| Hotline: 0983.970.780

Kỳ án kéo dài 30 năm tại TP HCM: Ao sen đã thành "thương hiệu"!

Thứ Năm 27/03/2008 , 07:00 (GMT+7)

Với NNVN, đây là vụ việc được đăng tải nhiều lần nhất từ năm 2000 đến nay! Với gia đình “nạn nhân” Nguyễn Đình Khôi, đây là bi kịch đau khổ nhất kéo dài suốt 30 năm qua mà chưa có hồi kết! Với UBND TPHCM, đây là vụ giải quyết điển hình cho lối làm việc “sáng nắng, chiều mưa”…Và giờ đây, vụ việc tưởng nhỏ này phải tới tay Thủ tướng!

Trong công văn gửi UBND TPHCM, Văn phòng Chính phủ đã thẳng thắn phê bình: “Về việc này, UBND TPHCM giải quyết trước sau không thống nhất”. Trong đơn gửi Thủ tướng, ông Nguyễn Đình Khôi viết: “Tôi bắt đầu hành trình đi đòi lại đất của mình từ lúc 40 tuổi, có 2 con, nay tuổi đã hơn 70, có 4 con. Lúc bắt đầu đi khiếu nại, con tôi còn nhỏ, nay các cháu đã lớn, kể cả 2 cháu mới sinh ra sau, cũng đã trưởng thành đi làm. Tôi nay tóc đã bạc, thành ông già mà vụ kiện vẫn chưa đâu tới đâu, các cấp chính quyền thành phố giải quyết chồng chéo, sai trái khiến cho tôi như bị sa vào trận đồ bát quái. Đất của tôi ngày càng bị chiếm thêm nhiều hơn lúc chưa đi khiếu nại. Tôi quá uất ức, không biết trông cậy vào cấp nào nữa ngoài Thủ tướng”.

Cái Ao Sen "vô danh tiểu tốt" ở ấp 3 xã Tân Quý Tân nay đã nổi tiếng vì vụ khiếu nại dai dẳng và cách giải quyết kỳ lạ của UBND huyện Bình Chánh cho tới UBND TPHCM. Gần đấy, 1 quán phở lớn lấy tên là phở “Ao Sen”, một tiệm sửa xe bên đường cũng lấy tên “Ao Sen”, một quán cà phê nhỏ nhưng lúc nào cũng đông khách cũng nhờ cái tên “Ao Sen” mà ăn nên làm ra.

Ao sen - trắng đen lẫn lộn!

Năm 1972, ông Nguyễn Đình Khai, ba của ông Nguyễn Đình Khôi được chính quyền cũ cấp 30.000 m2 đất truất hữu của địa chủ theo luật “Người cày có ruộng” tại ấp 3, xã Tân Quý Tây, huyện Bình Chánh. Sau ngày giải phóng miền Nam, hưởng ứng lời kêu gọi “Nhường cơm sẻ áo”, gia đình ông Khôi giao 24.000 m2 đất cho chính quyền chia cho dân nghèo. Còn lại 6.044 m2 gia đình ông để lại canh tác sinh sống.

Báo NNVN phản ánh vụ việc ô Khôi, nhiều cơ quan chức năng chỉ đạo người ta “đá” lòng vòngNăm 1977, chính quyền địa phương lại vận động ông Khôi cho Đoàn thanh niên xã Tân Quý Tân “ mượn” làm Ao cá Bác Hồ. Việc nuôi cá không thành công, chính quyền lẽ ra phải trả đất cho gia đình ông Khôi nhưng lại cho thuê lại. Đây là điểm khởi đầu cho hàng loạt hành vi cán bộ xâu xé mảnh đất của ông Khôi, đẩy ông Khôi vào hành trình khiếu nại ròng rã suốt 30 năm qua!

Năm 1995, Sở Địa chính TPHCM (nay là Sở TN-MT) cho thanh tra và ra quyết định số 318 buộc các hộ lấn chiếm trái phép phải trả đất và giao cho gia đình ông Khôi sản xuất. Đồng thời, xử lý hành vi lấn chiếm đất của cán bộ này. Tuy nhiên, huyện Bình Chánh cứ làm lơ, không thực hiện, ông Khôi khiếu nại tiếp. Năm 1997 UBND TP đã có công văn số 1776/UB – NC (ngày 22/5/1997) gởi UBND huyện Bình Chánh “Đề nghị UBND huyện Bình Chánh chỉ đạo bàn giao đất Ao Sen cho gia đình ông Khôi và báo cáo kết quả cho UBND TP”.

Điều trớ trên nhất là UBND TP vừa nhắc nhở UBND huyện Bình Chánh phải thực hiện quyết định của Thanh tra Sở Địa chính xong thì cũng chính UBND TPHCM năm 1998 ra quyết định ngược lại, lấy lý do phần đất này có nguồn gốc thuê mướn trước 30/4/1975 thuộc diện Nhà nước trực tiếp quản lý nên giao UBND huyện Bình Chánh quản lý. Quyết định do PCT UBND TP Vũ Hùng Việt ký. Ông Khôi lại phải đi khiếu nại quyết định này.

Ao sen - Nghe quen quen...

Năm 2002, sau khi ông Vũ Hùng Việt bị kỷ luật vì nhiều sai phạm trong giải quyết đất đai, UBND TPHCM ký quyết định số 2558 /QĐ- UB nội dung như sau: Đình chỉ quyết định 5738/QĐ- UB- NC và cho phúc tra lại quyết định này. Ngày 30/10/2002, Tổ công tác phúc tra đã làm xong nhiệm vụ, báo cáo kết quả với Thường trực UBND TP. Cụ thể: “Thanh tra thành phố đã có tờ trình số 346/ĐC – TTr ngày 2/6/2000 liên quan đến quyết định thu hồi phần đất Ao Sen do ông Khôi đang sử dụng là không công bằng vì gia đình ông Khôi đã giao 2,65 ha cho địa phương theo chính sách “nhường cơm sẻ áo” và đã có thời gian sử dụng (hợp pháp) từ trước giải phóng” “Các tờ trình của Thanh tra và Sở Địa chính đều thống nhất quan điểm phần đất Ao Sen do gia đình ông Khôi thuê mướn, xét quá trình sử dụng của gia đình với phần đất này, đồng thời sau giải phóng đã giao cho địa phương một phần tương đối lớn nên việc xin lại đất Ao Sen của gia đình ông Khôi nên chấp nhận”.

Báo cáo còn kiến nghị “Do việc này phức tạp, liên quan đến UBND xã Tân Quý Tây nên Thanh tra TP đề nghị Thường trực UBND thành phố chủ trì đối thoại trước khi ban hành quyết định cuối cùng”.

Ông Khôi khấp khởi chờ mong thì đùng một cái, 5 năm sau, ngày ngày 14/1/2008, UBND TP ra quyết định số 165/ QĐ- UB với nội dung rất khó hiểu: Sửa lại điều 2 của quyết định số 5738/QĐ- UB- NC ngày 27/10/1998, tức là quyết định đã bị đình chỉ vào năm 2002 để phúc tra. Và, xem như kết quả phúc tra không hề được xem xét! Đến đây vụ án lại trở về vạch xuất phát, tức là mới tinh như lúc ông Khôi đi kêu kiện. Có người nói vui, vụ án này nghe quen quen mà hoá ra lại...mới là thế.

Ao sen chỉ... chờ Thủ tướng

Đến nước này thì ông Khôi không còn biết trông cậy vào đâu vì kiểu giải quyết "cà giựt cà tưng" như vậy của các cấp chính quyền TP. Ông đành gửi đơn lên Thủ tướng và ngồi…chờ.

Thực tế phần đất Ao Sen của ông Khôi hiện nay đã bị lấn chiếm gần hết. Nói như nhiều người dân địa phương “Ông Khôi càng khiếu nại thì càng bị lấn chiếm”. Số người lấn chiếm thực chất là cán bộ xã Tân Quý Tân và huyện Bình Chánh. Lấn chiếm xong số cán bộ này xây cất và sang nhượng trái phép. Điều đáng nói nhất là dù đất lấn chiếm nhưng một số vẫn làm được sổ đỏ để mua bán tiếp.Trong khi đó các quyết định của UBND TPHCM dù giải quyết như thế nào đều chỉ đạo phải giữ nguyên hiện trạng!

Năm 2002, sau khi NNVN điều tra về việc nhiều cán bộ xã, huyện Bình Chánh chiếm đất Ao Sen trái pháp luật, Chủ tịch UBND huyện này lúc bấy giờ là ông Nguyễn Văn Tường đã có văn bản gửi NNVN và nhiều cơ quan chức năng rất gay gắt, yêu cầu báo phải có chứng cứ, nếu không hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật. NNVN đã trả lời công khai, cung cấp chứng đầy đủ thì ông Tường …im lặng cho tới khi bị kỷ luật mất chức!

Vụ đất Ao Sen đã được NNVN phản ánh từ năm 2000 đến nay qua nhiều đời lãnh đạo huyện Bình Chánh và TPHCM. Qua NNVN, Đoàn Thanh tra liên ngành Chính phủ đã yêu cầu UBND TP giải quyết dứt điểm theo đúng pháp luật. Song gần như mọi chuyện “vẫn đâu vào đấy”. Thậm chí trước đó, VKSND huyện Bình Chánh đã kiểm tra, kiểm sát trực tiếp việc tuân theo pháp luật trong quản lý và sử dụng đất đai, đã xác định rõ hành vi lấn chiếm, sang nhượng trái phép của một số cán bộ lấn chiếm đất Ao Sen. Từ kết quả này, Viện trưởng VKSND huyện Bình Chánh Đoàn Văn Chín đã truy tố các cán bộ lấn chiếm, mua bán đất thì tự dưng ông Viện trưởng bị nghỉ việc một cách khó hiểu? Vụ việc đang mở ra bị khép lại. Số cán bộ lấm chiếm đất, mua bán lung tung vẫn bình an vô sự.

Từ vụ đất Ao Sen có thế thấy rằng, cách giải quyết của địa phương không thống nhất, có lúc đã bất chấp pháp luật, không xử lý nghiêm cán bộ dưới cơ sở lộng hành, ngược lại còn bao che dẫn đến từ một vụ khiếu nại rất nhỏ thành ra vấn đề lớn, kéo dài, gây khó khăn cho người dân, kể cả chính quyền các cấp! Theo chúng tôi được biết, Thủ tướng Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đã phải vào cuộc với chiếc Ao Sen trên phần đất vỏn vẹn 6.044 m2 nhưng đã quá “nổi tiếng” vì kiểu giải quyết không đâu vào đâu này!

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

1.000 người múa bát mở màn Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Bắc Kạn

Tối 27/4, tỉnh Bắc Kạn khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch năm 2024, điểm nhấn của chương trình là màn múa bát với sự tham gia của 1.000 diễn viên.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm