| Hotline: 0983.970.780

Ký ức hãi hùng đối đầu với 'vòi rồng' Trung Quốc

Thứ Ba 02/06/2015 , 06:15 (GMT+7)

Dù đã về bờ an toàn sau khi bị tàu Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng, nhưng chủ tàu cá mang số hiệu BĐ-96680 TS, ngư dân La Văn Quen vẫn còn nguyên nét hãi hùng trên gương mặt.

Cuộc chiến với "vòi rồng"

Cái dáng rũ rượi của ngư dân La Văn Quen (44 tuổi) ở thôn Thiện Chánh, xã Tam Quan Bắc (Hoài Nhơn - Bình Định), nằm dài trên hiên nhà trông thật thảm hại. Nhìn gương mặt thất thần của anh, chưa hỏi thăm tôi cũng có thể đoán sự cố mà tàu cá của anh gặp phải trong chuyến biển vừa rồi hãi hùng đến nhường nào.

Theo lời kể của anh Quen, chiếc tàu cá mang số hiệu BĐ-96680 TS chuyên hành nghề câu cá ngừ dại dương của anh cùng 6 thuyền viên mở cửa biển tại Cảng cá Tam Quan (Hoài Nhơn - Bình Định) vào ngày 7/5 vừa qua.

Khi tiếp cận ngư trường, mới chỉ đánh bắt được hơn 10 con cá ngừ đại dương cùng một ít cá nhỏ khác thì bị tàu Trung Quốc tấn công.

Vào khoảng 7 giờ sáng ngày 25/5, tàu cá của anh Quen đang đánh bắt tại tọa độ 15o00N và 112o50E thuộc vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam thì bỗng có 1 chiếc tàu Trung Quốc xuất hiện, dùng vòi rồng tấn công.

“Chiếc tàu Trung Quốc dài khoảng 30m, rộng 20m, sơn màu xám trắng, treo cờ Trung Quốc và trên tàu có ghi dòng chữ CHINA. Phía sau chiếc tàu này có trang bị vũ khí và được phủ bạt lên trên”, anh Quen nhớ lại.

Ban đầu, chiếc tàu cá của Trung Quốc ra sức rượt đuổi tàu cá của anh Quen. Sau 1 tiếng rưỡi đồng hồ quần thảo trên biển, vì tàu nhỏ, công suất yếu hơn nên tàu cá của anh Quen bị tàu Trung Quốc áp sát và tấn công bằng vòi rồng.


Anh Quen rầu rĩ ngồi trước hiên nhà

“Lúc bị rượt đuổi, tui động viên anh em cố chạy nhưng không thoát. Khi bị tấn công bằng vòi rồng, chiếc tàu của tui dù cũng dài đến 18m, ngang 5,5m, có công suất 420CV vẫn không chịu nổi dòng nước hung hãn.

Dòng nước chạm vào chỗ nào là thổi bay chỗ đấy. Chạm vào kiếng, kiếng vỡ. Chạm vào ván, ván bay”, anh Quen kể thêm.

Lúc bị tấn công, mọi thiết bị trên tàu của anh Quen như máy định vị, bộ đàm, máy nhắn tin đều bị ướt nên chiếc tàu bị nạn không thể liên lạc với tàu bạn và về đất liền.

Giàn câu, giàn đèn cao áp trên mui tàu, thúng đi biển đều bị nước thổi tung xuống biển. Khi ấy còn mỗi mình anh Quen bám trụ bên bánh lái để điều khiển con tàu khỏi bị lật úp, các thuyền viên khác đều kiếm chỗ nấp để tránh vật dụng trên tàu bay chém vào người gây thương vong.

Sau 2 đợt bị tấn công bằng vòi rồng, chiếc tàu của anh Quen bị nước vào ngập, chao đảo muốn chìm. May là tàu Trung Quốc không tấn công đợt 3 nên mạng sống của các thuyền viên trên tàu mới được bảo toàn.

Tôi hỏi: “Tàu của anh bị tấn công trong bao lâu?”. Anh Quen nói: “Lúc đó cái chết cận kề ai đâu đi tính thời gian. Muốn tính cũng không được, vì chiếc đồng hồ trên tay tôi bị vòi rồng thổi tung bể toác”.

Thiệt hại đủ bề

Sau khi tấn công, chiếc tàu của Trung Quốc bỏ đi. Anh em thuyền viên trên tàu BĐ-96680 TS dồn sức bơm nước đến gần 2 tiếng đồng hồ để tàu khỏi bị chìm. Nhìn chiếc tàu xơ xác lòng anh Quen đau như cắt.


Giàn đèn cao áp trên tàu anh Quen đã bị vòi rồng hất tung xuống biển 

“Không chỉ vậy, trong lúc bị tàu Trung Quốc tấn công bằng vòi rồng, 1 thuyền viên trên tàu bị nước quật vào thành tàu bị thương. Bây giờ anh em ai nấy đều hoảng hồn, đòi nghỉ. Tui lo tàu sửa chữa xong không có bạn để tiếp tục bám biển”, ngư dân La Văn Quen lo lắng.

Không còn ngư lưới cụ, giàn đèn đã bay tuốt, thiết bị liên lạc cũng hư hỏng. Chiếc tàu thì kiếng vỡ, ván bung, thuyền trưởng La Văn Quen cùng thuyền viên khắc phục tạm và cho tàu quay vào bờ.

Không còn thiết bị liên lạc, chiếc tàu đi như người mù lần dò trên biển. Đến 13g30 ngày 29/5 thì tàu BĐ-96680 TS của anh Quen cập bờ an toàn.

Theo tính toán của anh Quen, tổng thiệt hại của chiếc tàu lên đến gần 200 triệu đồng. Đã thế còn bị lỗ tổn. Anh Quen than thở: “Tổn của chuyến biển này là 105 triệu đồng. Chỉ mới đánh bắt được hơn chục con cá nên khi cập bờ, bán sản phẩm xong trừ tổn còn lỗ 40 triệu đồng.

Bây giờ tàu hư hết, con trăng tới tàu phải nằm bờ để sửa chữa, gánh nặng chi phí sửa chữa con tàu và chi phí sinh hoạt cho gia đình cùng tiền gửi hàng tháng cho đứa con học đại học trong TP.HCM đang như cái núi đá trong lòng tui”.

Chiếc tàu BĐ-96680 TS anh Quen mới tậu được cách đây 3 năm với chi phí 1,4 tỷ đồng, hầu hết là tiền vay chủ nậu. Mấy năm nay giá cá ngừ đại dương cứ bấp bênh, thu nhập của những chuyến biển không có dư dả nhiều để trả nợ nên bây giờ khoản nợ sắm tàu còn khá nhiều.

Giờ tàu hư hỏng không vươn khơi được, anh Quen lo mình sẽ trở thành “chúa chổm”.

Xem thêm
Sống lại ký ức hào hùng trên tuyến đường 1C huyền thoại

KIÊN GIANG Tuyến đường 1C nối đường Hồ Chí Minh trên bộ nhằm vận chuyển hàng hóa, vũ khí, thuốc cứu thương, nhu yếu phẩm và đưa rước cán bộ chi viện cho chiến trường miền Nam.

Syngenta tập huấn kỹ thuật, sử dụng drone an toàn, hiệu quả tại ĐBSCL

Vĩnh Long Ngày 26/4, tại Vĩnh Long, Công ty TNHH Syngenta Việt Nam tổ chức tập huấn cho 230 người điều khiển máy bay phun thuốc BVTV, cách sử dụng an toàn và hiệu quả tại ĐBSCL.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Bưu điện Việt Nam sẵn sàng 18.000 tỷ đồng chi trả lương hưu tháng 5

Bưu điện Việt Nam chuẩn bị nguồn lực sẵn sàng phục vụ chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội (BHXH) tháng 5/2024 cho hơn 3,3 triệu người sau kỳ nghỉ lễ 30/4.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm