| Hotline: 0983.970.780

Kinh tế rừng ĐBSCL: [Bài 2] Doanh nghiệp thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp

Thứ Hai 29/11/2021 , 10:32 (GMT+7)

Với công suất gần 90 ngàn m3 ván gỗ/năm, Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Kiên Giang không những tạo việc làm ổn định mà còn thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp địa phương.

Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Kiên Giang được đầu tư xây dựng từ tháng 2/2014 và chính thức đi vào hoạt động năm 2016 với tổng vốn đầu tư trên 1.260 tỷ đồng. Nhờ hệ thống dây chuyền sản xuất hoàn toàn tự động theo công nghệ của CHLB Đức, sản lượng của Công ty đạt khoảng 90.000 m3/năm. Bên cạnh lĩnh vực chính là sản xuất ván gỗ nhân tạo MDF, để đảm bảo nguồn nguyên liệu, Công ty  triển khai xây dựng nguồn nguyên liệu tại chỗ thông qua việc nhận khoán trồng, bảo vệ, khai thác rừng, đồng thời, tổ chức thu mua nguyên liệu của bà con trong và ngoài vùng dự án.

Hệ thống trang thiết bị tiên tiến, dây truyền sản xuất hiện đại tại nhà máy sản xuất của Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Kiên Giang. Ảnh: Trần Trung.

Hệ thống trang thiết bị tiên tiến, dây truyền sản xuất hiện đại tại nhà máy sản xuất của Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Kiên Giang. Ảnh: Trần Trung.

Trước đây, bà con ở Nam Thái Sơn, huyện Hòn Đất chỉ quen với việc trồng lúa và vào rừng khai thác thủy sản, mật ong rừng... Cả xã, thậm chí, tính trên phạm vi cả huyện cũng không có mấy nhà máy hay cơ sở sản xuất công nghiệp nên lúc rảnh rỗi, bà con cũng chỉ quẩn quanh từ nhà ra đến ngõ, cuộc sống cố lắm cũng chỉ đủ ăn, rất ít hộ có kinh tế khá giả.

Kể từ khi Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Kiên Giang đi vào hoạt động thì cuộc sống ở đây đã thay đổi hẳn. Không chỉ là sự ồn ào, sôi động, khẩn trương, gấp gáp của nền công nghiệp gắn với lâm nghiệp thổi vào vùng đất này mà còn là sự tác động làm thay đổi tư duy, nhận thức và tác phong làm việc, phong cách sống của người dân ở đây.

Khu rừng tràm do anh Nguyễn Văn Tèo nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ. Ảnh: Trần Trung.

Khu rừng tràm do anh Nguyễn Văn Tèo nhận trồng, chăm sóc, bảo vệ. Ảnh: Trần Trung.

Là người gắn bó trên mảnh đất này từ lúc sinh thành đến nay đã ngoài 40 tuổi, anh Nguyễn Văn Tèo, Tổ trưởng Tổ bảo vệ rừng Hòn Đất tại xã Nam Thái Sơn thuộc Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Kiên Giang quản lý, khai thác cho biết: Cũng như bao gia đình khác, trước đây cuộc sống gia đình anh chủ yếu dựa vào 5 công lúa, tới mùa nước nổi, gia đình luôn thiếu trước hụt sau. Từ khi vào làm trong Công ty, ngoài khoản lương ổn định hằng tháng, Công ty còn hướng dẫn người dân nơi đây kỹ thuật trồng và chăm sóc tràm. Với 1 ha tràm Úc được trồng theo hướng thâm canh, chỉ sau 3 năm đem lại thu nhập không dưới 150 triệu đồng...

Bãi tập kết gỗ của Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Kiên Giang. Ảnh: Trần Trung.

Bãi tập kết gỗ của Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Kiên Giang. Ảnh: Trần Trung.

Xác định chủ ghe là nguồn cung nguyên liệu lâu dài cho nhà máy, Công ty xây dựng cơ chế thu mua hợp lý, với những chính sách hỗ trợ hài hòa về lợi ích. Đối với các chủ ghe thu mua ngoại tỉnh, Công ty hỗ trợ trực tiếp vào giá thu mua nguyên liệu. Chính sách này, giúp người trồng rừng bán gỗ với giá cao, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân vùng sâu, vùng xa.

Theo ông Dương Tấn Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty CP gỗ MDF VRG Kiên Giang, hiện Công ty đang áp dụng chính sách “quay đầu ghe”, nghĩa là trong một tháng, nếu chủ ghe chở bán trên 3 chuyến, thì từ chuyến thứ 4 trở đi sẽ được Công ty trợ giá thêm từ 20.000 – 40.000 đồng/tấn nguyên liệu. Vì thế, các chủ ghe có sự gắn bó với Công ty, cung cấp nguyên liệu rất đều đặn, đối với người trồng rừng. “Nhờ nỗ lực, Công ty đã liên kết được trên 200 chủ ghe chuyên thu mua gỗ nguyên liệu trong và ngoài tỉnh Kiên Giang”, ông Dương Tấn Thanh chia sẻ .

Công ty xây dựng cơ chế thu mua hợp lý, với những chính sách hỗ trợ hài hòa về lợi ích cho chủ ghe giúp người trồng rừng bán gỗ với giá cao, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Trần Trung.

Công ty xây dựng cơ chế thu mua hợp lý, với những chính sách hỗ trợ hài hòa về lợi ích cho chủ ghe giúp người trồng rừng bán gỗ với giá cao, đồng thời góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân vùng sâu, vùng xa. Ảnh: Trần Trung.

Anh Trương Văn Thuận - Chủ ghe cung cấp nguyên liệu cho nhà máy cho biết, hiện anh đang sở hữu 1 chiếc ghe có trọng tải 80 tấn. Nếu tính giá mua cây tràm Úc tại các nông hộ và chủ rừng với giá 700.000 đồng/tấn, anh bán lại cho nhà máy gần 800.000 đồng/tấn, sau khi trừ chi phí, lãi khoảng trên 3 triệu đồng/chuyến. Một tháng trung bình chở khoảng 3 đến 4 chuyến ghe về nhà máy, anh lãi trên 12 triệu.

“Tôi hiện sinh sống tại huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau, chở cây cho nhà máy hơn 5 năm nay. Nói chung, nhà máy thu mua cây của tôi rất đều và ổn định về giá. Đặc biệt, nhà máy có những chính sách hỗ trợ tốt với chủ ghe, còn anh em làm công tác thu mua rất thân thiện, thường xuyên thăm hỏi động viên. Chính điều này mà tôi không bao giờ bỏ nhà máy được”.

Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Kiên Giang đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Kiên Giang đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho hàng ngàn lao động địa phương. Ảnh: Trần Trung.

Ông Phạm Văn Trực - Chủ tịch UBND xã Nam Thái Sơn chia sẻ, từ khi Công ty cổ phần gỗ MDF VRG Kiên Giang đi vào hoạt động đã tạo việc làm cho  hàng ngàn lao động nơi đây. Ngoài ra, các cơ chế thu mua, phát triển vùng nguyên liệu hợp lý mở ra triển vọng thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp tại huyện Hòn Đất nói riêng, tỉnh Kiên Giang nói chung phát triển mà còn có đóng góp cho kinh tế - xã hội địa phương.

Theo Sở NN-PTNT Kiên Giang, địa phương có tổng diện tích đất rừng hơn 82 ngàn ha, gồm trên 46.000 ha rừng tự nhiên, khoảng 14.000 ha rừng trồng, còn lại là diện tích chưa có rừng. Hiện nay, Kiên Giang đã điều chỉnh quy hoạch 3 loại rừng theo hướng duy trì hợp lý diện tích rừng đặc dụng và phòng hộ, điều chỉnh một phần diện tích rừng sản xuất kém hiệu quả sang sản xuất nông nghiệp.

Doanh nghiệp góp phần thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp tại ĐBSCL. Ảnh: Trần Trung.

Doanh nghiệp góp phần thúc đẩy kinh tế lâm nghiệp tại ĐBSCL. Ảnh: Trần Trung.

Theo đó, hàng năm, tỉnh Kiên Giang trồng rừng đạt kế hoạch, nhất là chú trọng đầu tư trồng rừng phòng hộ ven biển phòng chống sạt lở đất, ứng phó với biến đổi khí hậu. Khoán bảo vệ rừng, sản xuất lâm - ngư kết hợp bình quân 4.000 ha/năm. Phong trào trồng rừng sản xuất và trồng cây phân tán từng bước được phục hồi hiệu quả, cung cấp nguyên liệu cho Nhà máy gỗ MDF Kiên Giang công suất 90.000 m³/năm và cung cấp cừ tràm trong hoạt động xây dựng.

“Tỉnh đẩy mạnh các hoạt động xã hội hóa nghề rừng thông qua hình thức liên doanh liên kết, cho thuê môi trường rừng kết hợp du lịch sinh thái gắn với quản lý bảo vệ và phát triển rừng. Đến nay, toàn tỉnh có 26 dự án cho thuê môi trường rừng và liên doanh liên kết đã góp phần cùng với chủ rừng làm giàu tài nguyên rừng, tăng cường công tác quản lý bảo vệ, phát triển và phòng chống cháy rừng gắn với phát triển kinh tế”, ông Đoàn Văn Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Kiên Giang cho biết.

Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Bảo vệ sức khỏe trái tim: Chìa khóa cho cuộc sống khỏe mạnh

Hiện nay, nhiều người chưa thật sự quan tâm đúng mực đến sức khỏe của trái tim, dẫn đến nhiều hệ lụy từ các bệnh lý tim mạch.  

Phê duyệt Quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn

UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quyết định phê duyệt quy hoạch phân khu xây dựng Khu công nghiệp Yên Sơn, huyện Lục Nam, tỉnh Bắc Giang, tỷ lệ 1/2000.