| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ghi bên phá Tam Giang [Bài 3]: Những làng chài vắng bóng thanh niên

Thứ Tư 15/05/2024 , 09:08 (GMT+7)

THỪA THIÊN - HUẾ Về những làng quê bên phá Tam Giang bây giờ, hầu như nhà nào cũng chỉ toàn người già, con trẻ. Hỏi mới biết rằng, thanh niên lớn lên đều tìm đường làm ăn xa.

Trong tiến trình xóa đói giảm nghèo ở các xã vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, lực lượng lao động xuất khẩu đi nước ngoài có những đóng góp quan trọng. Ảnh: Công Điền.

Trong tiến trình xóa đói giảm nghèo ở các xã vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, lực lượng lao động xuất khẩu đi nước ngoài có những đóng góp quan trọng. Ảnh: Công Điền.

Ước mơ đổi đời từ “lao động chui”

Theo người dân địa phương, ở vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, truyền thống đi nước ngoài (người dân quen gọi là đi định cư) đã có từ mấy chục năm trước. Trong đó, số đông định cư ở nước Mỹ.

Thông thường có các hình thức đi nước ngoài như theo diện đoàn tụ gia đình, tức là có người thân ở Mỹ bảo lãnh (cha mẹ, con cái bảo lãnh nhau) hoặc diện kết hôn. Cả 2 diện này thủ tục ngày càng khó khăn và mất nhiều thời gian dài nên số lượng được đi định cư chỉ chiếm rất ít.

Kế đến là đăng ký xuất khẩu lao động thông qua các công ty môi giới xuất khẩu lao động hợp pháp. Đi theo hình thức này là chính thống nên số lượng mỗi năm được ấn định rõ ràng và chính quyền địa phương quản lý rất chặt chẽ.

Bài liên quan

Có một con đường đi nước ngoài nữa mà thời gian gần đây, rất nhiều thanh niên ở vùng ven biển, đầm phá Tam Giang - Cầu Hai ưa chuộng, đó là đi lao động chui ở Mỹ. Qua “tiết lộ” của những gia đình có người thân đi “lao động chui” kiểu này, thì điều kiện tiên quyết, ngoài tiền ra phải có ít nhất một người thân ở Mỹ.

Trong những ngày lang thang ở các làng chài ven đầm phá Tam Giang, chúng tôi được ông Nguyễn A., một người dân ở xã Quảng Công, huyện Quảng Điền cho biết, để có được một suất đi lao động chui ở Mỹ, mỗi người phải bỏ ra từ 1,5 – 2 tỷ đồng (tương đương với 65.000 – 70.000 USD), tùy theo thời gian và quảng đường di chuyển dài hay ngắn. Thông thường, người thân ở Mỹ sẽ chịu toàn bộ chi phí cho người đi lao động chui.

Mặc dù được ví như 'mỏ vàng' được thiên nhiên ban tặng cho con người Thừa Thiên - Huế nhưng sông nước Tam Giang không còn sức hút đối với lao động trẻ. Ảnh: Công Điền.

Mặc dù được ví như "mỏ vàng" được thiên nhiên ban tặng cho con người Thừa Thiên - Huế nhưng sông nước Tam Giang không còn sức hút đối với lao động trẻ. Ảnh: Công Điền.

Trước khi rời Việt Nam, các môi giới sẽ thông báo với người đi về hành trình, thời gian di chuyển và số tiền phải chi để được đến một nước nào đó giáp với biên giới Mỹ, trước khi được người thân ở đây bảo lãnh qua. “Thường người đi lao động chui sẽ phải đi vòng mất rất nhiều thời gian, từ 1 tháng đến vài tháng, thậm chí cả nửa năm mới tới được đất Mỹ. Những người đi lao động chui kiểu này, tùy theo đầu mối mà phải vòng qua Mêxicô, các nước Nam Mỹ hoặc một số nước như Đức, Canada…trước khi tới Mỹ”, ông A. cho biết.

Cũng theo ông A., hầu hết các làng chài ven phá Tam Giang này nhà nào cũng có 1 đến 2 người đi Mỹ, trong đó nhiều nhất là lớp thanh niên mới lớn, chưa lập gia đình. Những người trẻ này đa số đều có thân nhân ở Mỹ, thông qua môi giới đã lựa chọn con đường đi lao động bất hợp pháp này để cải thiện cuộc sống khốn khó ở quê nhà.

Trước đây, thỉnh thoảng mới có người đi Mỹ định cư theo diện hợp pháp hoặc một vài trường hợp đơn lẻ đi chui nên dường như không mấy người để ý. Tuy nhiên vài ba năm trở lại đây phong trào đi “lao động chui” ở Mỹ trở nên nhộn nhịp hơn.

Xã Quảng Công, huyện Quảng Điền đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2017 nhưng lao động trẻ vẫn không mặn mà ở lại quê hương. Ảnh: Công Điền.

Xã Quảng Công, huyện Quảng Điền đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2017 nhưng lao động trẻ vẫn không mặn mà ở lại quê hương. Ảnh: Công Điền.

“Do đất đai ruộng vườn không có. Nghề nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản bấp bênh nên không còn là mục tiêu lựa chọn của giới trẻ. Không ai muốn xa quê cả nhưng do hoàn cảnh kinh tế đành phải lựa chọn con đường khi lao động chui ở Mỹ”, ông A. cho hay.

Riêng tại xã Quảng Công, theo chia sẻ của người dân địa phương, từ thôn An Lộc dưới kéo dài lên thôn Cương Gián, gần như gia đình nào cũng có người đi nước ngoài. Trong đó, đi định cư và lao động ở Mỹ chiếm phần lớn. Điển hình như gia đình ông Phan Q. trú ở thôn Tân Thanh, là một trong những hộ có người đi định cư ở Mỹ với số lượng khá đông. Theo nhẩm tính của một người dân họ hàng xa với ông Q., cả gia đình bà con của ông Q. bây giờ có đến 9 người ở Mỹ, trong đó có không ít người đi theo đường “lao động chui”.

Làng chài nay chỉ còn người già, con trẻ

Đi dọc tuyến quốc lộ 49B qua trung tâm xã Quảng Công, không mấy khó khăn để bắt gặp nhiều ngôi nhà cao tầng, khang trang khiến ai cũng phải xuýt xoa về độ "chịu chơi" của người dân miệt đầm phá này. Chưa kịp hỏi thăm về chủ nhân những ngôi nhà này, như hiểu ý, người bạn đi cùng tôi đã vội lên tiếng: "những nhà này đều được xây dựng từ nguồn tiền xuất khẩu lao động cả đấy".

Là một trong những xã đạt chuẩn nông thôn mới khá sớm của huyện Quảng Điền, thời gian qua xã Quảng Công đang nỗ lực hoàn thành các tiêu chí để được công nhân xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm nay. Để có được diện mạo nông thôn khang trang như ngày hôm nay, bên cạnh nguồn lực đầu tư của nhà nước, lực lượng lao động thanh niên xa quê của xã cũng là một trong những nguồn đóng góp quan trọng.

Lão ngư Phan Minh lo lắng khi thế hệ trẻ lần lượt rời làng mưu sinh nơi quê người. Ảnh: Công Điền.

Lão ngư Phan Minh lo lắng khi thế hệ trẻ lần lượt rời làng mưu sinh nơi quê người. Ảnh: Công Điền.

Ông Nguyễn Hữu Truyền, Chủ tịch xã Quảng Công (huyện Quảng Điền) thừa nhận, nhiều năm trở lại đây, chuyện thanh niên mới lớn tại các làng quê ven đầm phá Tam Giang rời làng đi làm ăn xa chẳng còn là vấn đề xa lạ.

Cũng theo ông Truyền, điểm đến của các thanh niên này thường là ở các tỉnh, thành phía Nam như Sài Gòn, Bình Dương, Bình Phước, cho tới một số tỉnh lân cận như Đà Nẵng… Hoặc những thanh niên này đăng ký đi xuất khẩu lao động hợp pháp tại một số nước có nhận lao động Việt Nam.

"Xuất khẩu lao động là chủ trương lớn, góp phần tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm và xóa đói giảm nghèo cho người dân trên địa bàn. Mỗi năm chính quyền xã đặt ra chỉ tiêu đưa từ 25 – 30 lao động đi xuất khẩu ở các nước", ông Truyền nói.

Theo vị lãnh đạo xã Quảng Công, nếu ở lại quê nhà, cùng lắm mỗi tháng những người trong độ tuổi lao động chỉ có thu nhập từ 5 - 7 triệu đồng. Trong khi đi xuất khẩu lao động, mỗi lao động có thu nhập từ 30 - 50 triệu đồng/tháng nên việc lựa chọn rời quê để đi làm ăn xa không có gì khó hiểu.

Số liệu từ báo cáo của xã Quảng Công đã minh chứng cho nhận định này của vị lãnh đạo trên. Theo số liệu cho thấy, đến nay toàn xã có 77 lao động làm việc ở nước ngoài có đăng ký. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2023, xã đã phối hợp đưa đi lao động xuất khẩu có hợp đồng 26 lao động, trong đó chủ yếu đi Nhật Bản, Hàn Quốc…

Những con đò trên phá Tam Giang. Ảnh: Công Điền.

Những con đò trên phá Tam Giang. Ảnh: Công Điền.

Tính đến cuối năm 2023, tổng thu từ lĩnh vực du lịch, lao động việc làm và Việt kiều gửi ngoại hối về đầu tư trên địa bàn xã ước đạt hơn 114 tỷ đồng. Trong đó, thu từ du lịch dịch vụ 5 tỷ đồng; từ lao động trong và ngoài tỉnh gửi về 21 tỷ đồng; từ lao động tự do và hộ cá nhân doanh nghiệp gửi ngoại hối về trên địa bàn gần 50 tỷ đồng.

Từ những số liệu khô khan trên đã chứng minh vai trò quan trọng của lực lượng lao động đi xuất khẩu lao động và làm ăn xa quê đối với phát triển kinh tế - xã hội ở xã Quảng Công. Hàng ngàn lao động trẻ đi làm ăn xa hay xuất khẩu lao động bằng nhiều hình thức mang về một lượng lớn ngoại tệ đã góp phần thay đổi diện mạo những làng chài quanh vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.

Nhưng ở chiều ngược lại, việc thanh niên lũ lượt rời làng cũng để lại nhiều trăn trở, mà một trong những nhãn tiền là làng quê ở vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai ngày càng vắng bóng những thanh niên đang độ sung sức. Làng quê nay chỉ thấy toàn ông già bà lão bên những con thuyền cũ kỹ, bạc màu thời gian.

Gần như dành trọn cả đời với nghề đánh bắt trên phá Tam Giang, nay khi tuổi vừa xế chiều, lão ngư Phan Minh ở xã Điền Hải, huyện Phong Điền cứ băn khoăn, lo lắng mãi không thôi. Nghề đi ngư nghiệp vốn thu nhập không cao lại bấp bênh nên không mấy người lựa chọn. Nay thanh niên trong làng, lớp sau kế tiếp lớp trước lần lượt đăng ký đi xuất khẩu lao động Nhật Bản, Hàn Quốc hay tìm vào các tỉnh, thành miền Nam làm công nhân, đã làm cho nghề biển trước nguy cơ mai một.

Ngay như hoàn cảnh ông Minh, sinh ra 5 đứa con thì 3 đứa con trai không ai theo nghiệp cha ông mà bỏ đi làm công nhân tận Sài Gòn, Bình Dương. 2 đứa con gái lấy chồng sinh con rồi cũng gửi lại cho ông bà chăm để vào Đà Nẵng, lên Tây Nguyên làm thuê. "Nhìn quanh đi quẩn lại, làng quê bây chừ chỉ có ông già, bà lão, cùng những đứa trẻ đang tuổi học sinh. Rồi đây khi thế hệ chúng tôi già đi, nghề này có lẽ cũng thất truyền luôn", ông Minh buồn bã nói.

Nỗi lo của lão ngư Phan Minh cũng là thực trạng chung ở nhiều làng quê vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai, khi thế hệ trẻ không còn ai mặn mà theo nghiệp cha ông. Nếu vào một ngày nào đó trên sóng nước Tam Giang không còn hình bóng của những ngư dân chài lưới hàng ngày cần mẫn mưu sinh, có lẽ khung cảnh sẽ buồn lắm thay!

Xem thêm
Nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng

Kiên Giang Nuôi cá biển bằng lồng nhựa HDPE giúp ngư dân hạn chế rủi ro, nâng cao sản lượng, thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng/vụ/lồng nuôi.

Xử lý triệt để tàu cá mất kết nối giám sát hành trình

TP Đà Nẵng cần xác minh, xử lý triệt để tàu cá mất kết nối giám sát hành trình, tàu cá vượt qua ranh giới vùng được phép khai thác thủy sản trên biển.

Cá ngừ Việt Nam đứng tốp đầu thế giới

Sau 10 năm liên tục phát triển, ngành hàng cá ngừ Việt Nam hiện đã đứng trong tốp 5 những nước xuất khẩu cá ngừ lớn nhất thế giới với kim ngạch tỷ đô.