| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát hiệu quả không để dịch tả heo Châu Phi tái phát

Chủ Nhật 10/12/2023 , 06:05 (GMT+7)

Cà Mau chủ động phòng, chống dịch tả heo Châu Phi một cách đồng bộ, kịp thời, nhờ đó các ổ dịch đã được kiểm soát.

Tỉnh Cà Mau có tổng số đàn heo khoảng 205.000 con. Ảnh: Trọng Linh.

Tỉnh Cà Mau có tổng số đàn heo khoảng 205.000 con. Ảnh: Trọng Linh.

Hiên, phần lớn người dân sống bằng nghề chăn nuôi tại Cà Mau đều nuôi theo mô hình chăn nuôi nông hộ nhỏ lẻ, truyền thống và chủ yếu chăn nuôi heo, gà, vịt, chiếm đến 99% tổng đàn.

Trong những tháng cuối năm, nhu cầu thị trường là rất lớn, do đó nguy cơ bệnh dịch tả heo Châu Phi tái phát rất cao do chưa đảm bảo các yêu cầu chăn nuôi an toàn sinh học, chưa thực hiện nghiêm các quy định về phòng chống dịch bệnh.

Theo báo cáo nhanh từ Sở NN-PTNT tỉnh Cà Mau, chỉ tính riêng trong tuần qua đã xuất hiện 2 ổ dịch tả heo Châu Phi tại xã Khánh Hoà, huyện U Minh và xã Trần Phán, huyện Ðầm Dơi. Qua đó, nâng tổng số ổ dịch từ đầu năm đến nay lên 10 ổ dịch/10 xã (tại 5 huyện và TP Cà Mau), hơn 290 con heo bị tiêu huỷ, tổng trọng lượng trên 19 tấn. Hiện, còn một số ít xã trên địa bàn tỉnh Cà Mau có dịch tả heo Châu Phi xuất hiện vẫn chưa công bố hết dịch vì chưa qua 3 tuần nhưng cơ bản đã được kiểm soát.

Theo bà Lâm Thị Hoàng, hộ nuôi heo ở ấp 6, xã Khánh Hoà, huyện U MInh: Đàn heo 5 con được gia đình nuôi hơn 2 tháng vào trung tuần tháng 11/2023, lúc đầu phát hiện 1 con trong đàn bỏ ăn, sau đó chỉ 2 ngày nhanh chóng đã  lây ra cả đàn, heo bị sốt, đỏ mình rồi chết. Sau đó gia đình đã báo lên xã phối hợp với lực lượng thú y tại địa phương tiêu huỷ và lấy mẫu gửi xét nghiệm cho kết quả dương tính với dịch tả heo Châu Phi.

"Nhờ trước khi nuôi, gia đình có khai báo tổng đàn với Chính quyền địa phương, do đó cũng hy vọng Nhà nước sớm xem xét thực hiện chính sách hỗ trợ cho người dân khi gặp thiệt hại do dịch bệnh theo quy định của Chính phủ", bà Hoàng bộc bạch.

Nhiều hộ nuôi vẫn theo mô hình truyền thống nhỏ lẻ khó kiểm soát. Ảnh: Trọng Linh.

Nhiều hộ nuôi vẫn theo mô hình truyền thống nhỏ lẻ khó kiểm soát. Ảnh: Trọng Linh.

Theo lời ông Hàn Văn Ðịnh, nhân viên Thú y xã Khánh Hoà: Trước tình hình dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi diễn biến khó lường, địa phương điều tra tổng đàn, cấp thuốc tiêu độc, khử trùng trong vùng dịch, bán kính 1,5km, hướng dẫn bà con phòng trừ dịch bệnh, áp dụng phương thức giảm đàn. Ðối với những đàn heo tới lứa xuất chuồng, khi thấy có biểu hiện bệnh, phải báo ngay cho cơ quan thú y tại địa phương.

Bà Lê Thị Ba, hộ chăn nuôi heo ở ấp 6, xã Khánh Hoà, huyện U Minh thông tin: Nghe tin gần nhà có dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi nên tôi tự phòng chống dịch bệnh bằng cách phun xịt thuốc sát trùng, giăng mùng chống ruồi, muỗi cho heo cả ngày đêm. Ðồng thời không cho người lạ đến gần chuồng, bổ sung các chất dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho heo.

Bà Trần Hồng Ửng, Trưởng phòng NN-PTNT huyện U Minh, cho biết: Từ đầu năm 2023 đến nay, trên địa bàn huyện U Minh xuất hiện 4 ổ dịch của 6 hộ nuôi hơn 120 con, với tổng trọng lượng gần 14 tấn.

Để chủ động phòng chống dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi đơn vị đã tăng cường điều tra tổng đàn, phát thuốc khử trùng cho các hộ nuôi kết hợp tuyên truyền cho người dân vệ sinh chuồng trại thường xuyên, chăn nuôi theo mô hình an toàn sinh học. Hiện, dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi trên địa bàn huyện đã được kiểm soát và đã công bố hết dịch.

Ông Chung Hữu Nghị, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y, cho biết: Hiện, thời tiết đang trong giai đoạn giao mùa, nhiệt độ giữa ngày và đêm chênh lệch cao, là điều kiện thuận lợi cho các loại dịch bệnh phát triển.

Ðặc biệt, những địa phương đã xảy ra các ổ dịch tả heo Châu Phi trước đây có nguy cơ cao, bởi virus gây bệnh này có khả năng tồn tại lâu ngoài môi trường, đường lây truyền rất phức tạp. Cái khó hiện nay là dịch bệnh bùng phát nhưng người nuôi chưa chủ động tiêm vacxin cho đàn heo, do người dân chưa đặt niềm tin vào hiệu quả của vacxin.

Hiện nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, công tác tiêu độc, khử trùng được triển khai thường xuyên. Ảnh: Trọng Linh.

Hiện nay, dịch bệnh cơ bản đã được kiểm soát, công tác tiêu độc, khử trùng được triển khai thường xuyên. Ảnh: Trọng Linh.

Ông Chung Hữu Nghị khuyến cáo, để ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ dịch bệnh phát tán phức tạp và phòng dịch bệnh dịch tả heo Châu Phi, các địa phương cần thực hiện nghiêm các nội dung Công điện số 1097 ngày 16/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch bệnh.

Các hộ chăn nuôi cần tăng cường chăm sóc, tiêm phòng đầy đủ cho heo, thực hiện tốt việc nuôi heo an toàn sinh học, chủ động phòng ngừa, không chủ quan với dịch. Khi phát hiện heo có biểu hiện nhiễm bệnh cần báo ngay đến cơ quan chuyên môn và chính quyền địa phương để có biện pháp xử lý kịp thời, ngăn chặn dịch bệnh lây lan, nhất là thời điểm cuối năm.

Theo đánh giá của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Cà Mau, chăn nuôi heo tại địa phương phát triển khá ổn định, công tác phòng, chống bệnh dịch tả heo Châu Phi được triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời và có hiệu quả, các ổ dịch được kiểm soát, khống chế nhanh, không tái phát và lây lan rộng.

Giá heo hơi có xu hướng tăng nhẹ do nhu cầu tiêu thụ tăng. Tình hình chăn nuôi trang trại ổn định với tổng quy mô chăn nuôi thường xuyên trên 20.000 con/lứa, hoạt động chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Tiêu thụ chè trong nước bằng 1/3 lượng xuất khẩu nhưng mang lại giá trị cao hơn

Thực trạng cho thấy, lượng chè tiêu thụ trong nước chỉ bằng 1/3 so với khối lượng chè xuất khẩu, tuy nhiên giá trị tiêu thụ trong nước cao hơn.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.