| Hotline: 0983.970.780

Kiên quyết giải tỏa công trình trái phép trên đất nông nghiệp, kỷ luật cán bộ xã

Thứ Sáu 06/10/2017 , 13:30 (GMT+7)

Việc ngang nhiên “biến thổ canh thành thổ cư” tại một số địa phương trong huyện Phù Cừ (Hưng Yên) đã tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Huyện đang dốc sức lập lại...

Huyện đang dốc sức lập lại kỷ cương trong quản lý sử dụng đất đai, kiên quyết giải tỏa công trình nhà ở, nhà tạm trái phép trên đất nông nghiệp.

Theo ông Trần Minh Hải, Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ: Đây là kế hoạch chỉ đạo chung của UBND tỉnh Hưng Yên, được các huyện, thị nghiêm chỉnh thực hiện chứ không chỉ riêng Phù Cừ.

4 tháng, dân tự tháo dỡ 629 ngôi nhà trái phép

Sau 4 tháng triển khai “cao điểm” về giải tỏa công trình nhà ở, nhà tạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp theo chỉ thị số 02 và Kế hoạch 93a của UBND tỉnh Hưng Yên, huyện Phù Cừ đã vận động người dân tự tháo dỡ được 629 trong tổng số 954 ngôi nhà trái phép. Ông Trần Minh Hải khẳng định: “Đến giờ phút này, chúng tôi chưa tổ chức cưỡng chế bất cứ công trình vi phạm nào”.

13-13-26_nh_1
13-13-26_nh_2
13-13-26_nh_3
Sau khi được vận động, tuyên truyền, hơn 50 hộ dân ở xã Quang Hưng đã chủ động tự tháo dỡ nhà ở, nhà tạm xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp

Liên quan việc 11 hộ dân thôn Viên Quang (xã Quang Hưng) đưa lợn, gà lên nhà ở, lấy lý do chuyển đổi công năng sử dụng đất để gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong quá trình giải tỏa công trình trái phép, ông Hải cho rằng: “Đây là hành vi chống đối của người vi phạm. Bởi trước đó, chính quyền đã xác định rõ đó là nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp. Chúng tôi có hình ảnh, video và biên bản ghi nhận hiện trạng ở thời điểm trước khi người dân thả gà, lợn vào nhà”.

Ông Quách Giang Hán (tên thường gọi là Quách Đăng Hán) chủ mô hình kinh tế VAC ở thôn Viên Quang (xã Quang Hưng), có công trình nhà ở trái phép trên đất nông nghiệp tổng diện tích 120m2 đưa ra lý do khiến các hộ dân ở khu chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang mô hình kinh tế VAC phải xây nhà rộng để ở ngay tại nơi sản xuất là vì họ đã đầu tư vào khu đất này hàng tỷ đồng bao gồm khu chuồng kín chăn nuôi lợn, ao cá và trồng cây ăn quả. Do đó, cần phải có nhiều lao động mới đáp ứng được công việc và trông giữ tài sản.

Trong khi đó, giới hạn cho phép xây dựng nhà tạm đối với mô hình kinh tế hộ tối đa chỉ được 20m2. Như vậy, rất khó để đảm bảo điều kiện sinh hoạt trong quá trình sản xuất. Các hộ dân buộc phải xây nhà vượt phép để có thể ổn định đời sống cũng như sản xuất lâu dài.

Nguyện vọng của số hộ dân có công trình nhà ở, nhà tạm trái phép ở thôn Viên Quang là được giữ lại ngôi nhà xây dựng vi phạm pháp luật. Nếu nhà nước có quyết định thu hồi đất, thu hồi dự án đầu tư, họ sẽ trao trả lại tài sản trên đất.

Muốn chấn chỉnh việc xây dựng công trình trái phép trên đất nông nghiệp, tất cả các địa phương trong tỉnh Hưng Yên phải triển khai quyết liệt và đồng loạt. Nếu nơi này làm mạnh, nơi khác lại thờ ơ thì nhân dân sẽ có ý kiến: “Tại sao ở huyện kia tồn tại nhà kiên cố, thậm chí nhà xây hai tầng trên đất nông nghiệp mà không bị phá dỡ, còn chúng tôi lại bị giải tỏa? Đó cũng là khó khăn cho chúng tôi”, ông Trần Minh Hải nói.

Về kiến nghị này, ông Trần Minh Hải cho biết: Quyết định 03/QĐ-UBND ngày 22/1/2002 của UBND Hưng Yên quy định tạm thời về chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp tỉnh Hưng Yên nêu rõ mục đích: “Chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp là quá trình tổ chức lại sản xuất nông nghiệp nhằm khai thác được lợi thế đất đai, điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển nông nghiệp bền vững, tăng khối lượng nông sản hàng hóa, tăng giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích”.
 

Không để người dân trục lợi chính sách

Đối với sự việc ở thôn Viên Quang, tất cả các hộ dân muốn chuyển đổi diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình kinh tế VAC đều phải xây dựng “dự án chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp”, gồm đơn xin chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp; phương án sản xuất kinh doanh trên diện tích chuyển đổi; giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai hoặc hợp đồng thuê đất đối với diện tích đề nghị chuyển đổi được UBND xã xác nhận.

Ví dụ, trong đơn xin chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp của ông Quách Đăng Hán (thôn Viên Quang) ngày 17/9/2003, ông xin được chuyển đổi 3.373m2 đất (tương đương khoảng 9,3 sào ruộng Bắc bộ) để xây dựng mô hình kinh tế VAC.

Trong đó có khoảng 1.300m2 trồng cây ăn quả, 46m2 chăn nuôi (bò, lợn, gia cầm); 2.000m2 nuôi trồng thủy sản 10m2, xây dựng nhà tạm và 10m2 xây dựng kho chứa. Trong đơn, ông Hán cam kết chấp hành nghiêm chỉnh các quy định pháp luật hiện hành.

Tiếp nhận hồ sơ trên, UBND xã xem xét tổng hợp, sau đó UBND xã trình HĐND xã thông qua và báo cáo UBND xét duyệt, ra quyết định cho phép chuyển đổi. Thế nhưng, ông Hán đã tự ý xây dựng nhà vượt giới hạn diện tích nhà tạm (được cấp phép) gấp 12 lần để “hô biến” thổ canh thành thổ cư.

13-13-26_nh_5
Một hộ dân ở thôn Viên Quang (xã Quang Hưng) lùa gà lên nhà để "đấu" lại quyết định tháo dỡ nhà xây dựng trái phép của chính quyền

Theo ông Hải, đây là hành vi vi phạm pháp luật, không thể không giải tỏa công trình. Bởi cứ với "chiêu bài" xây sai rồi xin cho tồn tại, và ai cũng làm như ông Hán thì đâu là kỷ cương phép nước, rồi chẳng bao năm nữa đồng ruộng màu mỡ của Hưng Yên biến hết thành nhà ở, còn đâu đất ruộng làm nông nghiệp?

Vả lại không thể lấy lý do xây nhà to để trông coi sản xuất. Đất ở là đất ở, đất nông nghiệp là đất nông nghiệp. Kiểu "lập lờ đánh lận con đen" như một số hộ dân đang làm chính là lợi dụng sự sơ hở của pháp luật, biến đất nông nghiệp thành đất ở, phá vỡ quy hoạch sản xuất, làm đảo lộn phương án sản xuất của các hộ dân xung quanh.

Bởi một khi đã thành đất ở, rác thải sinh hoạt, ô nhiễm do chất thải chăn nuôi dồn hết ra đồng ruộng, làm ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước canh tác. Trong khi, ở Hưng Yên hiện có nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng cho giá trị kinh tế hàng vài ba tỷ đồng/ha/năm như trồng cam, nhãn, cây cảnh, hoa- cây cảnh, nghệ...

Làn sóng chuyển đổi đang thành công, nếu "cơn bão" đưa nhà ở ra ruộng loang rộng thì mọi kế hoạch chuyển đổi cơ cấy cây trồng của Hưng Yên nói chung, huyện Phù Cừ nói riêng sẽ đổ bể, đất nông nghiệp bị bức tử. 

Kỷ luật 4 lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã

Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ đặt vấn đề: Ở xã Tam Đa (huyện Phù Cừ), chủ trương khuyến khích chuyển đổi cơ cấu cây trồng đã đem lại hiệu quả kinh tế rất tốt. Nhiều gia đình có cả hecta đất, thu lợi nhuận hàng tỷ đồng/năm, vậy mà vùng sản xuất không có một cái nhà tạm vượt phép nào.

Tại sao ở một số địa phương khác lại có tình trạng xây dựng trái phép công trình nhà tạm, nhà ở trên đất nông nghiệp? Lý do một phần là vì các địa phương buông lỏng quản lý, không kiên quyết tháo dỡ công trình vi phạm nên tạo ra tiền lệ xấu.

Ban Thường vụ Huyện ủy Phù Cừ đã thành lập đoàn kiểm tra dấu hiệu vi phạm, ra quyết định kỷ luật với Chủ tịch UBND, Bí thư Đảng ủy của hai xã Quang Hưng và Minh Tân với hình thức cảnh cáo; đồng thời kỷ luật với hình thức khiển trách BCH Đảng bộ hai xã này.

Đó mới chỉ là việc xử lý về mặt Đảng để các đồng chí lãnh đạo xã nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong lĩnh vực quản lý đất đai. Nếu các công trình nhà ở, nhà tạm trái phép trên đất nông nghiệp không được giải tỏa một cách quyết liệt, có hiệu quả, huyện sẽ xem xét để xử lý về mặt chính quyền.

Theo thống kê của huyện Phù Cừ, diện tích đất nông nghiệp bị lấn chiếm để làm nhà tạm, nhà ở trái phép cần phải giải tỏa là 13.772m2. Chỉ từ tháng 3/2016 đến nay, đã có 95 nhà ở, nhà tạm trên đất nông nghiệp mọc lên trên đất nông nghiệp. Trong số 95 công trình vi phạm này, chính quyền đã vận động người dân tự tháo dỡ được 92 công trình.

Với 325 công trình nhà ở, nhà tạm xây dựng trái phép chưa được giải tỏa, huyện sẽ kiên quyết cưỡng chế thi thành nếu người dân không tự tháo dỡ. “1m2 đất nông nghiệp khi chuyển đổi mục đích cũng phải xin ý kiến của tỉnh chứ không địa phương nào tự ý làm. Do đó, không thể để việc sử dụng đất sai mục đích được tồn tại”, Chủ tịch UBND huyện Phù Cừ cho biết.

TRẦN LONG

 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.