| Hotline: 0983.970.780

Chuyện ghi bên phá Tam Giang: [Bài 4] Mai này có còn tôm cá

Thứ Năm 16/05/2024 , 09:13 (GMT+7)

THỪA THIÊN - HUẾ Nguồn lợi từ vựa thủy sản nước lợ lớn nhất Đông Nam Á đang bị suy giảm nghiêm trọng do nạn ô nhiễm môi trường và ngư dân đánh bắt theo hình thức 'hủy diệt'.

Ô nhiễm môi trường do nuôi tôm ở đầm phá Tam Giang. Ảnh: Công Điền.

Ô nhiễm môi trường do nuôi tôm ở đầm phá Tam Giang. Ảnh: Công Điền.

Cá tôm nuôi sống những làng chài

Chiều buông trên phá Tam Giang. Trở về sau chuyến đánh bắt thủy sản, lão ngư Phan Minh (63 tuổi, ở thôn 8, xã Điền Hải, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế) cùng vợ cẩn thận sắp xếp ngư lưới cụ để lên bờ nghỉ ngơi. Âu thuyền nhỏ của thôn 8 chen chúc hàng chục chiếc ghe đò khác của các ngư dân sau một ngày rong ruổi theo đuôi con tôm, con cá.

Hôm nay cả 2 vợ chồng ông Minh đánh bắt được mẻ tôm cá, cua rạm với số lượng nhiều hơn thường ngày nên trong lòng rất vui. Tiếng í a, í ới trao đổi mua bán tôm cá rộn rã cả góc làng chài. Cũng đã khá lâu rồi, 2 vợ chồng ngư dân ở thôn 8 này mới có được chuyến bắt thủy sản thuận lợi như vậy.

Bài liên quan

Nhận thấy “tín hiệu” vui đó, tôi tiếp cận để trò chuyện cùng vợ chồng lão ngư này ngày khi chiếc ghe vừa cập bến. Đôi bàn tay rắn rỏi vừa xiết chặt dây neo xong, gác nhanh mái chèo lên đò, ngư dân Phan Minh kể, nhiều thế hệ gia đình của ông sinh ra và lớn lên trên những nhà chồ ven phá Tam Giang.

Sau cơn bão kinh hoàng xảy ra vào 1985, cũng như nhiều làng chài ven đầm phá Tam Giang khác ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, ông Minh và nhiều cư dân nhà chồ, thủy diện được Nhà nước đưa lên bờ tái định cư để hình thành nên thôn 8, xã Điền Hải hôm nay.

Thôn 8 (xã Điền Hải, huyện Phong Điền) hình thành đã gần 40 năm. Ảnh: Công Điền.

Thôn 8 (xã Điền Hải, huyện Phong Điền) hình thành đã gần 40 năm. Ảnh: Công Điền.

Dù “lên bờ” đã gần 40 năm nhưng cuộc sống của ông Phan Minh và nhiều cư dân thôn 8 vẫn gắn chặt với những con nước lớn, nước ròng của phá Tam Giang. “Sáng lên ghe đánh bắt tôm cá, cua rạm. Chiều thì thả lừ, làm trộ sáo. Nghề này có thời cha ông. Bây chừ muốn đổi nghề khác cũng khó”, ông Minh nói.

Theo ông Minh, từ mấy chục năm nay, nguồn thu nhập chính của cả gia đình ông gồm 2 vợ chồng và 4 đứa con chủ yếu dựa vào nghề khai thác, đánh bắt thủy sản trên phá Tam Giang. “Trước đây, các con còn nhỏ cần nhiều tiền để nuôi nấng nên vợ chồng phải làm quần quật cả ngày lẫn đêm. Nay cả 4 đứa con đã khôn lớn và đi làm ăn xa quê, sức khỏe cũng yếu dần nên thu nhập từ nghề chỉ đủ để 2 vợ chồng trang trải hàng ngày thôi”, ông Minh chia sẻ.

Ông Minh nhớ lại, trước kia, khi nguồn tôm cá còn dồi dào, cuộc sống của những ngư dân chài lưới như ông dù không khá giả nhưng cũng không đến nỗi thiếu thốn. Ngư dân chỉ cần sắm chiếc ghe nhỏ, mỗi ngày buông lưới cách bờ không xa là đã bắt vô vàn tôm cá và các loại thủy sinh khác như lươn, hến… Thu nhập không cao nhưng đều và ổn định nên ngư dân phần lớn chỉ muốn sống ở quê nhà, ít có tư tưởng rời làng như lớp trẻ sau này.

“Tui đánh bắt tôm cá để bà xã đưa đi bán ở các chợ quanh vùng như Cồn Gai, Vĩnh Tu, chợ Mới. Có thời điểm vợ chồng tui còn ngược ghe lên cả chợ Đông Ba, Huế để nhập hàng cho các thương lái trên đó. Ngày đó tôm cá dồi dào nên chuyện cầm về tiền triệu sau mỗi chuyến bán buôn không có gì lạ. Bây giờ, nguồn thủy sản cạn kiệt nên có cần mẫn từ sáng tới chiều tối, vợ chồng tui thu nhập tầm 200.000 – 300.000 đồng/ngày là cao lắm rồi”, ông Minh cho biết.

Các loại thủy sản từ phá Tam Giang được người dân bày bán ở chợ xã Điền Hải. Ảnh: Công Điền.

Các loại thủy sản từ phá Tam Giang được người dân bày bán ở chợ xã Điền Hải. Ảnh: Công Điền.

Khác với gia đình ông Phan Minh là lớp cư dân đầu tiên, gia đình anh Phan Sỹ và chị Lâm Thị Hải là thế hệ thứ 2 ở thôn 8 (xã Điền Hải, huyện Phong Điền), kể từ thời điểm “lên bờ” sau cơn bão năm 1985. Không như chúng bạn cùng trang lứa lần lượt bỏ nghề chài lưới, lên đường vào Nam làm công nhân. Anh Sỹ và chị Hải chọn ở lại quê nhà.

Đất đai ruộng vườn không có. Học hành thì không tới nơi, tới chốn nên vợ chồng anh Sỹ theo nghiệp chài lưới tự lúc nào không hay. Lần lượt 3 đứa con nhỏ ra đời, áp lực kinh tế đè nặng lên đôi vai vợ chồng ngư dân trẻ. Cùng may, nguồn thủy sản dồi dào của phá Tam Giang đã giúp vợ chồng anh Sỹ vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Để nuôi đàn con nhỏ đang tuổi ăn, tuổi lớn, anh Sỹ vừa chung vốn làm "ô bàu" nuôi tôm với người thân, vừa hàng ngày đánh bắt thủy sản trên phá Tam Giang để tăng thu nhập. Còn chị Hải, một buổi phụ chồng thả lưới, đặt lừ hay làm trộ sáo, buổi còn lại thì chạy chợ từ nguồn thủy sản do chồng đánh bắt được.

Từ chợ Mới (xã Điền Hải) cho tới các chợ lớn quanh vùng Quảng Ngạn, Quảng Công như Vĩnh Tu, Cồn Gai... không ngày nào là thiếu vắng bóng hình người phụ nữ tần tảo này, bất kể nắng mưa.

"Ngày chạy 2 buổi chợ nhưng thu nhập cũng chỉ được 300.000 - 400.000 đồng thôi anh à. Hôm nào may mắn có khách vãng lai thì cũng được hơn 500.000 đồng, nhưng mà hiếm lắm. Chủ yếu chỉ bán cho người dân địa phương nên lời lãi không đáng kể", chị Hải chia sẻ. 

Người dân tự ý dựng các trộ sáo trên phá Tam Giang đã ảnh hưởng đến dòng chảy. Ảnh: Công Điền.

Người dân tự ý dựng các trộ sáo trên phá Tam Giang đã ảnh hưởng đến dòng chảy. Ảnh: Công Điền.

Câu chuyện về cuộc sống của vợ chồng anh Sỹ và chị Hải hay của ngư dân Phan Minh ở thôn 8 (xã Điền Hải, huyện Phong Điền) cũng là hoàn cảnh chung của nhiều gia đình ở các làng chài vùng đầm phá Tam Giang - Cầu Hai sau ngày lên bờ định cư. Với nguồn lợi từ hàng trăm loài cá, tôm và các loài thủy sinh, nói rằng chuyện cơm áo đối với phần lớn ngư dân nơi đây không bao giờ là gánh nặng cũng không sai!.

Nhưng theo thời gian, do thiếu tính quy hoạch chiến lược đã dẫn đến người dân phát triển một cách ồ ạt, tràn lan diện tích nuôi tôm đã làm cho nguồn nước của phá Tam Giang ô nhiễm nặng. Bên cạnh đó, nạn khai thác bừa bãi, thiếu tính bền vững đã dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tưởng chừng vô tận của phá Tam Giang.

Nhức nhối nghề "hủy diệt" thủy sản

Trong câu chuyện bên phá Tam Giang cùng tôi, ngư dân Phan Minh không giấu được nỗi lo lắng của mình khi một thực tế hiển nhiên là "mỏ vàng" thủy sản nước lợ lớn nhất Đông Nam Á này đang bị suy giảm nghiêm trọng. Cá tôm tự nhiên giờ đây ngày càng hiếm dần. Đây cũng tâm trạng chung của hàng vạn cư dân làm nghề chài lưới ở vùng đầm phá này.

Ông Phan Minh bức xúc vì nạn khai thác 'hủy diệt' chưa được ngăn chặn triệt để. Ảnh: Công Điền.

Ông Phan Minh bức xúc vì nạn khai thác "hủy diệt" chưa được ngăn chặn triệt để. Ảnh: Công Điền.

Là một ngư dân lâu đời trên phá Tam Giang nên vấn nạn khai thác theo hình thức "hủy diệt" thủy sản đối với ông Minh không có gì xa lạ. Ông Minh khẳng định, hiện có các kiểu khai thác như: cào trìa, cào lươn, giã cào, xung điện... Các nghề này đã phát triển trên đầm phá Tam Giang - Cầu Hai cách đây trên 20 năm. 

Theo ông Minh, với nghề cào lươn, cào hến, các "ngư tặc", cách gọi của người dân để chỉ những người khai thác thủy sản theo kiểu tận diệt thường dùng thanh sắt tạo thành hình tam giác. Phía sau có một “đụt lươn”, buộc vào cán cào rồi đè sâu vào mặt đất khoảng 15cm; dùng đò gắn 2 máy ngày đêm nạo vét, tàn phá những thảm thực vật, động vật trên đường đi của nó.

Còn đối với giã cào, các đò thường đi theo nhóm nên rất manh động. Họ còn sử dụng đò với 2 đầu máy nên chạy rất nhanh. Đối với cách đánh bắt này, các "ngư tặc" thường sử dụng dàn lưới dài lên đến 1.500 m và thả sâu đến tận đáy, mắt lưới lại nhỏ nên các loại thủy sản tôm, cua, cá, mực lớn bé nằm giữa 2 tàu gần như bị quét sạch.

Nguy hiểm hơn, mỗi khi đi đánh bắt, các "ngư tặc" thường tổ chức thành một tổ đội để cùng nhau đối phó với lực lượng tuần tra, người dân địa phương. Nếu bị phát hiện sẽ phối hợp đánh lạc hướng lực lượng chức năng để tẩu thoát, tránh sự rượt đuổi. Đặc biệt khi bị phát hiện và xử phạt thì họ chung tiền vô nộp nên mức độ răn đe chưa cao.

Theo ông Minh, đã từng có nhiều trường hợp xảy ra xô xát hai bên gây nguy hiểm đến tính mạng. Mới đây, chỉ tính riêng ở thôn 8, xã Điền Hải đã có 2 người bị "ngư tặc" đánh trọng thương là ông Nguyễn Tần và Phan Phưởi phải vào Bệnh viện Trung ương Huế cấp cứu.

Các "ngư tặc" biết khai thác kiểu này vi phạm pháp luật nhưng vẫn bất chấp để hành nghề, bởi kiểu đánh bắt này có lợi nhuận rất cao. Ngoài ra, tâm lý của phần lớn ngư dân vẫn còn nặng kiểu “điền tư, ngư chung” nên đối với họ mặt nước là của chung, ai khai thác được tôm cá thì cứ khai thác. 

Thủy sản phá Tam Giang là nguồn lợi vô tận đối với hàng vạn cư dân ven vùng đầm phá này. Ảnh: Công Điền.

Thủy sản phá Tam Giang là nguồn lợi vô tận đối với hàng vạn cư dân ven vùng đầm phá này. Ảnh: Công Điền.

"Điều tui trăn trở nhất hiện nay không chỉ là thế hệ sau sẽ không tiếp nối nghề nghiệp truyền thống mà còn là tình trạng sử dụng dụng cụ xung điện, giã cào để khai thác thủy sản vẫn chưa được ngăn chặn triệt để. Sinh kế của bà con ngư dân chủ yếu dựa vào nghề đánh bắt trên đầm phá nhưng nguồn lợi thuỷ sản cứ cạn kiệt dần thì mai này lấy gì mà đánh bắt", ông Minh bức xúc nói.

Trước thực trạng nhức nhối trên, được sự hỗ trợ của Chi cục Bảo vệ nguồn lợi thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế và chính quyền địa phương, người dân lập thôn 8 (xã Điền Hải, huyện Phong Điền) đã thành lập tổ tự quản ngăn chặn "ngư tặc". Để có phương tiện tuần tra, bà con ngư dân thôn 8 còn cùng nhau đóng góp để làm một chiếc đò dùng tuần tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản cho phá Tam Giang.

Ông Phan Mười, Chủ tịch chi hội nghề cá thôn 8 cho biết, từ khi có đội tự quản thì việc dùng xung điện, giã cào hến, lươn bằng máy trên địa bàn do chi hội quản lý giảm hẳn. Nhờ đó, nguồn lợi thủy sản trên đầm phá phát triển tốt hơn.

"Đến nay, đội đã bắt được hàng trăm thuyền khai thác trái phép trên phá giao cho xã, huyện xử lý. Tuy nhiên do kinh phí hạn hẹp trước đây một tuần có thể tuần tra 3 lần nhưng nay phải giảm xuống một tuần một lần do giá xăng tăng cao", ông Mười cho hay.

Với diện tích trên 22.000 ha mặt nước, trải dài qua 5 huyện Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Phú Vang, Phú Lộc, hệ thống đầm phá Tam Giang - Cầu Hai là vùng đất ngập mặn lớn nhất Đông Nam Á. Đầm phá này có hệ sinh thái đa dạng phong phú, nơi sinh tồn của hàng ngàn loài thủy sinh có giá trị kinh tế.

Hiện có khoảng 300 nghìn cư dân sinh sống ở xung quanh vùng đầm phá này. Đời sống của các hộ dân từ bao đời nay gắn liền với việc khai thác trực tiếp hoặc gián tiếp nguồn tài nguyên trong đầm phá hoặc ven phá.

Xem thêm
Thời tiết thất thường, người nuôi tôm lo dịch bệnh

HÀ TĨNH Thời tiết nắng mưa xen kẽ làm môi trường nước thay đổi đột ngột, là điều kiện phát sinh dịch bệnh trên tôm nuôi.

Tặng quà 'cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'

KIÊN GIANG Ban tổ chức Chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển' đã trao tặng 200 phần quà cho ngư dân Kiên Giang những vật dụng thiết thực khi đi biển.

Xuất khẩu thủy sản nhiều áp lực, VASEP mong tạo cơ chế mở cho doanh nghiệp

Giá xuất khẩu thấp, áp lực cạnh tranh lớn, nguy cơ ‘đói’ nguyên liệu…, bức tranh xuất khẩu thủy sản dự báo nhiều khó khăn nếu không có những giải pháp tháo gỡ ngay.

Hơn 220 suất quà có ý nghĩa đến với ngư dân Quảng Ngãi

Những suất quà là nguồn cổ vũ, động viên để giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển, góp phần xây dựng ngành thủy sản Việt Nam phát triển bền vững.

Bình luận mới nhất