Gà kỳ lân hay còn gọi là gà Brahma, giống gà khổng lồ được giới chăn nuôi mệnh danh là “vua của các loài gà”.
Trước đây, giống gà này được nuôi nhiều ở các tỉnh phía Bắc hay TP Hồ Chí Minh, vài năm gần đây, nhiều nông hộ ở vùng ĐBSCL như TP Cần Thơ, Đồng Tháp, An Giang… bắt đầu lựa chọn phát triển mô hình chăn nuôi gà Kỳ Lân.
Anh Nguyễn Hoàng Nam, ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang được xem là người tiên phong chăn nuôi giống gà khủng này trên địa bàn tỉnh. Anh Nam cho biết, đã từng khởi nghiệp với mô hình nuôi rắn ri voi và một số giống gà khác, tuy nhiên xét về hiệu quả kinh tế lại không cao, thu nhập từ những mô hình chăn nuôi này khá bấp bênh.
Năm 2021, anh Nam bắt đầu tập tành nuôi gà Kỳ Lân, với 3 con gà giống thử nghiệm ban đầu. Giống gà này được nhập chủ yếu từ Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc về. Ngoài ra, anh nghiên cứu về kỹ thuật để thuần dưỡng giống gà này.
Hiệu quả bước đầu mang lại thành công, anh Nam quyết định nhập thêm 20 con gà giống để mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay trang trại của anh Nam có quy mô 30 con gà bố mẹ, 10 con hậu bị.
Gà Kỳ Lân sau khoảng 6 tháng nuôi sẽ trưởng thành, có thể đạt trọng lượng từ 4 - 6 kg/con. Cá biệt, nếu thời gian nuôi trên một năm rưỡi, gà có thể nặng lên tới 10kg/con.
Với thân hình “khủng”, bắp chân to, anh Nam đánh giá, gà Kỳ Lân thích hợp cho việc nuôi lấy trứng, lấy thịt, thậm chí là làm cảnh. Gà Kỳ Lân có màu lông phổ biến là xám trắng, xám tro, chuối xám. Riêng màu màu vàng, đỏ và màu tàu có giá trị tăng gấp 2 - 3 lần.
Nếu nuôi gà cho sinh sản để lấy trứng, trung bình sau 6 - 7 tháng, gà đẻ 10 - 15 trứng, 10 ngày tiếp theo gà Kỳ Lân tiếp tục sinh sản trở lại, trứng đem đi ấp tỷ lệ nở đạt trên 90%.
Nhờ thế mạnh về trọng lượng cũng như hình dáng đẹp, thích hợp với khí hậu tại miền Tây, gà Kỳ Lân được nhiều người săn đón, trung bình mỗi tháng anh Nam xuất bán hàng trăm con giống ra thị trường.
Theo anh Nam, gà Kỳ Lân dễ nuôi, có sức đề kháng tốt, nên ít bệnh. Thức ăn chủ yếu cho gà là lúa, bắp xay, ngoài ra người nuôi có thể bổ sung thêm cám để gà đủ chất dinh dưỡng, tỷ lệ cho trứng cao hơn. Bên cạnh đó, để gà thích nghi tốt với điều kiện khí hậu miền Tây, anh Nam áp dụng phương pháp kết hợp nuôi nhốt và thả lan khi gà con nở ra.
Nói về kỹ thuật nuôi gà Kỳ Lân, anh Nam cho rằng, không có nhiều khác biệt so với các giống gà thông thường. Tuy nhiên, để gà Kỳ Lân có được bộ lông đẹp đòi hỏi người nuôi nên cho gà ăn nhiều rau, các loại côn trùng như: dế, sâu hay thịt băm nhỏ để bổ sung protein cho gà để kích thích lông mọc ra nhiều và nhanh hơn.
Bí quyết để lựa chọn một con gà Kỳ Lân đẹp đó là dáng gà vạm vỡ, chân phải dài, dáng cao và lông chân nhiều. Đối với gà trưởng thành từ 6 tháng trở lên, hiện anh Nam bán ra thị trường với mức giá dao động từ 1,5 - 3 triệu đồng/con (tùy màu), còn với gà con mới nở trên 1 tuần có thể xuất bán với giá từ 200 - 400 nghìn đồng/con.
Tuy nhiên, do giá thành khá cao, gà Kỳ Lân chủ yếu được giới chơi gà “săn lùng” để làm cảnh hoặc làm quà tặng, với mong muốn mang lại nhiều may mắn, tài lộc.
Ông Dương Tăng, Phòng Quản lý giống và Kỹ thuật chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh An Giang cho biết, đây là loại vật nuôi mới, hiện mô hình đang trong giai đoạn được bà con nông dân nuôi thử nghiệm. Ngành chức năng đã đến tìm hiểu và nghiên cứu mô hình từ đó sẽ có những đánh giá về hiệu quả kinh tế cũng như đưa ra những khuyến cáo chăn nuôi cho bà con.