| Hotline: 0983.970.780

Kinh nghiệm của ngươi nuôi hàu Thái Bình Dương thành công

Thứ Bảy 20/10/2018 , 07:15 (GMT+7)

Từ nghề lặn “săn” bắt thủy hải sản với thu nhập bấp bênh, anh Nguyễn Thành Đen, thôn Thủy Triều, xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) đã chuyển sang nuôi hàu Thái Bình Dương, kiếm được cả trăm triệu đồng/năm.

10-14-14_c
Anh Đen cho biết, cách nuôi hàu của gia đình mang lại hiệu quả

Anh Đen cho biết, anh đến với nghề nuôi hàu rất tình cờ, sau khi được nhà nước hỗ trợ cho một số ít con giống về nuôi thử nghiệm trên đầm Thủy Triều, xã Cam Hải Đông vào năm 2014.

Sau thời gian thả nuôi, anh thấy hàu sinh trưởng và phát triển tốt. Cơ quan chuyên môn cũng đánh giá khu vực này nuôi hàu rất phù hợp, vì có nhiều thức ăn ngoài tự nhiên. Thấy vậy, anh bắt đầu đam mê con hàu. Rồi từ bỏ hẳn nghề lặn “săn” bắt tôm hùm nhí, hàu, cá… với thu nhập bấp bênh, chuyển sang nuôi hàu Thái Bình Dương.

Thời gian đầu do chưa nắm vững kỹ thuật, cộng với thời tiết liên tục mưa lũ ảnh hưởng đến nguồn nước, nên từ năm 2015 đến 2016 gia đình anh nuôi hàu liên tục thất bại. Thế nhưng anh không nản chí, mà tiếp tục vay vốn thả nuôi, đồng thời cải tiến khâu nuôi. Theo đó, anh chuyển từ hình thức nuôi hàu trên dây cước được cột một đầu cố định dây phao sang cột trên bè cố định làm bằng tre. Từ đó, anh bắt đầu thả nuôi thuận lợi, hàu nhanh lớn và cho thu nhập khá.

“Vụ nuôi 2017, tôi thả với số lượng hàng ngàn dây hàu treo trên bè. Nhờ thời tiết thuận lợi, gia đình thu hoạch doanh thu khoảng 150 triệu đồng, sau khi trừ chi phí tôi lãi hơn 100 triệu đồng”, anh Đen chia sẻ. Vụ nuôi năm nay, với giá hàu bán tại chỗ khoảng 30.000 đồng/kg, anh Đen hạch toán sẽ thu lãi khá hơn, khoảng 200 triệu.

10-14-14_b
Hàu giống mua về nuôi dưỡng, sau đó ra dây nuôi nắp để hàu phát triển

Dẫn chúng tôi tham quan mô hình, anh Đen cho biết thêm, để đảm bảo đầu ra sản phẩm liên tục không bị gián đoạn hiện anh nuôi theo hình thức cuốn chiếu. Trung bình mỗi tháng anh xuất ra thị trường từ hàng chục cho đến hàng trăm kg hàu thương phẩm.

Theo anh, cách nuôi hàu của anh rút ngắn thời gian nuôi hơn 1 tháng so với cách nuôi truyền thống nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả. Sau khi anh mua hàu giống tại cơ sở SX ở Vĩnh Lương (TP Nha Trang) được cho bám trên giá thể nắp (nắp là vỏ hàu đá), với giá khoảng 200 ngàn đồng/100 nắp. Sau đó đem về nuôi dưỡng hơn 10 ngày rồi bắt đầu ra dây nuôi nắp (nắp được cơ sở SX đục lỗ sẵn). Do nguồn nước thủy triều cạn nên anh chia mỗi dây nuôi chỉ 4 nắp, mỗi nắp bố trí cách nhau 20cm. Khoảng cách giữa 2 dây treo trên bè cách nhau khoảng 25cm. Sau khoảng 2,5 tháng nuôi mỗi dây hàu thả nuôi có thể cho sản lượng từ 3 - 4 kg/dây.

Đây cũng là lúc anh Đen chuyển sang nuôi hàu trong rổ nhựa hình chữ nhật với kích thước 40x60x20cm để cho ra hàu thương phẩm. Mật độ khoảng 2 kg/rổ được dùng lưới có kích thước mắt lưới 2cm đậy bên trên rổ. Các rổ nuôi cũng được cột dây treo trên bè.

10-14-14_
Ảnh: K.S

Cũng theo anh Đen, mục đích chuyển hàu sang nuôi trong rổ nhằm giúp con hàu nhanh lớn, không bị ốp thịt, vừa tránh hàu rụng xuống đáy gây thất thoát. Thời gian nuôi trong rổ mất khoảng 1,5 tháng nữa sẽ cho thu hoạch. Tuy nhiên để hàu nuôi cho năng suất cao, người nuôi phải thường xuyên theo dõi và vệ sinh dây và rổ nuôi.

Được biết, từ cách nuôi hiệu quả trên, nhiều hộ dân địa phương đã đến tham quan học tập.

Anh Đen cho biết, nuôi hàu không phải chạy lo thức ăn như tôm, cá. Hàu sử dụng thức ăn rong, tảo, mùn bã hữu cơ trong nước, làm sạch môi trường, lại phát triển nhanh. Để nuôi 500 dây hàu, người nuôi phải làm bè bằng tre với diện tích khoảng 90m2, với tổng chi phí hàng chục triệu đồng. Trong đó, chi phí đầu tư bè tre từ 5 - 7 triệu, con giống, dây cước cột khoảng 5 - 6 triệu đồng và rổ nuôi khoảng 500 cái, với giá đầu tư hơn 14 ngàn đồng/cái.

 

Xem thêm
Nuôi nhuyễn thể có thể là mũi nhọn lớn thứ 3 sau tôm, cá tra

Người tiêu dùng trong nước và trên thế giới ngày càng nhận thấy nhuyễn thể hai mảnh vỏ là thực phẩm giàu protein, ít béo…, đặc biệt việc nuôi trồng bền vững với môi trường.

Nghiệp đoàn Nghề cá: Điểm tựa vững chắc cho ngư dân vươn khơi

Từ nhu cầu thực tiễn, Nghiệp đoàn Nghề cá ra đời là nhu cầu cấp thiết và trở thành điểm tựa vững chắc giúp ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam sẽ giữ đà tăng trưởng trong năm 2025

Theo Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân, Việt Nam có nhiều ưu điểm vượt trội về năng lực sản xuất các sản phẩm thủy sản so với các quốc gia cạnh tranh khác.

Cứu ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ rơi xuống biển

Quảng Trị Ngư dân huyện đảo Cồn Cỏ đi hái rau mứt không may trượt chân, rơi xuống biển đã được thuyền viên tàu cá Bình Định và tổ tự quản đưa lên bờ an toàn.