| Hotline: 0983.970.780

Chủ tịch T&T 159 chỉ ra bí quyết sản xuất 1kg bò hơi với 35.000 đồng

Chủ Nhật 28/06/2020 , 15:49 (GMT+7)

Nhờ ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi, chi phí tạo ra 1kg thịt bò có thể giảm 40 - 50% so với phương thức truyền thống.

Đó là chia sẻ của ông Hà Văn Thắng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần T&T 159, đơn vị tiên phong trong chăn nuôi bò thịt quy mô công nghiệp tại Việt Nam hiện nay.

Ứng dụng kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp

Ông Hà Văn Thắng chia sẻ: Mấy năm gần đây, ngành công nghiệp chăn nuôi bò sữa có bước tăng trưởng thần tốc, đem lại hiệu quả vô cùng to lớn. Nhưng chăn nuôi bò thịt phát triển còn chậm.

Ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Công ty Cổ phần T&T 159 trong buổi tọa đàm với chủ đề 'Chăn nuôi đại gia súc, làm gì để bứt phá?'. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Hà Văn Thắng - Chủ tịch Công ty Cổ phần T&T 159 trong buổi tọa đàm với chủ đề "Chăn nuôi đại gia súc, làm gì để bứt phá?". Ảnh: Minh Phúc.

Nguyên nhân là do chúng ta chưa có giải pháp công nghệ phù hợp, chưa có cách tiếp cận đúng hướng để khai thác lợi thế của quốc gia.

Có thể nói có dư địa tăng đàn gia súc ăn cỏ ở nước ta còn rất lớn. Không có lý gì chúng ta phát triển được con bò sữa mà không làm được với con bò thịt. Nhưng, đây là một hành trình dài và cần có chiến lược phát triển đồng bộ, khép kín.

Mặc dù chúng ta chưa có những đồng cỏ tự nhiên như một số quốc gia phát triển nuôi bò. Tuy nhiên, Việt Nam là nước thuần nông, ngành sản xuất cây lương thực tạo ra sản lượng rất lớn. Các loại cây trồng như lúa, ngô, khoai, sắn và nhiều loại phụ phẩm nông nghiệp đều có thể làm nguyên liệu thức ăn cho bò.

Do đó, chúng ta phải giải quyết đồng bộ từ ứng dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ sinh học để thu gom, chế biến thức ăn cho gia súc ăn cỏ; xây dựng các trung tâm vùng lõi để thực hiện liên kết với các nông hộ.

Trên nền tảng chăn nuôi truyền thống, chúng ta hoàn thiện lại mô hình chăn nuôi cổ xưa để tạo ra một mô hình kinh tế mới. Chúng tôi gọi đó là nền kinh tế nông nghiệp tuần hoàn.

Ông Hà Văn Thắng (thứ hai từ phải sang) giới thiệu với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường (thứ tư từ phải sang) công nghệ chăn nuôi bò của T&T 159. Ảnh: Minh Phúc.

Ông Hà Văn Thắng (thứ hai từ phải sang) giới thiệu với Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường (thứ tư từ phải sang) công nghệ chăn nuôi bò của T&T 159. Ảnh: Minh Phúc.

Thực tế, Công ty Cổ phần T&T 159 đã xây dựng thành công một số khu liên hợp khép kín từ sản xuất thức ăn gia súc bằng phụ phẩm nông nghiệp, chăn nuôi bò sinh sản, bò thịt và sản xuất đệm lót sinh học xử lý chất thải chăn nuôi, sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh.

T&T 159 đầu tư hệ thống máy thu gom phụ phẩm nông nghiệp hiện đại trị giá hàng chục tỷ đồng. Chúng tôi liên kết với hàng chục ngàn nông dân để mua rơm rạ, ngô, sắn… với chi phí rất thấp (bởi đó là thứ nông dân bỏ đi trên đồng ruộng, sau khi thu hoạch sản phẩm). Sau khi thu gom về nhà máy, các nguyên liệu trên được chế biến và phối trộn TMR để làm thức ăn nuôi bò.

Nhờ đó, giá thành sản xuất 1kg thức ăn với đầy đủ dưỡng chất cho bò chỉ khoảng 1.000 đồng. Trong khi đó, tôi được biết, bình quân chi phí thu mua nguyên liệu thức ăn thô xanh (chưa phối trộn tinh bột và các dưỡng chất khác) của nhiều doanh nghiệp đã lên tới 800 - 1.000 đồng, nếu phối trộn TMR, thì giá thành sẽ phải dao động gần 2.000 đồng/kg thức ăn.

Mỗi ngày, một con bò ăn bình quân 35kg thức ăn. Do đó, chi phí sản xuất bò hơi của T&T 159 chỉ dao động 35.000 - 40.000 đồng; trong khi nhiều doanh nghiệp phải chi phí tới 70.000 - 75.000 đồng/kg tăng trọng.

Không có thứ gì bỏ đi

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tự sản xuất đệm lót sinh học từ những thứ bỏ đi của các hoạt động kinh tế như vỏ cây, mùn cưa, lá khô… để nghiền nát, đưa các chủng vi sinh hữu ích vào để sản xuất đệm lót sinh học.

Đệm lót sinh học được rải xuống nền chuồng nuôi bò. Phân và nước tiểu rơi xuống sẽ được giữ lại toàn bộ; được các chủng vi sinh phân giải các hợp chất hữu cơ, tạo thành sản phẩm phân bón cho cây trồng rất giàu dưỡng chất.

Bên trong khu nuôi vỗ béo bò thịt của Công ty Cổ phần Giống, thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hòa Bình (thuộc Công ty Cổ phần T&T 159). Ảnh: Minh Phúc.

Bên trong khu nuôi vỗ béo bò thịt của Công ty Cổ phần Giống, thức ăn chăn nuôi T&T 159 Hòa Bình (thuộc Công ty Cổ phần T&T 159). Ảnh: Minh Phúc.

Một con bò thịt thải ra khoảng 20kg phân và 30 lít nước tiểu. Nếu thu gom hết nguồn phế thải của hệ thống trang trại nuôi bò T&T 159, có thể sản xuất được 100 tấn phân bón hữu cơ vi sinh/ngày, tương đương khoảng 300 - 500 triệu đồng. Số tiền này đủ để vận hành toàn bộ trang trại trong ngày.

Hiện nay, T&T 159 có 4 dòng phân bón hữu cơ vi sinh. Các sản phẩm trên được cung ứng cho nông dân vùng cam Cao Phong (Hòa Bình) và một số vùng chuyên canh cây ăn quả.

Riêng một tập đoàn chuyên phát triển sản phẩm mắc ca đã ký hợp đồng mua 10.000 tấn phân bón vi sinh mỗi năm với chúng tôi. Và trong chiến lược dài hạn, chúng tôi có kế hoạch sản xuất khoảng 1 triệu tấn phân bón hữu cơ.

Kinh tế tuần hoàn sẽ là tương lai của nền nông nghiệp Việt Nam, tạo ra những bước phát triển bền vững và hiệu quả cao. Theo đó, rác thải của chu kỳ này sẽ là đầu vào của chu kỳ khác như một vòng tròn khép kín.

Tuy nhiên, đây là liên kết rất mở, nó không bó hẹp trong một không gian nào. Tất cả các hoạt động xoay quanh giá trị mục tiêu cốt lõi đều tạo ra lợi nhuận. Đặc biệt, đây là mô hình giải quyết triệt để vấn đề môi trường, bởi không có thứ gì bỏ đi.

(ghi)

Xem thêm
Trang trại heo Mavin đạt tiêu chuẩn toàn cầu Global GAP

Tháng 11/2024, 2 trang trại heo của Tập đoàn Mavin tại huyện Anh Sơn (Nghệ An) và huyện Kbang (Gia Lai) chính thức được cấp Chứng nhận Global GAP, phiên bản S.L.P.

Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Giảng viên IPHM là đầu tàu dẫn dắt nông dân sản xuất bền vững

Các giảng viên đã được trang bị kiến thức về IPHM sẽ giúp nông dân thấy được sức khỏe đất đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng, bảo vệ đất là việc cần phải làm ngay.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.