| Hotline: 0983.970.780

Kỳ thi tay nghề Asean lần thứ 10: Việt Nam quyết dẫn đầu

Thứ Năm 19/06/2014 , 08:10 (GMT+7)

Kỳ thi tay nghề Asean lần thứ 10 do VN đăng cai sẽ diễn ra từ ngày 23 - 28/10 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia Hà Nội.

Với 25 nghề được tổ chức thi, trong đó 23 nghề chính thức và 2 nghề trình diễn, hiện các nước thành viên đã đăng ký số lượng thí sinh cho từng nghề với tổng số 280 người. Đây tiếp tục là dịp để VN gặt hái được nhiều thành tích…

NNVN đã có cuộc trao đổi với ông Dương Đức Lân, Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐ-TB&XH về kỳ thi này. 

Kỳ vọng của chúng ta ở cuộc thi là gì, thưa ông?

Có thể khẳng định, đây là kỳ thi tay nghề có chất lượng và có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với VN bởi thí sinh là người lao động trực tiếp SX, tạo ra những sản phẩm có chất lượng. Nó càng quan trọng hơn khi từ năm 2015 trở đi, Asean chỉ còn 1 thị trường lao động chung duy nhất gọi là cộng đồng Asean.

Lúc đó, người lao động có thể làm việc trong bất kỳ nước nào trong khu vực, được nước bạn công nhận kỹ năng nghề, trình độ bằng cấp tương xứng. Nó cũng đồng nghĩa thu nhập của người lao động VN được trả ngang với lao động các nước khác. Riêng câu chuyện tay nghề, tôi thấy mừng khi khoảng cách trình độ giữa vùng miền, trường trung ương - địa phương đã không còn vênh nhau nhiều (khác rõ rệt so với những kỳ thi trước đó).

Tôi cũng xin nói thêm, cuộc họp mới đây giữa Bộ trưởng 2 Bộ LĐ-TB,XH và GD- ĐT đã đi đến thống nhất nguyên tắc xây dựng một Khung trình độ quốc gia với 8 bậc, từ bậc 1 - 5 là đào tạo nghề, bậc 6 cử nhân, bậc 7 thạc sĩ, bậc 8 tiến sĩ.

Khung trình độ này tương đồng với khung tham chiếu các trình độ Asean và khung trình độ châu Âu. Và quan trọng, nó là bước đệm để tiến tới sự công nhận trình độ, bằng cấp lẫn nhau khi VN gia nhập vào một “sân chơi chung” trong khối thị trường các nước Asean.

Người lao động được gì khi vào sân chơi chung đó, thưa ông?

Họ sẽ không phải chịu thiệt thòi vì bị trả lương thấp hơn các nước “có bằng cấp giỏi hơn”. Ngoài ra, chúng tôi cũng xác định, cuộc thi này không nhằm để lấy huy chương mà chính là để tiếp nhận những công nghệ, kỹ thuật mới nhất, vật liệu mới nhất, cách làm việc tiên tiến nhất để giúp người lao động đưa năng suất lên nhiều lần.

Nhiều người e ngại tình trạng “chảy máu chất xám” sau khi các thí sinh đoạt giải. Theo ông, vì sao dẫn đến hiện tượng này?

Kỳ thi tay nghề Asean xuất phát từ Chương trình Phát triển kỹ năng nghề Châu Á - Thái Bình Dương do Tổ chức Lao động quốc tế tổ chức vào năm 1993. Từ năm 1995, kỳ thi được chính thức tổ chức theo định kỳ 2 năm 1 lần, thu hút đối tượng tham dự là lao động trẻ, không quá 22 tuổi thuộc các nước thành viên Asean.

Thường, những em đi thi mà đoạt giải đều là nhân tài. Thế nhưng, những nhân tài này sau một thời gian đều mai một, một số ít may mắn thì trở thành giảng viên của các trường nghề. Đó có thể coi là sự lãng phí chất xám.

Theo tôi, lao động có kỹ năng nghề là những người tạo ra của cải vật chất cho xã hội, là lực lượng trực tiếp và quyết định năng suất lao động xã hội. Do đó họ cũng là lực lượng quyết định năng lực cạnh tranh quốc gia. Và xác định dạy nghề phải trở thành chiến lược xương sống của phát triển nhân lực.

Trong chiến lược phát triển dạy nghề giai đoạn 2011- 2020, đào tạo nghề cho lao động nông thôn (LĐNT) sẽ được Tổng cục quan tâm như thế nào trong thời gian tới?

Cần xác định rõ rằng dạy nghề cho LĐNT là việc dùng những chính sách của nhà nước thay đổi cơ cấu lao động, thay đổi cơ cấu kinh tế. Và phần lớn LĐNT có xuất thân từ làng quê, trình độ nhận thức hạn chế nên họ không cần thứ gì quá cao siêu nên chỉ cần 1 nghề đơn giản để có thể mưu sinh.

Tuy nhiên, để tránh được tình trạng lãng phí, học xong không biết làm gì thì trước khi mở lớp dạy nghề cho LĐNT, địa phương phải lên kế hoạch sau khi học nghề xong, người lao động làm gì, thu nhập bao nhiêu.

Là Trưởng BTC kỳ thi, những “thông số” nào sẽ được ông gửi gắm đến kỳ thi tay nghề Asean lần thứ 10?

Công bằng, minh bạch, trung thực và khách quan luôn là những yếu tố cốt lõi của mỗi cuộc thi. Kỳ thi này cũng vậy.

Xin cảm ơn ông!

Xem thêm
Đổi đời nhờ nuôi ba ba: [Bài 2] Thành triệu phú, tỷ phú

YÊN BÁI Hiện nay ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn có gần 500 hộ nuôi ba ba, loài vật đặc sản này đã giúp cho nhiều nông dân đổi đời, trở thành những triệu phú, tỷ phú.

Lĩnh 9 tháng tù treo vì khai thác thủy sản bất hợp pháp

QUẢNG NINH Mặc dù đã bị xử phạt hành chính nhưng Nguyễn Văn Téc vẫn tiếp tục sử dụng kích điện trên tàu cá để khai thác thủy sản tại vùng lõi vịnh Hạ Long.

Nghêu sạch vào nhà máy, ra siêu thị

Năm 2023, HTX thu hoạch nghêu thịt hơn 950 tấn, trong đó cung cấp nghêu sạch cho nhà máy đạt 120 tấn, tổng doanh thu gần 19 tỷ đồng.

Giải cứu đồi mồi dứa nặng 6,2kg

Ngày 19/5, Chi cục Thủy sản, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang bàn giao 1 cá thể đồi mồi dứa (vích) cho Trạm Bảo tồn động vật hoang dã Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương.