| Hotline: 0983.970.780

Kỳ lạ hợp đồng mượn đất của Tập đoàn Onsen Fuji

Thứ Tư 24/05/2023 , 08:26 (GMT+7)

Không căn cứ vào Luật Đất đai, UBND xã Bảo Yên đã cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji mượn hơn 5ha đất bãi bồi trong nhiều năm.

Khu vực UBND xã Bảo Yên do Công ty Cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji mượn quyền sử dụng đất. Ảnh: NL.

Khu vực UBND xã Bảo Yên do Công ty Cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji mượn quyền sử dụng đất. Ảnh: NL.

Theo tìm hiểu của Báo Nông nghiệp Việt Nam, khu vực bãi bồi ven sông Đà thuộc khu dân cư số 1 xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ là diện tích đất do UBND xã Bảo Yên quản lý. Phía trong là thân đê, phía ngoài mặt nước sông Đà, nơi nuôi trồng thủy sản của người dân địa phương. Diện tích vào khoảng hơn 5ha.

Tháng 12/2022, Chủ tịch UBND xã Bảo Yên là ông Nguyễn Hồng Hương đã ký vào bản hợp đồng cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji mượn toàn bộ diện tích nói trên, thời hạn mượn đất là đến ngày 30/6/2025. Nội dung bản hợp đồng giữa UBND xã Bảo Yên và Công ty Cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji nêu rõ:  Mục đích mượn đất là để cải tạo cảnh quan cây xanh, vườn hoa, phát triển khu vui chơi giải trí, khu vực cắm trại, tổ chức sự kiện ngoài trời để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Các căn cứ để hai bên thực hiện hợp đồng cho mượn quyền sử dụng đất bao gồm: Căn cứ Bộ Luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015; căn cứ Văn bản số 2174/UBND-TNMT ngày 12/12/2022 của UBND huyện Thanh Thủy về việc quản lý và sử dụng đất bãi bồi ven sông thuộc địa phận xã Bảo Yên; Căn cứ vào Hội nghị ban Thường vụ Đảng ủy xã Bảo Yên ngày 13/12/2022; Căn cứ Văn bản đề xuất và phương án đề xuất mượn đất bãi bồi ven sông Đà của Công ty Cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji ngày 27/10/2022. Về nghĩa vụ của các bên, hợp đồng cho mượn quyền sử dụng đất này cũng chỉ nêu: Bên B (tức Công ty Cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji) có nghĩa vụ nộp đầy đủ các loại thuế, phí liên quan (nếu có) đến khu đất và việc mượn đất trong thời gian được mượn. Không hề có điều khoản nào về việc phía doanh nghiệp phải nộp bao nhiêu tiền, thực hiện nghĩa vụ tài chính trong hợp đồng mượn đất này.

Hợp đồng mượn quyền sử dụng đất của Công ty Cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji. Ảnh: LAT. 

Hợp đồng mượn quyền sử dụng đất của Công ty Cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji. Ảnh: LAT. 

Không hiểu tại sao UBND xã Bảo Yên lại không căn cứ theo Luật Đất đai 2013, khi Luật này đã quy định: UBND cấp xã chỉ có thẩm quyền trong việc cho thuê đất. Loại đất được cho thuê nằm trong 5% đất công ích chưa sử dụng. Loại đất này chỉ được cho đối tượng là hộ gia đình, cá nhân tại địa phương thuê với mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản theo hình thức đấu giá. Thời hạn sử dụng đất đối với mỗi lần thuê không quá 5 năm.

Được biết, trước khi ký hợp đồng cho Công ty Cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji mượn quyền sử dụng đất, UBND xã Bảo Yên đã có văn bản gửi UBND huyện Thanh Thủy. Tại Văn bản số 2174/UBND-TNMT ngày 12/12/2022 do ông Dương Quốc Lâm, Chủ tịch UBND huyện ký thể hiện: “…UBND huyện giao cho UBND xã Bảo Yên quản lý, trước mắt cải tạo lại cảnh quan sạch sẽ và nghiên cứu cho tổ chức mượn, thuê thầu theo đúng quy định để tổ chức các sự kiện vào mùa khô, ngắn ngày, không thường xuyên, không được xây dựng các công trình kiên cố, không ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, hành lang thoát lũ, đảm bảo an toàn về tài sản, con người, an ninh trật tự trong khu vực...; khi nhà nước thu hồi đất thì phải trả lại đất mà không được bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất”.

Sau khi có hợp đồng cho mượn quyền sử dụng đất của UBND xã Bảo Yên, Công ty Cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji hiện đã đưa máy móc đến san gạt, trồng nhiều cây xanh kích thước lớn. Thông tin đến Báo Nông nghiệp Việt Nam, người dân xã Bảo Yên huyện Thanh Thủy lo ngại, hợp đồng “kỳ lạ” giữa UBND xã và doanh nghiệp có thể sẽ gây ảnh hưởng đến khu vực hành lang thoát lũ sông Đà, bản thân người dân cũng không hiểu vì sao chính quyền xã Bảo Yên lại cho doanh nghiệp mượn đất?

Dự án Wyndham Thanh Thủy từng vi phạm và bị phạt. Ảnh: LAT.

Dự án Wyndham Thanh Thủy từng vi phạm và bị phạt. Ảnh: LAT.

Liên quan đến Công ty Cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji, doanh nghiệp này là chủ đầu tư hiện tại của dự án Wyndham Thanh Thủy, cũng ở trên địa bàn xã Bảo Yên và loạt dự án khác vướng rất nhiều lùm xùm. 

Dự án Wyndham Thanh Thủy trước đây đã được UBND tỉnh Phú Thọ giao đất cho Công ty cổ phần Xây dựng và dịch vụ Sơn Hải để đầu tư xây dựng Khu du lịch tắm bùn, tắm nước khoáng nóng. Gần 5ha đất nông nghiệp, chủ yếu là đất trồng lúa đã được chuyển mục đích sử dụng để cho doanh nghiệp Sơn Hải theo hình thức Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất thời hạn 50 năm.

Giữa năm 2020, ông Hồ Đại Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ đã ký văn bản điều chỉnh dự án Khu du lịch tắm bùn, tắm nước khoáng nóng, tại xã Bảo Yên, huyện Thanh Thủy thành Khu phố thương mại, dịch vụ tổng hợp và công viên khoáng nóng Wyndham Thanh Thủy. Theo văn bản này, dự án “tắm bùn, tắm khoáng nóng” đã được điều chỉnh thành xây dựng và cung cấp các lô thương mại dịch vụ tiện ích cho khu vực, tạo không gian thương mại dịch vụ nhộn nhịp, công viên khoáng nóng nghỉ dưỡng cao cấp tiêu chuẩn 5 sao, khu vui chơi giải trí, tắm khoáng, tắm bùn, xông hơi, xông khô, khách sạn, nhà hàng…

Trước khi chuyển mục đích dự án, Wyndham Thanh Thủy cũng đã chuyển chủ đầu tư. Năm 2019, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng và dịch vụ Sơn Hải đã ký Hợp đồng chuyển nhượng công ty và dự án cho Công ty Onsen Fuji. Sau khi mua lại dự án, Onsen Fuji tiến hành thực hiện 3 dự án trên địa bàn huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ bao gồm: Dự án Tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy tại xã Bảo Yên với diện tích hơn 8,8 nghìn m2 với thời hạn 50 năm; Dự án Trung tâm dịch vụ hội nghị quốc tế, khách sạn, biệt thự du lịch nghỉ dưỡng Wyndham Thanh Thủy tại xã Bảo Yên diện tích đất dự kiến đầu tư xây dựng gần 10ha, thời hạn 49 năm; Dự án Khu du lịch tắm bùn, tắm khoáng nóng tại xã Bảo Yên, diện tích gần 5ha, thời hạn 50 năm. Quá trình thực hiện dự án, Onsen Fuji từng bị UBND huyện Thanh Thủy ra quyết định xử phạt hành chính 40 triệu đồng do tổ chức thi công xây dựng dự án không có giấy phép xây dựng.

Cần làm rõ những dấu hiệu khuất tất phía sau loạt sự án của Onsen Fuji ở Thanh Thủy. Ảnh: LAT.

Cần làm rõ những dấu hiệu khuất tất phía sau loạt sự án của Onsen Fuji ở Thanh Thủy. Ảnh: LAT.

Năm 2021, Báo Nông nghiệp Việt Nam đã phản ánh về dự án của Tập đoàn Onsen Fuji chưa hoàn thiện hết các thủ tục pháp lý, mới chỉ bắt đầu triển khai xây dựng, tuy nhiên đã kêu gọi các nhà đầu tư ký kết hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng các căn liền kề thương mại thông qua hình thức thỏa thuận ký quỹ. Mức giá được rao bán thời điểm đó từ 900 triệu đồng/căn đối với căn hộ nghỉ dưỡng condotel và từ 2,5 tỷ đồng/căn đối với shophouse 3,5 tầng…

Để phục vụ bán hàng, trên các diễn đàn của các đơn vị bán hàng và website dự án Wyndham Thanh Thủy đều quảng bá dự án được xây dựng trên khu vực lõi của mỏ khoáng nóng Thanh Thủy kéo dài tới 1km là nguồn khoáng được coi là tốt nhất Việt Nam… Tuy nhiên vào thời điểm đó trên địa bàn huyện Thanh Thủy có 1 đơn vị được cấp phép khai thác nước khoáng nóng là Công ty TNHH Sông Thao theo Giấy phép số 582/GP-BTNMT ngày 7/5/2003 với thời hạn khai thác 20 năm.

Tổng Cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam (Bộ Tài nguyên Môi trường) cũng khẳng định: Công ty Onsen Fuji không có Giấy phép hoạt động thăm dò, khai thác nước khoáng trên địa bàn huyện Thanh Thủy do cơ quan có thẩm quyền cấp. Việc Onsen Fuji quảng cáo “hút khoáng nóng từ mỏ khoáng có độ sâu 100m lên từng căn hộ và khách hàng mua dự án sẽ hoàn toàn được miễn phí khi sử dụng các bể tắm khoáng” là gây hiểu lầm đối với các khách hàng... Tổng cục Địa chất và Khoáng sản Việt Nam đề nghị Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Phú Thọ báo cáo UBND tỉnh Phú Thọ để chỉ đạo cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật.

Báo Nông nghiệp Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Phú Thọ và các cơ quan liên quan chỉ đạo làm rõ tính pháp lý hợp đồng mượn quyền sử dụng đất của Công ty Cổ phần Tập đoàn Onsen Fuji và những thủ tục pháp lý liên quan đến huy động vốn, giấy phép sử dụng nguồn nước khoáng nóng Thanh Thủy của doanh nghiệp này. 

Xem thêm
Sai phạm ở loạt dự án liên quan đại gia Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ

PHÚ THỌ Trong hàng loạt dự án liên quan ông Nguyễn Duy Hùng ở Phú Thọ, có nhiều dự án Báo Nông nghiệp Việt Nam và cơ quan chức năng chỉ rõ sai phạm.

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Đường lớn làm chưa xong, tỉnh lộ đã nát bét

Xe trọng tải lớn chở vật liệu thi công tuyến đường thành phố Bắc Kạn đi hồ Ba Bể chạy rầm rập ngày đêm 'cày' nát đường tỉnh 257B.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.