| Hotline: 0983.970.780

Kiểm lâm TP.HCM cứu hộ gần 550 cá thể động vật hoang dã

Thứ Năm 10/08/2023 , 18:16 (GMT+7)

TP.HCM Qua tiếp nhận tin báo từ ENV và người dân, trong năm 2022, Chi cục Kiểm lâp TP.HCM đã tiếp nhận, chuyển chăm sóc, cứu hộ 549 cá thể động vật hoang dã.

Ông Nguyễn Trung Trực, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM (Sở NN-PTNT TP.HCM) thông tin tại buổi họp báo chiều 10/8. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Ông Nguyễn Trung Trực, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM (Sở NN-PTNT TP.HCM) thông tin tại buổi họp báo chiều 10/8. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Các đối tượng bày bán cá thể động vật hoang dã hoạt động rất tinh vi

Liên quan đến việc xử lý tin báo của người dân về động vật hoang dã, chia sẻ tại cuộc họp báo định kỳ chiều 10/8, ông Nguyễn Trung Trực, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM (Sở NN-PTNT TP.HCM) cho biết, năm 2022, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM tiếp nhận 113 tin báo liên quan đến động vật hoang dã từ Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV). Qua kiểm tra, xử lý thông tin 113 tin báo, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM xác nhận có 62 thông tin chính xác (tỷ lệ 54,9%), từ đó tiếp nhận, chuyển chăm sóc, cứu hộ 349 cá thể động vật hoang dã.

Ngoài ra, thông qua thông tin trực tiếp của người dân trên địa bàn, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM thực hiện tiếp nhận 203 cá thể động vật hoang dã để chăm sóc, cứu hộ thả về tự nhiên theo quy định.

Nói về khó khăn trong công tác xử lý thông tin liên quan đến động vật hoang dã, ông Nguyễn Trung Trực cho biết có 3 khó khăn: Do dân số đông, mật độ giao thông dày đặc, địa bàn rộng nên phải mất nhiều thời gian cho việc tiếp cận xử lý thông tin, dẫn đến một số thông tin khi tiến hành kiểm tra không chính xác; một số tin phản ánh không đúng địa chỉ, nguồn tin cũ, nội dung phản ánh nhiều lần.

Mặt khác, còn có các đối tượng bày bán cá thể động vật hoang dã trên các tụ điểm, tuyến đường giao thông hoạt động rất tinh vi, có lực lượng cảnh giới, khi phát hiện lực lượng chức năng, sẵn sàng chống đối, tẩu thoát, bỏ chạy gây mất an toàn giao thông.

Cũng theo ông Nguyễn Trung Trực, trên địa bàn thành phố, nhiều năm trước đây người dân nuôi động vật hoang dã làm cảnh, làm thú cưng không vì mục đích thương mại. Thông qua công tác tuyên truyền thực hiện Chương trình “Quản lý, phát triển cá sấu và động vật hoang dã trên địa bàn thành phố”, đại đa số người dân đã nâng cao nhận thức trong việc bảo vệ động vật hoang dã, nên đã chuyển giao cho Chi cục Kiểm lâm TP.HCM thực hiện cứu hộ, thả về tự nhiên theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, vẫn có một bộ phận người dân mang vào các cơ sở thờ tự để phóng sinh hoặc tự ý thả ra ngoài khu dân cư.

"Thực tế vẫn còn tình trạng người dân bày bán động vật hoang dã trên một số tuyến đường giao thông", ông Trực nói và cho biết thêm, trong nhiều năm qua, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM đã phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện tuyên truyền, làm việc với các cơ sở thờ tự để vận động, tiếp nhận động vật hoang dã, cứu hộ thả về môi trường từ nhiên tại các khu bảo tồn, vườn quốc gia của các tỉnh lân cận (Đồng Nai, Bình Phước, Long An,...). Đồng thời, phối hợp các cơ quan chức năng truy quét các tụ điểm mua, bán trên các tuyến đường.

Kiểm lâm TP.HCM giải cứu một con khỉ từ tin báo của người dân và thả về Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi. Ảnh: Kiểm lâm TP.HCM.

Kiểm lâm TP.HCM giải cứu một con khỉ từ tin báo của người dân và thả về Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi. Ảnh: Kiểm lâm TP.HCM.

Tăng cường các biện pháp phòng chống động vật hoang dã

Nhằm giải quyết hiệu quả tình trạng trên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM Nguyễn Trung Trực cho rằng, cần có sự chủ động phối hợp tuyên truyền đến kiểm tra, xử lý chặt chẽ của các các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương từ công tác tuyên truyền đến kiểm tra, xử lý.

Để tăng cường xử lý thông tin các vụ động vật hoang dã từ tin báo của người dân trong thời gian tới trên địa bàn TP.HCM, ông Trực cho biết, UBND TP.HCM có công văn số 464 ngày 9/2/2021. Trong đó, giao Sở NN-PTNT TP.HCM chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm TP.HCM tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của nhân dân không mua, bán, nuôi, nhốt, vận chuyển, tiêu thụ các sản phẩm của động vật hoang dã.

Đồng thời, phối hợp các cơ quan chức năng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giảm sát chặt chẽ đối với hoạt động gây nuôi động vật hoang dã. Việc gây nuôi, xuất khẩu động vật hoang dã phải đảm bảo nguồn gốc hợp pháp. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, lập cơ sở dữ liệu về các cơ sở nuôi sinh sản, sinh trưởng vì mục đích thương mại các loài động vật hoang dã thuộc danh mục loài động vật rừng nguy cấp, quý, hiếm ban hành kèm theo Nghị định số 06/2019/NĐ-CP ngày 22/1/2019 của Chính phủ và các loài thuộc Phụ lục I và II CITES.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát các nhà hàng, quán ăn có thực đơn quảng cáo các sản phẩm, món ăn được chế biến từ động vật hoang dã; Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm các đối tượng mua bán động vật hoang dã dọc các tuyến đường.

Kiểm lâm TP.HCM thu giữ một con trăn đất nặng 42kg. Ảnh: Kiểm lâm TP.HCM.

Kiểm lâm TP.HCM thu giữ một con trăn đất nặng 42kg. Ảnh: Kiểm lâm TP.HCM.

Giao Công an Thành phố chỉ đạo Công an các quận, huyện phối hợp lực lượng chức năng tăng cường công tác phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn và kịp thời xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến động vật hoang dã, tập trung triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong việc mua bán, tàng trữ, vận chuyên trái phép các loài động vật hoang dã.

Phối hợp các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo, mua bán trái phép động vật hoang dã trên các trang thông tin điện tử, các đối tượng mua bán trái phép động vật hoang dã dọc các tuyến đường trên địa bàn TP.HCM.

Bộ đội Biên phòng chỉ đạo Biên phòng cửa khẩu cảng, các Đồn, Trạm kiểm soát chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát chặt chẽ địa bàn biên giới biển, cửa khẩu cảng, và vùng biển giáp ranh giữa thành phố với các tỉnh; kịp thời phát hiện, bắt giữ, xử lý theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân có hành vi săn bắt, mua, bán, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu trái phép động vật hoang dã

Sở Công thương phối hợp UBND các quận, huyện Chỉ đạo Ban quản lý các chợ chủ động kiểm tra, thông tin đến các cơ quan chức năng các trường hợp kinh doanh các loài động vật hoang dã, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tiểu thương không hình doanh các loài động vật hoang dã,

Ngày 1/8, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM phối hợp Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai thả 60 cá thể quý hiếm về rừng. Ảnh: Kiểm lâm TP.HCM.

Ngày 1/8, Chi cục Kiểm lâm TP.HCM phối hợp Khu Bảo tồn thiên nhiên - Văn hóa Đồng Nai thả 60 cá thể quý hiếm về rừng. Ảnh: Kiểm lâm TP.HCM.

Cục Quản lý thị trường thành phố tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi buôn bán, vận chuyển, kinh doanh các loài động vật hoang dã, nhất là các loài nguy cấp, quý, hiếm và các sản phẩm, dẫn xuất có nguồn gốc từ động vật hoang dã theo chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền được giao.

Chủ tịch UBND các quận, huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng, Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn, phối hợp các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi mua bán, tàng trữ trái phép các loài động vật hoang dã, nhất là việc bày bán động vật hoang dã dọc các tuyến đường, cương quyết xử lý triệt để việc mua bán trái phép động vật hoang dã trên địa bàn quản lý.

Xem thêm
Quảng Nam định hướng trở thành trung tâm công nghiệp dược liệu

Tỉnh Quảng Nam sẽ có cơ chế chính sách, nguồn lực, tạo điều kiện và thu hút doanh nghiệp lớn tham gia đầu tư để phát triển cây dược liệu trên địa bàn.

Xây dựng vườn ươm cải tiến sản xuất giống cây lâm nghiệp

QUẢNG TRỊ Các vườn ươm cải tiến cung cấp 1,8 triệu cây giống lâm nghiệp chất lượng cao cho trồng rừng bền vững gắn với thực hiện chứng chỉ rừng vùng nguyên liệu.

Đặc sắc lễ cúng thần rừng của người Mông Nà Hẩu

Lễ cúng thần rừng là nghi lễ độc đáo được người Mông ở xã Nà Hẩu tổ chức vào ngày cuối cùng của tháng Giêng hàng năm.