| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi an toàn sinh học ở Vĩnh Phúc [Bài cuối]: Lời giải bài toán nhỏ lẻ, môi trường

Thứ Hai 06/11/2023 , 06:34 (GMT+7)

Cuộc cách mạng chăn nuôi an toàn sinh học ở Vĩnh Phúc chính là lời giải chung của các tỉnh khu vực Đồng bằng sông Hồng cho bài toán chăn nuôi nhỏ lẻ.

An toàn sinh học, giải pháp chăn nuôi nông hộ ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.

An toàn sinh học, giải pháp chăn nuôi nông hộ ở Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.

Giải pháp cứu người chăn nuôi yếu thế

Ông Trần Thanh Hải, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc từng chia sẻ: Những năm gần đây, ngành chăn nuôi trên quê hương khoán hộ đã phát triển cả về quy mô và tính chuyên nghiệp trong sản xuất, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao tỷ trọng giá trị chăn nuôi trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

Tuy nhiên, cũng giống như nhiều địa phương khác ở vùng Đồng bằng sông Hồng, chăn nuôi Vĩnh Phúc tiếp tục đối mặt với những thách thức như biến đổi khí hậu, diễn biến dịch bệnh phức tạp, ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, diện tích đất dành cho chăn nuôi bị thu hẹp dần, áp lực cạnh tranh ngày càng gia tăng...

Từ thực tiễn đó, Vĩnh Phúc xác định, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án phát triển chăn nuôi của tỉnh giai đoạn 2022-2025 chính là áp dụng giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học. Nói cách khác, chăn nuôi an toàn sinh học chính là lời giải bài toán nhỏ lẻ, phân tán và ô nhiễm môi trường của ngành chăn nuôi Vĩnh Phúc.

Chăn nuôi an toàn sinh học giải quyết bài toán nhỏ lẻ, ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hoàng Anh.

Chăn nuôi an toàn sinh học giải quyết bài toán nhỏ lẻ, ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hoàng Anh.

Cụ thể, Đề án phát triển chăn nuôi Vĩnh Phúc nêu rõ: Địa phương sẽ tập trung phát triển chăn nuôi theo hướng trang trại công nghiệp, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ, công nghệ cao, sản xuất hàng hóa, thực phẩm đạt tiêu chuẩn phổ biến về an toàn thực phẩm phục vụ trong tỉnh, hướng đến thị trường Hà Nội và xuất khẩu.

Cùng với đó, chú trọng sản xuất những sản phẩm chăn nuôi có lợi thế cạnh tranh của tỉnh, chăn nuôi hướng tuần hoàn, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường sinh thái, hình thành các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, phát triển theo chiều sâu để nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm...

Đặc biệt, có một nội dung ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc cực kỳ chú trọng đó là tổ chức lại chăn nuôi nông hộ theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học, đảm bảo vệ sinh môi trường, đảm bảo sinh kế của người nông dân, nâng cao tỷ trọng sản phẩm chăn nuôi trong các trang trại, hướng đến nghề chăn nuôi chuyên nghiệp, chuyên môn hóa...

Theo Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc, tỷ trọng chăn nuôi vẫn chiếm phần lớn tăng trưởng của ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc, cùng với đó là các vấn đề an sinh xã hội, sinh kế của người dân và vấn đề môi trường nông thôn…

Chính vì vậy, việc áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học không chỉ là giải pháp đối với ngành nông nghiệp mà còn vì những người chăn nuôi yếu thế. Tỉnh Vĩnh Phúc luôn tạo chính sách hỗ trợ tối đa để tập trung xây dựng các mô hình an toàn sinh học trong chăn nuôi.

Vĩnh Phúc xác định an toàn sinh học là giải pháp cứu những người chăn nuôi yếu thế. Ảnh: Hoàng Anh.

Vĩnh Phúc xác định an toàn sinh học là giải pháp cứu những người chăn nuôi yếu thế. Ảnh: Hoàng Anh.

Nhằm cụ thể mục tiêu chăn nuôi an toàn sinh học, Vĩnh Phúc cũng là tỉnh tiên phong hỗ trợ các mô hình sử dụng chế phẩm sinh học trong chăn nuôi nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Kết quả, trong giai đoạn 2021 - 2023, tỉnh Vĩnh Phúc đã hỗ trợ chế phẩm sinh học để xử lý môi trường tại 105 xã, phường, thị trấn với tổng số 15.363 hộ gia đình tham gia. Áp dụng quy trình chăn nuôi sử dụng chế phẩm sinh học trên 21,5 triệu con gà, 350.000 con lợn, 5.000 con bò sữa và 2.800 con bò thịt với tổng số chế phẩm sinh học là 267.100 kg và 2.520 tấn đệm lót sinh học…

Ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc đánh giá, kết quả chính sách hỗ trợ bước đầu đã góp phần quan trọng và tạo sự lan tỏa, khuyến khích, giúp các hộ chăn nuôi giải quyết được vấn đề ô nhiễm môi trường và nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của công tác xử lý chất thải chăn nuôi. Từ đó góp phần phát triển chăn nuôi hiệu quả, bền vững và thực hiện tốt chủ trương tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh Vĩnh Phúc.

Theo tính toán của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc, việc thực hiện hỗ trợ chế phẩm sinh học đạt được hiệu quả rõ rệt trên 3 khía cạnh: hiệu kinh tế, hiệu quả các chỉ tiêu kỹ thuật và hiệu quả về môi trường.

Về kinh tế, các mô hình chăn nuôi khoảng 1.000 con gà lông màu thương phẩm sử dụng chế phẩm sinh học làm đệm lót cho hiệu quả kinh tế tăng gần 14% so với không sử dụng chế phẩm sinh học. Tương tự nuôi một con lợn thương phẩm tăng trên 9%, vỗ béo một con bò tăng hơn 14%...

Sử dụng chế phẩm sinh học đạt hiệu quả kinh tế, giải pháp kỹ thuật và môi trường. Ảnh: Hoàng Anh.

Sử dụng chế phẩm sinh học đạt hiệu quả kinh tế, giải pháp kỹ thuật và môi trường. Ảnh: Hoàng Anh.

Việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi còn giảm được mùi hôi, tiết kiệm nước và công lao động, đảm bảo an toàn dịch bệnh, giúp người chăn nuôi hạn chế việc sử dụng thuốc thú y. 

Về các chỉ tiêu kỹ thuật, sau khi thực hiện công tác hỗ trợ chế phẩm sinh học cho các hộ tham gia chương trình, người dân đã rất tích cực trong việc thay đổi các thói quen chăn nuôi dựa theo kinh nghiệm trong công tác nuôi dưỡng và phòng bệnh. Nhờ việc áp dụng đúng theo quy trình và sử dụng chế phẩm sinh học cho nên dù điều kiện thời tiết thay đổi thất thường, dịch bệnh trong vùng diễn biến phức tạp nhưng đàn gia súc, gia cầm trong mô hình vẫn sinh trưởng và phát triển tốt.

Việc sử dụng chế phẩm sinh học còn giúp cho đệm lót luôn tơi xốp, khô ráo, các hộ lại tiếp tục ủ đệm lót đó để làm phân bón hữu cơ, bón cho cây trồng của gia đình, tạo ra vòng tuần hoàn khép kín, từ đó tiết kiệm được rất nhiều chi phí trong chăn nuôi và trồng trọt.

Về môi trường, sử dụng chế phẩm sinh học đã tác động tích cực đối với phát triển sản xuất, góp phần tăng năng suất và chất lượng sản phẩm chăn nuôi, đặc biệt là giải quyết những bất cập về môi trường do chăn nuôi gây ra...

Nền tảng của kinh tế tuần hoàn

Xác định tổ chức lại chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn sinh học, những năm qua ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc lựa chọn liên kết với Tập đoàn Quế Lâm xây dựng các mô hình, đến thời điểm hiện tại đang có khoảng 1.500 con lợn ở các huyện Yên Lạc, Tam Dương, Tam Đảo được các hộ dân liên kết chăn nuôi bằng việc sử dụng chế phẩm vi sinh trộn vào thức ăn và làm đệm lót sinh học.

Yên Lạc là thủ phủ chăn nuôi lợn lớn nhất nhì tỉnh Vĩnh Phúc. Những năm gần đây vấn đề dịch bệnh, ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi luôn là bài toán nan giải. Mặc dù vậy, kể từ khi liên kết với Tập đoàn Quế Lâm, huyện Yên Lạc đã xuất hiện những mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi và đang dần trở thành giải pháp của chăn nuôi nông hộ.

Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học ở huyện Yên Lạc vượt qua dịch bệnh, không ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hoàng Anh.

Mô hình chăn nuôi an toàn sinh học ở huyện Yên Lạc vượt qua dịch bệnh, không ô nhiễm môi trường. Ảnh: Hoàng Anh.

Gia đình bà Phạm Thị Hảo là hộ làm nông nghiệp theo hướng hữu cơ đầu tiên ở Trại Lớn, thị trấn Tam Hồng. Hai năm trước, gia đình bà Hảo tiên phong đăng ký thực hiện mô hình nông nghiệp hữu cơ tuần hoàn, chăn nuôi và trồng trọt kết hợp thủy sản thâm canh cao gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Đây là mô hình nông nghiệp tuần hoàn thí điểm ở Vĩnh Phúc do Hội Nông nghiệp tuần hoàn Việt Nam phối hợp với Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Phúc và Công ty TNHH MTV Quế Lâm Phương Bắc thực hiện. Chỉ sau năm đầu tiên, mô hình đã cho hiệu quả rõ rệt. Chăn nuôi lợn an toàn sinh học giúp đàn lợn khỏe hơn trước, có thể vượt qua các đợt dịch bệnh, không thải ra môi trường.

Đặc biệt, việc sử dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi không những không có mùi hôi mà còn giúp gia đình có thêm nguồn phân bón hữu cơ để bón cho 150 gốc bưởi và 1 sào lúa. Mỗi năm, gia đình bà Hảo nuôi chừng 10 con lợn nái, trung bình mỗi tháng xuất chuồng 15 con lợn thịt có trọng lượng 1,1 - 1,2 tạ/con.

Thực hiện phương thức liên kết, Tập đoàn Quế Lâm hỗ trợ vật tư đầu vào, quy trình chăm sóc cây trồng, vật nuôi theo công nghệ vi sinh và bao tiêu sản phẩm. Tính ra mỗi năm, gia đình bà Hảo bán được hơn 200 con lợn thịt với giá bao tiêu 65 nghìn đồng/kg, trừ chi phí đầu tư lãi khoảng 1,1 triệu đồng/con.

Mô hình chăn nuôi bò an toàn sinh học ở xã Vân Trục, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.

Mô hình chăn nuôi bò an toàn sinh học ở xã Vân Trục, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: Hoàng Anh.

Tương tự là mô hình của gia đình anh Nguyễn Quốc Tuấn ở xã Vân Trục (huyện Lập Thạch). Tham gia dự án của Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc, ngoài việc xử lý phế phụ phẩm chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học, anh Tuấn còn cho đàn bò 3B nghe nhạc để thư giãn, thuê đất trồng 3ha cỏ, xây dựng 4 kho ủ cỏ với với sức chứa 50 tấn/kho…

Nhờ áp dụng giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học, trại bò gia đình anh Tuấn không chỉ tiết kiệm được công sức lao động trong việc cọ rửa, xử lý tốt mùi hôi trong chăn nuôi, phòng ngừa dịch bệnh. Từ 25 con bò ban đầu, đến nay trang trại của anh Tuấn đã mở rộng quy mô chăn nuôi lên 200 con với tổng vốn đầu tư đến nay đã lên tới hơn 4 tỷ đồng.

“Đệm lót sinh học sau quá trình sử dụng trở thành một nguồn phân bón rất tốt cho cây trồng, các hộ nuôi có thể tận dụng để trồng cỏ, ngô sinh khối làm thức ăn cho bò, nếu số lượng nhiều có thể bán với giá 400.000 đồng/khối, giúp người chăn nuôi có thêm nguồn thu nhập”, anh Nguyễn Quốc Tuấn chia sẻ.

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, đề án phát triển chăn nuôi của Vĩnh Phúc sẽ xây dựng vùng chăn nuôi lợn tại các xã Quang Yên, Lãng Công, Hải Lựu, Đồng Quế (huyện Sông Lô), Quang Sơn, Ngọc Mỹ, Bắc Bình, Hợp Lý (huyện Lập Thạch), Liên Châu (huyện Yên Lạc)…

Phát triển vùng chăn nuôi gà tại các xã Hướng Đạo, Hoàng Hoa, Thanh Vân, Đạo Tú, Duy Phiên, An Hòa, Đồng Tĩnh (huyện Tam Dương), xã Tam Quan, Đại Đình (huyện Tam Đảo). Vùng chăn nuôi bò thịt ở các xã Cao Phong, Đồng Thịnh (huyện Sông Lô), Liên Châu, Hồng Châu, Đại Tự (huyện Yên Lạc)… Chăn nuôi bò sữa tại các xã Vĩnh Thịnh, An tường, Vĩnh Ninh, Bình Dương (huyện Vĩnh Tường), xã Trung Kiên, Đại Tự, Hồng Châu, Trung Hà (huyện Yên Lạc), xã Thái Hòa (Lập Thạch), xã Bồ Lý (huyện Tam Đảo)…

“Ở tất cả vùng chăn nuôi trọng điểm của Vĩnh Phúc, giải pháp chăn nuôi an toàn sinh học luôn là yếu tố tiên quyết để Vĩnh Phúc phát triển chăn nuôi bền vững”, ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc khẳng định.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Trường Sơn Bio tái tạo nông nghiệp sạch vì sức khỏe cộng đồng

ĐBSCL Mục tiêu của TSBIO giúp tái sinh nền đất, cải tạo môi trường nông nghiệp, sản sinh ra các sản phâm nông nghiệp hữu cơ, không còn tồn dư của các loại thuốc BVTV.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất