận dụng điều kiện thực tiễn của đất nước, để triển khai mạnh mẽ chiến lược tái cơ cấu ngành chăn nuôi.

Mỗi năm, chúng ta có trên 45 triệu tấn rơm. Nếu được thu gom, chế biến thì nó trở thành nguồn thức ăn khổng lồ cho gia súc ăn cỏ, đặc biệt là cho bò. Và từ nguồn này, nếu chế biến tốt, các doanh nghiệp Việt Nam có thể xuất khẩu sang một số nước.

Thực tế, đã có một số cơ sở xuất khẩu thức ăn TMR, thức ăn từ rơm, thức ăn ủ chua và ngô sinh khối sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan… đây là hướng đi rất hiệu quả.

Ngoài nuôi bò thịt, nhiều hộ nông dân giàu lên từ nuôi bò sữa. Ảnh: Minh Phúc.

Ngoài nuôi bò thịt, nhiều hộ nông dân giàu lên từ nuôi bò sữa. Ảnh: Minh Phúc.

Mỗi năm, chúng ta còn có khoảng 3 triệu tấn rau, củ, quả thải loại và khoảng 130.000 tấn hèm bia từ ngành công nghiệp chế biến. Nếu thu gom, chế biến, bảo quản tốt thì đều trở thành nguồn thức ăn chăn nuôi.

Ước tính, con bò thịt muốn tăng trọng được 1kg thì cần khoảng 30kg thức ăn, cộng với 5-6kg thức ăn tinh và các dưỡng chất khác. Nếu chúng ta tận thu hết gần 50 triệu tấn phụ phẩm nông nghiệp này để chuyển đổi sang thức ăn chăn nuôi thì có thể trở thành một nước sản xuất thịt bò và sữa với sản lượng lớn.

Nhưng, để phát triển bền vững ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ, Chính phủ và Bộ NN-PTNT phải nỗ lực hơn nữa trong việc kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chế biến thức ăn TMR, TMF cho bò thịt và bò sữa.

Khi đó, chúng ta sẽ chủ động nguồn thức ăn công nghiệp. Người chăn nuôi chỉ cần sử dụng cám viên hòa nước cho bò ăn. Như vậy mới hình thành được hệ thống cơ sở nuôi vỗ bò thịt, đảm bảo năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm (như những gì ngành chăn nuôi lợn đã làm được trong nhiều năm qua).

Đây sẽ là bước ngoặt trong phát triển chăn nuôi bò thịt của nước ta. Và chúng tôi vẫn đang kỳ vọng sẽ có doanh nghiệp làm được điều đó trong tương lai không xa.

(ghi)

Xem thêm
Nhận diện để hiểu hàng thật, tránh hàng giả Made in Japan

Sáng 15/3, Tổng cục Quản lý thị trường mở cửa Phòng trưng bày với chủ đề 'Nhận diện hàng thật - hàng giả Made in Japan'.

350 lao động Đồng Tháp sang Hàn Quốc làm nông nghiệp thời vụ

Đã có 350 người lao động Đồng Tháp trúng tuyển để xuất cảnh đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc trong tháng 3 và tháng 4/2024.

'Ghim' một đời, 'trọn' khoảnh khắc cùng DOJI

Cưới hỏi là trái ngọt của chặng đường tình yêu đôi lứa mà ở đó, nhẫn cưới là một tín vật thiêng liêng khiến khoảnh khắc sánh đôi trở nên trọn vẹn.

Bất động sản nghỉ dưỡng và những dấu hiệu phục hồi

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nhận định: Năm 2023 thị trường bất động sản đã vượt qua giai đoạn 'bĩ cực' nhất, 2024 sẽ ghi nhận những động thái tích cực hơn.