| Hotline: 0983.970.780

Kiến nghị điều chỉnh quy định đăng ký tàu cá kích thước dưới 15m

Thứ Sáu 23/02/2024 , 10:16 (GMT+7)

QUẢNG TRỊ Đăng ký tàu cá dưới 15m hiện đang gặp một số khó khăn về hồ sơ thủ tục như giấy chứng nhận xuất xưởng, giấy tờ chứng minh nguồn gốc máy...

Theo báo cáo của Ban chỉ đạo về Chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định tỉnh Quảng Trị, tính đến giữa tháng 12/2023, toàn tỉnh có 2.286 tàu khai thác thủy sản với tổng công suất trên 140 nghìn CV. Trong đó có 1.840 tàu cá dài dưới 6m; 446 tàu cá từ 6m trở lên. Hiện toàn tỉnh còn 380 tàu cá chiều dài từ 6 đến dưới 15m do mua bán, đóng mới không đúng quy định nên chưa thể đăng ký tàu cá.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra công tác giám sát tàu cá xuất, nhập cảng trên hệ thống camera lắp tại các cảng cá. Ảnh: VD.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị kiểm tra công tác giám sát tàu cá xuất, nhập cảng trên hệ thống camera lắp tại các cảng cá. Ảnh: VD.

Trong năm 2023, toàn tỉnh đã cấp 31 giấy chứng nhận đăng ký tàu cá; kiểm tra và cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật cho 221 tàu cá; xóa đăng ký 345 tàu cá. Số tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản theo quy định đạt gần 98% (436/446 tàu).

Cũng theo báo cáo, toàn tỉnh hiện có 189/192 tàu được lắp thiết bị giám sát hành trình (trên 98%). 5 tàu Hải đội Dân quân thường trực, trực thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự Tỉnh quản lý đã lắp đặt đang chờ kết nối với Hệ thống giám sát của Cục Thủy sản. Hiện còn 3 tàu của ngư dân chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình. Đánh dấu tàu cá tại Quảng Trị hiện nay đạt 99,1% (442/446 tàu). Việc thực hiện cập nhật dữ liệu trên trường VnFishbase được thực hiện nghiêm túc. Trong đó, đăng ký 446/446 tàu; cấp giấy phép khai thác thủy sản 441/446 tàu (gần 99%); đăng kiểm 287/287 tàu.

Tại các cảng cá, lũy kế 12 tháng trong năm 2023, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã kiểm tra 780 lượt tàu rời cảng; kiểm tra 762 lượt tàu cập cảng bốc dỡ thủy sản; 100% tàu cá xuất, nhập lạch tại các đồn/trạm Biên phòng tuyến biển đã được kiểm tra, kiểm soát. Cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị cũng đã lập danh sách tàu cá không tham gia khai thai thác, không lắp thiết bị giám sát hành trình và tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU gửi Tổng cục Thủy sản, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng, UBND các huyện ven biển, các cảng cá và các đơn vị của tỉnh bạn để theo dõi, quản lý chặt chẽ.

Vào lúc 14h hàng ngày, các Đồn Biên phòng cung cấp số liệu tàu cá xuất, nhập lạch và các Cảng cá cung cấp số liệu tàu cá rời, cập cảng để Chi cục Thủy sản đối khớp số liệu nhằm xử lý các tàu cá không cập cảng chỉ định để bốc dỡ sản phẩm khai thác thủy sản.

Thông qua Hệ thống giám sát tàu cá, Chi cục Thủy sản phân công cán bộ trực giám sát, theo dõi chặt chẽ 100% tàu cá hoạt động trên biển. Nhờ đó, trong thời gian qua không có tàu mất kết nối trên biển quá 10 ngày và không có tàu cá hoạt động vi phạm vùng biển nước ngoài.

Trong 12 tháng năm 2023, tại các cảng cá, lực lượng chức năng đã thu được 3.092 cuốn nhật ký khai thác/3.092 lượt tàu cá cập cảng; giám sát được trên 3,2 nghìn tấn hải sản các loại. Hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh có 3 cảng cá loại II, 2 cảng cá chỉ định, 1 cảng cá loại III và 39 điểm bốc dỡ thủy sản khai thác từ tàu cá. Cũng theo báo cáo, trong 12 tháng năm 2023, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Trị đã xử phạt 44 trường hợp với tổng số tiền xử phạt vi phạm trong lĩnh vực khai thác thủy sản 230,5 triệu đồng.

Năm 2023, Quảng Trị có 2 tàu vượt ranh giới trên Hệ thống giám sát hành trình theo thông báo của Chi cục Thủy sản; không có tàu mất kết nối 10 ngày trên Hệ thống giám sát hành trình; 10 tàu cá mất kết nối trên biển, khi phát hiện Chi cục Thủy sản đã thông báo đến chủ tàu và các thuyền trưởng đã kiểm tra, duy trì kết nối trở lại.

Lực lượng kiểm ngư và biên phòng Quảng Trị xử lý vi phạm khai thác thủy sản. Ảnh: VD.

Lực lượng kiểm ngư và biên phòng Quảng Trị xử lý vi phạm khai thác thủy sản. Ảnh: VD.

Ông Phan Hữu Thặng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Trị cho hay, tình trạng phát sinh tàu cá chưa đăng ký được chủ yếu đối với nhóm tàu cá có chiều dài từ 6 mét đến dưới 12 mét, vật liệu vỏ bằng nan tre hoặc nhựa (Composite), lắp máy có công suất dưới 15CV ở các địa phương vùng biển bãi ngang. Quy trình, công nghệ đóng tàu cá nói trên đơn giản, thủ công do nhu cầu sinh kế người dân tự đóng hoặc thuê thợ về đóng tại gia đình. Mặt khác, trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận chưa có cơ sở đủ điều kiện đóng tàu vỏ nhựa (Composite) nên đối với những tàu cá phát sinh này khi thực hiện thủ tục đăng ký theo quy định gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc  khó thực hiện, cụ thể như: Giấy chứng nhận xuất xưởng do cơ sở đủ điều kiện cấp, giấy tờ chứng minh nguồn gốc máy (người dân mua máy cũ trôi nổi trên thị trường)... 

Để thực hiện tốt công tác quản lý tàu cá trên địa bàn tỉnh theo đúng quy định của Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, Sở NN-PTNT Quảng Trị đã có văn bản đề nghị Bộ NN-PTNT sửa đổi, bổ sung các quy định tại Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT ngày 15/11/2018 điều khoản đăng ký tàu cá đối với tàu cá có kích thước lớn nhất từ 6m đến dưới 12m đang tồn tại trong thực tế hiện nay theo hướng thay giấy Giấy chứng nhận xuất xưởng bằng Giấy tờ chứng minh nguồn gốc tàu cá để có cơ sở đăng ký quản lý.

Hỗ trợ ngư dân cước thuê bao thiết bị giám sát hành trình

Để hỗ trợ ngư dân thực hiện đúng quy định của Luật Thủy sản 2017, ngày 29/7/2023, HĐND tỉnh Quảng Trị ban hành Nghị quyết số 55/2023/NQ-HĐND, Quy định chính sách hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2023-2025. Nghị quyết 55 có hiệu lực từ 1/8/2023, số tiền hỗ trợ ngư dân trong 3 năm là 1,625 tỷ đồng.

Xem thêm
Đầm Hà hướng đến phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững

QUẢNG NINH Hiện huyện Đầm Hà có 5.656ha đất bãi triều và mặt nước biển đã được cập nhật, tích hợp vào quy hoạch tỉnh phê duyệt.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.