| Hotline: 0983.970.780

2 thành phố 'yếu nhất' trong xử lý thông tin về động vật hoang dã

Thứ Tư 09/08/2023 , 19:22 (GMT+7)

Trong khi nhiều địa phương đạt hiệu quả cao trong xử lý thông tin liên quan đến động vật hoang dã do người dân thông báo, thì Hà Nội và TP.HCM lại xử lý yếu nhất.

Sáng 9/8, tại TP.HCM, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) đã tổ chức buổi tọa đàm “Hiệu quả công tác xử lý vi phạm về động vật hoang dã (ĐVHD) do người dân cung cấp thông tin năm 2022”. Buổi tọa đàm do đại diện ENV chủ trì với sự tham gia của hơn 20 phóng viên các cơ quan báo chí trung ương và địa phương đóng trên địa bàn TP.HCM.

Nhiều địa phương đạt hiệu quả cao trong xử lý thông tin

Tại buổi tọa đàm, bà Bùi Thị Hà, Phó Giám đốc ENV cho biết, trong năm 2022, tỷ lệ phản hồi liên quan đến ĐVHD trên cả nước vẫn giữ vững ở mức khoảng 97,7%, tỷ lệ xử lý thành công các vụ việc về ĐVHD nói chung là gần 33% và tỷ lệ xử lý thành công vụ việc liên quan đến ĐVHD còn sống là gần 35%.

Cả hai chỉ số đều tăng nhẹ so với năm 2021, tuy nhiên, vẫn thấp hơn so với kết quả ghi nhận các năm 2019 và 2020.

Một vụ tàng trữ, tiêu thụ ĐVHD bị cơ quan chức năng bắt giữ ở TP.HCM năm 2020. Ảnh: Hồng Thủy.

Một vụ tàng trữ, tiêu thụ ĐVHD bị cơ quan chức năng bắt giữ ở TP.HCM năm 2020. Ảnh: Hồng Thủy.

Trong năm 2022, tỉnh Quảng Nam là địa phương đạt hiệu quả cao nhất và toàn diện nhất về tất cả các tiêu chí trong công tác xử lý các vụ việc do người dân thông báo. Với việc tích cực xử lý 100% các thông tin vụ việc và phản ứng nhanh, kịp thời sau khi tiếp nhận thông tin, các cơ quan chức năng tỉnh Quảng Nam đã phát hiện và thu giữ nhiều sản phẩm từ ĐVHD, gỡ bỏ các thực đơn quảng cáo ĐVHD trái phép, đồng thời tịch thu và tiếp nhận chuyển giao 1.172 cá thể ĐVHD còn sống cho cơ quan chức năng xử lý. Tỷ lệ xử lý thành công các vụ việc của tỉnh Quảng Nam đạt gần 85% và xử lý thành công liên quan đến ĐVHD còn sống đạt hơn 94%.

Tiếp theo là các tỉnh Đồng Nai, Thanh Hóa, Gia Lai, Quảng Nam, Bình Thuận, Bình Dương và Cần Thơ, cũng là những địa phương đạt hiệu quả cao trong xử lý thông tin liên quan đến ĐVHD do người dân thông báo.

Trong đó, Thanh Hóa và Đồng Nai là các địa phương đã phản hồi 100% các thông tin vụ việc về ĐVHD và đạt tỷ lệ thành công cao cả trong việc xử lý các vụ việc nói chung và các vụ việc liên quan đến ĐVHD còn sống nói riêng. Tuy nhiên, theo bà Hà, tỷ lệ phản hồi cao chỉ thực sự phát huy ý nghĩa nếu “song hành” cùng với hiệu quả xử lý cao, như những kết quả đã được ghi nhận tại các tỉnh Quảng Nam, Đồng Nai và Thanh Hóa.

Theo báo cáo của ENV, nhiều địa phương khác cũng có nhiều nỗ lực trong công tác thực thi pháp luật về bảo vệ ĐVHD, đạt hiệu quả cao trong công tác xử lý thông tin vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo như Bà Rịa Vũng Tàu, Đồng Nai, Đắk Lắk…

ĐVHD tại một điểm tàng trữ ở Tây Ninh đã được cơ quan chức năng giải cứu thành công. Ảnh: Hồng Thủy.

ĐVHD tại một điểm tàng trữ ở Tây Ninh đã được cơ quan chức năng giải cứu thành công. Ảnh: Hồng Thủy.

Nội, TP.HCM “đội sổ” về xử lý thông tin

Trong khi đó, theo kết quả thống kê của ENV, Hà Nội và TP.HCM là hai thành phố ghi nhận số lượng vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo nhiều nhất trên cả nước, nhưng lại đứng cuối bảng về tỷ lệ xử lý thông tin.

Cụ thể, trong năm 2022, các cơ quan chức năng ở TP.HCM tiếp nhận 444 thông tin liên quan ĐVHD do người dân cung cấp, và chỉ xử lý gần 17%, và tỷ lệ xử lý thành công các vụ liên quan đến ĐVHD còn sống cũng chỉ đạt khoảng 18%. Còn Thủ đô Hà Nội tiếp nhận 113 vụ việc và xử lý được hơn 28%, trong đó có gần 33% vụ việc xử lý thành công ĐVHD còn sống.

Một chú rùa biển được giải cứu và trả về nơi chúng sinh ra. Ảnh: Hồng Thủy.

Một chú rùa biển được giải cứu và trả về nơi chúng sinh ra. Ảnh: Hồng Thủy.

“Tại TP.HCM, lâu nay vẫn diễn ra tình trạng buôn bán các loại rùa ngay trên hè phố, trước dòng người qua lại đông đúc. Trong số đó, có nhiều loại rùa quý hiếm, nguy cấp như rùa răng, rùa núi vàng, rùa đất lớn…, theo người bán nói thì rùa có nguồn gốc Campuchia.

Những con rùa trưởng thành hoặc còn nhỏ, được người bán đặt phần bụng trên một viên gạch, khiến 4 chân chúng “bơi” liên tục trong không khí. Mỗi con rùa có giá dao động từ 1 đến vài triệu đồng. Họ sẵn sàng giao tận nơi với số lượng nhiều.

Dù đây là hành vi phạm pháp, nhưng các cơ quan chức năng chưa có biện pháp cứng rắn, mạnh tay triệt phá nên các đối tượng bán rùa không sợ. Tôi từng nghe một du khách nước ngoài phản ánh tình trạng bán rùa trên lề đường và họ tỏ ra rất ngạc nhiên khi thấy việc này không bị xử lý”, bà Hà nói.

Thành lập năm 2000, ENV được coi là một trong những tổ chức xã hội đầu tiên về bảo tồn ĐVHD tại Việt Nam. ENV đi đầu trong nỗ lực chấm dứt nạn buôn bán ĐVHD trái phép ở Việt Nam bằng cách áp dụng các chiến lược sáng tạo nhằm hoàn thiện các quy định pháp luật về bảo vệ ĐVHD, thúc đẩy công tác thực thi, trực tiếp hỗ trợ các cơ quan chức năng trong công tác xử lý vi phạm và huy động sự tham gia của cộng đồng nhằm giảm thiểu nhu cầu và ngăn chặn vi phạm về ĐVHD.

Kể từ năm 2007, ENV tập trung hoạt động vào ba lĩnh vực trọng tâm mang tính chiến lược nhằm chấm dứt hoạt động buôn bán ĐVHD trái phép tại Việt Nam. Đó là phối hợp với các nhà hoạch định chính sách nhằm tăng cường thể chế, khắc phục lỗ hổng pháp luật và khuyến khích thực thi hiệu quả các chính sách, pháp luật về bảo vệ ĐVHD;

Tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật thông qua việc trực tiếp hỗ trợ các cơ quan chức năng trong công tác ngăn chặn và đẩy lùi các vi phạm về ĐVHD;

Giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ các sản phẩm từ ĐVHD thông qua các chiến dịch dài hạn, bền vững nhằm thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng. Đồng thời, khuyến khích cộng đồng tích cực tham gia bảo vệ ĐVHD bằng cách thông báo các dấu hiệu vi phạm đến cơ quan chức năng địa phương hoặc đường dây nóng miễn phí về bảo vệ ĐVHD 1800.1522.

Một chú voọc chà vá chân đen 'dính' bẫy đang được chăm sóc tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi. Ảnh: Hồng Thủy.

Một chú voọc chà vá chân đen "dính" bẫy đang được chăm sóc tại Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi. Ảnh: Hồng Thủy.

Từ năm 2019, ENV bắt đầu phân tích hiệu quả công tác xử lý các vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo tại tất cả các địa phương trên cả nước với mục tiêu cung cấp cho lãnh đạo chính quyền địa phương.

Các chỉ số đánh giá bao gồm tỷ lệ xử lý thành công các vụ việc về ĐVHD được người dân thông báo đến cơ quan chức năng, tỷ lệ xử lý thành công các vụ việc liên quan đến ĐVHD còn sống và tỷ lệ phản hồi của các cơ quan chức năng địa phương đối với các vụ việc do người dân thông báo.

“Năm 2022, tỷ lệ phản hồi, xử lý thành công thông tin vụ việc về ĐVHD nói chung và tỷ lệ xử lý thành công các vụ việc liên quan đến ĐVHD còn sống của nhiều địa phương đạt mức cao. ENV rất mong cơ quan chức năng các địa phương tiếp tục nỗ lực, phấn đấu nhiều hơn nữa để đưa tỷ lệ xử lý thành công vụ việc về ĐVHD do người dân thông báo trung bình trên cả nước trong năm 2023 đạt 60%, tiến tới xóa bỏ tình trạng buôn bán ĐVHD trái phép tại Việt Nam”, bà Bùi Thị Hà, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên, nói.

Xem thêm
Nghị quyết về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa ký ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Báo Nông nghiệp Việt Nam xin trân trọng giới thiệu toàn văn Nghị quyết.

Nông nghiệp góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng cho Nghệ An

Năm 2024, ngành nông nghiệp Nghệ An tiếp đà thắng lợi toàn diện, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, kế hoạch được giao.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.