| Hotline: 0983.970.780

Kiên Giang nỗ lực đưa nước sạch về nông thôn

Thứ Năm 20/12/2018 , 08:50 (GMT+7)

 Nước sạch không chỉ là nhu cầu cấp thiết của người dân nông thôn, mà còn là tiêu chí đánh giá trong quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM)...

Chính vì vậy, trong những năm qua, tỉnh Kiên Giang đã đầu tư xây dựng nhiều công trình, hệ thống cấp nước tập trung, nhằm đạt mục tiêu hết năm 2018 có 95% dân số sống nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh.
 

Mở rộng mạng lưới cấp nước

Bằng nhiều nguồn vốn khác nhau, gồm kinh phí từ Chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch nông thôn trước đây, kinh phí sự nghiệp địa phương và tài trợ của nước ngoài như Ngân hàng Thế giới, Chính phủ Úc, Hàn Quốc..., tỉnh Kiên Giang đã đầu tư hàng chục công trình, hệ thống cấp nước tập trung tại các vùng nông thôn, biên giới, hải đảo… Qua đó, đã giải “cơn khát" nước sạch của cư dân nông thôn, nhất là những tháng cao điểm mùa khô.

13-47-29_1hien_ny_trung_tm_nuoc_sch_v_vsmt_nt_kien_ging_dng_qun_ly_vn_hnh_71_he_thong_cp_nuoc_53411_dong_ho_d_du_noi_cung_cp_nuoc_den_cc_ho_dn
Trung tâm NS- VSMTNT Kiên Giang đang quản lý, vận hành 71 hệ thống cấp nước, 53.411 đồng hồ đã đấu nối đến các hộ dân

Ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Kiên Giang (NS- VSMTNT) cho biết, hiện nay đơn vị đang quản lý, vận hành 71 hệ thống cấp nước, bao gồm hồ chứa nước Dương Đông (Phú Quốc), 17 hệ thống sử dụng nguồn nước mặt và 50 hệ thống sử dụng nguồn nước ngầm, cùng 4 hệ thống vừa sử dụng nước mặt vừa sử dụng nước ngầm.

Số đồng hồ đã đấu nối, cung cấp nước đến các hộ dân là 53.411 cái. Trong 11 tháng đầu năm 2018, trung tâm đã sản xuất được hơn 8,2 triệu m3 nước, đạt vượt 105% kế hoạch. Nước tiêu thụ sinh hoạt cấp tới các hộ dân là gần 5,8 triệu m3 (kế hoạch cả năm là 6 triệu m3). Riêng hồ nước Dương Đông đã khai thác đạt gần 6,4 triệu m3/5,1 triệu m3 khối theo kế hoạch, để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân trên huyện đảo Phú Quốc.

Theo ông Bình, hiện đơn vị đang triển khai thi công mới 3 công trình cấp nước, gồm trạm cấp nước xã Thạnh Lộc, xã Đông Yên và xã Minh Thuận, khối lượng thi công bình quân đạt trên 80%. Đồng thời, trao hợp đồng công trình hồ chứa nước phục vụ SX và sinh hoạt khu vực huyện An Minh.

Trung tâm cũng đang chuẩn bị nghiệm thu, tiến hành bàn giao công trình trạm cấp nước xã Vĩnh Hòa Hưng Bắc; đã bàn giao đưa vào sử dụng trạm cấp nước xã Thạnh Yên. Thông qua đó, trung tâm ngày càng mở rộng địa bàn cấp nước cho người dân vùng nông thôn. Theo thống kê, tỷ lệ hộ dân nông thôn trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đang sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 94,2%.

Để đảm bảo cho việc cấp nước được liên tục và tăng công suất, trung tâm đang nối mạng các trạm cấp nước (TCN) trong khu vực với nhau. Cụ thể, tiến hành nối mạng TCN Minh Hòa 1 và TCN Bàn Tân Định; nối mạng TCN Vạn Thanh và Hòn Me; nối mạng TCN Vạn Thanh 1 và 2; nối mạng TCN Định Hoà 1 và Định Hoà 2; di dời tuyến ống qua cầu thị trấn Gò Quao; lắp đặt bơm nước thô, đặt tuyến ống từ kênh vào hồ TCN Tân Khánh Hoà; lắp đặt bơm trục ngang TCN Cửa Cạn; bơm chìm TCN Hoà An và thay vật liệu lọc tại một số TCN Thuận Hoà, Tân Khánh Hoà, Thạnh Đông B, Đông An, Thuỷ Liễu 1, Gò Quao, Vĩnh Hoà Hưng Nam.
 

Đa dạng các hình thức cấp nước sạch

Theo Văn phòng Điều phối NTM tỉnh Kiên Giang, giai đoạn từ nay đến năm 2020, tỉnh sẽ chọn 4 huyện là Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận và Kiên Lương để xây dựng đạt chuẩn huyện NTM, trong đó có ít nhất 2 huyện sẽ được công nhận chính thức. Trong 9 tiêu chí xây dựng huyện NTM, thì cả 4 huyện đều chưa đạt tiêu chí môi trường, do tỷ lệ hộ sử dụng nước sạch còn rất thấp, mới đạt từ 17-20%/mỗi huyện. Trong khi theo quy định là 65% hộ sử dụng nước sạch.

Để đạt được chỉ tiêu nước sạch cho 4 huyện trên thì cần nguồn vốn đầu tư rất lớn, lên tới 267 tỷ đồng. Cụ thể, huyện Vĩnh Thuận cần 67 tỷ đồng, huyện Giồng Riềng 126 tỷ đồng, Gò Quao 68 tỷ đồng và Kiên Lương 6 tỷ đồng, đầu tư thêm nhà máy cấp nước, mở rộng mạng lưới đường ống, lắp đặt đồng hồ mới hộ cho dân.

13-47-29_2niem_vui_cu_nguoi_dn_khi_co_nguon_nuoc_sch_ve_tn_nh_phuc_vu_sinh_hot_nu_n
Niềm vui của người dân khi có nguồn nuốc sạch về tận nhà phục vụ sinh hoạt, ăn uống

Văn phòng điều phối NTM tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh Kiên Giang xem xét, quyết định cho sử dụng 265,5 tỷ đồng từ nguồn vốn đối ứng của tỉnh (đối ứng 1,5 lần so với nguồn vốn sự nghiệp Trung ương cấp) giai đoạn 2019-2020, cho các địa phương thực hiện. Theo đó, nguồn kinh phí trên dự kiến phân bổ cho các Sở, Ban, ngành của tỉnh là 65 tỷ đồng để thực hiện công tác chuyên ngành, 200,5 tỷ đồng phân bổ cho 4 huyện điểm NTM là Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận và Kiên Lương.

Như vậy, còn thiếu 66,5 tỷ đồng để thực hiện nhu cầu nước sạch, các huyện sẽ kêu gọi theo hướng xã hội hóa, kéo DN về đầu tư. Tuy nhiên, đây vẫn là nguồn kinh phí rất lớn và khó huy động. Nguyên nhân do dân cư nông thôn ở rải rác theo các tuyến kênh, rạch, rất thưa thớt, việc kéo đường ống nước sạch phủ kín là không khả thi và cũng không hiệu quả về mặt kinh tế nên khó kêu gọi DN rót vốn vào.

Ông Phạm Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thuận cho biết, địa phương đang nỗ lực để sớm hoàn thành mục tiêu huyện NTM. Đến nay, trong 9 tiêu chí xây dựng huyện NTM, Vĩnh Thuận còn tới 5 tiêu chí chưa đạt, trong đó có tiêu chí môi trường. “Để giải quyết vấn đề môi trường thì tỉnh cần sớm hỗ trợ, mời gọi DN về đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác. Xây dựng, nâng công suất nhà máy cấp nước sạch và kéo dài đường ống nước để phục vụ nhân dân”, ông Hậu đề xuất.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc xây dựng NTM giai đoạn 2016-2018 và triển khai kế hoạch hành động giai đoạn 2019-2020, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Phạm Vũ Hồng, cho rằng, giải pháp cung cấp nước sạch từ nhà máy qua hệ thống đường ống đến tất cả các hộ dân nông thôn là bất khả thi.

Vì vậy, cần đa dạng các hình thức cung cấp nước sạch, như hỗ trợ người dân ở những vùng xa xôi, biên giới, hải đảo… xây dựng bể, mua bồn để chứa nước mưa. Đối với những nơi đã có nguồn nước hợp vệ sinh (như nước giếng khoan), cần hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý nước tại hộ để thành nước sạch. Huy động mọi nguồn lực thực hiện, ưu tiên đầu tư kết cấu hạ tầng thiết yếu khu vực nông thôn, trong đó có công trình nước sạch. Xã hội hóa các nguồn vốn đầu tư, như nước sạch, môi trường, y tế, giáo dục… để huy động tổng thể các nguồn lực đáp ứng nhu cầu xây dựng NTM.

Chúng tôi về khu vực Thứ Mười Biển thuộc xã Thuận Hòa, huyện An Minh, vào những ngày đầu mùa khô, cảm nhận rõ sự phấn khởi của người dân khi được đấu nối với hệ thống nước máy. Ông Huỳnh Văn Khoa, một người dân cho biết vùng này gần biển, lại SX theo mô hình tôm - lúa, nên những tháng mùa khô tứ bề là nước mặn. Cũng không thể khoan cây nước ngầm vì nhiễm phèn và mặn. Dù nhà nào cũng có cả chục cái lu chứa nước loại lớn nhưng hết mùa mưa là lu khô đáy, phải đổi nước từ các ghe chở đến.

Đây chỉ là nước sông ở những vùng không nhiễm mặn, được bơm vào ghe đi đổi nhưng cũng khá đắt đỏ, mà mấy ngày mới có một đợt đổi nước chứ không dễ dàng gì. Bây giờ có nước máy, vừa tiện lợi, mở vòi ra là có, vừa rẻ hơn cả đổi nước sông nên nhà nào cũng phấn khởi, an tâm sử dụng cho sinh hoạt, nấu ăn, bà con ai nấy đều phấn khởi.

 

Xem thêm
Ra mắt Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô'

Kiên Giang Hội quán Nông dân huyện Châu Thành và dự án 'Đọc sách cùng Xích Lô' là nơi học tập, trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nông nghiệp.

Điểm sáng phát triển văn hóa- thể thao ở Bến Tre

Bến Tre Lĩnh vực văn hoá phát triển góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho người dân, từ đó tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Thanh Trì sáng tạo lan tỏa các sản phẩm OCOP

Thời gian vừa qua huyện Thanh Trì, TP Hà Nội đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá sản phẩm OCOP.