| Hotline: 0983.970.780

Chăn nuôi an toàn sinh học ở Vĩnh Phúc [Bài 2]: Xã có trăm hộ giàu từ nuôi gà đẻ trứng

Thứ Sáu 03/11/2023 , 06:02 (GMT+7)

Là cái nôi của nghề nuôi gà đẻ trứng ở Vĩnh Phúc, xã Thanh Vân (huyện Tam Dương) ngày càng xuất hiện nhiều tỷ phú nhờ áp dụng chăn nuôi VietGAHP an toàn sinh học.

Thủ phủ chăn nuôi gà đẻ trứng xã Thanh Vân. Ảnh: Hoàng Anh.

Thủ phủ chăn nuôi gà đẻ trứng xã Thanh Vân. Ảnh: Hoàng Anh.

Những tỷ phú ở thủ phủ gà đẻ trứng Thanh Vân

Nghề nuôi gà đẻ trứng ở xã Thanh Vân có từ trước những năm 2000 và dần trở thành thủ phủ chuyên cung cấp trứng gà cho tỉnh Vĩnh Phúc và nhiều tỉnh thành khác ở khu vực miền Bắc như Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội, Hải Phòng... Cũng trầy trật lên xuống, giàu rất nhanh mà phá sản cũng rất nhanh. Có thời điểm, Thanh Vân là một trong những xã nhiều tỷ phú, nhà lầu, ô tô bậc nhất Vĩnh Phúc, nhưng cũng có lúc cả làng đổ nợ vì dịch bệnh, giá trứng gà xuống mức 1.000 đồng/quả.

Bài liên quan

Ông Trần Tân Dân, Trạm trưởng Chăn nuôi và Thú y huyện Tam Dương thống kê, tổng đàn chăn nuôi gà đẻ của huyện hiện có hơn 1,5 triệu con, trong đó riêng xã Thanh Vân thường xuyên chiếm gần một nửa. Những năm gần đây, nhờ chuyển hướng sang xây dựng chuỗi liên kết, áp dụng các quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, nghề nuôi gà đẻ trứng ở Thanh Vân cũng bền vững hơn, hiệu quả kinh tế cao và an toàn dịch bệnh.

Gia đình anh Nguyễn Văn Thiều ở thôn Viên Du Hoà là một trong số những hộ chăn nuôi gà Ai Cập lớn nhất ở xã Thanh Vân. Ở thời điểm hiện tại, trổng đàn cả xã Thanh Vân có khoảng 650.000 con bao gồm cả gà đẻ và gà hậu bị, riêng hộ anh Thiều đã chiếm 100.000 con.

Trung bình mỗi ngày đàn gà “chục vạn con” này đẻ từ 80.000 đến 85.000 quả trứng. Giá thị trường những ngày này đang dao động từ 2,1 -2,3 nghìn đồng/quả, thương lái đến tận nhà bốc lên xe chở đi. Tính sơ cứ mỗi ngày trôi qua vợ chồng ông chủ trang trại lại thu về khoảng chừng 160 đến 180 triệu đồng.

Tỷ phú chăn nuôi gà đẻ trứng Nguyễn Văn Thiều. Ảnh: Hoàng Anh.

Tỷ phú chăn nuôi gà đẻ trứng Nguyễn Văn Thiều. Ảnh: Hoàng Anh.

Sau khi trừ chi phí đầu vào, tiền nhân công, khấu trừ nhà xưởng… gia đình anh Thiều lãi ròng từ 40 – 50 triệu đồng. Thành quả đó, ông chủ trang trại này chia sẻ là nhờ hai vợ chồng kiên trì với nghề nuôi gà và chịu khó cập nhật kiến thức chăn nuôi khoa học, an toàn.

Bén duyên với nghề nuôi gà đẻ từ năm 2001, cũng giống như nhiều hộ chăn nuôi khác ở thủ phủ gà đẻ Thanh Vân, vợ chồng anh Thiều từng điêu đứng bởi đợt dịch cúm gia cầm năm 2023 và 2013, tưởng chừng như sạt nghiệp. Chưa kịp hoàn hồn lại tiếp tục xuống dốc trong cơn bão giá 2014, thua lỗ mỗi năm lên đến cả tỷ đồng.

Trải qua nhiều lần thất bại, xác định yếu tố an toàn dịch bệnh phải đặt lên hàng đầu, vợ chồng bàn nhau chuyển đổi mô hình chăn nuôi từ chuồng hở truyền thống thành hệ thống chuồng kín, nuôi gà trong lồng và xây dựng hệ thống máng ăn, máng uống tự động. Đầu tư hệ thống quạt thông gió, các điều kiện về ánh sáng, nhiệt độ, độ ẩm… giúp gà sinh trưởng, phát triển tốt, chất lượng trứng ổn định.

Tự động hóa hệ thống chuồng trại. Ảnh: Hoàng Anh.

Tự động hóa hệ thống chuồng trại. Ảnh: Hoàng Anh.

“Môi trường chăn nuôi ngày càng ô nhiễm, dịch bệnh phức tạp hơn, nếu mình không thay đổi không tồn tại được. Ngoài đầu tư hệ thống chuồng trại, các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học cũng được áp dụng triệt để. Gà từ 1 ngày tuổi đến 18 tuần phải tiêm và cho uống từ 12 -13 loại vacxin phòng bệnh. Đến tuổi đẻ trứng tiếp tục nhắc lại 4 tuần một lần. Nói chung, bây giờ muốn nuôi gà bền vững đầu tiên phải chọn giống an toàn, sử dụng đầy đủ vacxin rồi mới tính đến năng suất, thị trường”, anh Thiều khẳng định.

Nhờ thay đổi và áp dụng các quy trình, giải pháp kiểm soát dịch bệnh trong chăn nuôi, tỷ lệ gà đẻ trong trang trại của gia đình anh Thiều luôn cao hơn 80%. Chất lượng trứng tốt, đồng đều và đẹp về hình thức. Tự tin với quy trình chăn nuôi an toàn, từ năm 2018 hai vợ chồng quyết định mở rộng thêm quy mô lên 10 vạn gà đẻ trứng với tổng vốn đầu tư 20 tỷ đồng.

Hiện, trang trại của gia đình anh Thiều có diện tích khoảng 2ha và đang tiếp tục mở rộng quy mô, dự kiến tháng 4 năm sau sẽ tăng thêm 3 vạn con nữa. Với quy mô lớn, quy trình hiện đại, an toàn nên mặc dù 5 tháng đầu năm liên tục bị lỗ do giá thức ăn cao, giá trứng thấp, nhưng chỉ cần 1 - 2 tháng giá trứng lên trang trại gia đình anh Thiều đã thu lãi lớn.  

Trại gà hàng chục vạn con mỗi ngày này lãi gần 50 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Anh. 

Trại gà hàng chục vạn con mỗi ngày này lãi gần 50 triệu đồng. Ảnh: Hoàng Anh. 

Xã Thanh Vân có xấp xỉ 2.000 hộ dân, trong đó số hộ chăn nuôi gà đẻ quy mô lớn khoảng 300 hộ. Như anh Thiều hạch toán, trung bình một con gà đẻ một năm thu tầm 280 quả trứng, nhà nào nuôi quy mô khoảng 1.000 con có thể lãi 60 triệu đồng. Thanh Vân là xã thuần nông, mặc dù không quá thuận lợi về quỹ đất chăn nuôi, nhưng nhờ tiếp cận với mô hình chăn nuôi gà đẻ trứng từ sớm nên bà con có nhiều kinh nghiệm và kiến thức.

Ngày trước còn gặp nhiều rủi ro dịch bệnh, tuy nhiên những năm gần đây nhờ chăn nuôi theo quy trình an toàn sinh học, sử dụng đầy đủ các loại vacxin theo khuyến cáo của cán bộ thú y nên cơ bản các mô hình chăn nuôi ở Thanh Vân đều an toàn. Bà con tận dụng quỹ đất trong xã và đi thuê đất ở các xã khác để nuôi gà. Chỉ cần giá trứng ở mức 2.000 đồng/quả, chắc chắn người chăn nuôi sẽ khá.

Bà Trần Thị Duyên, cán bộ Chăn nuôi và Thú y xã Thanh Vân cũng chia sẻ: Nhờ áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, xã Thanh Vân bây giờ có hàng trăm hộ giàu. Đó là cái giàu bền vững, an toàn, không còn bấp bênh như trước.

Huyện Tam Dương và xã Thanh vân cũng đang tập trung hỗ trợ bà con xây dựng mô hình chăn nuôi gà theo hướng chăn nuôi hữu cơ để tạo nguồn trứng sạch, an toàn, thân thiện với môi trường, góp phần xây dựng thương hiệu trứng gà Ai Cập trắng đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP. Vấn đề môi trường chăn nuôi ở Thanh Vân cũng được xử lý gần như triệt để khi tất các hộ chăn nuôi đều sử dụng chế phẩm vi sinh làm đệm lót sinh học.

Xây dựng thương hiệu trứng gà Thanh Vân. Ảnh: Hoàng Anh.

Xây dựng thương hiệu trứng gà Thanh Vân. Ảnh: Hoàng Anh.

Xây dựng thương hiệu trứng gà thảo dược Thanh Vân

Ngoài áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, thời gian gần đây thủ phủ gà đẻ trứng Thanh Vân cũng đã xuất hiện những mô hình sản xuất trứng gà thảo dược để xây dựng thương hiệu và nâng cao giá trị, thu nhập cho người chăn nuôi.

Hợp tác xã Tân Hiền vừa mới được thành lập năm ngoái với 7 thành viên, hiện có quy mô khoảng 13 nghìn con, trong đó có khoảng 9.000 con gà đang trong giai đoạn sinh sản. Mỗi ngày hợp tác xã cung cấp ra thị trường 7.000 quả trứng và đã được cấp chứng nhận VietGAP.

Giám đốc trẻ Trần Ngọc Tân chia sẻ: Thanh Vân nói riêng và Vĩnh Phúc nói chung mặc dù phát triển mạnh chăn nuôi gà, mỗi năm cung ứng ra thị trường chục triệu quả trứng gia cầm nhưng vấn đề xây dựng thương hiệu sản phẩm còn hết sức hạn chế. Chính vì vậy, mục tiêu của Hợp tác xã là xây dựng thương hiệu trứng gà Thanh Vân, sản phẩm tiêu biểu là trứng gà thảo dược.

Liên kết với Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Biovet, Giám đốc Trần Ngọc Tân thử nghiệm quy mô 50.000 quả trứng gà thảo dược mỗi tháng. Anh chia sẻ, nuôi gà đẻ trứng thảo dược quan trọng nhất là sử dụng thức ăn từ đạm thực vật và bổ sung tinh chất thảo dược, kháng sinh thảo dược. Nhờ đó, sản lượng trứng trong mô hình tăng tối thiểu 20% và quan trọng nhất là trứng không tồn dư kháng sinh, giá bán cũng cao hơn so với trứng thông thường 20%.

Ngày càng nhiều mô hình liên kết, hợp tác xã chăn nuôi gà ở Thanh Vân. Ảnh: Hoàng Anh.

Ngày càng nhiều mô hình liên kết, hợp tác xã chăn nuôi gà ở Thanh Vân. Ảnh: Hoàng Anh.

Từ thành công của Hợp tác xã Tân Hiền, đến nay cả xã Thanh Vân đang thử nghiệm 30.000 gà tham gia chuỗi sản xuất trứng gà thảo dược. Cùng với đó là các mô hình liên kết giữa các hợp tác xã, chủ trang trại với các cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh đang tạo thành chuỗi nông nghiệp tuần hoàn.

Điển hình như HTX Tài Yên, với sản lượng tiêu thụ chất thải chăn nuôi ở các trại gà bình quân khoảng 50 tấn/tháng. Hợp tác xã Chiến Thắng, với 37 thành viên là các hộ chăn nuôi gà đẻ Ai Cập đang xây dựng mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ để tạo nguồn trứng sạch, an toàn, thân thiện với môi trường, xây dựng sản phẩm OCOP…

Ông Nguyễn Hoàng Dương, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Vĩnh Phúc, đơn vị trực tiếp hỗ trợ xây dựng các mô hình xử lý chất thải trong chăn nuôi chia sẻ: Xác định chăn nuôi gà là mũi nhọn, đặc biệt là ở các địa phương có truyền thống, thế mạnh như ở xã Thanh Vân, nhưng năm qua Vĩnh Phúc đã xây dựng mô hình chăn nuôi gà sinh sản theo tiêu chuẩn VietGAHP với quy mô 10.000 con được triển khai trên địa bàn các huyện Tam Dương, Bình Xuyên…

"Với việc thực hiện nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi gà sinh sản theo VietGAHP của các hộ tham gia mô hình đã giúp cho đàn gà sinh trưởng và phát triển tốt, đều đạt được các chỉ tiêu về kỹ thuật đặt ra. Mục tiêu của Vĩnh Phúc là xây dựng các mô hình chăn nuôi hiệu quả gắn với chuỗi giá trị ngành hàng, từ đó tổ chức sản xuất theo mô hình kinh tế tập thể để nhân rộng ra toàn tỉnh”, ông Nguyễn Hoàng Dương khẳng định.

Xem thêm
Gần 160 trang trại chăn nuôi được chứng nhận VietGAHP trong khoảng 5 năm qua

Thái Nguyên Tỉnh Thái Nguyên xác định các trang trại, cơ sở chăn nuôi theo tiêu chuẩn VietGAHP là nền tảng để địa phương xây dựng các chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.

Nông dân Cao Phong chuyển đổi hàng ngàn bể phun thuốc vuông sang tròn

Hầu hết bể phun thuốc hình vuông sau một thời gian sử dụng đều bị nứt nhưng bể hình tròn thì không. Sáng kiến của ông Cường đã được hàng ngàn nhà vườn áp dụng.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.