Mùa cây lá “ngủ đông”
Trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, tôi có dịp lên thăm vùng trồng cây dược liệu của Công ty Dược - Trang thiết bị y tế Bình Định (BIDIPHAR) tại thôn 3, xã An Toàn (huyện An Lão, Bình Định). Đứng trước cảnh “điêu tàn” của những vùng trồng cây dược liệu, tôi không giấu được sự ngạc nhiên. Trong khu vực trồng cây chè dây “Thực hành tốt nuôi trồng và thu hái dược liệu” theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO), tôi thấy những cây chè trụi lá, chỉ còn trơ những “bộ xương” nằm xếp hàng dưới đất. “Khu chè dây này chết hết hay sao vậy?”, tôi buộc miệng hỏi. Anh Bùi Ngọc Hân, cán bộ phụ trách kỹ thuật Ban Quản lý Dự án dược liệu sạch của BIDIPHAR, vừa cười vừa nói: “Không phải đâu, chúng “ngủ đông” đó, qua Tết là chúng lại phát triển xanh tươi trở lại”.
Theo giải thích của anh Hân, ở vùng cao An Toàn, bắt đầu vào mùa mưa là sương muối bắt đầu xuất hiện. Càng về cuối tháng Chạp sương muối càng dày. Chiều, sương mù bao phủ khắp bầu trời An Toàn, trời trở lạnh, hôm sau nắng lên là sương muối xuất hiện. “Từ tháng 10 âm lịch đến giữa tháng Chạp năm Tân Sửu 2021, trên địa bàn thôn 3, vùng cao nhất của xã An Toàn đã xuất hiện 10 đợt sương muối, nhiều hơn những năm trước đây”, anh Hân thông tin.
Quan sát, tôi thấy không chỉ những khu vực trồng cây dược liệu tiêu điều, ngay cả những cây bơ trồng chung quanh khu dược liệu cũng xơ xác, bởi sương muối đã làm chết hết lá. Chỉ có rau má mọc bên rìa các khu trồng dược liệu là tươi tốt, hỏi ra thì biết cây rau má lại hợp với sương muối. “Trong mùa đông, cây bị sương muối làm chết lá nhưng bộ rễ vẫn phát triển. Qua mùa xuân cây tích tụ đủ dưỡng chất sẽ phục hồi trở lại”, anh Hân giải thích thêm.
Theo đánh giá nguồn dược liệu của BIDIPHAR, hàm lượng dược chất trong cây dược liệu tại vùng cao An Toàn cao hơn 5 - 7% so với dược điển. Bởi, theo ngành chuyên môn, khí hậu và điều kiện tự nhiên tại An Toàn giúp cho các loại cây dược liệu tích được nhiều hoạt chất, đây là điều kiện tiên quyết để nhà sản xuất có được các loại thuốc Nam dược và thực phẩm chức năng chất lượng. Nhược điểm duy nhất của khí hậu ở An Toàn là mỗi năm có mấy tháng sương muối hoành hành, đồng nghĩa cây dược liệu trồng ở đây phải mất mấy tháng “ngủ đông” không thể phát triển.
“Vào mùa mưa khí hậu ở An Toàn rất lạnh, các loại cây dược liệu bước vào giai đoạn ngủ, tuy nhiên chúng vẫn tích lũy dưỡng chất, sang mùa xuân sẽ phát triển trở lại. Cây dược liệu trồng ở An Toàn bị ảnh hưởng sương muối nên tốc độ phát triển của nó bị chậm hơn từ 1 năm đến 1 năm rưỡi so với trồng ở các địa phương khác. Nếu cây dược liệu trồng ở những vùng không có sương muối 3 năm cho thu hoạch, thì cây trồng ở vùng có sương muối phải hơn 4 năm mới cho thu hoạch”, anh Bùi Ngọc Hân giải thích.
Tuy nhiên, theo giải thích của ông Hồ Quang Thạch, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Bình Định - Trưởng nhóm chuyên gia dự án, thì hiện tượng “ngủ đông” của cây dược liệu là điều kiện để dược chất trong cây tăng cao hơn. Bởi, thời gian sinh trưởng của cây kéo dài do ảnh hưởng chênh lệch biên độ giữa ngày và đêm cao sẽ khiến cây càng có chất lượng. Vì lẽ đó mà dược liệu trồng ở vùng cao An Toàn cao hơn 5 - 7% so với dược điển theo đánh giá của BIDPHAR.
Viễn cảnh tươi sáng
Cuối tháng 10/2020, dự án chuyển giao kỹ thuật trồng cây thuốc bản địa chè dây cho đồng bào dân tộc thiểu số tại xã An Toàn khởi động. Ngay sau đó, Công ty BIDIPHAR sử dụng 1ha chè dây trồng từ lâu trong vườn dược liệu của mình tại xã An Toàn ươm nhân ra cây giống để cung cấp cho bà con. Những mô hình thí điểm cũng được lập tức triển khai với tổng diện tích 2,1ha. Đến nay, cây chè dây trong dự án đã được gần 5 tháng tuổi và đang phát triển rất tốt, nhờ bà con tuân thủ quy trình kỹ thuật do Ban điều hành dự án hướng dẫn.
Theo ông Hồ Quang Thạch, cán bộ Trung tâm Khuyến nông Bình Định - Trưởng nhóm chuyên gia dự án, người trồng chè dây không phải đầu tư gì, chỉ tốn công chăm sóc. Cây chè dây không phải bón phân hóa học để đảm bảo dược liệu sạch, chỉ bón phân chuồng 2 đợt/năm và tưới nước. Đó là nói chè dây trồng trên đất rẫy, chè dây trồng dưới tán rừng chỉ bón phân chuồng trong năm đầu tiên, từ năm thứ 2 trở đi không phải bón phân chuồng nữa, bởi đã có lớp thực bì mục dưới tán rừng làm phân hữu cơ tự nhiên bổ sung dinh dưỡng cho cây.
“Quy trình chuẩn do BIDIPHAR đưa ra là chè dây trồng trên đất rẫy có mật độ 50 - 50cm, trồng dưới tán rừng thưa hơn, cây cách cây khoảng 60 - 80cm. Chè dây trồng trên đất rẫy hay dưới tán rừng sau 1 năm là thu hoạch. 1ha chè dây đến thời kỳ thu hoạch sẽ cho năng suất khoảng 16 - 18 tấn chè tươi. Với mức giá hiện nay là 6.000 - 7.000 đồng/kg chè tươi, mỗi ha chè dây người trồng sẽ có thu nhập khoảng hơn 100 triệu đồng. Cuối tháng 4/2023 dự án chè dây sẽ kết thúc, sau đó sẽ chuyển giao cho bà con trồng đại trà thông qua mô hình khuyến nông. Khi ấy, mỗi gia đình chỉ cần trồng 2.000m2 chè dây sẽ có mức thu nhập tăng thêm 30 - 40%, sản phẩm thì đã có BIDIPHAR bao tiêu”, ông Hồ Quang Thạch phân tích.
Đến nay dự án đã phát huy hiệu quả ban đầu. Bà con đã biết thu hái theo hướng bảo tồn và bắt đầu tính tới chuyện trồng chè dây. Không chỉ người tham gia dự án, người dân trong làng đã đăng ký đặt mua giống tự trồng, có người trồng đến 2ha.
Anh Đinh Văn Lương (45 tuổi), nông dân ở thôn 1, xã An Toàn đang trồng 5.000m2 chè dây dưới tán rừng và 2.000m2 trên đất rẫy, trong đó có 100m2 cây giống. Theo anh Lương, chè dây trồng dưới tán rừng dễ sống và phát triển tốt hơn trồng trên đất rẫy. Bởi chè dây là cây bản địa, phù hợp sống dưới tán rừng hơn. Thêm vào đó, chè dây trồng trên đất rẫy mùa đông bị ảnh hưởng sương muối nên phát triển chậm hơn.
“Chè dây trồng trên đất rẫy của tôi đã phát triển dài đến 2m, có dây dài đến 3 - 4m. So với trồng trên đất rẫy chè dây trồng dưới tán rừng phát triển mạnh gấp 3 - 4 lần. Đồng bào trong làng bây giờ thích trồng chè dây lắm, rất nhiều người tự mua giống về trồng. Ở thôn 1 có gia đình anh Đinh Văn Là tự trồng 200m2 và hộ chị Đinh Thị Hằng tự trồng 500m2 trên đất rẫy, còn hộ ông Đinh Văn Trác tự trồng 500m2 dưới tán rừng. Trong thời gian tới, gia đình tôi sẽ trồng thêm chè dây trên đất rẫy để kiếm thêm thu nhập”, anh Đinh Văn Lương chia sẻ.
“Người dân xã An Toàn sống chủ yếu dựa vào nông nghiệp và chăn nuôi trâu, bò. Sản xuất nông nghiệp thì mỗi năm chỉ làm được 1 vụ lúa xuân hè. Chăn nuôi thì bấp bênh, bởi trên núi cao thì trâu bò bị giá rét, dịch bệnh uy hiếp, rủi ro rất cao, trong khi tập tục chăn nuôi của đồng bào thiểu số là thả rông chứ không nuôi nhốt. Do đó, đời sống của bà con còn rất khó khăn. Dự án chè dây thành công sẽ mở ra cơ hội cho người dân An Toàn cải thiện đời sống. Định hướng của chúng tôi là trong thời gian tới, những diện tích đất nông nghiệp sản xuất không hiệu quả sẽ chuyển hết sang trồng chè dây. Những vùng chè mọc tự nhiên sẽ được khoanh nuôi tái sinh để làm nguồn nguyên liệu cung cấp cho Công ty BIDIPHAR sản xuất dược phẩm”, ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, chia sẻ.