Vốn dĩ là dân công nghệ, bản thân anh Vũ Đình Quyến, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh) bất ngờ tìm hiểu, nghiên cứu rồi quyết định đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp khiến ai nấy đều tỏ ra khó hiểu, nhất là người thân trong gia đình. Vốn dĩ, đây không phải lĩnh vực mới ở Quảng Ninh, nhưng một dân “IT” lại lấn sân trở thành “nông dân” quả thực là chuyện “vô tiền khoáng hậu”.
Ngoài mô hình nuôi tôm theo công nghệ mới, anh Quyến đang là giám đốc công ty điện tử tin học viễn thông, đồng thời là hội trưởng chi hội doanh nghiệp phường Mông Dương, TP Cẩm Phả. Anh Quyến muốn mang làn gió mới cho người dân địa phương thay vì các gia đình sẵn sàng “ẵm” sẵn một vị trí cho con cái trong các công ty than trên địa bàn.
"Qua tìm hiểu tôi đã biết được nuôi tôm là nghề đem lại kinh tế cao và có thể làm giàu được. Tôi đã mạnh dạn đầu tư vào nghề này và sẵn sàng làm mô hình thử nghiệm, nếu thành công thì tôi sẽ nhân rộng và hướng dẫn cho mọi người cùng làm", anh Quyến vô tư chia sẻ.
Nói là làm, anh Quyến bắt đầu bằng công việc học tập, tham quan mô hình tôm sẵn có ở địa phương. Anh nhận ra một điều, nếu chỉ nuôi tôm theo kiểu truyền thống, người dân sẽ không làm chủ được tôm thả trong đầm.
“Ngoài những rủi ro không mong muốn bởi yếu tố thời tiết, thiên nhiên, nếu có phương pháp, hay công nghệ khắc phục những hạn chế đó, quả thực nghề nuôi tôm sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn mong đợi. Qua quá trình tìm hiểu, nghiên cứu, tôi đã áp dụng công nghệ Biofloc vào mô hình của mình, giúp tiết kiệm chi phí như nhân công, tiền điện, áp dụng chế phẩm sinh học để xử lý nước, chất thải”, anh Quyến cho hay.
Anh Quyến cũng là người tiên phong ở địa phương áp dụng mô hình nuôi tôm theo công nghệ Biofloc. Công nghệ này có nhiều ưu điểm giúp tiết kiệm thời gian, thức ăn cho tôm được xử lý triệt để, tôm có thời gian sinh trưởng và phát triển ngắn để đạt kích thước “cực đại”. Đặc biệt, đảm bảo an toàn sinh học ngay từ khâu nuôi dưỡng bởi hoàn toàn không sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh, tôm cũng có sức đề kháng tốt, gần như tránh được tất cả dịch bệnh.
Được Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh định hướng, anh Quyến sử dụng loại ao tròn, căng bạt. Hình thức nuôi này có nhiều ưu điểm vượt trội so với làm đất, cải tạo đầm truyền thống. Ao tròn tạo được dòng chảy đều, giúp người nuôi tôm tiết kiệm được điện năng, làm chủ được được dòng chảy của nước, kiểm soát lượng nước vào ao, thành ao đứng nên không có vùng nước nông tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, làm giảm tỉ lệ xuất hiện tảo trong môi trường nước.
Hiện tại, anh Quyến sở hữu trên 1,2ha diện tích nuôi tôm. Với việc áp dụng nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng bằng công nghệ Biofloc, dự kiến 1 tháng anh Quyến sẽ thu hoạch từ 1- 2 ao bằng cách nuôi gối vụ. Đầu ra cho sản phẩm của anh cũng đã được xác định rõ, các thương lái vào tận nơi thu mua tôm loại 60-65 con/kg với giá 97.000đ, loại 50 con/kg giá 115.000đ.
Tôm được tiêu thụ tại các chợ đầu mối tại Hải Phòng, Hà Nội và các huyện, xã trong tỉnh. "Tôi mong muốn sẽ kết nối được với chuỗi hệ thống nhà hàng, khách sạn, siêu thị lớn để có thể đảm bảo đầu ra và nâng cao giá trị tôm. Vì với công nghệ Biofloc, tôm không còn dư lượng kháng sinh, đảm bảo chất lượng, an toàn với người tiêu dùng, hướng đến xuất khẩu nước ngoài", anh Quyến cho biết thêm.
Kết quả mô hình nuôi thâm canh tôm thẻ chân trắng hai giai đoạn theo công nghệ Biofloc gắn với tiêu thụ sản phẩm là bước tiếp cận gần hơn với định hướng của ngành. Thành công bước đầu trong triển khai dự án là cơ hội lớn cho bà con nông dân, chủ các hộ nuôi tôm công nghiệp của tỉnh tiếp cận, học tập để từng bước phát triển ngành nuôi tôm theo hướng bền vững. Mặc dù chỉ mới “chập chững” vào nghề, nhưng nhờ nuôi tôm bằng công nghệ cao, vụ tôm đầu tiên cách đây gần một năm, trừ chi phí anh Quyến thu lãi hơn 400 triệu đồng.
Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cho hay: KHCN có vị trí cực kỳ quan trọng trong phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong phát triển nuôi trồng thủy sản không thể không nhắc đến KHCN. Công nghệ Biofloc có đặc điểm là dùng men vi sinh kết hợp với các vi sinh vật có lợi trong nước tạo thành thức ăn cho tôm, giúp bà con giảm chi phí thức ăn. Trước đây, khi không áp dụng công nghệ cao, 1kg tôm cần 1,3kg thức ăn, nhưng có công nghệ Biofloc, 1kg tôm chỉ tốn 1kg thức ăn. Đồng thời, công nghệ Biofloc giúp môi trường nước được sạch hơn, tôm ít bị dịch bệnh hơn".
Còn theo ông Nguyễn Bá Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Quảng Ninh: Địa phương vốn phát triển nghề nuôi tôm từ khá sớm và là tỉnh đầu tiên trong cả nước nuôi tôm chân trắng theo công nghiệp cao. Từ chỗ chỉ nuôi thử theo hình thức quảng canh cải tiến, đến nay đã có hàng nghìn ha ao, đầm được đưa vào nuôi trồng. Qua hơn 10 năm, mô hình nuôi tôm chân trắng công nghiệp đã chứng minh được hiệu quả, thu hút nhiều doanh nghiệp, cá nhân trong tỉnh tích cực tham gia và làm giàu….
Hiện nay, các mô hình nuôi tôm (VietGAP; nuôi trong nhà kính, nuôi công nghệ Biofloc, nuôi hai giai đoạn,..) đang áp dụng rộng rãi tại tỉnh Quảng Ninh, điển hình là nhiều mô hình nuôi công nghiệp tôm thẻ chân trắng tại Quảng Yên, Đầm Hà, Móng Cái, Tiên Yên...cho năng suất nuôi trung bình cho đạt từ 8 – 10 tấn/ha/vụ, có những mô hình cho năng suất nuôi đạt từ 25-30 tấn/ha/vụ.