Ông Hoàng Đình Mạnh ở xã Đức Minh, huyện Đắk Mil canh tác hơn 7 sào lúa (sào 1.000m²), mỗi vụ phải phun thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) khoảng 3 đợt để phòng trừ sâu bệnh. Bao bì, chai lọ sau khi sử dụng đều được ông thu gom, đưa đến hố xử lý. Tuy nhiên theo ông Mạnh, trên cánh đồng vẫn còn nhiều vỏ thuốc vứt bừa bãi.
“Nhiều người phun thuốc xong vứt vỏ ngay trên đồng, không thu gom. Thuốc còn bám dính trên vỏ, chai lọ có thể ngấm xuống nước, chảy ra môi trường rất độc hại" ông Mạnh lo lắng.
Tương tự, anh Phan Viết Cường ở thôn 14, xã Đắk Wer, huyện Đắk R’Lấp trồng chuyên canh 3ha sầu riêng, mỗi năm sử dụng số lượng lớn thuốc BVTV. Bao bì, chai lọ thuốc sau khi sử dụng anh chất lại vào kho chứ chưa có đơn vị nào thu gom.
“Hiện tôi chất vào kho, nếu đầy quá thì gom lại tự đốt, nhiều người dân ở đây cũng làm thế nhưng cũng có nhiều vườn rẫy vỏ thuốc vứt khắp nơi” anh Cường chia sẻ.

Ông Hoàng Đình Mạnh, xã Đức Minh, huyện Đắk Mil thu gom bao bì thuốc BVTV để đưa về bể chứa. Ảnh: Phạm Hoài.
Theo ông Phan Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Lao, huyện Đắk Mil, nhiều năm qua, rác thải thuốc BVTV là vấn đề nan giải tại địa phương. Mặc dù xã đã đầu tư xây dựng các bể bê tông để người dân thu gom rác thải nhưng tình trạng vứt bừa bãi vẫn diễn ra.
“Chúng tôi đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, yêu cầu gom rác đúng nơi quy định. Nhờ đó, lượng bao bì, chai lọ thuốc BVTV vứt bừa bãi đã giảm so với trước đây” ông Vinh cho biết.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đắk Mil cho biết, sau khi triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, nhiều bể chứa đã được đặt dọc các tuyến đường và cánh đồng để thu gom rác thải thuốc BVTV.
Tuy nhiên, vẫn còn một bộ phận người dân chưa nhận thức được mức độ nguy hại của loại rác thải này nên vẫn vứt tùy tiện. Vì vậy, chính quyền địa phương đã tổ chức nhiều đợt tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của người dân.
“Người dân dần có ý thức hơn trong việc thu gom rác vào bể chứa, nhưng để việc này thực sự hiệu quả, chính quyền các xã cần theo dõi sát sao và tiếp tục tuyên truyền thường xuyên" ông Tuấn nhấn mạnh.

Cán bộ Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đắk Mil kiểm tra bể chứa rác thải nguy hại tại cánh đồng xã Đức Minh, huyện Đắk Mil. Ảnh: Phạm Hoài.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Đắk Nông, công tác thu gom, xử lý rác thải thuốc BVTV đã có chuyển biến nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn. Địa bàn rộng, dân cư phân tán, trong khi nhiều địa phương chưa xây dựng bể chứa hoặc có nhưng không đạt tiêu chuẩn.
Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 230 bể chứa rác thải thuốc BVTV. Trong đó 94 bể không có đáy, 106 bể có đáy và nắp, 30 bể chỉ có đáy. Tuy nhiên, 22 bể đã hư hỏng, không còn sử dụng được.
Thời gian qua, các đơn vị chuyên môn của Sở đã tổ chức tập huấn sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc ‘4 đúng’ và hướng dẫn thu gom bao bì, vỏ chai thuốc BVTV. Đồng thời, Sở cũng ban hành nhiều công văn chỉ đạo, hướng dẫn địa phương thực hiện hiệu quả công tác này.

Nhiều nơi nông dân vứt bừa bãi chai lọ thuốc BVTV sau khi sử dụng. Ảnh: Phạm Hoài.
Để thay đổi nhận thức của người dân trong việc thu gom, xử lý rác thải thuốc BVTV, cần có sự vào cuộc đồng bộ của chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Công tác tuyên truyền cần được tăng cường hơn nữa với nhiều hình thức đa dạng, trực quan, mang tính lan tỏa cao.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trương Đắk Nông, mỗi năm nông dân toàn tỉnh sử dụng khoảng 2,6 triệu tấn phân bón các loại và khoảng 500 tấn thuốc BVTV. Trong đó riêng năm 2024 thống kê được 3,8 tấn rác thải từ thuốc BVTV tại địa bàn được thu gom. Trong số này, huyện Cư Jút thu gom được hơn 2,34 tấn, huyện Krông Nô gần 1,22 tấn và huyện Đắk Mil 0,24 tấn.