Theo TS Nguyễn Văn Bắc, Phó trưởng Văn phòng thường trực tại Nam bộ (Trung tâm Khuyến nông Quốc gia), việc xây dựng các vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh hiện đang là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ NN-PTNT.
Trong những năm qua, hệ thống khuyến nông Việt Nam đã triển khai rất nhiều hoạt động tham gia vào việc xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, đặc biệt là các dự án do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai.
Từ 2016 đến nay, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã góp phần xây dựng 191 cơ sở an toàn dịch bệnh, chiếm gần 10% tổng số cơ sở an toàn dịch bệnh trong cả nước.
Những cơ sở này tập trung ở 2 Dự án lớn. Dự án thứ nhất là “Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn có kiểm soát dịch bệnh để hướng tới xuất khẩu”, được triển khai từ 2016 – 2018 tại 8 tỉnh Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Tây Ninh, Bình Phước, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.
Sau 3 năm thực hiện, Dự án đã công nhận được 135 cơ sở an toàn dịch bệnh trên gia cầm và lợn; thúc đẩy hình thành vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp huyện trên gia cầm tại huyện Đồng Phú, tỉnh Bình Phước; thành lập 21 tổ hợp tác chăn nuôi và 1 HTX chăn nuôi. Dự án đã góp phần tích cực trong công tác phòng chống dịch bệnh trên động vật tại các địa bàn triển khai.
Dự án thứ hai là “Xây dựng mô hình chăn nuôi lợn và gia cầm an toàn dịch bệnh phục vụ xuất khẩu” triển khai tại Nam Định, Thái Bình, Hà Nam, Thanh Hoá. Sau 3 năm triển khai (2019-2021), đã công nhận được 20 cơ sở chăn nuôi gà an toàn dịch bệnh với bệnh cúm gia cầm và Newcastle; 36 cơ sở chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh với bệnh lở mồm long móng và bệnh dịch tả lợn cổ điển. Dự án đã đóng góp vào trong tổng số cơ sở an toàn dịch bệnh trên cả nước, góp phần an toàn dịch bệnh cho vật nuôi, phát triển chăn nuôi phục vụ xuất khẩu.
Những mô hình khuyến nông xây dựng trong khuôn khổ các dự án nói trên đã và đang được nhân rộng, góp phần hình thành nên những vùng an toàn dịch bệnh.
Trong năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã và chuẩn bị triển khai 11 dự án khuyến nông chăn nuôi, tập trung vào các dự án liên quan đến an toàn sinh học, an toàn thực phẩm, chăn nuôi có chứng nhận …
Bên cạnh việc xây dựng cơ sở an toàn dịch bệnh, hàng năm, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia chủ trì, phối hợp với các cơ quan nghiên cứu, đào tạo ở trung ương và hệ thống khuyến nông địa phương đấy mạnh hoạt động đào tạo, tập huấn với các hình thức đa dạng, phong phú.
Hoạt động đào tạo huấn luyện được triển khai qua 3 hình thức chính: tập huấn cho các hộ tham gia dự án; tập huấn cho các hộ chăn nuôi ngoài dự án (đào tạo ngoài mô hình); tập huấn đào tạo chuyên ngành cho cán bộ kỹ thuật, nông dân chủ chốt (TOT). Nội dung tập huấn gắn liền với chuỗi giá trị chăn nuôi từ khâu đầu vào như giống, thức ăn, chuồng trại, quy trình nuôi, công tác thú y phòng trị bệnh... cho đến các sản phẩm đầu ra và xuất bán.
Phương pháp tập huấn kết hợp tham quan và thực hành đã giúp nâng cao hiệu quả tiếp nhận kiến thức, kết quả cho thấy trên 75% các hộ tham gia có thể áp dụng tốt vào hoạt động chăn nuôi gia đình mình. Thông qua tập huấn, người chăn nuôi đã ý thức hơn về quản lý, chăm sóc muôi dưỡng, kiểm soát tốt, hạn chế phát sinh dịch bệnh, đặc biệt, đã chủ động hơn trong phòng chống dịch bệnh động vật.