Ngày 30/10, UBND thị xã Hoài Nhơn (Bình Định) đã long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm Di tích lịch sử Bãi biển Lộ Diêu-nơi cập bến tàu không số chi viện vũ khí vào khu 5 (1/11/1964-1/11/2024).
Tham dự có ông Huỳnh Thanh Xuân, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; thiếu tướng Cao Phi Hùng, Phó Tư lệnh Quân khu 5; ông Hồ Quốc Dũng, Bí thư Tỉnh ủy Bình Định, ông Phạm Anh Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cùng lãnh đạo thị xã Hoài Nhơn và đông đảo nhân dân địa phương.
Theo ông Phạm Trương, Bí thư Thị ủy Hoài Nhơn, cuối tháng 10/1961, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập lực lượng vận tải quân sự đường biển mang tên Đoàn 759 (tiền thân của Lữ đoàn 125, Vùng 2 Hải quân), nhằm mở đường vận tải chiến lược trên Biển Đông, vận chuyển vũ khí, phương tiện, trang bị kỹ thuật và cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.
Từ đó, những con tàu “không số” ra đời, thầm lặng di chuyển trên tuyến “đường Hồ Chí Minh trên biển”, làm nên những kỳ tích có một không hai trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.
Di tích bãi biển Lộ Diêu, nơi cập bến tàu không số được UBND tỉnh Bình Định công nhận xếp hạng Di tích cấp tỉnh tại Quyết định số 338/QĐ-UB.
Theo ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, di tích Bãi biển Lộ Diêu, nơi cập bến tàu không số chi viện vũ khí vào khu 5 là một “địa chỉ đỏ” nhằm giáo dục thế hệ trẻ, các đoàn viên, thanh niên hiểu thêm về lịch sử, truyền thống anh hùng của dân tộc, của quân đội và của Hải quân nhân dân Việt Nam.
Đến bây giờ, cụ Lê Văn Nốt (sinh năm 1935), thuyền viên tàu không số năm xưa, còn nhớ như in sự sáng suốt của những chỉ huy tàu không số. Khi xác định tàu không thể giao vũ khí và rời bến trước khi trời sáng, nên quyết định đưa tàu lên bãi cát Lộ Diêu.
Quân, dân địa phương phân chia nhau đào hầm, chôn dấu vũ khí tạm thời ở chân núi; rồi cho đốt cháy tàu và loan tin tàu cá của dân bị sóng đánh dạt vào bờ bốc cháy. Chính quyền địa phương khi ấy huy động cán bộ xã, thôn, đảng viên, nhân dân thôn Lộ Diêu và thôn Phú Thứ chuyển vũ khí lên kho tạm trên núi để lực lượng bộ đội chuyên trách chuyển về kho bí mật an toàn.
“Số vũ khí trên tàu không số sau đó được trang bị cho các trung đoàn chủ lực của Quân khu V góp phần làm nên chiến thắng trong các trận đánh địch sau này. Tàu không số cập bến Lộ Diêu là con tàu đầu tiên mở bến Khu V, là con tàu không số duy nhất cập bến vùng biển Bình Định”, cụ Lê Văn Nốt nhớ lại.
“UBND tỉnh Bình Định đề nghị UBND thị xã Hoài Nhơn, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể của thị xã tiếp tục tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động và có những giải pháp cụ thể, thiết thực để xây dựng di tích trở thành địa điểm giáo dục truyền thống cách mạng, điểm tham quan về nguồn hấp dẫn nhằm phát huy giá trị của di tích, kết hợp với phát triển du lịch theo tinh thần Nghị quyết Đảng bộ tỉnh lần thứ XX”, ông Lâm Hải Giang, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, đề nghị.