| Hotline: 0983.970.780

Kiểm soát thịt heo giết mổ thủ công từ các tỉnh đưa về TP.HCM

Thứ Năm 10/08/2023 , 21:43 (GMT+7)

TP.HCM tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với sản phẩm động vật từ các tỉnh đưa về thành phố để tiêu thụ tại các chợ đầu mối, chợ truyền thống.

Lực lượng chức năng kiểm soát thịt heo trước khi đưa vào tiêu thụ tại chợ đầu mối Bình Điền. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Lực lượng chức năng kiểm soát thịt heo trước khi đưa vào tiêu thụ tại chợ đầu mối Bình Điền. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Từ ngày 1/4/2023, TP.HCM chuyển sang giết mổ công nghiệp và ngừng giết mổ thủ công.

Hiện trên địa bàn TP.HCM có 5 nhà máy giết mổ gia súc (heo) tập trung, theo hướng công nghiệp tại huyện Củ Chi, Hóc Môn và quận Bình Thạnh.

Tổng lượng giết mổ bình quân đạt 5.200 - 6.000 con/ngày, chiếm khoảng 60% tổng nguồn cung thịt heo trên thị trường thành phố, 40% số lượng thịt heo còn lại từ các tỉnh đưa về TP.HCM tiêu thụ.

Tuy nhiên, theo phản ánh, thịt heo giết mổ thủ công từ các tỉnh lân cận vẫn đưa về TP.HCM tiêu thụ, ảnh hưởng đến các nhà máy giết mổ công nghiệp trên địa bàn TP.HCM.

Trước vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM Nguyễn Xuân Hoàng cho biết, để đảm bảo quyền lợi cho các nhà máy giết mổ công nghiệp theo chủ trương của UBND TP.HCM, Sở đã triển khai nhiều giải pháp.

Cụ thể, Sở phối hợp với Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP.HCM tham mưu UBND TP.HCM ban hành và triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt 4 Kế hoạch.

Đó là, kế hoạch truyền thông đưa hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm vào sản xuất quy mô công nghiệp.

Kế hoạch quản lý, kiểm soát thị trường, hoạt động lưu thông, vận chuyển và kinh doanh thịt gia súc, gia cầm.

Kế hoạch nâng công suất giết mổ gia súc tại các nhà máy giết mổ công nghiệp.

Kế hoạch kiểm tra hoạt động giết mổ gia súc thủ công sau khi hết thời gian gia hạn của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

Song song đó, phối hợp với UBND quận, huyện trao đổi, tạo điều kiện, kết nối các thương lái tại các cơ sở giết mổ gia súc thủ công chuyển về giết mổ tại nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp.

TP.HCM là địa phương đầu tiên 'khai tử' các lò mổ thủ công, chuyển sang giết mổ công nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thủy.

TP.HCM là địa phương đầu tiên "khai tử" các lò mổ thủ công, chuyển sang giết mổ công nghiệp. Ảnh: Nguyễn Thủy.

Đồng thời, vận động, hướng dẫn và hỗ trợ các chủ đầu tư nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp tham gia các chương trình của thành phố như chuỗi thực phẩm an toàn, chương trình bình ổn giá, chương trình truy xuất nguồn gốc, thương hiệu Vàng, thương hiệu Vàng Nông nghiệp TP.HCM... nhằm cung cấp nguồn thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng thành phố.

Ngoài ra, Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM phối hợp với các ngành chức năng như Ban Quản lý An toàn thực phẩm, Cục Quản lý thị trường, các đoàn liên ngành quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với sản phẩm động vật từ các tỉnh đưa về thành phố để tiêu thụ tại các chợ đầu mối, các chợ truyền thống.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM phối hợp với các đoàn kiểm tra liên ngành phòng chống dịch bệnh gia súc, gia cầm của thành phố (đoàn số 1, 2, 3) tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các cửa ngõ ra vào thành phố để phát hiện, xử lý nghiêm các phương tiện vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ các tỉnh đưa về không đúng quy định.

Phối hợp với các đoàn liên ngành quận, huyện tăng cường công tác kiểm tra, chốt chặn, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong vận chuyển, kinh doanh, giết mổ động vật trái phép trên địa bàn, nhất là các khu vực giáp ranh với các tỉnh, khu vực có cơ sở giết mổ gia súc thủ công sau khi hết thời gian gia hạn hoạt động theo Quyết định số 231/QĐ-UBND.

Phối hợp với các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện tăng cường công tác giám sát, kiểm tra các chỉ tiêu vi sinh, tồn dư kháng sinh, chất cấm nhóm beta-agonist..., đảm bảo an toàn đối với nguồn sản phẩm động vật cung cấp cho thị trường trên địa bàn thành phố, nhất là nguồn sản phẩm động vật giết mổ từ các tỉnh đưa về TP.HCM tiêu thụ, trao đổi, cung cấp thông tin cho các tỉnh chấn chỉnh đối với các trường hợp có kết quả giám sát chưa đảm bảo theo quy định.

Theo ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TP.HCM, khi thực hiện chủ trương ngưng hoạt động giết mổ thủ công, chuyển sang các lò giết mổ công nghiệp, Sở sẽ quản lý chặt và hạn chế nguồn thịt giết mổ thủ công từ các tỉnh đưa về.

Ngoài ra, Sở cũng đã trình UBND TP.HCM và Bộ NN-PTNT về những tiêu chí cần phải đạt mới được đưa thịt heo về TP.HCM tiêu thụ. Trong đó, những tiêu chí này tương đương với tiêu chí giết mổ theo tiêu chuẩn giết mổ công nghiệp. Như vậy, việc giết mổ thủ công sẽ không đạt được những tiêu chí khi đưa thịt về các chợ đầu mối ở TP.HCM tiêu thụ, đồng nghĩa với việc thương lái chuyển về các lò giết mổ thủ công các tỉnh, sau đó vận chuyển thịt ngược về TP.HCM tiêu thụ sẽ gặp khó khăn sau khi những tiêu chí được thông qua và triển khai thực hiện.

Xem thêm
Hợp tác xã nuôi ong mật gắn với xây dựng sản phẩm OCOP

HÀ TĨNH Ong trong dự án sinh trưởng phát triển tốt, ít dịch bệnh, năng suất bình quân đạt ≥18kg/đàn/năm, hiệu quả kinh tế tăng ≥10% so với nuôi đại trà.

Trồng thành công giống sâm quý trên núi Kim Nọi

YÊN BÁI Mô hình trồng sâm Ngọc Linh và một số cây dược liệu ở Mù Cang Chải thành công bước đầu đang mở ra hi vọng tạo sinh kế mới cho người dân vùng cao.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.