| Hotline: 0983.970.780

Ký ức tuổi thơ trong dòng âm nhạc cách mạng

Thứ Sáu 04/09/2020 , 13:10 (GMT+7)

Nữ nhạc sĩ Trương Tuyết Mai là tác giả của các ca khúc “Xe ta ơi, lên đường”, “Ơi anh giao liên”, “Nụ cười chiến thắng”, “Huế - tình yêu của tôi”….

Nữ nhạc sĩ Trương Tuyết Mai.

Nữ nhạc sĩ Trương Tuyết Mai.

Tôi được làm quen với âm nhạc từ những ngày còn nằm nôi, bằng những câu hát ru dìu dặt đêm đêm của má tôi. Bà có giọng hát rất hay, đặc biệt là hát được các điệu ru ba miền Nam - Trung - Bắc. Vào những chiều mưa gió hay đêm đông lạnh lẽo, giọng hát bà nghe càng ấm nồng, tha thiết. Có thể nói, khung trời đầu tiên cho tuổi thơ tôi mơ ước là từ câu ru của mẹ.

Mỗi khi nhớ lại, lời ru và giọng hát của bà như vẫn vang lên ấm áp, dịu dàng: “Một mai ai chớ bỏ ai. Chỉ thêu nên gấm, sắt mài nên kim”, “Chiều chiều ra đứng ngõ sau. Ngó về quê mẹ ruột đau chín chiều” hoặc “Tưởng giếng sâu, tôi thả sợi dây dài. Ngờ đâu giếng cạn, tiếc hoài sợi dây”. Ðặc biệt, trước và sau mỗi câu hát lại có thêm những chữ đệm: hời,hời, à ơi, ầu ơ… nghe hoài dễ buồn ngủ lắm.

Lớn hơn một chút, tôi được đón nhận làn sóng âm nhạc cách mạng vô cùng phong phú do ba tôi và các chú bộ đội truyền dạy. Họ hát rất hay những bài như “Xếp bút nghiên”, “Lên đàng”, “Hồn tử sĩ”, “Du kích ca”, “Ðoàn vệ quốc quân”, “Chiến binh ca vũ khúc”, “Bình Trị Thiên khói lửa”... Nhờ vậy tôi mới biết những bài hát đó. Tôi náo nức chờ đợi ba tôi và các chú về thăm để được học thêm bài hát mới. Rồi tôi sẽ chạy đi khoe các bạn, và cùng nhau hát múa dưới đêm trăng.

Có điều gì như xui khiến tôi yêu mến những bài hát cách mạng vô cùng. Với trí tưởng tượng non nớt lúc bấy giờ, các bài hát ấy đều mang hình ảnh của ba tôi và các chú bộ đội, hùng dũng, hiên ngang trong đoàn quân chiến đấu gìn giữ quê hương.

Những bài hát ấy đã làm tôi thắc mắc rất nhiều. Tôi băn khoăn suy nghĩ mãi không biết bài hát ở đâu ra, và làm thế nào để có nó. Tôi đành thầm an ủi bằng cách tự giải thích cho mình: “Muốn làm một bài hát mới, người ta chỉ cần lấy từ nhiều bài hát cũ, mỗi bài một câu, rồi sắp xếp lại theo thứ tự mình muốn là xong”.

Nhưng tôi lại không hài lòng về cách giải thích đó vì muốn làm được như vậy thì cũng phải có những bài hát đầu tiên chứ. Vậy những bài hát đầu tiên từ đâu ra?... Tôi thắc mắc và luẩn quẩn trong cách tự giải thích rất ngô nghê của một đứa trẻ chưa được học hành. Ðành gác lại thắc mắc của mình về sự có mặt của các bài hát, vì chẳng có ai giải thích cho tôi hiểu được tận tường.

Năm 1955, tôi là học sinh miền Nam tại Hải Phòng. Tôi được sống trọn vẹn tuổi thơ của mình trong tình thương yêu, chăm sóc, dạy dỗ của các thầy cô, chị phụ trách và má bảo mẫu. Tôi lớn lên tươi xanh, mơn mởn như một cây giống được chăm sóc tốt. Nhưng nỗi nhớ quê hương và người mẹ thân yêu cứ day dứt khôn nguôi.

Vốn hiền lành ít nói, tôi thích im lặng quan sát hơn ồn ào sôi nổi, nên thường bị cô giáo chủ nhiệm nhận xét trong bản danh dự dành riêng cho học sinh giỏi mỗi tháng một câu ngắn không bao giờ thay đổi: “Chưa hòa mình với bạn”. Đó cũng là điểm yếu lớn và duy nhất của tôi ở tuổi học trò.

Tính tình như vậy nhưng tôi lại có mặt trong ban cán sự lớp, với nhiệm vụ chuyên trách văn nghệ. Vào mỗi buổi học, chúng tôi phải ổn định trật tự xong trước khi thầy cô vào lớp. Tôi làm lớp phó văn nghệ, phải tạo hoạt động sôi nổi trong mười lăm phút bằng cách bắt giọng cho cả lớp hát. Hết bài này đến bài khác. Các lớp kề nhau cũng hát oang oang như ngầm thi xem lớp nào hát to và hay hơn. Số bài được hát trong các giờ ấy của học sinh miền Nam chắc nhiều vô kể.

Tôi còn nhớ những bài lớp nào cũng thuộc như: “Lực lượng ta”, “Hò kéo pháo”, “Giữ mãi tuổi xuân”, “Hà Nội - Bắc Kinh - Mạc Tư Khoa”, “Nhạc rừng”, “Chiến binh ca vũ khúc”, “Giải phóng Ðiện Biên”, “Tiến về thủ đô”... Những lễ lớn như ngày 19/5, ngày 2/9, ngày khai giảng và bế giảng năm học, hoạt động văn nghệ của các khối, lớp càng đình đám hơn. Cả trường tràn ngập không khí náo nức, tưng bừng như chuẩn bị cho ngày hội lớn.

Những bài hát nói về miền Nam, về quê hương hay tình mẹ, tôi đều đặc biệt yêu thích và xúc động mỗi khi hát. Bài “Chim ơi nhắn giúp”, “Miền Nam thân yêu”, “Con thuyền thống nhất”, “Ðất nước một dải”, “Chờ con má nhé”, “Nghe tiếng quê hương”, “Liên khu Năm yêu dấu”, “Du kích sông Thao”, “Trường chinh ca”...  là những bài ruột của tôi.

Nhớ mùa hè năm 1958, tôi thi đơn ca thiếu niên toàn thành phố Hải Phòng với bài “Chờ con má nhé” của nhạc sĩ Võ Bài. Mới hát được một nửa bài tôi đã khóc nghẹn ngào trên sân khấu không thể hát tiếp. Trước mắt tôi là bóng dừa xanh, là cầu tre lắt lẻo, là con đò, dòng sông, là má tôi không còn nữa... Tất cả đều rất thực và cũng rất xa vời, cho tôi thương nhớ da diết và thiết tha gặp lại. Không ngờ ban giám khảo đã thông cảm và cho phép tôi được thi lại sau đó.

Tháng 12/1958 có một kỷ niệm sâu sắc trong đời tôi. Mấy đêm liền, đội văn nghệ Hiệu đoàn trường học sinh Miền Nam số Bốn và số Sáu phối hợp với đoàn kịch nói Nam Bộ biểu diễn tại hội trường Lương Khánh Thiện thành phố Hải Phòng. 

Chương trình gồm có hát, múa, kịch nói và những hợp xướng khá hoành tráng nữa. Các tiết mục tuy còn non yếu về chất lượng nghệ thuật nhưng lại rất dược cảm tình khán giả, bởi lý do đơn giản tất cả diễn viên đều là nghệ sĩ và con em miền Nam tập kết. Chúng tôi đang hướng trọn lòng mình về miền Nam. Chúng tôi hát múa, diễn kịch nói về quê hương yêu dấu, anh dũng và bất khuất của mình.

Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai thời trẻ, qua nét ký họa của Huỳnh Phương Đông.

Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai thời trẻ, qua nét ký họa của Huỳnh Phương Đông.

Mấy ngày sau tôi được biết khán giả đã dành tình cảm đặc biệt cho hai tiết mục hợp xướng có hiệu quả khá tốt là “Con thuyền thống nhất” và “Ðất nước một dải”. Ngoài lý do tiết mục hay, còn có một chút gì ngồ ngộ khiến người ta thích thú. Đó là đứa nhỏ quàng khăn đỏ chỉ huy dàn hợp xướng và dàn nhạc trên trăm người.

Thực ra, để dàn hợp xướng biểu diễn đạt hiệu quả tốt, nhà trường đã huy động tất cả các khối, lớp tham gia, gồm những học sinh có khả năng văn nghệ, nhất là phải có giọng ca tốt, đồng thời kết hợp với hợp xướng và dàn nhạc của trường học sinh miền Nam số Sáu. Ðứa nhỏ được nhà trường chỉ định làm công việc quan trọng đó là tôi.

Lần đầu tiên tôi liều mạng nhận làm một việc lớn quá sức mình, bởi trước đó tôi chỉ mới thử dàn dựng và chỉ huy hợp xướng của trường số Bốn vào mỗi chiều thứ năm hàng tuần mà thôi. May mắn sao, mọi việc đều tốt đẹp ngoài sức tưởng tượng của tôi.

Từ một đứa trẻ biết cảm nhận đôi điều trong lời ru của mẹ, biết yêu và tự hào về những hình ảnh trong các bài ca cách mạng do ba truyền dạy, rồi lớn lên hát múa với bạn bè, làm quản ca của lớp, có khi chỉ huy tập luyện và dàn dựng những hợp xướng lớn cho ban văn nghệ nhà trường.

Tôi đã dò dẫm, mon men đến với âm nhạc như vậy đó. Tình yêu tôi dành cho âm nhạc ngày càng đậm đà.

Đến khi tôi chợt nhận ra âm nhạc có tiếng nói riêng thật độc đáo. Bằng âm thanh, nhịp điệu, nó có thể diễn đạt được trạng thái xã hội và tình cảm con người khi ngôn ngữ bất lực. Và tôi càng yêu âm nhạc tha thiết hơn.

Tôi bắt đầu mơ mộng: “Giá như mình làm ra được bài hát, nhất định bài đầu tiên sẽ viết về má thân yêu. Bài thứ hai sẽ viết về quê hương miền Nam. Còn bài thứ ba… sẽ tính sau!”

Diễn đạt được những suy nghĩ và tình cảm của mình bằng âm nhạc thì sung sướng biết bao! Mơ ước đó đã thành niềm hy vọng thầm kín, ấp ủ trong tôi ngày càng rõ nét. Tôi muốn tự mình nói lên những điều đã nhận biết bằng ngôn ngữ âm nhạc. Nhưng để làm được việc đó thì không hề đơn giản.

Con đường đi đến với âm nhạc trước mắt tôi mịt mù, thăm thẳm. Nhưng tôi biết âm nhạc sẽ luôn là ước mơ, là niềm khao khát vẫy gọi tôi không ngừng vươn tới phía trước.

Và đến hôm nay, tôi đã vinh hạnh được dự phần vào dòng âm nhạc cách mạng với những ca khúc "Xe ta ơi, lên đường", "Nụ cười chiến thắng", "Ơi, anh giao liên", "Huế - tình yêu của tôi"...

Xem thêm
Phim Việt tạo dấu ấn trong dịp nghỉ lễ 30/4 - 1/5

Với dịp nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, bên cạnh các hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trời, đến rạp phim cũng là một lựa chọn không tồi dành cho các gia đình.

Nhận định Man United vs Burnley: Thắng để hy vọng

Trận đấu giữa Man United vs Burnley trong khuôn khổ vòng 35 Premier League sẽ diễn ra vào lúc 21h00 ngày 27/4/2024 trên sân vận động Old Trafford.

Các huyền thoại Brazil thua đậm trước Quang Hải và đồng đội

Đội bóng của huyền thoại Rivaldo để thua đậm trước CLB Công an Hà Nội trong trận giao hữu diễn ra vào chiều 29/4

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất