| Hotline: 0983.970.780

Kỳ vọng chè dây: Nguy cơ tận diệt giữa ‘thủ phủ’ dược liệu

Thứ Hai 14/03/2022 , 10:35 (GMT+7)

Chè dây, 1 loại cây dược liệu ở xã vùng cao An Toàn (huyện An Lão, Bình Định) có nguy cơ mất tích do kiểu khai thác tận diệt của người dân bản địa…

Sản vật của rừng già

Một lần lang thang trong Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn nằm trên địa bàn xã vùng cao An Toàn (huyện An Lão, Bình Định) cùng ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, tôi đã không khỏi choáng ngợp trước sự hùng vĩ của đại ngàn. Những cây rừng cổ thụ đứng hùng vĩ, từng cây hằn lên lớp vỏ dày dấu ấn của thời gian nằm ken dày như giấu trong thâm u những điều bí ẩn.

Trước đôi mắt không giấu được vẻ ngỡ ngàng của tôi giữa rừng già, ông Nam chậm rải sơ lược những tài sản quý báu mà Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn đang lưu giữ.

Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn có hệ thực vật và động vật mang tính đa dạng sinh học cao. Ảnh: V.Đ.T.

Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn có hệ thực vật và động vật mang tính đa dạng sinh học cao. Ảnh: V.Đ.T.

Với diện tích tự nhiên khoảng 22.450ha, Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn nằm trọn trên địa bàn xã An Toàn. Đây là khu vực có độ che phủ của rừng tự nhiên còn rất cao, hơn 88%. Trong đó, diện tích rừng nguyên sinh còn giữ được các mẫu chuẩn của tự nhiên còn khá lớn, hơn 52%. Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn có hệ thực vật và động vật mang tính đa dạng sinh học cao.

Về thực vật, trong Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn có đến 547 loài bậc cao có mạch thuộc 304 chi và 110 họ; về động vật có 300 loài thuộc 89 họ và 28 bộ của 4 lớp thú, chim, bò sát và lưỡng thê. Đặc biệt, trong số đó có 10 loài thực vật, 72 loài động vật thuộc diện quý hiếm và nguy cấp được ghi trong Sách đỏ Việt Nam. Ngoài ra, trong Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn đang có 4 loài thực vật cùng 14 loài động vật thuộc loài đặc hữu đang tồn tại.

Cây chè dây mọc rất nhiều ở bìa rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn. Ảnh: V.Đ.T.

Cây chè dây mọc rất nhiều ở bìa rừng trong Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn. Ảnh: V.Đ.T.

“Một số loài động vật đặc hữu, quý hiếm và nguy cấp được điểm danh như chà vá chân xám, chà vá chân đen, vượn má hung, khỉ mặt đỏ, nai, gà lôi vằn, mang lớn, trĩ sao và các loài thực vật như trắc mật, trầm hương, du mooc, hoa khế. Trong Khu bảo tồn thiên nhiên An Toàn còn có rất nhiều cây dược liệu bản địa, trong đó có cây chè dây. Theo Đông y, cây chè dây có dược tính chống loét dạ dày, giảm đau, kháng khuẩn, chống oxy hóa và đặc biệt hiệu quả với người bị nhiễm vi khuẩn HP”, ông Nam chia sẻ.

Cây chè dây trước nguy cơ bị tận diệt

Cách đây gần 5 năm, vào năm 2017, tôi có dịp “dạo rừng” cùng anh em trong Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn. Trên quãng đường lội bộ luồn sâu vào khu rừng già, thỉnh thoảng những anh trong đoàn dừng chân, luồn tay vào bìa rừng hái những dây lá màu xanh nõn. Hỏi ra thì biết ấy là chè dây, loại cây dược liệu bản địa mọc tự nhiên trong rừng, anh em hái về trưa nấu nước uống cho mát.

Chiều ấy, sau khi ăn bữa cơm tại bếp ăn tập thể của Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, anh em quây quần bên ấm chè vừa mới nấu nóng hổi. Chè dây không uống bằng ly nhỏ, nhấp từng ngụm như uống chè Bắc, mà được rót vào ly lớn uống ừng ực mới đã miệng. “Thấy đồng bào Bana ở An Toàn thường hái loại chè này ở trong rừng về nấu nước uống hàng ngày, anh em bắt chước làm theo. Dân làng nói uống nước chè dây trị được bệnh và mát người lắm. Uống riết thành nghiện, anh em đi rừng về là có mớ chè dây để nấu nước uống”, ông Nguyễn Hùng Nam, Giám đốc Ban quản lý rừng đặc dụng An Toàn, chia sẻ.

Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã An Toàn thu hái chè dây trong rừng bằng cách nhổ cả gốc. Ảnh: V.Đ.T.

Trước đây, đồng bào dân tộc thiểu số ở xã An Toàn thu hái chè dây trong rừng bằng cách nhổ cả gốc. Ảnh: V.Đ.T.

Theo người dân bản địa, trong rừng An Toàn có rất nhiều cây dược liệu, nhiều nhất là chè dây. Chè dây mọc khắp nơi trong rừng, nhiều nhất là ở bìa rừng và trên rẫy. Theo chia sẻ của anh Đinh Văn Lương (45 tuổi), người dân tộc Bana ở thôn 1, xã An Toàn, từ lâu món chè dây đã được người già trong làng mê mẩn. Lớp người trung niên và thanh niên trong làng bắt chước uống theo, sau đó đâm mê luôn. Thế là trong những chuyến đi rừng, đi rẫy, chè dây được bà con xã An Toàn thu hái để làm thức uống cho cả nhà. “Trước đây, bà con vào rừng thu hái chè dây bằng cách nhổ cả gốc mang về phơi khô để nấu uống dần, hoặc ngắt lá nấu chè tươi uống thường xuyên trong ngày. Thời gian sau này, chè dây còn được bà con thu hái để bán cho thương lái nhằm cải thiện đời sống”, anh Lương cho hay.

Khi cây chè dây “lọt vào mắt xanh” các thương lái chuyên mua bán các loại dược liệu để cung ứng cho các cơ sở chế biến thuốc Đông y, cộng với kiểu khai thác “tận gốc” của người dân bản địa, cây chè dây mọc tự nhiên trong rừng An Toàn dần cạn kiệt vì bị khai thác quá mức, có nguy cơ bị tận diệt.

Cây chè dây mọc tự nhiên trong rừng An Toàn dần cạn kiệt vì bị khai thác quá mức, có nguy cơ bị tận diệt. Ảnh: V.Đ.T.

Cây chè dây mọc tự nhiên trong rừng An Toàn dần cạn kiệt vì bị khai thác quá mức, có nguy cơ bị tận diệt. Ảnh: V.Đ.T.

Theo anh Bùi Ngọc Hân, cán bộ phụ trách kỹ thuật Ban quản lý dự án dược liệu sạch của Công ty Dược và trang thiết bị y tế Bình Định (BIDIPHAR), chè dây là cây bản địa được phân bổ đều khắp vùng rừng An Toàn, nhất là những vùng cao. Ngày xưa, mật độ cây chè dây mọc rất dày, nhưng bây giờ đã dần thưa thớt. Đồng bào ở An Toàn không có ý thức bảo tồn loại dược liệu quý này, gặp được là thu hái theo kiểu nhổ cả gốc. Không còn gốc để tái sinh, dần dà chè dây vắng bóng giữa đại ngàn.

“Do người dân địa phương khai thác quá mức theo kiểu tận diệt, nên hiện nay chè dây trong tự nhiên cạn kiệt dần. Nếu không tổ chức trồng lại thì e rằng chẳng bao lâu sau, cây chè dây, một loại dược liệu quý sẽ có nguy cơ bị tận diệt”, anh Hân nói đầy lo lắng.

Nền tảng để phát triển chè dây

Trước thực tế khai thác bừa bãi của người dân địa phương, tiên lượng cây dược liệu ở vùng rừng An Toàn không sớm thì muộn sẽ cạn kiệt, để chủ động nguồn nguyên liệu, BIDIPHAR đã tự gầy dựng cho riêng mình vùng dược liệu tại “cổng trời” An Toàn với diện tích hơn 75,5ha, nhằm tránh phụ thuộc vào nguyên liệu thu hái trong tự nhiên hoặc nhập khẩu, trong đó, cây chè dây là đối tượng được quan tâm trước tiên.

Từ năm 2018, BIDIPHAR đã triển khai dự án nuôi trồng dược liệu sạch theo tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO) tại xã An Toàn với tổng mức đầu tư hơn 85 tỷ đồng. Dự án được chia thành 2 giai đoạn, giai đoạn 1 hình thành trung tâm nghiên cứu, trồng và chế biến dược liệu với diện tích 11,85ha, giai đoạn 2 sẽ hình thành khu trồng và chế biến dược liệu với diện tích  63,74ha trên địa bàn 3 thôn 1, 2, 3 xã An Toàn.

Chè dây do Công ty BIDIPHAR trồng trong dự án 'Nuôi trồng dược liệu sạch theo tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO) tại xã An Toàn. Ảnh: V.Đ.T.

Chè dây do Công ty BIDIPHAR trồng trong dự án “Nuôi trồng dược liệu sạch theo tiêu chuẩn thực hành tốt nuôi trồng và thu hái dược liệu theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (GACP-WHO) tại xã An Toàn. Ảnh: V.Đ.T.

Theo Dược sĩ chuyên khoa I Nguyễn Đức Thiệp, Trưởng Ban Quản lý Dự án trồng dược liệu sạch của BIDIPHAR, mục tiêu của dự án là nuôi trồng và phát triển dược liệu thành vùng nguyên liệu tập trung của miền Trung. Xây dựng cơ sở nghiên cứu, sản xuất cây dược liệu đáp ứng tiêu chuẩn của GACP-WHO. Bảo tồn, phát triển bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên, góp phần nâng cao chất lượng dược liệu, nâng cao giá trị dược liệu Việt Nam trong khu vực và trên thế giới. Đặc biệt, dự án này còn góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng bền vững, lâu dài, tạo việc làm và nâng cao mức sống cho lao động địa phương, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại vùng cao An Toàn.

“Trung tâm nghiên cứu và chế biến dược liệu có nhiệm vụ lưu trữ và phát triển nguồn gen các loại dược liệu trong tự nhiên. Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chọn tạo, thuần hóa và phát triển các loại giống cây dược liệu đặc trưng trong khí hậu á nhiệt đới; cung cấp giống cây dược liệu có chất lượng và năng suất cao phục vụ cho nhu cầu sản xuất cây dược liệu. Nghiên cứu quy trình kỹ thuật về trồng trọt, chế biến, chiết xuất dược liệu và tinh dầu dược liệu phù hợp theo nguyên tắc GACP-WHO, đồng thời triển khai trồng trên quy mô lớn theo quy trình đã nghiên cứu và đạt tiêu chuẩn GACP-WHO. Đến nay, BIDIPHAR đã có 4 loại dược liệu đạt chứng nhận GACP-WHO, đó là chè dây, đương quy, thìa canh và cà gai leo”, dược sĩ Nguyễn Đức Thiệp cho hay.

Xem thêm
Quốc hội sẽ bầu Chủ tịch Quốc hội trước sau đó bầu Chủ tịch nước

Công tác nhân sự sẽ được Quốc hội khóa XV thực hiện từ 20-22/5, trong đó chức danh Chủ tịch Quốc hội sẽ được bầu trước, sau đó là chức danh Chủ tịch nước.

Đông Nam bộ đủ nước cho vụ hè thu

Đông Nam bộ đã bắt đầu bước vào mùa mưa. Mực nước hiện tại ở các hồ chứa trong khu vực có khả năng đáp ứng đủ cho sản xuất vụ hè thu.

Du khách ở TP.HCM sắp được trải nghiệm xe điện

TP.HCM Sẽ có 70 xe điện được đưa vào phục vụ khách. Thời gian hoạt động từ 6-24 giờ hằng ngày, thí điểm trong 2 năm (từ quý II/2024 đến hết năm 2025).

Tây Ninh đã có thiệt hại do mưa lớn, dông lốc

Cơn mưa lớn chiều các ngày 16/5 và 17/5 đã khiến cho địa bàn tỉnh Tây Ninh có những thiệt hại đầu tiên về của. Rất may không ai bị thương, nguy hiểm tính mạng.