Sáng 28/3, UBND TP.HCM tổ chức họp báo thông tin về Diễn đàn Kinh tế TP.HCM (HEF) năm 2022 với chủ đề: “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP.HCM trong tương lai”.
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan, Trưởng ban tổ chức HEF 2022 cho biết, đây là sự kiện quốc tế thường niên do UBND TP.HCM chủ trì tổ chức nhằm tiếp nhận các ý kiến đóng góp của các diễn giả, chuyên gia trong nước và quốc tế về các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội của TP nói chung; các đề án, mục tiêu, chương trình trọng điểm của TP nói riêng.
Diễn đàn là cơ hội để Lãnh đạo Thành phố trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài nước về chuyển đổi số và kinh tế số nhằm mục đích thống nhất và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và kinh tế số; tìm kiếm các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn Thành phố, giúp doanh nghiệp Thành phố phát huy tính sáng tạo, tăng cường khả năng tiếp cận các mô hình kinh doanh mới nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả; tạo cơ hội để các cá nhân và tổ chức đề xuất các kiến nghị về khuôn khổ chính sách khuyến khích và quản lý phát triển kinh tế số; phát huy vai trò các bên liên quan trong hệ sinh thái kỹ thuật/kinh tế số; góp phần đồng thời đẩy mạnh xây dựng TP.HCM thành đô thị thông minh.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM, Phó ban tổ chức diễn đàn cho biết, diễn đàn năm nay xoay quanh 4 chủ đề chính là: Bức tranh chung về chuyển đổi số trong doanh nghiệp ở TPHCM, tầm nhìn và khát vọng đến năm 2030”; Thiết kế chính sách phù hợp cho phát triển kinh tế số tại TPHCM: định hướng 2025 và tầm nhìn 2030; Chuyển đổi số để nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp: thách thức và giải pháp; Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: kinh nghiệm và bài học thành công của doanh nghiệp trong nước và quốc tế.
Diễn đàn diễn ra vào Thứ 6 ngày 15/4 tại Khách sạn Vinpearl Luxury Landmark 81 với sự tham gia của hơn 900 đại biểu bao gồm lãnh đạo Chính phủ, lãnh đạo các Bộ ngành Việt Nam; đại diện các cơ quan ngoại giao; các địa phương nước ngoài; các định chế tài chính quốc tế (World Bank, IMF, IFC, ADB...); các tổ chức Quốc tế như WEF, OECD, các nhà quản lý và lãnh đạo các địa phương nước ngoài đến từ 9 quốc gia như: Hoa Kỳ, Liên bang Nga, Nhật Bản, Phần Lan, Israel, Thái Lan, Thụy Sỹ, Trung Quốc, Úc; các chuyên gia kinh tế và kinh tế số, đại diện các quốc gia thành công trong lĩnh vực chuyển đổi số; doanh nghiệp...