| Hotline: 0983.970.780

Kinh nghiệm ứng phó ô nhiễm môi trường: [Bài I] Nỗ lực tuyên chiến với ô nhiễm không khí của Trung Quốc

Thứ Năm 09/01/2020 , 09:00 (GMT+7)

Ô nhiễm môi trường đang từng ngày đe dọa đời sống con người và để chống lại nó, đòi hỏi những biện pháp đấu tranh mạnh mẽ, quyết đoán.

nh-1142910820
Một ngày ô nhiễm ở Thượng Hải hồi năm 2017. Ảnh: Reuters.

Trong vòng nửa thập kỷ tuyên chiến với ô nhiễm không khí, Trung Quốc đã giảm được lượng bụi mịn bằng Mỹ làm trong hơn 10 năm.

Ngày 4/3/2014, trong bài phát biểu trước Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc và người dân theo dõi trực tiếp qua sóng truyền hình, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường tuyên bố “Chúng ta sẽ quyết chiến với ô nhiễm giống như quyết chiến với đói nghèo”.

Tuyên bố của ông như lời khẳng định rằng Bắc Kinh đang đề cao giải quyết vấn đề môi trường hơn so với thực hiện chính sách phát triển kinh tế chú trọng tăng trưởng lâu nay, theo New York Times.

4 năm sau lời tuyên chiến với kẻ thù “ô nhiễm”, tính tới năm 2018, Trung Quốc đã giành phần thắng với tốc độ cực kỳ ấn tượng. Các thành phố tại quốc gia này đã cắt giảm được trung bình 32% bụi siêu mịn trong không khí.

Tốc độ tăng trưởng của động lực giảm thiểu ô nhiễm không khí đặt ra những câu hỏi quan trọng về mặt chi phí con người. Tuy nhiên, các nghiên cứu chỉ ra rằng nếu Trung Quốc vẫn duy trì những biện pháp giảm ô nhiễm như hiện nay thì sức khỏe của người dân sẽ ngày càng được cải thiện, tuổi thọ trung bình sẽ gia tăng.

Nhờ đâu mà Bắc Kinh có thể làm được điều gần như không tưởng? Vài tháng trước bài phát biểu của Thủ Tướng Lý Khắc Cường, Trung Quốc công bố kế hoạch hành động nhằm cải thiện chất lượng không khí, chỉ đạo tất cả các tỉnh thành giảm ít nhất 10% nồng độ bụi mịn, trong đó một số thành phố sẽ phải giảm nhiều hơn thế. Đặc biệt, thủ đô Bắc Kinh có kế hoạch chi tới 120 tỷ USD để giảm 25% bụi mịn.

Hướng tới các mục tiêu kể trên, Trung Quốc đã đình chỉ một số nhà máy nhiệt điện than mới tại các khu vực ô nhiễm nặng nhất, bao gồm cả Bắc Kinh. Các nhà máy được tiếp tục hoạt động sẽ phải giảm lượng khí thải công nghiệp, hoặc sẽ phải chuyển từ than đá sang khí thiên nhiên.

Những thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu phải hạn chế số lượng xe lưu thông trên đường. Ngoài ra, chính phủ Trung Quốc cũng cắt giảm công suất sản xuất sắt, thép và yêu cầu đóng cửa hàng loạt mỏ than.

Vài chính sách thậm chí mang tính cực đoan. Ví dụ, Bộ Bảo vệ Môi trường mùa hè năm 2017 ban hành một kế hoạch hành động dài 143 trang, trong đó nhấn mạnh việc loại bỏ các lò hơi đốt than mà nhiều gia đình và doanh nghiệp vẫn sử dụng để sưởi ấm mùa đông. Điều này khiến một số hộ gia đình, doanh nghiệp và sinh viên rơi vào cảnh không có gì để sưởi ấm trong thời tiết lạnh giá.

Dẫu vậy, sự tiến bộ là không thể phủ nhận. Hầu hết các khu vực đều vượt xa mục tiêu đặt ra. Các thành phố đông dân nhất chứng kiến mức giảm mạnh nhất. Tình đến năm 2018, nồng độ bụi mịn của Bắc Kinh giảm 35%, Thạch Gia Trang, thủ phủ tỉnh Hà Bắc, giảm 39% và Bảo Định, thành phố ô nhiễm nhất Trung Quốc năm 2015, giảm 38%.

Cuộc chiến với ô nhiễm không khí của Trung Quốc đã tạo ra nền tảng cho những lợi ích phi thường về tuổi thọ con người. Nghiên cứu chỉ ra rằng nhờ môi trường được cải thiện, tuổi thọ của người dân ở Bắc Kinh sẽ kéo dài thêm 3,3 năm, trong khi tuổi thọ của người dân ở Thạch Gia Trang sẽ tăng 5,3 năm. Con số ở Bảo Định là 4,5 năm.

Để hiểu được quy mô và tốc độ cải thiện môi trường của Trung Quốc đáng kinh ngạc đến đâu, chúng ta có thể nhìn lại mức độ ô nhiễm nghiêm trọng ở nhiều thành phố Mỹ, đặc biệt là tại Vành đai Rỉ sét, những năm 1950, 1960.

Đạo luật Không khí Sạch Mỹ năm 1970 được coi là đã giúp giảm thiểu đáng kể tình trạng ô nhiễm không khí. 4 năm sau khi ban hành đạo luật, mức độ ô nhiễm không khí của Mỹ giảm trung bình 20%. Nhưng phải mất hơn 10 năm, và vào giai đoạn suy thoái 1981 -1982, Mỹ mới đạt mức giảm 32% như Trung Quốc làm chỉ trong 4 năm.

Tất nhiên, mức độ ô nhiễm không khí vẫn vượt quá tiêu chuẩn của Trung Quốc lẫn khuyến nghị an toàn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Câu hỏi đặt ra hiện nay là liệu Trung Quốc có thể duy trì mức giảm ô nhiễm không khí trong tương lai như nửa thập kỷ qua hay không.

nh2142910986
Một điểm bán than lậu ở Trung Quốc. Ảnh: NYTimes.

Thành công bước đầu của Trung Quốc chủ yếu dựa vào những chỉ thị của chính quyền thay vì dựa vào quan sát biến động thị trường để tìm ra phương pháp ít tốn kém nhất nhằm giảm ô nhiễm môi trường. Phương pháp tiếp cận này đi kèm những cái giá nhất định, chẳng hạn nhiều người dân Trung Quốc phải sống trong cảnh không có lò sưởi vào mùa đông.

Vài thập kỷ sau khi ban hành Đạo luật Không khí Sạch, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã sử dụng nhiều công cụ khác nhau để giảm thiểu ô nhiễm, trong đó việc ban hành các quy định dựa trên yếu tố thị trường đã chứng minh được hiệu quả về mặt chi phí. Trung Quốc đang áp dụng hệ thống mua bán phát thải để giảm lượng CO2 và đến nay, họ vẫn chưa chuyển sang các chính sách dựa trên yếu tố thị trường giống như Mỹ.

“Sẽ là một bất ngờ nếu cuối cùng đảng Cộng sản Trung Quốc chiến thắng cuộc chiến chống ô nhiễm bằng cách tuân thủ những quy định dựa trên yếu tố thị trường, trong khi Mỹ tiếp tục vận dụng chúng một cách ngắt quãng”, cây bút Michael Greenstone từ New York Times bình luận.

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Mỹ lần đầu sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 tấn công Houthi

Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tấn công các kho vũ khí của lực lượng Houthi ở Yemen vào sáng 17/10.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.