“Điểm nóng” trung chuyển động, thực vật hoang dã
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN-PTNT) Phùng Đức Tiến, Trưởng Ban chỉ đạo Việt Nam – WEN nhận định “Việt Nam là một trong những nước nằm trong “điểm nóng’ của trung chuyển động vật, thực vật hoang dã”.
Điều này đặt ra yêu cầu đối với Ban chỉ đạo, các cơ quan chức năng cũng như các địa phương trong việc kiểm soát, phát hiện và xử lý các hành vi vi phạm, cũng như xác định rõ thẩm quyền giải quyết đối với các vụ việc. Từ đó, đưa công tác kiểm soát buôn bán động vật hoang dã và thực thi pháp luật đi vào thực chất và đạt hiệu quả cao.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng cho rằng, Ban chỉ đạo Việt Nam – WEN quy tụ rất nhiều đơn vị chức năng khác nhau. Do đó, để hoạt động được triển khai linh hoạt hơn thì cần có quy chế làm việc rõ ràng về vai trò, chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Cùng với đó, các thành viên trong Ban phải cùng nhau tập hợp, kêu gọi nguồn lực và nhân lực trong thực hiện nhiệm vụ.
Những năm gần đây, công tác phòng, chống buôn bán trái pháp luật động vật, thực vật hoang dã trái pháp luật đã được các cơ quan chức năng quan tâm, chỉ đạo và đạt nhiều kết quả nhất định. Nhiều vụ buôn bán động vật hoang dã quốc tế với khối lượng lớn mẫu vật của các loài nguy cấp, quý, hiếm được điều tra, phát hiện, xử lý.
Cụ thể, phát hiện và bắt giữ, tịch thu hơn 30 tấn ngà voi, 670kg sừng tê giác, 21 tấn tê tê...,xử lý hơn 400 vụ việc và khởi tố 500 đối tượng vi phạm các quy định về bảo vệ động vật, thực vật hoang dã.
Đến nay, Ban chỉ đạo Việt Nam – WEN đã tham mưu cho Bộ trưởng Bộ NN-PTNT chỉ đạo thực hiện và đạt được nhiều kết quả tích cực như:
Xây dựng và hoàn thiện hệ thống tương đối đầy đủ các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ động vật, thực vật hoang dã, đáp ứng các nhu cầu thực tiễn và được Ban thư ký Công ước về thương mại quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) xếp hạng A trong xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, nội luật hoá các quy định của CITES.
Khuyến khích, phát triển hoạt động gây nuôi sinh sản, trồng cấy nhân tạo động vật, thực vật hoang dã trong nhân dân với 70 loài, nhóm loài động vật, thực vật hoang dã được gây nuôi sinh sản, trồng cấy nhân tạo bền vững, trong đó có cá sấu nước ngọt, khỉ đuôi dài, trăn đen, trăn vàng, dó bầu... đang là những mặt hàng xuất khẩu tạo ra nguồn thu nhập ổn định cho bà con các vùng chăn nuôi.
Bên cạnh đó, các hoạt động hợp tác của Việt Nam không chỉ bó hẹp trong phạm vi ASEAN mà còn thực hiện hợp tác liên châu lục, liên khu vực thông qua các biên bản ghi nhớ hợp tác về thực thi CITES và kiểm soát buôn bán động vật hoang dã giữa Việt Nam và các nước như: Trung Quốc, Indonesia, Lào, Cộng hoà Séc, Nam Phi…
Địa phương còn chậm báo cáo
Theo ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, hiện nay vẫn còn một số địa phương chậm báo cáo về công tác kiểm soát buôn bán động vật hoang dã, hoặc có báo cáo nhưng không có số liệu cụ thể.
Điều này sẽ dẫn tới việc khi báo cáo gửi CITES thế giới hàng năm không được đầy đủ. Ví dụ như báo cáo về chủng loại hoặc số lượng mẫu vật ngà voi, tê giác sau khi thu giữ được lưu giữ tại kho theo quy định.
Đại diện Tổng cục Lâm nghiệp cũng đưa ra nhiều đề xuất để tăng cường việc thực thi pháp luật về kiểm soát buôn bán động vật hoang dã. Theo đó, cần rà soát, đánh giá lại quy chế của Ban chỉ đạo Việt Nam – WEN; chỉnh sửa hoàn thiện văn bản quy phạm pháp luật có liên quan tới động, thực vật hoang dã trong thực thi Công ước CITES.
“Đây là hoạt động lớn, các nghị quyết của Công ước cũng rất nhiều, hiện có hơn 200 nghị quyết và sắp tới sẽ còn nhiều hơn. Do đó cần xem xét và thu gọn các vấn đề, tránh gây ra chồng chéo, tranh cãi trong quá trình thực hiện. Từ đó đề xuất sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật cho phù hợp với thực tiễn”, ông Điển cho biết.
Ngoài ra, cần rà soát, xây dựng kế hoạch quốc gia về bảo tồn các nhóm loại động vật hoang dã như: voi, hổ, gấu, tê tê… Cùng với đó, chỉ đạo thực thi quản lý xuất nhập khẩu, gây nuôi động vật hoang dã. Đồng thời, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu trong lĩnh vực quản lý động, thực vật hoang dã đa dạng sinh học để quản lý tốt hơn nữa gần 9000 cơ sở nuôi thương mại động vật hoang dã đã được cấp phép.
Ban chỉ đạo liên ngành các cơ quan thực thi pháp luật về kiểm soát buôn bán động vật, thực vật hoang dã (Việt Nam – WEN) được thành lập theo Quyết định số 234 ngày 27/1/2010 của Bộ NN-PTNT. Trưởng ban là Thứ trưởng Bộ NN-PTNT và các thành viên là đại diện các cơ quan thuộc Bộ NN-PTNT, Bộ Công an, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Toà án nhân dân tối cao.
Đến 23/5/2022, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT đã ký Quyết định số 1808 kiện toàn Ban chỉ đạo Việt Nam – WEN.