| Hotline: 0983.970.780

Kiên quyết đóng cửa cơ sở giết mổ không đảm bảo

Thứ Ba 02/07/2024 , 20:22 (GMT+7)

VĨNH PHÚC Một số địa phương tỉnh Vĩnh Phúc vẫn còn buông lỏng quản lý, để xảy ra tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm chết, mắc bệnh, gây bức xúc trong dư luận.

Chăn nuôi gia cầm hàng hoá ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Bảo Khang.

Chăn nuôi gia cầm hàng hoá ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Bảo Khang.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc vừa có văn bản về tăng cường công tác quản lý đối với các cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm trên địa bàn.

Theo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, thời gian qua đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về công tác quản lý, kiểm soát giết mổ động vật đảm bảo an toàn dịch bệnh, an toàn thực trên địa bàn, tuy nhiên, việc triển khai thực hiện của một số địa phương còn nhiều hạn chế, còn buông lỏng công tác quản lý kiểm soát để xảy ra tình trạng giết mổ gia súc, gia cầm chết, mắc bệnh không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm gây bức xúc trong dư luận, người dân.

Cụ thể, báo cáo của Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc và cơ quan liên quan thể hiện: Mới đây Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã phát hiện và xử lý 1 trường hợp giết mổ, kinh doanh lợn, thịt lợn ốm không đảm bảo vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm trên địa bàn xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo. Cơ quan chức năng đã buộc tiêu huỷ 31 con lợn có dấu hiệu mắc bệnh với trọng lượng 1.470 kg và 2.700 kg thịt lợn không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Sau sự việc, để tăng cường công tác quản lý nhà nước của chính quyền các cấp, quản lý chặt chẽ hoạt động buôn bán, giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh đúng quy định của pháp luật, bảo về sức khỏe người dân, UBND tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền bằng hiều hình thức đến các tổ chức, cá nhân chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ, chế biến, kinh doanh gia súc, gia cầm không được giết mổ, sử dụng gia súc, gia cầm chết, mắc bệnh để chế biến làm thực phẩm.

Thành lập đoàn kiểm tra, đánh giá điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, đặc biệt tại các cơ sở giết mổ lợn theo quy định; kiên quyết đóng cửa các cơ sở giết mổ không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm.

Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc giết mổ, tiêu thụ sản phẩm gia súc, gia cầm và nghiêm cấm các hành vi: Giết mổ, tiêu thụ gia súc, gia cầm ốm, chết; Giết mổ động vật tại các địa điểm không đảm bảo điều kiện vệ sinh thú y; Giết mổ ngay cạnh đường giao thông, trong chợ; Vứt xác động vật chết ra ngoài môi trường. Trường hợp vi phạm xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng giao Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y, các đơn vị liên quan tuyên truyền sâu rộng đến các tổ chức, cá nhân chăn nuôi, buôn bán, vận chuyển, giết mổ gia súc, gia cầm không được giết mổ gia súc, gia cầm chết, mắc bệnh để chế biến làm thực phẩm.

Hướng dẫn người chăn nuôi, nhân viên thú y cấp xã tăng cường theo dõi, giám sát tình hình dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm khi phát hiện gia súc, gia cầm ốm, chết không rõ nguyên nhân, nghi mắc bệnh truyền nhiễm hoặc gia súc, gia cầm và các sản phẩm từ gia súc, gia cầm nhập lậu cần phải báo cáo với chính quyền để kịp thời xử lý theo quy định.

UBND tỉnh Vĩnh Phúc giao Công an tỉnh Vĩnh Phúc thành lập các chuyên án, tập trung đấu tranh, ngăn chặn, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ động vật ốm, chết, nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, động vật chưa được kiểm dịch của cơ quan thú y khi vào địa bàn tỉnh.

Chăn nuôi bò thịt hàng hóa ở Vĩnh Phúc. Ảnh: BK. 

Chăn nuôi bò thịt hàng hóa ở Vĩnh Phúc. Ảnh: BK. 

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Lê Xuân Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: Hiện, Vĩnh Phúc có hơn 16.000 con trâu, 92.000 con bò, gần 500.000 con lợn, 12 triệu con gia cầm… Tính đến nay Chi cục Chăn nuôi và Thú y Vĩnh Phúc đã triển khai, hướng dẫn 20 cơ sở, vùng chăn nuôi xây dựng an toàn dịch bệnh động vật và cấp giấy chứng nhận.

Trong đó, 10 cơ sở chăn nuôi lợn, 6 cơ sở chăn nuôi gà và 4 cơ sở, vùng an toàn bệnh dại động vật. Hàng năm, chi cục thành lập các đoàn kiểm tra về điều kiện chăn nuôi, chấp hành quy định phòng, chống dịch bệnh, đánh giá, giám sát duy trì điều kiện chăn nuôi, lấy mẫu xét nghiệm các chỉ tiêu an toàn dịch bệnh động vật tại các cơ sở chăn nuôi.

“Năm 2023, chi cục đã lấy hơn 5.000 mẫu xét nghiệm định lượng sau tiêm phòng vacxin cúm gia cầm; 540 mẫu xét nghiệm bệnh dịch tả lợn Châu Phi; 720 mẫu xét nghiệm bệnh lở mồm long móng gia súc; 28 mẫu bệnh dại động vật gửi Trung tâm Chẩn đoán Thú y Trung ương xét nghiệm, qua đó phát hiện, xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh, đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc”, ông Lê Xuân Công cho biết.

Xem thêm
Hơn 1.000 hộ dân được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi nhờ sáng kiến 'Chăn Hênh'

SƠN LA Qua 3 năm triển khai tại huyện Mai Sơn, trên 1.000 hộ dân được tập huấn về các kỹ thuật trong chăn nuôi, hỗ trợ liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Giảng viên TOT-IPM được tập huấn lên TOT-IPMH

Tham gia khóa tập huấn, học viên sẽ được tham quan, học tập tại các mô hình tiêu biểu về IPHM như sản xuất rau an toàn, VietGAP, Global GAP trên địa bàn Hà Nội.

Giống sắn xua tan nỗi ám ảnh bệnh khảm lá

Giống sắn HN1 cho năng suất củ tươi đạt trên 34 tấn/ha, hàm lượng tinh bột tối thiểu 25%, đặc biệt giống sắn này có khả năng kháng bệnh khảm lá vượt trội.