| Hotline: 0983.970.780

Ngư dân rối bời vì thiết bị giám sát hành trình trục trặc

Thứ Sáu 17/05/2024 , 06:19 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Gần tháng nay, hàng trăm tàu cá xa bờ của ngư dân Quảng Bình bị mất kết nối thiết bị giám sát hành trình nên khó vươn khơi vì sợ bị xử lý vi phạm.

Phía bờ sông Nhật Lệ, đoạn gần cửa biển, hàng chục tàu cá xa bờ phải neo đậu đợi ngày được vươn khơi. Ông Đào Xuân Vinh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới, Quảng Bình), nói với chúng tôi: “Rất khó vì hiện tại ngư dân có gần 200 tàu đánh bắt xa bờ đang trong giai đoạn bị mất mạng và thiết bị giám sát hành trình (VMS) không thể hoạt động được. Việc này đồng nghĩa với ngư dân bị “cấm biển”, bởi xuất bến, ra khơi là không thể. Chỉ khi nào thiết bị hoạt động trở lại thì mới đủ điều kiện ra khơi. Nhưng chưa thể biết được lúc nào…".

Do mất kết nối thiết bị giám sát hành trình nên nhiều tàu cá ngư dân phải neo bờ. Ảnh: T. Đức.

Do mất kết nối thiết bị giám sát hành trình nên nhiều tàu cá ngư dân phải neo bờ. Ảnh: T. Đức.

Chạy tìm sóng điện thoại mất 20 triệu đồng

Theo Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình, hiện toàn tỉnh có gần 1.200 tàu cá được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình theo quy định. Trong đó, có trên 700 tàu cá sử dụng dịch vụ mạng của Trung tâm kinh doanh VNPT Quảng Bình…

Trong gần một tháng qua, do lỗi kỹ thuật nên hệ thống mạng dịch vụ của bên VNPT trục trặc, tín hiệu lúc có lúc không và mất hẳn trong nhiều ngày. Ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình cho hay, việc hàng trăm tràu cá đang hoạt động trên biển bị mất tín hiệu với trạm bờ đã gây khó khăn cho việc quản lý.

"Ngoài ra, những tàu cá về bờ nghỉ ngơi muốn đi tiếp chuyến biển cũng không thể được vì thiếu điều kiện xuất bến", ông Lê Ngọc Linh nói thêm.

Theo bà Trương Thị Hoàng Yến, Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh VNPT Quảng Bình (Tổng Công ty Dịch vụ Viễn thông), trong vòng một tháng nay, tín hiệu từ vệ tinh bị trục trặc lỗi kỹ thuật nên dịch vụ cung cấp nhiều lúc không thể thực hiện được. Do đó, tàu cá của người dân sử dụng dịch vụ của VNPT đã bị gián đoạn tín hiệu liên tục hoặc mất tín hiệu kéo dài.

"Đây là trường hợp bất khả kháng nên chúng tôi mong bà con ngư dân chia sẻ trong giai đoạn này. Khi lỗi được khắc phục, chúng tôi sẽ tiếp tục phục vụ bà con ngư dân", bà Yến nói.

Tại xã Bảo Ninh (TP Đồng Hới), gần 200 tàu cá đang hoạt động thì bị mất tín hiệu thiết bị giám sát hành trình khiến ngư dân đang trên tàu và người thân ở đất liền lo lắng đến mất ăn mất ngủ. Ông Nguyễn Văn Hậu, ngư dân thôn Trung Bính (xã Bảo Ninh), cho hay, trong thôn hiện có 12 tàu đang hoạt động đánh bắt ở vùng biển xa mà không liên lạc được nên ai cũng lo lắng.

"Trung bình mỗi tàu có 7 ngư dân thì đã có khoảng trên 80 gia đình có người thân trên biển không liên lạc được. Điều này khiến bà con ở nhà như chúng tôi thật đứng ngồi không yên. Trong khi trận dông lốc trên biển vào tháng trước làm nhiều ngư dân mất tích càng làm cho chúng tôi lo lắng tột cùng", ông Hậu chia sẻ.

Nhiều chủ tàu đã sắm ngư lưới cụ mới nhưng chưa thể vươn khơi được. Ảnh: T. Đức.

Nhiều chủ tàu đã sắm ngư lưới cụ mới nhưng chưa thể vươn khơi được. Ảnh: T. Đức.

Ngư dân Nguyễn Thanh Minh (thôn Trung Bính), vừa đi chuyến khai thác về nghỉ và đang chuẩn bị cho chuyến biển xa tiếp theo. Chuẩn bị đầy đủ lương thực, thực phẩm, dầu đèn… cho chuyến đi nhưng thiết bị giám sát hành trình bị trục trặc khiến anh phải hủy chuyến. Chiều chiều, anh ra bến sông nhìn con tàu đang neo mà chạnh lòng nhớ khoản tiền vay mua sắm ngư lưới cụ.

“Không biết khi nào thì tàu được ra khơi, chứ phải nằm bờ thế này thì ngư dân sẽ gặp khó khăn nhiều. Trong khi mùa biển thì vẫn đang tốt. Mong sao, cấp trên có giải pháp cho bà con ngư dân chúng tôi ra khơi trong nay mai”, anh Minh hy vọng.

Không chỉ tàu khai thác của ngư dân gặp khó, tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá cũng nằm trong tình trạng… bí đường đi. Anh Nguyễn Hải Linh là chủ của 2 tàu hậu cần chuyên cung ứng vật tư đi biển cho bà con và thu mua hải sản trên biển.

Anh Linh cho hay, có những chuyến biển bình thường thì mỗi ngày cũng phải liên lạc về đất liền ít nhất 5 cuộc gọi. Trong đó, quan trọng nhất là việc nhận thông tin giá cả hàng thủy sản để điều chỉnh giá thu mua hoặc phải về ngay để bán vì thủy sản nào đó đang xuống giá, lên giá.

“Để có thể liên lạc được với nhau, tàu của hoặc ngư dân ở ngư trường xa phải chạy về đến gần khu vực đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) mới có sóng điện thoại để liên lạc với bờ. Tính ra chạy đi về gần tấn dầu, chi phí cũng xém 20 triệu đồng rồi”, anh Linh nói.

Dù có thiết bị VX 1.700 hoạt động là có thể ra khơi, nhưng nhiều ngư dân vẫn lo lắng. Ảnh: T. Đức.

Dù có thiết bị VX 1.700 hoạt động là có thể ra khơi, nhưng nhiều ngư dân vẫn lo lắng. Ảnh: T. Đức.

Tại xã Đức Trạch (huyện Bố Trạch), ngư dân cũng đang phân vân, lo lắng vì thiết bị giám sát hành trình bị ngắt. Bà Hồ Thị Hoa, Chủ tịch UBND xã Đức Trạch cho hay, địa phương cũng có trên 200 tàu đánh bắt xa bờ. Khi nhà cung cấp dịch vụ bị mất sóng, hàng chục ngư dân, người thân đã lên trụ sở chính quyền xã để hỏi và định tổ chức vào tận trụ sở Trung tâm kinh doanh VNPT Quảng Bình (VNPT Quảng Bình), để hỏi “cho ra nhẽ”. Chính quyền địa phương đã động viên người dân bình tĩnh chờ các cấp lãnh đạo xử lý hỗ trợ.

“Bà con ở đây thắc mắc là đã hợp đồng cung cấp dịch vụ thì phía VNPT Quảng Bình phải có trách nhiệm cùng bà con tháo gỡ chứ không thể vô tình như vậy được. Bà con mong muốn phía doanh nghiệp hỗ trợ một phần kinh phí để lắp thiết bị của đơn vị dịch vụ khác nhằm đảm bảo đưa tàu vươn khơi bám biển trong thời gian ngắn nhất có thể”, bà Hoa cho hay.

Sử dụng thiết bị VX 1.700 để ra khơi

Theo ông lê Ngọc Linh, trước khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, các tàu khai thác biển xa đều lắp đặt thiết bị bộ đàm tầm xa (VX 1.700). Dùng thiết bị này, cứ 6 giờ đồng hồ, tàu cá ngư dân phải nhấn nút liên lạc để trạm bờ (Chi cục Thủy sản Quảng Bình), tiếp nhận thông tin và biết được tàu cá đang ở tọa độ nào trong khu vực. “Như vậy, tại Quảng Bình có trên 1.000 tàu cá đang lắp đặt và sử dụng thiết bị này có thể được hỗ trợ để xuất bến, vươn khơi”.

Ông Đoàn Ngọc Lâm, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Bình cũng cho hay, sau khi nghe các cơ quan báo cáo cụ thể việc mất kết nối thiết bị giám sát hành trình, tỉnh đã chỉ đạo các ngành khẩn trương tháo gỡ cho bà con ngư dân.

“Chúng tôi chỉ đạo các ngành nông nghiệp, bộ đội biên phòng… hỗ trợ bà con ngư dân sử dụng thiết bị VX 1.700 để ra khơi và tỉnh sẽ xem xét chỉ đạo các đơn vị cung cấp dịch vụ có giải pháp sớm nhất”, ông Đoàn Ngọc Lâm nói thêm.

Trạm bờ của Chi cục Thủy sản Quảng Bình đang hỗ trợ bà con ngư dân trong việc xác định tọa độ, hành trình tàu cá trên biển. Ảnh: T. Đức.

Trạm bờ của Chi cục Thủy sản Quảng Bình đang hỗ trợ bà con ngư dân trong việc xác định tọa độ, hành trình tàu cá trên biển. Ảnh: T. Đức.

Ông Lê Ngọc Linh cũng cho biết thêm, tàu cá ngư dân có đủ điều kiện ra khơi khi thiết bị VX 1.700 đang hoạt động tốt và chủ tàu viết cam kết không vi phạm các quy định khi khai thác thủy sản trên biển. “Các chủ tàu cũng phải tuân thủ quy tắc và chấp hành tốt việc liên lạc từ thiết bị VX 1.700 với trạm bờ theo quy định”, ông Linh nói.

Trước giải pháp này, nhiều tàu cũng đã ra khơi để tranh thủ vụ cá giữa năm. Tuy nhiên, nhiều chủ tàu vẫn còn lo lắng. Ngư dân Lê Văn Hoan (xã Đức Trạch) cho rằng, thiết bị VX 1.700 vẫn đang lắp đặt trên tàu như do thời gian đã lâu không sử dụng nên chưa thể biết được thiết bị này còn hoạt động tốt hay không.

“Với lại, vào cùng thời điểm liên lạc theo giờ với trạm bờ thì sẽ có nhiều máy và việc bị quá tải cũng đã từng xảy ra. Khi đó, ngư dân chúng tôi cũng không thể làm gì hơn ngoài việc đợi may rủi”, ngư dân Hoàn bộc bạch.

Để kịp thời ra biển vì chưa thể biết thời gian nào thiết bị giám sát hành trình hoạt động trở lại, nhiều ngư dân đã chi khoảng 20 triệu đồng để đăng ký lắp đặt thiết bị và dịch vụ của nhà cung cấp khác đang hoạt động tốt.

Theo ông Linh, đơn vị đang hỗ trợ tối đa cho hơn 50 tàu cá chuyển gói dịch vụ lắp đặt thiết bị giám sát hành trình của nhà cung cấp khác ngoài VNPT. “Chúng tôi cũng chia sẻ và động viên ngư dân nếu có điều kiện cũng chuyển hướng như vậy nhằm đảm bảo tốt các điều kiện để vươn khơi”, ông Linh cho hay.

Ngư dân Hồ Văn Trung sau khi đã đăng ký và hợp đồng lắp thêm thiết bị giám sát hành trình mới chia sẻ: "Chúng tôi cũng phải chủ động trong việc đảm bảo cho những chuyến hành trình dài ngày trên biển. Chỉ mong muốn nhà cung cấp dịch vụ của VNPT Quảng Bình có chính sách hỗ trợ cho bà con thì sẽ tốt hơn”.

Ngày 15/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 49/CĐ-TTg yêu cầu tập trung phát hiện, điều tra và xác minh thông tin để xử lý vi phạm quy định về Hệ thống giám sát hành trình tàu cá (VMS).

Thủ tướng giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ: Thông tin và Truyền Thông, Tư pháp, Giao thông vận tải, Công an, Quốc phòng và các UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển rà soát lại toàn bộ hệ thống VMS (bao gồm cả phần cứng và phần mềm), tiếp tục bổ sung các tính năng quản lý tàu cá nhằm đảm bảo phát hiện ngay, kịp thời các trường hợp tự ý ngắt kết nối, tháo gửi thiết bị VMS sang các tàu khác, hoàn thành trong quý III/2024.

Xem thêm
Một xã thu gần 540 tấn cá lồng bè mỗi năm, doanh thu 30 tỷ đồng

HÒA BÌNH Xã Suối Hoa (huyện Tân Lạc, Hòa Bình) nuôi 609 lồng cá trên sông Đà, mỗi năm cho thu hoạch gần 540 tấn cá, doanh thu ước đạt 30 tỷ đồng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.