| Hotline: 0983.970.780

Kiên Giang: 150 tàu cá thuộc diện mất tích sẽ bị xóa đăng ký

Thứ Tư 09/11/2022 , 14:47 (GMT+7)

Kiên Giang Tàu cá mất tích do hết hạn giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, giấy phép khai thác thủy sản và chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình sẽ bị xóa đăng ký.

Tàu sẽ bị xóa đăng ký nếu... 3 không

Sở NN-PTNT Kiên Giang đã có thông báo về 150 tàu cá của tỉnh thuộc diện mất tích do đã hết hạn giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản (trên 2 năm) và chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình heo quy định sẽ bị xóa đăng ký.

Kiên Giang thông báo 150 tàu cá đã hết hạn Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và Giấy phép khai thác thủy sản trên 2 năm, nếu chủ tàu không tiến hành thủ tục đăng ký lại sẽ bị xóa đăng ký. Ảnh: Phúc Nghi.

Kiên Giang thông báo 150 tàu cá đã hết hạn Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và Giấy phép khai thác thủy sản trên 2 năm, nếu chủ tàu không tiến hành thủ tục đăng ký lại sẽ bị xóa đăng ký. Ảnh: Phúc Nghi.

Ông Quảng Trọng Thao, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết, qua rà soát, xác minh, tính đến giữa năm 2022 trên địa bàn tỉnh có 150 tàu cá đã hết hạn Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và Giấy phép khai thác thủy sản trên 2 năm và chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Các tàu này là tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ hoặc chủ tàu không còn ở địa phương và không liên lạc được, tàu cá thay đổi chủ sở hữu nhưng không liên lạc được với chủ tàu… thuộc diện tàu cá mất tích.

Tàu cá Kiên Giang đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định là 3.649/3.884 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên. Còn lại 235 tàu cá chưa lắp thiết bị giám sát hành trình, trong đó phần lớn là tàu thuộc diện xóa đăng ký đang chờ làm thủ tục (161 chiếc) và tàu thuộc diện nằm bờ dài hạn (73 chiếc). Ngoài ra, có 1 tàu chuyển sang đăng ký dự bị dân quân tự vệ trên biển.

Theo danh sách được công bố, trong 150 tàu cá thuộc diện mất tích có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên nhiều nhất là ở TP Rạch Giá với 87 tàu, TP Phú Quốc 12 tàu, huyện Hòn Đất 12 tàu, Kiên Hải 11 tàu, Châu Thành 8 tàu, Kiên Lương 7 tàu, An Minh 5 tàu, An Biên 3 tàu, TP Hà Tiên 3 tàu và huyện Gò Quao 2 tàu. Sở NN-PTNT Kiên Giang đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo phòng ban chuyên môn, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp triển khai thực hiện niêm yết danh sách tàu cá nêu trên và có giải pháp thông báo đến các chủ tàu cá biết thực hiện các việc cần thiết nếu không sẽ bị xóa đăng ký.

Theo đó, trong thời hạn 1 năm kể từ ngày ban hành thông báo, các chủ tàu cá nói trên cần liên hệ với Chi cục Thủy sản tỉnh Kiên Giang hoặc liên hệ trực tiếp Trung tâm Phục vụ Hành chính công tỉnh Kiên Giang (bộ phận trực Sở NN-PTNT) để được hướng dẫn thực hiện thủ tục cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá và Giấy phép khai thác thủy sản để phục hồi chỉ tiêu hạn ngạch Giấy phép khai thác thủy sản. Sau thời gian nêu trên, nếu các chủ tàu cá không thực hiện các thủ tục theo quy định, Sở NN-PTNT Kiên Giang sẽ tiến hành xóa đăng ký tàu cá trong sổ đăng ký tàu cá quốc gia.

Theo ông Thao, việc làm trên là nhằm tăng cường thực hiện tốt công tác quản lý tàu cá, giải pháp khắc phục cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu và thực hiện xóa đăng ký tàu cá theo quy định của Luật Thủy sản năm 2017 về “Tàu cá bị mất tích sau 1 năm kể từ ngày thông báo chính thức trên phương tiện thông tin đại chúng”.

Vẫn còn nhiều tàu hết giấy phép khai thác

Tỉnh Kiên Giang có ngư trường biển Tây rộng hơn 63.000 km2 và bờ biển dài khoảng 200 km, với trên 140 hòn đảo lớn, nhỏ trải rộng trên khắp vùng biển. Trong đó, rất nhiều đảo có dân sinh sống và có dịch vụ hậu cần nghề cá. Đây là lợi thế rất lớn để Kiên Giang phát triển kinh tế biển, nhất là về khai thác và nuôi biển hiện đại. Thời đỉnh điểm, Kiên Giang có đội tàu khai thác lên đến gần 11.000 chiếc, đứng đầu khu vực ÐBSCL và cả nước, trong đó hàng ngàn tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ.

Kiên Giang hiện vẫn còn nhiều tàu cá không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép hết hạn nhưng vẫn tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Ảnh: Phúc Nghi.

Kiên Giang hiện vẫn còn nhiều tàu cá không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép hết hạn nhưng vẫn tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Ảnh: Phúc Nghi.

Thực hiện tái cơ cấu ngành thủy sản, tỉnh Kiên Giang chủ trương giảm đội tàu khai thác, hỗ trợ chuyển đổi sang tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ, nhằm giảm áp lực khai thác ven bờ, bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Đồng thời chuyển dịch sản lượng từ đánh bắt tự nhiên sang nuôi trồng những loài thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Ông Kim Hoàng Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Kiên Giang cho biết, toàn tỉnh hiện có 9.800 tàu cá đăng ký, trong đó tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 m đến dưới 12 m là 4.371 chiếc, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 12m đến dưới 15m là 1.554 chiếc, tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 m trở lên là 3.884 chiếc. Ngành chức năng đã kiểm tra an toàn kỹ thuật cho nhóm tàu từ 12m trở lên là 2.668 lượt tàu.

Hiện số tàu cá Kiên Giang đang hoạt động có giấy phép khai thác thủy sản theo hạn ngạch là 5.552 tàu. Trong đó, vùng khơi là 3.553 tàu, vùng lộng 1,106 tàu và vùng ven bờ là 893 tàu. Chi cục Thủy sản và UBND các huyện, thành phố đã nỗ lực triển khai việc đăng ký, đăng kiểm, cấp giấy phép khai thác thủy sản và đánh dấu tàu cá. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều tàu cá không đăng ký, không đăng kiểm, không có giấy phép khai thác thủy sản hoặc giấy phép hết hạn nhưng vẫn tham gia hoạt động khai thác thủy sản. Nhất là đối với nhóm tàu cá có chiều dài lớn nhất dưới 12m, khai thác vùng ven bờ, được phân cho cấp huyện quản lý, đã hết hạn giấy phép khai thác thủy sản nhưng vẫn chưa đăng ký lại, lên đến 3.478 tàu.

Thông tin có sự phối hợp của Ban Chỉ đạo Chống khai thác IUU Kiên Giang

Xem thêm
Mở rộng nuôi tôm sú 2 giai đoạn vùng ven biển miền Trung

Mô hình nuôi tôm sú 2 giai đoạn có nhiều triển vọng mở rộng nhằm thay thế hình thức nuôi tôm thẻ chân trắng theo cách truyền thống tại các tỉnh ven biển miền Trung.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.